“3 phút sơ cứu” là cuốn sách trang bị cho mỗi người kiến thức tối cơ bản để biết cách xử lý ban đầu giúp kiểm soát các tình huống tai nạn cũng như bệnh tật thường gặp trong cộng đồng, với tiêu chí ngắn gọn – rõ ràng – an toàn – hiệu quả.

Sau tự truyện “Để yên cho bác sĩ hiền” phát hành năm 2018 với những tâm sự tự đáy lòng của một người hành nghề Y có phần dí dỏm và xéo sắc, đầu năm 2020 bác sĩ Ngô Đức Hùng trở lại với bạn đọc bằng cẩm nang khoa học “3 phút sơ cứu” với phong cách khác hẳn, ngắn gọn và nghiêm túc, nhờ đó mà dễ hiểu và dễ áp dụng.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Cuốn sách cần thiết cho mỗi cá nhân và gia đình, được hoàn thiện dưới sự cố vấn của Phân hội Cấp cứu Việt Nam – VSEM.

3 Phút Sơ Cứu reviewsachonly (3)

Một cuốn cẩm nang sơ cứu cho cộng đồng.

Tác giả mất 1 năm lên ý tưởng, 300 trang bản thảo, 700 ảnh chụp trước khi hoàn thành cuốn sách “3 phút sơ cứu”. Sách in màu, gồm 5 chương, 54 chủ đề. Cấu trúc mỗi chủ đề gồm 3 phần:

A. Bạn cần biết: Thông tin cơ bản về dịch tễ học, biểu hiện đơn giản, nếu để tự nhiên không can thiệp gì sẽ ra sao?

B. Bạn cần làm: Những điều bạn cần thực hiện.

C. Nên và không nên: Phân tích các kinh nghiệm dân gian đúng hay sai, tác động vào thời điểm nào, hậu quả ra sao. Từ đó người đọc sẽ tự quyết định có nên áp dụng hay không.

“Nếu CHỈ cần LÀM đúng, hãy đọc phần B.
Nếu muốn BIẾT hơn, hãy đọc thêm phần A.
Nếu muốn HIỂU vấn đề sâu hơn nữa, hãy đọc nốt phần C.”

Ngoài ra còn một phần cảnh báo tóm lược cần đọc và nhất thiết không được quên trong từng chủ đề, được đóng khung dễ chú ý.

54 chủ đề của “3 phút sơ cứu” hoàn toàn dựa vào thực tế trong nước. Bác sĩ Ngô Đức Hùng xác định đây là cuốn sách dành cho cộng đồng nên nội dung phải thiết thực cho người đọc, không phải để khoe mẽ kiến thức của người viết. Vậy nên các chủ đề đều dựa vào các tổng kết nhóm bệnh lý cơ bản và thường gặp nhất ở Việt Nam.

Theo một tổng kết nhóm nguyên nhân ngộ độc thường gặp tại một bệnh viện huyện năm 2019 do bộ môn Hồi sức cấp cứu trường Y Hà Nội hướng dẫn cho thấy 66,6% nhóm người bệnh tại địa phương này nằm viện tại khoa cấp cứu chống độc là do ong đốt, rắn cắn và rết đốt. Đây cũng là những chủ đề chính trong sách.

Với những nhóm nguyên nhân thường gặp này, nếu hiểu đúng, xử trí đúng sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc phải, như dị ứng, nhiễm trùng, sưng nề. Trong y học, chỉ cần giảm được 1% nguy cơ đã là điều đáng làm!

Khi xảy ra tình huống y tế khẩn cấp, việc không nhớ nổi cần làm gì là chuyện hết sức bình thường. Vậy nên, có một quyển cẩm nang sơ cứu bên cạnh là điều cực kỳ hữu ích.

Ý nghĩa “sơ cứu” và “3 phút”.

Hằng ngày, mỗi người dễ dàng bắt gặp một tình huống thương tích hoặc bệnh tật diễn ra bất ngờ. Tình huống đó có thể xảy ra với chính bản thân hoặc mọi người xung quanh là người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể, mỗi người phải quyết định việc cần làm để đảm bảo an toàn cho người bị nạn, cũng như không tự đẩy mình vào các mối nguy hiểm không đáng có (ví dụ tiếp xúc với máu, chất tiết của nạn nhân có bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn như người nhiễm HIV, viêm gan virus B…)

“Sơ cứu”, hay còn gọi “sơ cấp cứu”, là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn tại cộng đồng, có thể có sự can thiệp tạm thời trong một tình huống nghiêm trọng trước khi có sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ hoặc nhân viên y tế chuyên nghiệp.

Vì sao lại là 3 phút?

3 phút là khoảng thời gian để cơ thể tiết ra adrenalin, hormon sống còn giúp máu về tim tốt hơn. Nếu sơ cứu không đúng cách, máu về tim sẽ tồi hơn và các tế bào sẽ rối loạn chuyển hóa.

3 phút là thời gian máu chảy trước khi cơ thể khởi động quá trình cầm máu. Nếu sơ cứu không đúng cách, quá trình cầm máu sẽ tồi hơn và giết chết các tế bào được mạch máu đó nuôi dưỡng.

3 phút là thời gian tế bào não có thể chịu đựng được khi thiếu oxy trước khi tổn thương vĩnh viễn. Nếu sơ cứu không đúng cách, tế bào não sẽ tổn thương không hồi phục và lúc ấy các can thiệp y khoa sẽ trở thành vô nghĩa.

Cuốn sách “3 phút sơ cứu” không thể thay thế được các chương trình đào tạo về kỹ năng sơ cứu từ các chuyên gia, nhưng sẽ đem lại cho người đọc những kiến thức đúng đắn để hiểu biết hơn và có thái độ tốt hơn trong việc hợp tác và xử lý ban đầu các trường hợp cần hỗ trợ về y tế khẩn cấp khi chưa có nhân viên y tế bên cạnh. Còn muốn từ kiến thức trở thành kỹ năng, mỗi cá nhân phải rèn luyện rất nhiều.

3 Phút Sơ Cứu reviewsachonly (1)

Trong sơ cứu, thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống.

Khi có tình huống khẩn cấp về y tế xảy ra, tiêu chí nhanh không phải ưu tiên hàng đầu, mà tiêu chí an toàn mới là cốt lõi.

An toàn cho người tham gia sơ cứu, an toàn cho người bị nạn.

Nếu không chắc hành động của mình đúng hay không, tốt nhất hãy lui lại và kiên nhẫn chờ giúp đỡ. Việc không làm tình trạng người bệnh nặng hơn đã là tốt lắm rồi.

Ngay cả đối với người có kỹ năng sơ cứu, khi xảy ra tình huống bất ngờ, đặc biệt là người thân trong gia đình, sự bối rối bắt đầu từ quá quan tâm lo lắng là hết sức bình thường. Quyển hướng dẫn “3 phút sơ cứu” sẽ giúp giảm thiểu sai lầm.

Lý do ra đời “3 phút sơ cứu”.

Xuất phát từ 15 năm làm việc tại phòng cấp cứu, chứng kiến những hậu quả hết sức đáng tiếc của việc nhiệt tình nhưng không đúng cách, người bệnh phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Những vụ tai nạn giao thông vận chuyển không đúng cách làm tổn thương đốt sống cổ và liệt vĩnh viễn. Những vụ người sơ cứu tự làm tổn thương chính mình, thậm chí tính mạng khi tham gia cứu người…

Bác sĩ Ngô Đức Hùng mong muốn “3 phút sơ cứu” sẽ giúp cho mỗi người tự trang bị được kiến thức tối cơ bản về các tình huống tai nạn cũng như bệnh tật thường gặp tại cộng đồng, và cách để mỗi người bình tĩnh trước chúng. Đơn giản hơn như bị bỏng nước sôi, chảy máu mũi thì cần làm gì? Nếu bị một vết đứt da thì chăm sóc và theo dõi nó ra làm sao?…

3 Phút Sơ Cứu reviewsachonly (4)

Hơn hết, thời gian gần đây mạng xã hội phát triển, người người nhà nhà tự đưa ra những khuyến cáo phản khoa học đi ngược với tiêu chí thông thường. Trong khi người dân chưa được trang bị kiến thức cơ bản để phân tích các trào lưu đó có đúng hay không. Ví dụ: lấy hạt chanh, cây lưỡi hổ chữa rắn cắn; lấy châm kim nặn máu 10 đầu ngón tay chữa đột quỵ…

Kẻ đưa tin sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm, còn người làm theo sẽ gánh hậu quả.

Bao nhiêu năm chiến đấu với các thánh và các trào lưu ấy, bác sĩ Ngô Đức Hùng nhận ra rằng thay vì ngồi than thở, mỗi người hãy góp một tiếng nói xây dựng nó tốt đẹp hơn lên. Ít nhất, công sức của bác sĩ cũng cảnh báo được đến nhiều người.

Nhiều người biết, sẽ nhiều người làm đúng.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng luôn hy vọng những kỹ năng và kiến thức người đọc lĩnh hội được từ “3 phút sơ cứu” sẽ không bao giờ phải dùng đến. Nhưng nếu một ngày nào đó, một trường hợp bất khả kháng không may xảy ra, bạn đọc sẽ là người có thể giúp đỡ cho người xung quanh mình một cách an toàn và hiệu quả.