Lỏn lẻn, chân thành, dịu dàng mà đầy nghiêm túc, mỗi câu chuyện nho nhỏ trong tập tản văn nhắc ta về một mảnh ghép thật đẹp của cuộc đời, lôi ta khỏi ồn ã hư danh, giục ta mau lo quay về, mà sửa soạn lại hạnh phúc của đời mình, nhanh lên, còn kịp!! 

Biển của mỗi người – Biển của những chữ thật đẹp ùa vào lòng những con sóng nhẹ nhõm, thênh thang. 

Nhiều người biết đến Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận. Nhưng bên cạnh tác phẩm đầy ám ảnh đến thế, chị Tư còn cả kho tàng truyện ngắn, tản văn đẹp vô ngần. Có thể kể đến như Ngọn đèn không tắt (2000); Biển người mênh mông (2003), Yêu người ngóng núi (2009), Khói trời lộng lẫy (2010), Gáy người thì lạnh (2012)… Biển của mỗi người cũng là một trong số đó. 

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tập tản văn được xuất bản năm 2015, đẹp từ câu chữ, đẹp từ ý nhìn, đẹp những tâm tư gửi gắm trong trang viết, đẹp trong cả những nỗi buồn lay lắt về kiếp nhân sinh con người cứ đeo bám dai dẳng chữ nghĩa Nguyễn Ngọc Tư suốt bao năm.

Chỉ độ 2 chục tản văn và truyện ngắn đan xen, ta thấy qua Biển của mỗi người những mảnh đời hiện ra khi sáng khi tối, những niềm vui khi nở khi tàn, nụ cười khi tròn khi méo. Người đọc khi thảng thốt nhận ra mình vừa đánh rơi cái gì quý giá, khi lại bồi hồi nức nở trôi lại tuổi thơ, lúc lại bâng khuâng trước một sự đối đãi ấm áp chân tình của một người dưng nước lã.  Càng đọc, lại càng thấy chứa chan, da diết. 

reviewsach.net bien cua moi nguoi
Ảnh: @vinhism

Những cái mầm xanh gieo vào đời sống vội

Xã hội càng hiện đại, Biển của mỗi người lại càng là viên ngọc quý, là mảnh vườn đầy những trái ngọt đầu mùa, để ta sà vào mà hái, mà nằm, mà ngả ngớn tận hưởng mùi cỏ thơm an lành, ngửa mặt cho trời xanh thanh thản chảy vào lòng, để mà từ đó biết tiếc, biết buồn thay cho cả một thế hệ đã lỡ mất những cái đẹp tinh khôi này. 

Đó là cả một triền tuổi thơ ủ thơm trong mùi rơm rạ mới. Thấy ta đang nô đùa với trong cái xóm nhỏ ngó ra con kinh nghiêng chắt nước lên đồng, thấy đứa nhóc đen thui với cái xương vai nhô lên bén ngót lấp ló qua cái bờ tre cong muốn vẹo lòng. “Để rồi mỗi lần cây so đũa rụng bông trắng xoá một góc đường báo tin mùa rơm mới, lại buồn bã không một sân ga, một bến tàu nào đưa con mình về thẳng cánh đồng tháng 9 xôn xao rơm rạ cùng mình. Con chỉ có thể loanh quanh trong căn phòng chật, mòn quẩn với đồng đồ chơi nhựa và những cổ tích kể lại. Ý nghĩ đó làm tôi muốn khóc!

(Trích Rơm rạ xốn xang)

Đó là mỗi sáng ta thấy mình thức giấc trong những bình minh lặp lại không bao giờ thấy mặt trời lên. Vội vã áo quần, vội vã tất giày, vội vã phấn son rồi ào ra đường, ào qua ngày, qua tháng, qua năm. Ta ào qua bao nhiều mùa mưa mùa nắng, qua cả bao nhiêu người ta thương không kịp quay đầu. 

Đó là khi ta thấy mình đang dần hóa đá, hóa tượng với cái vẻ “gồng” bắt chước cho giống ai đó ta giả vờ là, cho hợp với cái vai trò xã hội đang úp chụp lên mình, khiến cái hồn nhiên, tự do tự tại, cái chính khí của mình bị lấn át và bỏ lơ lúc nào.  

Biển của mỗi người – khu vườn đầy trái ngọt đầu mùa để ta sà vào hái.

Văn học là nhân học

Có lẽ hiếm có tác phẩm nào lại lột tả cái “nhân học” của văn chương ấy rõ đến thế như Biển của mỗi người. 

Nhân học là gì, nếu chẳng phải là cái động lực nuôi lớn một hoài bão, một khát vọng. “Buổi chợ đầu đời ám ảnh mãi mãi, để 28 năm sau nó ngồi nhớ lại vẫn thấy cảnh mình đi chợ về te te lấy sách ra ngồi học, bởi không muốn lớn lên trồng trầu và rau húng lủi, vẫn nhớ trong tô hủ tiếu đầu tiên được ăn ở buổi chợ đầu đời háo hức chờ từ 3 rưỡi sáng sao có dư vị trầu cau xé họng, và đi bằng xuồng chèo thì chợ của người chợ xa lắm, rất xa”. (Trích Buổi chợ đầu đời)

Nhân học là gì, nếu chẳng phải là biết động lòng trước cái ấm áp của tình người lúc xa quê. “Gặp những con người luôn biết ngẩng lên và mỉm cười, những người dưng “đôi khi nói vài câu bỗ bã làm trùng lòng đứa giang hồ vặt. Mà chủ nhân của nụ cười, câu nói đôi khi chẳng biết mình vừa làm điều kỳ diệu, để những con người thiếu thốn tình thương, đang lạc lõng khi xa nhà, nhìn thấy ở đám đông xa lạ chất người”. (Trích Người dưng)

Nhân học là gì nếu không phải là giúp ta sống chậm lại để nhận ra tình yêu da diết với một miền quê. “Đó là những con người Bến Tre sống chậm mà dịu dàng, dễ thương, mà nhìn vào mắt người Bến Tre thấy niềm vui ngọt lành ánh lên, thấy ký ức mơ màng trở về những chuyến phà. Chuyến phà mang vẻ mặt cô gái sầu muộn, làm cho nhịp sống đô thị ngẩn ngơ, dừng lại bên kia những con sông. Quãng thời gian nó chạy lòng vòng quanh những cái cồn xanh um cây trái đủ để người ta rũ hết bụi đường. Và hít thở gió sông, và thấy lòng lành những vết.” (Trích Bến Tre)

nguyen ngoc tu review sach bien cua moi nguoi
Ảnh: @hwphong

Những nhân vật trong từng truyện ngắn và tản văn của chị Tư hầu như không tên, chỉ là cô, cô bé, ông già, thằng nhỏ, bà già…nhưng ta thấy phảng phất trong đó có mình, có bạn mình, một ai đó mình từng biết, thậm chí ông bà, ba mẹ, người thân của chính mình. Có lẽ cũng bởi thế mà nó mới đủ sức nặng để kéo ta chậm lại.

Biển của mỗi người – câu chuyện của những nhân vật không tên, chỉ là ông già, bà già, con bé, cô bé… nhưng ta thấy cả thế giới quanh mình trong đó.

Người đau đáu trước những phận người

Đi suốt bao nhiêu năm cầm bút, mỗi tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vẫn đều dấm dứt mỗi nỗi xót thương. Trong Biển của mỗi người, hiện lên bao chân dung: Người phụ nữ có chồng lấy tiền đi nuôi gái vẫn kiên trì chạy xe ôm khắp các ngõ hẻm Sài Gòn nuôi gia đình; những anh hiệp sĩ được báo chí ngợi ca, nhưng ai thấy cái ám ảnh về đau đớn của da thịt bị xé rách, còn cái ám ảnh là sự thất vọng, tuyệt vọng khi nhận ra cái tốt sao mà nhỏ nhoi, lẻ loi, yếu đuối, cô đơn phía sau máy quay… Nhưng con người ấy, là hàng xóm của ta, là anh em hoặc người ta quen biết, nhưng đã bao giờ ta nhìn đủ sâu để đủ hiểu những cuộc đời ấy hay chưa. 

Những con chữ chẳng kỳ vọng sẽ đem lại phép màu nào cho những xót thương ấy, nhưng nó là ánh sáng chiếu rọi vào để ta nhìn thấy và ít nhất biết rằng nó tồn tại, ít nhất không thờ ơ, ít nhất nhen nhóm một sự thay đổi nào đó trong chính mình, để mà đời mình tốt đẹp hơn. 

Thực sự, đã lâu rồi, không tìm lại được những trang viết đẹp đến vậy. Từng chữ như trái chuối hương, trái na dai đầu mùa được trông chờ, được vun xới bằng thời gian, lại được hái, được dấm chín rồi mới hái xuống và cho đem cho người.