Một cô bé 16 tuổi mắc bệnh máu trắng, luôn khát khao được đặt chân tới nước Úc xa xôi.
Một cậu bé 16 tuổi đã làm tất cả để biến nguyện ước của cô bé thành hiện thực, nhưng không thành.
Dang dở, đau thương, tuyệt vọng, nhưng người ở lại vẫn phải tiến về phía trước, dù quá khứ có đớn đau, nghiệt ngã.

Socrates in love review

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Bi kịch tình yêu, bi kịch tuổi trẻ

Trước hết, cần phải khẳng định rằng Socrates in love thật sự là một tác phẩm viết về tình yêu thuần túy. Thứ tình yêu tuổi trẻ, tuổi học trò với đủ đầy những cung bậc cảm xúc ngây ngô, vụng dại, đam mê, sợ hãi, tò mò cùng cả sự liều lĩnh, sẵn sàng bất chấp tất cả… Nhưng đến cuối cùng, câu chuyện tình yêu trong Socrates in love không phải một chuyện tình màu hồng, dành cho những tâm hồn muốn tìm đến sự dễ dãi, đọc xong rồi quên luôn; càng không phải cuốn sách dành cho những ai yêu thích các tác phẩm tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập, plot twist liên tục.

Bởi Socrates in love được tạo dựng lên từ chữ bi thao thiết mang tính truyền đời, là bi kịch tình yêu và bi kịch tuổi trẻ của những dở dang không thành, của những cố gắng đi vào ngõ cụt và của những yêu thương rất nhiều nên khi chia xa, lại càng đau thấu tới tận tâm can. Đó là câu chuyện đọc để cảm nhận từng đau thương qua mỗi lời văn, câu kể được xuất phát từ một người kể chuyện, xưng “tôi” tự kể lại vết thương cậu từng trải qua. Để độc giả nhận ra, từ ngôi kể thứ nhất ấy, ta như chạm được tới và đau cùng một nỗi đau với chính nhân vật.

Bằng lối kể chuyện liên tục đan xen hai mảng thời gian: thời gian thực tại – thời gian kí ức, tác giả Katayama Kyoichi đã dẫn dắt độc giả lần lượt đi từ không gian này tới không gian kia. Đó là không gian quá khứ, không gian tâm tưởng bàng bạc trải rộng suốt hai năm, từ năm lớp 8 đến năm lớp 10 khi cậu bé Sakumoto nhớ lại những ngày cậu còn ở bên cô bạn gái Aki. Không gian đấy kéo dài từ lớp học tới ngoài lớp học, từ căn nhà của ông nội Sakumoto tới bệnh viện Aki điều trị. Và không gian trong Socrates in love còn là không gian tâm thức hiện tại, khi Sakumoto co mình lại vào nỗi đau khôn nguôi không dứt ngày Aki không còn trên cõi đời.

Đan xen liên tục hai mảng không – thời gian khác nhau, quá khứ êm đềm, tươi đẹp, hồn nhiên, trong sáng bao nhiêu thì hiện tại u ám, buồn thương bấy nhiêu, tác giả đã thực sự tái hiện và khắc sâu nỗi đau của một cá nhân vào trái tim độc giả.

Bên cạnh lối kể chuyện lớp lang, đan xen như những móc xích sự kiện ký ức cùng tình tiết thực tại; ở Socrates in love, tác giả Katayama Kyoichi còn sử dụng liên tiếp những chi tiết mang tính dự báo trước cho đoạn kết của câu chuyện.

Mối tình dở dang giữa ông nội Sakumoto với người tình thời trai trẻ, hai người yêu nhau không đến được với nhau, hẹn ước thời trẻ dở dang đến nỗi, ông đã phải nhờ cậu cháu trai, đi trộm một phần tro cốt của người phụ nữ ông yêu như níu giữ cuối cùng của ông với mối tình khắc cốt ghi tâm. Chuyện tình ấy, lần nữa lại ứng nghiệm vào người cháu trai 16 tuổi khi Sakumoto – Aki cũng cách biệt đôi bờ sinh tử và cậu bé, cũng giữ một phần tro cốt Aki như giữ lấy một phần tâm hồn cậu đã mất cùng cái chết của người con gái cậu yêu thương.

Hay chi tiết năm 15 tuổi, Aki từng đứng lên đọc diễn văn trong đám tang của một người bạn. Và một năm sau, một người bạn cùng lớp khác đã đứng lên đọc diễn văn trong chính đám tang của cô.

Socrates in love, rất nhiều sự kiện vừa mang tính điềm báo, vừa mang tính truyền kiếp, cứ vận vào mỗi con người mà trở thành bi kích kéo dài không dứt. Từ đấy mà trở thành liều thuốc thử đầu tiên của một chàng trai khi phải đối diện trước nghịch cảnh, là vấp ngã đầu đời của một con người trước ngưỡng cửa trưởng thành. Bởi thế, bi kịch tình yêu trong Socrates in love còn là bi kịch tuổi trẻ của hai đứa trẻ, một người vĩnh viễn để lại tuổi xuân nơi đất lạnh và một người vĩnh viễn mang theo nỗi đau âm ỉ, dẫu trưởng thành thì đau thương ấy chỉ chìm vào ký ức mà chẳng thể lãng quên. “Không phải bởi buồn đau. Mà bởi khi chào từ biệt giấc mơ hạnh phúc để trở về với hiện thực phũ phàng, ở giữa là một vực thẳm khôn cùng, nếu không trào nước mắt thì chẳng có cách nào vượt qua được. Dẫu đến bao nhiêu lần cũng vậy mà thôi.”

Socrates in love

Sống trọn đến hơi thở cuối cùng

Tràn ngập trong tiểu thuyết Socrates in love là những biến thể khác nhau của cái chết. Bóng hình cái chết lẩn quất trong mọi câu văn, mọi hình ảnh, trong ấn tượng của người còn sống và trong dáng hình người đã khuất. Đó là những cái chết thật sự hiện hữu: người tình của ông nội Sakumoto, người bạn năm lớp 9 hay cả cô bé Aki. Đó là cái chết trong tâm tưởng của Sakumoto khi Aki ra đi khiến cậu chỉ biết khóc vào mỗi đêm vắng. Và cái chết còn được phác họa trong những cảnh sắc tiêu điều trên trang sách: biển tĩnh lặng bủa vây ký ức con người, sa mạc trải dài bất tận dưới ánh nắng chói chang, hòn đảo chết với khu nhà nghỉ bỏ hoang ẩm thấp, bẩn thỉu, không điện, không cách liên lạc với đất liền… “Chúng tôi đã xuất phát từ nơi bốn bề tuyết phủ trắng xóa, giờ chuẩn bị hạ cánh xuống một thành phố đang oằn mình dưới nắng hè rực rỡ.

Nhưng dẫu viết về những bi kịch đau thấu tâm can, dù cảm thức về cái chết vẫn liên tục trở đi trở lại và trở thành một thứ cảm thức ám ảnh, nhức nhối trong Socrates in love thì đến tận cùng, câu chuyện Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới ấy không phải một tác phẩm nhằm hướng người đọc tới sự tuyệt vọng. Mà tác giả Katayama Kyoichi tái hiện bi kịch cái chết để nói chuyện sự sống, lẽ sống và cách sống ở đời. Sống trọn vẹn từng giây từng phút, sống tận lực tận hiến cho tới khoảnh khắc cuối đời, sống có đam mê, có ước vọng và mãi đuổi theo khát vọng kể cả khi sức lực cạn kiệt. Sống trong hôm nay và sống trong ngày mai, sống cho bản thân và sống cho cả phần của những ai đã khuất.

Như cách cô bé Aki đã mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật như thế nào. Aki là tạo tác của chữ bi trong tác phẩm. Một cô bé xinh đẹp, hồn nhiên. 16 tuổi, cô bé ấy còn cả tương lai rộng mở phía trước. Nhưng căn bệnh máu trắng quái ác đã như đóng sầm cánh cửa ngày mai của Aki. Em gần như không còn tương lai, em chỉ còn hiện tại là mỗi ngày em đang sống. Nói Aki không buồn, thậm chí không tuyệt vọng trước căn bệnh hiểm nghèo em mắc phải là nói dối. Nhưng chính vì nỗi buồn bủa vây đó mà Aki càng thêm thấu hiểu và trân trọng việc được sống biết bao. Để cho tận tới khoảnh khắc cuối cùng, em vẫn mơ ước và nỗ lực vì mơ ước đấy. Giấc mơ sang Úc mãi là giấc mơ của Aki, nhưng đó lại chính là lời khẳng định cho sự hiện hữu của em với cuộc đời, rằng em đã sống cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy đam mê như thế nào.

Đó còn là Sakumoto, người đã đồng hành với Aki và nâng bước cho giấc mơ của em. Trong tiến trình phát triển câu chuyện, Sakumoto là sự hiện diện đầy đặc biệt. Cậu là người kể chuyện, xưng tôi, mọi cảm xúc trong câu chuyện đều được nhìn từ ánh nhìn cá nhân, chủ quan của cậu. Cậu đóng vai trò như một dấu gạch nối, nối kết câu chuyện quá khứ xa xưa giữa ông nội cậu với một người phụ nữ đã khuất, cùng câu chuyện hiện tại giữa cậu với Aki, cả câu chuyện tương lai sau này khi cuộc sống cậu vắng bóng Aki rồi. Nếu Aki là cô bé dám mơ và theo đuổi giấc mơ thì Sakumoto là chàng trai dám biến giấc mơ của Aki thành hiện thực.

Cùng Aki, Sakumoto cũng sống những tháng ngày tuổi trẻ không hề hối tiếc: làm những việc chưa từng làm, không buông bỏ kể cả khi biết rằng có thể mọi chuyện sẽ không đạt tới kết quả. Nên với Sakumoto, mất Aki, cậu cũng mất đi một phần tâm hồn. Nhưng cuộc sống vẫn chảy trôi không ngừng, con người không thể mãi chìm đắm vào tuyệt vọng. Sakumoto đứng dậy từ đau thương để sống tiếp phần của cậu và thay phần Aki, cảm nhận thế giới. “Tôi lấy từ trong túi áo khoác ra chiếc lọ thủy tinh nhỏ. Tôi đã định mang theo nó suốt cuộc đời mình. Nhưng, hẳn là tôi không cần làm vậy nữa. Thế giới này luôn có khởi đầu và kết thúc. Aki ở cả hai nơi ấy. Tôi bỗng cảm thấy như thế là đủ.”

Đi từ bi thương đến hi vọng, Socrates in love đã vượt qua ranh giới của câu chuyện tình yêu tuổi học trò, mà trở thành câu chuyện của tình yêu cuộc sống như vậy đấy.

Socrates in love nha nam phat hanh

Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới, tiếng gọi cuộc sống từ sâu thẳm tâm hồn

Socrates in love – Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới, tên tác phẩm thật sự rất gợi và mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ.

Đó có thể là tiếng gọi của Sakumoto hướng tới Aki khi cậu cùng gia đình Aki mang tro cốt cô bé tới rải ở một “thảo nguyên vàng úa” tại nước Úc xa xôi. Đó có thể là tiếng Sakumoto gọi Aki vào giây phút cậu nhận ra, Aki đang sống giữa hai bờ khởi đầu – kết thúc rồi rải lọ tro của cô theo cơn gió bay theo những cánh hoa anh đào. Và nếu coi mỗi con người là một tiểu vũ trụ, thì tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới cũng là tiếng gọi tình yêu từ trái tim, tâm hồn vang vọng.

Nhưng dù mang ý nghĩa thế nào, thì Socrates in love – Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới vẫn là tiếng gọi yêu đời, yêu sống tới cuồng nhiệt của những con người dám sống và yêu hết mình.

Link mua sách:

Mọt Mọt