Hơn cả một lời tri ân, “Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng” là kỷ niệm lưu lại để minh chứng cho một bước ngoặt của lịch sử bóng đá Việt Nam, là đàm luận để kỳ tích không sớm nở tối tàn, là bài học rộng hơn về giáo dục – đào tạo, là nguồn động lực để truyền cảm hứng sống và lòng tự tôn dân tộc.

“Mai này ai nhắc lại Thường Châu

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Bữa ấy tuyết rơi bạc mái đầu

Mười mấy dũng sĩ lao ngược gió

Để đời kính phục mãi về sau.” – Minh Quang Hà

Sách Bão lửa u23 thường châu tuyết trắng

Dự án “Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng”

Ngay sau khi đội tuyển U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích với ngôi Á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018, Sống – thương hiệu sách Tác giả Việt của Alpha Books – đã triển khai dự án “Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng”.

Ấn phẩm chính thức phát hành trên toàn quốc vào ngày 21/3/2018.

“Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng” được thực hiện với mục đích đầu tiên là tri ân tập thể cán bộ, cầu thủ U23 Việt Nam, HLV Park Hang Seo cùng các thành viên Ban huấn luyện, các ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển… Những người đã dành nhiều năm tâm huyết để đặt nền móng cho thắng lợi vang dội của bóng đá Việt Nam trong Vòng chung kết U23 châu Á 2018. 

Tác phẩm tập hợp 44 bài viết chất lượng của những cây bút thể thao sắc sảo và những tác giả, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục nổi tiếng tại Việt Nam. Trong đó có một gương mặt khá đặc biệt là thầy giáo, dịch giả Lê Huy Khoa – trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo.

Cuốn sách chia làm 3 phần. Mỗi phần gồm nhiều chương. Mỗi chương lại có nhiều bài viết nhỏ. Góc nhìn đa chiều. Là một tác phẩm hết sức chi tiết và cực kỳ dày công. 

Hơn cả một tập san thể thao, “Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng” không chỉ cất giữ và lan tỏa những dư âm đẹp đẽ của U23 Việt Nam, mà còn chứa đựng những phân tích và những bài học, là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung trong mọi lĩnh vực, để chinh phục những đỉnh cao cuộc đời.

Sống dậy cảm xúc những ngày chưa Tết mà còn vui hơn Tết!

Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018 diễn ra từ ngày 9/1 đến ngày 27/1, nhằm những ngày cuối tháng 11 và nửa đầu tháng Chạp giáp Tết Mậu Tuất. Thường thì đây là thời gian bận rộn nhất trong năm vì đủ thứ chuyện tồn đọng khi năm cũ sắp qua năm mới sắp đến, cũng là thời gian dễ stress và mệt mỏi nhất năm.

Ấy vậy mà dân ta đã được sống những ngày còn vui hơn lễ hội, nhờ những chiến công mà các chàng trai U23 Việt Nam liên tục lập được ở Thường Châu, Trung Quốc.

Với tư cách vòng loại là đội Nhì bảng I, U23 Việt Nam được đánh giá là đội bóng lót đường trong 16 đội tuyển ở Vòng chung kết U23 châu Á 2018. Nhưng những chiến binh sao vàng đã từng bước, từng bước chứng minh điều ngược lại.

Thua Hàn Quốc 1 – 2, thắng Úc 1 – 0, và cầm hòa Syria 0 – 0, U23 Việt Nam trưởng thành qua từng trận đấu, xuất sắc vượt qua vòng bảng, lần-đầu-tiên-trong-lịch-sử tiến vào tứ kết giải châu lục.

Chưa dừng lại ở đó, U23 Việt Nam đã cống hiến cho người hâm mộ châu lục một trong những trận đấu hấp dẫn và kịch tính nhất lịch sử giải đấu với trận hòa 3 – 3 trong 120 phút, để rồi vượt qua U23 Iraq với tỷ số 5 – 3 ở màn “đấu súng” cân não, lần-đầu-tiên-trong-lịch-sử tiến vào bán kết giải châu lục.

Gặp Qatar tại vòng loại trực tiếp thứ hai và hòa 2 – 2 sau 120 phút, U23 Việt Nam lại tiếp tục tạo nên kỳ tích bằng chiến thắng trên chấm penalty với tỷ số 4 – 3, lần-đầu-tiên-trong-lịch-sử tiến vào chung kết giải châu lục.

“Những người Tây Á Syria, Iraq, Qatar chắc chắn rất lâu nữa sẽ còn phải tự hỏi mình, rằng đã bao giờ gặp phải một đội bóng Đông Nam Á nào “khó chịu” như vậy chưa?” – Trần Tuấn.

Niềm vui tiếp nối niềm vui, chúng ta liên tục lập nên lịch sử, rồi vượt qua lịch sử đó để lập nên một lịch sử mới.

Tại sao mới “U23 Việt Nam” đó mà giờ lại là “chúng ta” rồi? U23 Việt Nam đại diện cho nước nhà để thi đấu với các nước trong châu lục, các em thắng chúng ta vui, vì đó là chiến thắng của cả đất nước. Lòng tự tôn dân tộc ở thời bình hiếm có dịp để bung ra, khi được thổi bùng lên rồi thì khó mà kìm nén. Vui, không tả được. Từ người già đến trẻ thơ, từ thanh niên trai tráng đến những cô gái hồi giờ không biết gì về bóng đá. Đều vui mừng khấp khởi. Đều hân hoan rạng ngời. Đường phố ngập cờ hoa. Chúng ta vui niềm vui chung của cả nước.

Dùng từ “lịch sử” hay “kỳ tích” có hơi đề cao quá không?

Không! Không hề!

Chúng ta, từ một đội bóng tầm trung của khu vực Đông Nam Á, tính đến đầu năm 2018 mới chỉ duy nhất một lần vô địch AFF Cup (2008), chưa một lần đoạt huy chương vàng tại SEA Games, vậy mà đã vào tới trận chung kết của một giải bóng trẻ châu lục. Dùng từ “kỳ tích” là hợp cách nhất!

Trong trận chung kết, chúng ta thua ở phút cuối cùng sau 120 phút đá dưới trời mưa tuyết, ai cũng tiếc và nhiều người bật khóc, nhưng không có một lời trách móc nào cả. Trận chung kết Thường Châu tuyết trắng, mãi mãi đọng lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong lòng người hâm mộ. Đẹp, đến nao lòng.

“Anh cúi xuống hất những mảng tuyết bám dày đặc trên mặt sân, mặc cho đầu ngón tay tê cóng trong giá lạnh, rồi từ từ lùi lại vài bước lấy đà. Mắt anh chăm chú nhìn về phía khung thành của đối thủ. Và rồi anh lao tới, tung ra cú sút. Cầu vồng hiện lên trong cơn mưa tuyết. Trái bóng vẽ nên một đường cong hoàn hảo, găm thẳng vào góc chếch khung thành thủ môn Ergashev. 1-1, là 1-1! Khán đài màu đỏ như nổ tung. Phút thứ 41 của trận chung kết, hai đội lại quay trở về vạch xuất phát.” – Vũ Hoàng.

“Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng” làm sống dậy mọi khoảnh khắc cực kỳ xúc động, cực kỳ tự hào trong mùa đông năm ấy. Đồng thời để độc giả biết thêm và hiểu thêm về những ai, những gì đã làm nên kỳ diệu này.

Sau chiến công của U23 Việt Nam, rồi sao?

Nhìn lại quá khứ.

Alfred Riedl, cựu cầu thủ, HLV bóng đá người Áo, người từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam trong 3 giai đoạn 1998-2001, 2003-2004, 2005-2007, đã từng phát biểu rằng “bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”, nhằm chỉ việc những người có trách nhiệm chỉ tập trung mục tiêu cho đội tuyển quốc gia mà không quy hoạch bóng đá trẻ bài bản.

Lò đào tạo HAGL Arsenal JMG của bầu Đức, Hà Nội T&T (bây giờ là CLB Hà Nội) của bầu Hiển, PVF, Viettel, SLNA… Đã cho ra lứa cầu thủ là những “cây nhà trồng” được đào tạo toàn diện từ nhân phẩm, thể lực, kỹ thuật, chuyên môn… Và đã tỏa sáng trong Vòng chung kết U23 châu Á 2018 là minh chứng cho bóng đá Việt Nam đang được xây dựng từ nền móng vững chắc, chứ không còn xây nhà từ nóc như ông thầy người Áo đã nhận xét nữa.

Vui cho hiện tại.

Bước trải đường dài hơi của những ông bầu, kết hợp với người thầy phù thủy đến từ xứ sở Kim Chi, những cầu thủ của chúng ta đã gặt hái được nhiều chiến công. U23 Việt Nam với tài năng, bản lĩnh và không ngừng tiến bộ. Họ đá trận nào cũng như trận chung kết, chơi hết mình bằng tinh thần thượng võ, ý chí bền bỉ, tự tin và đoàn kết. Mọi nỗ lực đã tạo nên quả ngọt. Cả nước hân hoan một niềm vui chung.

Bão lửa U23
Ảnh: L.Q.V

Cuốn sách tri ân tới từng vị thầy, từng cầu thủ, từng anh hùng thầm lặng. Tung hô họ, kính phục họ.

“Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng” còn có những bài viết phân tích thất bại của chúng ta trong trận chung kết, rút ra bài học cho tương lai, để kỳ tích không sớm nở tối tàn, và rõ ràng đã có kết quả khả quan.

Hướng tới tương lai.

Từ Vòng chung kết U23 châu Á 2018, đến thời điểm này là cuối tháng 12/2019, bóng đá Việt Nam đã không ngủ quên trong chiến thắng, mà tiếp tục làm nức lòng người hâm mộ khi liên tục lập được những thành tích vang dội:

  • Top 4 đội mạnh nhất Asiad 18.
  • Vô địch AFF Cup 2018.
  • Top 8 đội mạnh nhất AFC Asian Cup 2019.
  • Đứng đầu bảng K trong khuôn khổ vòng loại U23 châu Á 2020 và tiến thẳng vào vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2020.
  • Vô địch SEA Games 30.

Hi vọng chiến công sẽ được viết tiếp tại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2020 sẽ diễn ra ở Thái Lan vào 8/1 đến 26/1 sắp tới đây.

Với tất cả những gì đã đạt được và những gì đang có, người hâm mộ có thể đặt niềm tin vào đội tuyển U23 Việt Nam, cũng như đặt niềm tin vào tương lai huy hoàng của bóng đá nước nhà.

Bài học rộng hơn về giáo dục – đào tạo.

Nền giáo dục Việt Nam xưa nay hầu như đánh giá và đo đạc trí thông minh của con người căn cứ trên chỉ số IQ. Đây là một phương pháp hạn chế.

Các bậc cha mẹ trong gia đình Việt nam luôn cho rằng con cái phải vào đại học thì tương lai mới xán lạn, mà không cần biết tài năng, sở thích của chúng là gì. Vì tấm bằng đại học, rất nhiều đứa trẻ bị chôn vùi những ước mơ, hoài bão.

Thành công của các chàng trai U23 Việt Nam là minh chứng rõ ràng hơn bao giờ hết, rằng không phải cứ toán lý hoá, cứ đại học thì mới thành công, mới có thể nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội.

Theo lý thuyết về trí thông minh đa dạng, trên cơ sở phân tích những bằng chứng liên quan tới não và học thuyết về phân loại trí thông minh của Giáo sư về giáo dục tại đại học Harvard, ông Howard Gardner, tác giả Thomas Armstrong đã mô tả 7 loại hình trí thông minh của con người bao gồm: logic toán, ngôn ngữ, không gian, cơ thể, âm nhạc, nội tâm, tương tác cá nhân.

Các cầu thủ bóng đá có thế mạnh về trí thông minh cơ thể. Nếu các bậc cha mẹ của U23 Việt Nam cũng bắt ép con học toán lý hóa mà không cho con theo đuổi ước mơ của mình, hiển nhiên sẽ không có lứa cầu thủ làm nức lòng người Việt dưới mưa tuyết Thường Châu năm ấy.

Mỗi đứa trẻ cần được học trong môi trường giáo dục phù hợp với loại hình trí thông minh của mình, và rèn luyện tốt với những người có thể vừa dạy kiến thức vừa truyền cho học trò tinh thần, bản lĩnh và sự tự tin vào bản thân – như những gì thầy Park đã làm, thì chắc chắn lĩnh vực nào cũng có những U23 Việt Nam tỏa sáng.

Tư duy bóng đá Việt Nam ít nhiều đã có sự thay đổi và bước đầu đã hái được quả ngọt.

Hơn hết thảy bất kỳ lĩnh vực nào, tư duy giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi!

Truyền cảm hứng sống và lòng tự tôn dân tộc.

Bóng đá là môn thể thao vua, đó không phải mỹ danh gọi cho có. Bóng đá diệu kỳ. Bóng đá cho người dân niềm vui khôn tả. Vui đến độ phải đổ ra đường để tắm mình trong niềm vui chung, mà dân ta gọi là đi bão. Lâu nay, người Việt Nam cứ phải đi vay mượn niềm vui bóng đá từ bên ngoài biên giới. Đến khi ta được sung sướng cái niềm vui từ bóng đá nước nhà thì chẳng có lý nào phải dè sẻn niềm vui đó.

Đi bão Việt Nam. Ra đường. Chạm tay. Hò hét. Sẽ cảm nhận được tình yêu bóng đá, lòng tự tôn dân tộc bình dị, đơn giản mà gần gũi đến bất ngờ. Cái chạm tay ấy, cảm giác như chạm được cả vào lòng yêu nước sẵn có trong mỗi người.

Người Việt Nam giàu tinh thần dân tộc, giàu tinh thần thượng võ, ý chí và nghị lực bền bỉ, đặc biệt trước những thử thách, nghịch cảnh. Thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục những đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực khác, không chỉ ở thể thao, không chỉ ở bóng đá.

Thật đáng quan ngại, thậm chí là xót xa với những ai cho rằng “Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng” là thứ ăn theo cơn sốt U23 Việt Nam. Đây là thành phẩm của cảm xúc và lý trí. Không chỉ tung hô, không chỉ phân tích thắng thua, không chỉ khô khan kiến thức bóng đá, lý luận quản trị… Mà còn ghi lại lịch sử, ghi lại mốc son chói lọi của bóng đá nước nhà. Để truyền cảm hứng, để truyền lòng tự tôn dân tộc.

Để một phút giây nào đó trong đời, khi ôm yêu thương vào lòng, lật trang sách mà xúc động dạt dào: “Để ta kể con nghe về một huyền thoại…”

Link mua sách:

Duyên