Trong nội bộ Lục quân Đế quốc Nhật Bản, tổn tại một tổ chức tình báo có tên là Cục D. Và thành lập nên Cục D là Trung tá Yuki, người đàn ông bí ẩn với biệt danh Ma Vương. Những con người ở Cục D, không xuất thân từ trường đào tạo lục quân, họ là các anh tài xuất chúng, sống và làm việc trái ngược với tư tưởng võ sĩ đạo. Với họ, “Điệp viên là một tồn tại vô hình”; với họ, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng “không được giết, không được chết”, và với họ, sai lầm dẫu có nảy sinh, cũng sẽ là một phần của kế hoạch.

Joker Game 3 Koji Yanaji

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Sai lầm có xuất hiện cũng là một phần của kế hoạch.

Nếu như trong tập 1 và tập 2 của series Joker game, tác giả Koji Yanagi đã tạo dựng lên chân dung các thành viên của Cục D như những con người hoàn hảo nhất trong công tác điệp viên. Từ cách họ ẩn thân để tự biến mình thành một “tồn tại vô hình” cả trong danh tính, nhân hình, hành động làm việc cẩn mật không được tạo sự chú ý, “không được giết” đến tôn chỉ làm việc của họ vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng “không được chết”, “phải sống để còn trở về báo cáo.” Những con người đó, dẫu “vô hình” song có một thứ đầy tính hữu hình, hiện hữu, chính là lòng tự tin gần như kiêu ngạo của kẻ tài năng xuất chúng.

Và tới tập 3, Joker gam 3 – Paradise Lost, độc giả sẽ biết thêm một khía cạnh khác nơi kẻ tài năng xuất chúng ấy. Trong cuộc sống, trong quá trình tác nghiệp, dù có lường trước mọi đường đi nước bước thì con người cũng không thể bao quát toàn bộ mọi trường hợp bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát xảy đến. Nhưng người điệp viên ngay trong hoàn cảnh ngặt nghèo, ngỡ là sai lầm phát sinh tưởng chừng sẽ phá hủy kế hoạch dày công tạo dựng thì họ cũng sẽ biến sai lầm đó thành điểm đột phá để hoàn thành nhiệm vụ.

Như Shimano, việc anh để cho bản thân bị đánh ngất và mất ký ức tạm thời là sự thật, cũng là sai lầm trong quá trình anh hoạt động. Song ngay trước khi ký ức trở nên trắng xóa, anh đã chủ động phong tỏa toàn bộ ý thức để “những thông tin quan trọng của nhiệm vụ được giao cũng không bị xáo trộn hay bị lộ”. Mà rồi, từ sai lầm tưởng như chết người đó, điệp viên Shimano biến nó thành cơ hội, tiếp cận mục tiêu, hoàn thành sứ mệnh cho danh tính “Shimano Ryosuke, du học sinh người Nhật” anh đã nhận khi đặt chân lên đất Pháp.

Và Shimano không phải là người duy nhất đã biến sai lầm vốn tưởng ngẫu nhiên thành sự tính toán có chủ đích mà các thành viên ở Cục D khi thực thi nhiệm vụ vẫn thường dùng kế sách bộc lộ sơ hở để dụ đối tượng tự đưa bản thân tới con đường tuyệt diệt. Trong trường hợp đó, sai lầm, sơ hở đã trở thành cái bẫy giăng mắc trên lưới nhện trùng điệp và đối tượng, như thành con mồi không thể thoát.

Với kết cấu chia tách, phân mảnh, cả tập truyện như sự kết hợp của những câu chuyện ngắn khác nhau, Joker game 3 – Parasdise Lost vừa tô đậm thêm khía cạnh người điệp viên ở hai phần trước, vừa khắc họa thêm một khía cạnh khác của công việc nội gián họ đang làm. Những con người đó, họ là những kẻ vô hình nhất, sống với một danh tính giả, thậm chí có trưởng hợp họ không cả có một danh xưng cụ thể mà chỉ được định danh theo công việc họ làm. Họ mang theo tư tưởng trái ngược với tinh thần samurai, tinh thần võ sĩ đạo mà tuyệt đại đa số người đời nhìn nhận con người Nhật Bản. Vì để có thể “tồn tại vô hình”, họ “không được chết, không được giết”, không được gây chú ý và phải sống để trở về báo cáo nhiệm vụ. Trước những thử thách ngay lần đầu thi tuyển, qua thời gian huấn luyện khắc nghiệt, những điệp viên Cục D đã mài giũa sắc lạnh tình cảm, trí tuệ, ý thức tới mức như lường trước mọi tình huống và coi sai lầm như chính một phần kế hoạch.

Các điệp viên Cục D, họ tồn tại vô hình, họ chủ động xóa mờ danh tính, họ hòa mình vào đời sống, vào những năm tháng đầy biến động của thời Thế chiến thứ Hai. Nhưng họ hòa mình mà không hòa tan, họ sắc lạnh tới đáng sợ và cũng ngạo nghễ tới khôn cùng. Chẳng ai rõ, danh tính những con người ấy nhưng bản thân họ luôn tự ý thức mạnh mẽ về cái tài lẫn cái tôi cá nhân tới mức gần như kiêu ngạo “Không phải mình thì còn ai có thể làm được công việc này”. Giữa tháng năm con người Nhật Bản sống trong vòng chữ ta, thậm chí đến tận ngày nay người ta vẫn mải miết kiếm tìm cái tôi, khẳng định bản ngã giữa dòng đời thì những cá nhân với cá tính mạnh mẽ được tác giả Koji Yanagi xây dựng như một làn gió mới mẻ không chỉ với văn học viết về đề tài điệp viên thời Thế chiến mà còn mới mẻ với chính văn học Nhật Bản hiện đại, đương đại hôm nay.

Joker Game 3 Koji Yanaji review

Trung tá Yuki – Ma Vương nối kết tuyến truyện.

Như đã nói, không chỉ phần 3 mà ngay chính toàn bộ series Joker game, cấu trúc cuốn truyện luôn như những câu chuyện ngắn được tập hợp lại một cách ngẫu nhiên, ngỡ rằng chẳng có chút liên kết giữa. Và thiết nghĩ, nếu chỉ mang một kết cấu đơn giản, dễ đoán như vậy, hẳn rằng series Joker game đã không thể giúp tác giả Koji Yanagi đồng thời nhận 2 giải thưởng văn học vào năm 2009: Giải thưởng văn học Yoshikiwa Eiji dành cho người mới và Giải thưởng của hiệp hội tác gia lý luận Nhật Bản.

Cái tài của tác giả, chính bởi chỗ trong cấu trúc tưởng chừng phân rã ấy, ông đã xây dựng được lên những biểu tượng mang tính xuyên suốt, như một sợi chỉ đỏ nối kết cả tác phẩm. Đó là biểu tượng Cục D, tổ chức tình báo được thành lập trong nội bộ Lục quân Nhật Bản; đó là biểu tượng Trung tá Yuki, người sáng lập ra Cục D vẫn luôn được chính những học viên xuất sắc nhất ông đào tạo gọi bằng cái danh đầy kính sợ – Ma Vương; và đó còn là biểu tượng mang tính thời gian, không gian mạnh mẽ – những năm tháng của Thế chiến thứ Hai trải dài từ nước Nhật rộng ra thế giới.

Thật vậy, Joker game 3 – Paradise Lost đã tiếp nối dòng chảy của thời gian của Thế chiến thứ Hai trong hai phần truyện trước. Tới phần truyện này, chiến sự đã bắt đầu ngày một leo thang và Đế quốc Nhật đã có những động thái nhất định trước tình hình quốc tế mỗi lúc một biến động. Không gian, bối cảnh trong truyện được mở rộng với mọi chiều kích: từ Nhật Bản tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ châu Âu – nước Pháp sang con tàu lênh đênh trên biển xuất phát từ Mỹ để trở về nước Nhật, chở theo đó không chỉ là công dân người Nhật, người Mỹ,… mà còn cả những công dân người Đức. Chính bởi sự tiếp nối liên tục mà mạch chảy thời gian, không gian trong series Joker game chưa bao giờ đứt gãy. Và tác giả Koji Yanaji, đứng trước hiện thực lịch sử có phần đen tối cùng cay đắng, ông đã viết bằng một ngòi bút trung dung, một cái nhìn khách quan, đa chiều, tôn trọng tối đa sự thật lịch sử nhất. Từ đấy, tạo lên Joker game như bức tranh tái hiện cục diện thế giới thời Thế chiến và phần 3, Paradise Lost, chính là mảnh ghép những năm trước thềm Nhật chính thức nhảy vào cuộc chiến.

Bên cạnh dòng chảy thời gian, dòng chảy không gian là dòng chảy con người với hạt nhân là Trung tá Yuki. Không ai biết tên thật của ông, không ai rõ quá khứ của ông như thế nào, đến cả nhân ảnh ông xuất hiện trước mắt mọi người, người ta cũng phải đặt ra nghi vấn. Trung tá Yuki, người sáng lập Cục D. Trung tá Yuki, người trực tiếp đào tạo lên những điệp viên xuất sắc. Trung tá Yuki, người đã được chính những kẻ kiêu ngạo với cái tôi mạnh mẽ nhất phải nể phục sợ hãi gọi hai tiếng “Ma Vương” là hình tượng xuyên suốt, trở đi trở lại trên trang viết, trong suy nghĩ của từng cá nhân. Trung tá Yuki, con người ấy đã nối kết cả bộ truyện, đã nối kết cả tuyến nhân vật tưởng chừng đứng độc lập trong mỗi cốt truyện riêng lẻ như vậy đấy.

Và nếu coi Trung tá Yuki là tâm điểm thì Cục D chính là một đường tròn, một mái nhà của những điệp viên xuất sắc nhất. Nơi ấy đã phát hiện và đào tạo những anh tài ưu tú. Nơi ấy đã để cho những kẻ có cái tôi ngạo nghễ nhận ra “đồng loại”. Nơi ấy, cũng như chính cá tính con người, tồn tại kiêu ngạo giữa lòng nội bộ Lục quân Nhật Bản dù chịu ánh nhìn đầy phán xét, khinh ghét của đám quân nhân chính thống. Tồn tại biệt lập, là một nơi để những kẻ dị biệt tìm về “báo cáo”, Cục D như trở thành một biểu tượng cho tính “tồn tại vô hình” của nghiệp tình báo như thế đó.

Series Joker Game 3

Điệp viên kiêu ngạo, nhưng bản thân họ cũng là con người.

Một trong những điểm đặc sắc ở hình tượng người điệp viên mà tác giả Koji Yanaji xây dựng nằm ở chỗ ông không hề tạo dựng lên những cá tính đơn giản, một chiều. Người gián điệp, bên cạnh ý thức mãnh liệt về cái tôi, về tài năng đến mức khiến họ gần như sắc lạnh thì những con người đó, vẫn có khoảnh khắc bộc lộ nên nét cảm xúc hết sức dung dị, đời thường. Và có lẽ khoảnh khắc ấy, họ đã sống đúng với bản thân, với danh tính vốn đã nhòe mờ của họ.

Một chút xao động thoáng xẹt qua ánh mắt Shimano khi anh nghĩ tới nhóm Alan cùng giây phút anh được họ coi như đồng đội thật như một thứ tình cảm xa xỉ, một giấc mơ mà Shimano chẳng thể mơ, cũng chẳng thể theo đuổi. Sự kiên định của Utsumi khi anh quyết định đi đến tận cùng bí ẩn xảy ra đột ngột trong nhiệm vụ anh đang làm dẫu có thể khiến anh phải đánh đổi mọi thứ là để thỏa mãn cái tôi của một con người ngạo nghễ. Nhưng “trách nhiệm đối với bí ẩn mà mình đã khám phá được”, tiếng huýt sáo “khúc biến tấu Egnima” khi Utsumi bế bé Emma trên tay lại xuất phát từ cái tâm, cái tình của một con người.

Joker Game 3

Cũng phải nói, không phải tới tập 3, tác giả Koji Yanaji mới khắc họa sự hiện hữu của chữ tình nơi những điệp viên Cục D mà chữ tình đó, đã được ông thể hiện như một mạch ngầm từ tập đầu bộ truyện. Để độc giả, khi tiếp xúc với Joker game thấy rằng: người điệp viên có kiêu ngạo thì bản thân họ cũng là con người với những nét tình cảm ấm áp, giản dị mà đầy tinh tế. Hai nét cá tính đó cùng tồn tại trong một con người, đã góp phần hoàn thiện bóng hình người tình báo Nhật Bản những năm Thế chiến đồng thời thể hiện cái nhìn đa chiều và hết sức nhân văn của tác giả Koji Yanaji về con người và cuộc đời.