Bản án hung thủ nhận về không có tính răn đe, cũng không khiến người nhà nạn nhân cảm thấy được an ủi hay thanh thản hơn cùng sự hoài nghi về pháp luật và công lí có đang trở thành thứ Thánh giá rỗng, vốn đã được tác giả Higashino Keigo khai thác rất sâu trong tác phẩm cùng tên ông ra mắt vào năm 2007. Để rồi tới năm 2008, đề tài đó trở lại, nhưng dưới góc độ nhỏ hơn, song cũng nhức nhối và nặng nề hơn; khi những đứa trẻ vị thành niên phạm tội và chúng hoàn toàn ý thức được rằng, chúng sẽ được Luật Thiếu niên bảo vệ. Pháp luật bảo vệ lũ trẻ có tội, vậy, ai sẽ là người bảo vệ cho sự khốn cùng của gia đình nạn nhân đây?

thanh gươm do dự

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Những đứa trẻ phạm tội

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, trong tiểu thuyết của Keigo tiên sinh, hung thủ gây ra án mạng ở độ tuổi thanh thiếu niên không phải là điều hiếm gặp. Ngay từ những tác phẩm thuộc thời kì đầu ông sáng tác đến cả những cuốn sách mới nhất về sau này, đều có thể bắt gặp những đứa trẻ tuổi vị thành niên phạm tội. Tuy nhiên, Thanh gươm do dự lại là một trường hợp khá đặc biệt.

Bởi độc giả không phải suy đoán mà ngay từ những trang truyện đầu tiên, hung thủ đã sớm lộ diện, cả những thứ như động cơ gây án hay thủ pháp gây án, tâm lí phản trinh sát tạo hiện trường giả… phức tạp cũng gần như vắng bóng. Vì hành vi phạm tội (dụ dỗ, bắt cóc và cưỡng hiếp những cô gái trẻ) của hung thủ mang tính thường xuyên, lăp lại. Chúng hoàn toàn nhận thức được hành động chúng đang làm là phạm pháp, hậu quả chúng gây ra là khôn lường song chúng cũng chưa bao giờ có suy tính triệt để cho việc che giấu tội ác đấy. Chúng xâm hại những nạn nhân rơi vào tay chúng một cách tàn độc, vô nhân tính và chúng cực kì ý thức đến việc, làm sao để đạt được lạc thú, thỏa mãn phần con cho bản thân.

Chúng, những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành viên, kết bè kết phái, gắn liền với nhau trong mối ràng buộc bền vững từ tình nguyện vì đồng cảnh, tương ngộ đến ép buộc và bạo lực. Đám trẻ, vào tuổi phản nghịch sẵn được nuông chiều, thiếu thốn tình thương, thiếu thốn sự quan tâm của người lớn hay bản thân chúng vốn đã khước từ con đường người lớn định hướng cho chúng đi; rất thiếu vốn sống nhưng lại thừa hiểu biết để làm những chuyện càn quấy mà vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra, Luật Thiếu niên đứng về phía chúng trong mọi hoàn cảnh. Để luôn chừa cho chúng một con đường lui, bất kể những đứa trẻ ấy có phạm tội tày đình đến đâu chăng nữa.

Vậy nên, trong một thế giới, giữa một xã hội mà lứa tuổi của hung thủ trực tiếp tác động đến bản án chúng phải nhận, khi sự nhân đạo dường như vô tình trở thành dung túng, bao che, thì vô hình trung, khiến lũ trẻ phạm tội, ý thức được chúng được bảo vệ mà không tự thấu hiểu rằng, phạm tội sẽ phải đền tội. Từ đó, tạo nên một lớp trẻ khuyết thiếu về nhận thức, khiếm khuyết về tâm hồn, méo mó về đạo đức trong một sống đầy vị kỉ. Giết người đốt xác mà “Đứa chủ mưu còn cằn nhằn rằng nó bị như thế này là do lỗi của bố mẹ và mọi người xung quanh, khiến nó bị sang chấn tâm lí”. Cưỡng hiếp đến chết mà “không thích ra đầu thú”, “không thích bị cảnh sát bắt rồi bị tống vào trại giáo dưỡng.”

Thanh gươm, cán cân công lí, đứng trước những hung thủ tuổi vị thành niên, còn đủ sắc bén và cân bằng? Khi chưa bàn đến tính công bằng hay răn đe, chỉ bàn tới khía cạnh giáo dục, thanh gươm đó chém xuống, đã chẳng khác chi chém vào mặt nước, làm xao động mặt hồ mà chẳng thể, thay đổi tận tầng sâu u tối tù đọng.

thanh gươm do dự keigo tiên sinh

Những con người đi tìm công lí

Có kẻ phạm tội, có hung thủ tất sẽ có nạn nhân và gia đình, người thân nạn nhân. Tuy nhiên, trường hợp của tiểu thuyết Thanh gươm do dự lại khá nhạy cảm, khi cái chết của một thiếu nữ lại do những đứa trẻ tuổi vị thành niên gây ra. Cho nên, đứng trên khía cạnh pháp luật, hung thủ vụ án là những đứa trẻ phạm tội; nhưng đối với những người trực tiếp gánh chịu nỗi đau mất mát tới cùng cực, đám trẻ đấy chỉ là tội phạm mà thôi.

Từ mâu thuẫn ấy, đã đẩy tới xung đột mãnh liệt, rằng trước tổn thương không thể khỏa lấp vì mất đi người thân, trước ám ảnh tinh thần khi chứng kiến những giây phút đớn đau cuối cùng của người ruột thịt, song họ lại không có được một đáp án, lời tuyên án như mong mỏi; người ta chỉ còn cách, đi tìm công lí cho chính mình, bằng cách thức cực đoan nhất. Mặc cho bản thân họ hiểu, có làm thế nào, có đuổi cùng giết tận, đau thương họ gánh chịu sẽ không vì thế thanh thản hơn, bởi người đã mất rồi, sẽ chẳng thể quay về nữa.

Mà họ vẫn phải làm, cho một thế giới “bất thường” “những người con gái hàng ngày phải sống trong sợ hãi, cho dạng “tòa án còn cứu giúp hung thủ”, cho thứ luật pháp “không thấu hiểu sự yếu đuối của con người” và cho chính bản thân họ, những kẻ là nạn nhân còn ở lại song chẳng được đối xử như một nạn nhân bình thường. Trước hiện thực tàn khốc rằng công lí không đủ tính răn đe, truyền thông chỉ hiếu kì và xoáy sâu thêm vào thương tổn còn xã hội chỉ thương hại hay qua thời gian, cũng dần thờ ơ với bi kịch của người dưng nước lã.

Những con người đi tìm công lí, bằng tất cả đớn đau trong sự bất lực cùng cực lẫn nỗi chênh vênh đúng – sai, thiện – ác. Tựa thanh gươm công lí chính bản thân họ cầm trên tay, cũng có khi run rẩy “do dự” trước sự bào mòn tinh thần của thời gian, và cả sự thật, tự mình trở thành “đao phủ”, thực không phải một việc dễ dàng. Cả người đàn ông tên Nagamine, cha ruột của cô bé Ema hay người đàn ông tên Ayumura, cha ruột của cô bé Chiaki cũng vậy. Những con người chẳng hề quen biết, nhưng lại cùng chung hoàn cảnh để rồi gặp nhau ở nỗi vô vọng kiếm tìm công lí đến mức cực đoan, tận diệt và tự diệt.

Đồng thời, khi đặt hoàn cảnh tuyến nhân vật người thân nạn nhân, những đứa trẻ cũng trong độ tuổi vị thành niên, đang tự thân thực thi công lí; tác giả Higashino Keigo còn đặt ra một bài toán, câu hỏi hóc búa cũng rất khó để đi tới một lời giải hoàn chỉnh. Rằng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở đâu trước xã hội luôn ẩn chứa bao hiểm nguy rình rập tới lũ trẻ đang chớm dần trở thành người lớn. Khi cuộc sống mưu sinh, khoảng cách thế hệ, tâm sinh lí tuổi dậy thì dần đẩy lũ trẻ xa rời sự hiểu biết, vòng tay bảo bọc của bậc làm cha mẹ.

Con người đi tìm công lí, và có lẽ, con đường đầy đớn đau họ đang đi đó, còn là hành trình kiếm tìm bản ngã lũ trẻ, thiếu vốn sống song nội tâm lại vô cùng phức tạp. Bởi xét tận cùng, gia đình nạn nhân chịu thương tổn thì người nhà hung thủ, cũng phải gánh chịu nỗi đau do chính sự hời hợt, bất lực của họ với quãng thời gian lũ trẻ do chính họ nặn đắp lên, trưởng thành.

thanh gươm do dự nhã nam

*Cre ảnh: Nhã Nam Nho Xanh

Những người bảo vệ luật pháp và công lí

Như cán cân phải giữ cân bằng trên bàn cân công lí mà một bên là hung thủ còn một phía là nạn nhân, những người trực tiếp bảo vệ luật pháp và công lí, cụ thể ở tiểu thuyết Thanh gươm do dự là đội cảnh sát thụ lí điều tra vụ án nữ sinh bị sát hại thả trôi sông; nhưng tận cùng cùng, khi đối diện với bi thương trong một vụ án “nặng nề”, bản thân họ đã chẳng thể giữ cán cân đấy không khỏi chênh vênh.

Bởi những con người đó chỉ là một phần của hệ thống hành pháp và thi pháp này. Họ mang nhiệm vụ bắt giữ tội phạm, song họ lại không có thẩm quyền để định đoạt hình phạt cuối cho kẻ phạm tội. Bản thân họ hiểu luật hơn bất cứ ai, họ cũng tiếp xúc với vụ án từ cả hai phía, nên có lẽ, không ai thấu hiểu hơn họ về cái gọi là sự nghiệt ngã của luật pháp trước thứ kì vọng “công lí” không khác gì một dạng biểu tượng “thánh giá rỗng.”

Hành động và hoài nghi, day dứt và đồng cảm, vô thức và ý thức, tự vấn lương tâm con người và trách nhiệm người thi hành công vụ, người đứng giữa mà chẳng thể phán quyết, luôn thật khó xử. Nắm trong tay thanh gươm công lí, và cũng “do dự” chênh vênh phải đặt thanh gươm đó về phía hung thủ được pháp luật bảo hộ hay nạn nhân đang tự mình kiếm tìm lẽ phải; với những người cảnh sát đó, hẳn cũng là một dạng bi kịch. Bởi dường như, những điều họ luôn tin tưởng như tín ngưỡng, đang dần bị lật lại, bóc trần: “Cảnh sát rốt cuộc là gì đây?” Hisatsuka nói. “Người bảo vệ công lí à? Không. Cảnh sát chỉ bắt gười vi phạm pháp luật thôi. Cảnh sát không bảo vệ người sân. Đối tượng bảo vệ của cảnh sát là luật pháp.”

Tiếp nối hình tượng “thánh giá rỗng”, “thanh gươm do dự” trở thành một dạng biểu tượng cho thứ đầy vô hình như công lí khi đặt trong mối quan hệ giữa hàng loạt đối tượng hữu hình như hung thủ, người thân nạn nhân, người thực thi luật pháp… Sáng tác ra đời vào năm 2008 đó của tác giả Higashino Keigo, với hàng loạt nhân vật đặt trong cấu trúc tác phẩm nhiều tầng bậc, tiếp tục là nỗi đắng đót xót xa, day dứt trăn trở, ông hướng tới cuộc đời, còn nhiều bất công, ngang trái mà ranh giới sai – đúng, đều quá đỗi mong manh này.

*Đọc thêm:
Thiên nga và dơi (Higashino Keigo) – Hiện hình đêm ngày và sự xoay vần giữa mối quan hệ nạn nhân – hung thủ
Sau giờ học (Higashino Keigo) – “Quãng thời gian sau giờ học này sẽ dài lắm đây”

Mọt Mọt