Với 50 chương truyện, kéo dài 457 trang, có thể nói Dữ liệu bạch kim là một trong những tác phẩm bậc nhất của Higashino Keigo xuất bản tại Việt Nam được ông gửi gắm hàng loạt tầng bậc vấn đề, mâu thuẫn vào dòng thời gian liên tục đan xen giữa thời gian sự kiện và thời gian tác phẩm. Từ đó, tạo nên những tình tiết nhanh, dồn dập mà vẫn thỏa mãn được việc, tác giả giải quyết được trọn vẹn những vấn đề ông đã đặt ra  cuốn sách.
dữ liệu bạch kim
Truyền thống và hiện đại
Chuyện kể rằng, án mạng xảy ra tại một khách sạn tình yêu thuộc khu vực Shibuya. Hung thủ sau khi gây án đã rất cẩn thận, xóa sạch gần như mọi dấu vết. Nhưng việc vô tình để sót lại lông, tóc tại hiện trường đã khiến hắn nhanh chóng bị sa lưới trước hệ thống phân tích DNA được Viện nghiên cứu đặc biệt thuộc Tổng cục cảnh sát quốc gia đưa vào thử nghiệm trong công tác điều tra, truy vết thủ phạm.

Từ đó, hoạt động điều tra, phá án ngày càng trở nên thuận lợi nhờ sự truy quét chính xác thông tin hung thủ, đặc biệt là sự khắc họa chân dung và danh tính thủ phạm hết sức chính xác qua ngân hàng DNA, ngày càng mở rộng. Cho đến một ngày, các án mạng liên hoàn xảy ra với những phụ nữ trẻ. Nhưng dù có phân tích DNA tinh trùng hung thủ để lại trên người nạn nhân thì kết quả trả về vẫn là NOT FOUND. Và mẫu DNA này, đã được kí hiệu bằng cái tên: NF13.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tuy nhiên, Dữ liệu bạch kim không đơn thuần là một cuốn truyện trinh thám phá án chỉ nhằm phá giải, tìm ra chân tướng thực sự của NF13 và lí do vì sao, DNA của NF13 có thể lọt lưới trước hệ thống ngân hàng DNA được một nhà toán học thiên tài, Tateshina Saki xây dựng gần như hoàn hảo. Là thiếu dữ liệu hay thật sự có lỗ hổng trong hệ thống?

Mà hơn cả, câu chuyện này bao chứa những vấn đề nhức nhối trong xã hội, được tác giả Higashino Keigo không ngừng đưa vào trang viết, từ đấy, mở rộng trường liên tưởng của độc giả. Khi ngay các chương truyện đầu tiên, Keigo tiên sinh đã hướng người đọc tới sự mâu thuẫn gay gắt truyền thống – hiện đại qua hai luồng tư tưởng trong cách thức trái chiều trên hành trình truy vết tội phạm, điều tra vụ án. Ở đó, một bên là phương thức phá án truyền thống với sự tỉ mỉ của người điều tra thu thập chứng cứ, nghiên cứu hiện trường, phân tích tình tiết… Và bên còn lại, là phương thức hiện đại với sự bao quát gần như toàn bộ của máy móc, thuật toán mang tên hệ thống phân tích DNA.

Hệ thống phân tích DNA, thứ được tạo ra nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho người cảnh sát, tăng tỉ lệ phá án song cũng đặt ra dấu hỏi không nhỏ về tính bảo mật thông tin cá nhân. Và người thanh tra, có thật sự cần tới thứ công cụ được lập trình sẵn như thế khi họ đã gắn bó với công việc bằng tất cả trái tim, niềm kiêu hãnh của những con người được đào tạo bài bản, thực chiến qua hàng loạt vụ án đơn giản lẫn phức tạp. Đồng thời, một ngành nghề mang tính đặc thù như điều tra, phá án chịu sự xâm nhập, kiểm soát của các hình thức tự động, hiện đại hóa, đã đặt ra mối hoài nghi rằng con người sẽ ở đâu trong bộ máy đấy. Người ta có còn giữ được niềm nhiệt huyết, say mê, sự cống hiến, lăn xả của những cá nhân, mang trên vai trách nhiệm công lý.

Qua mâu thuẫn giữa hệ thống phân tích DNA hiện đại với hình thức điều tra phá án truyền thống, câu chuyện Dữ liệu bạch kim còn hướng đến hàng loạt xung đột mang tính thế hệ, thậm chí là giai cấp. Khi mà cuộc sống con người ngày càng phát triển, người ta lại càng mất tự do. Cuộc sống càng hiện đại, người ta lại càng có xu hướng trở về những giá trị xưa cổ trong lối sống truyền thống: tối giản và thuận theo tự nhiên như một dạng phản kháng trước mâu thuẫn xã hội khó lòng giải quyết vẹn toàn.

Cần phải nói rằng, không phải tới Dữ liệu bạch kim, Keigo tiên sinh mới đề cập tới mối xung đột giữa truyền thống và hiện đại. Nhưng có lẽ, Dữ liệu bạch kim chính là tác phẩm ông thể hiện sự xung đột này trên nhiều bình diện đến thế: đời sống thường nhật, công việc đặc thù như điều tra phá án hay cả đời sống nghệ thuật. Để rồi, sau tất cả biến cố, ông như đi tới lời giải đáp: mâu thuẫn sinh ra không phải để nhận định đúng – sai rồi nhằm triệt tiêu phần còn lại.

Mà, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều chiều kích để con người, có đủ tâm thế dung hòa các mặt đối lập trong cuộc sống mỗi ngày một phát triển không ngừng. Bởi, đời sống hiện nay, có làm thế nào người ta cũng không thể tách biệt hoàn toàn bản thân với thế giới “ngoài kia”. Người ta vẫn phải giao tiếp với cộng đồng như những cư dân sống mãi sâu dưới thung lũng ven sông vùng núi Borero, vẫn giữ sợi dây liên hệ, dù sợi dây đó có mong manh đến đâu, trước cuộc đời.

dữ liệu bạch kim đinh tị

Nghệ thuật và sự sao chép

Trước tiên, cần phải khẳng định một điều rằng, Dữ liệu bạch kim không phải tác phẩm duy nhất Keigo tiên sinh bày tỏ quan điểm, nhận định của ông về nghệ thuật và người nghệ sĩ qua hình tượng nhân vật ông xây dựng. Như sau này, vào năm 2015, ở tiểu thuyết Ma nữ của Laplace, Higashino Keigo đã xây dựng rất thành công điển hình gã nghệ sĩ Amakasu Saisei cực đoan theo đuổi thứ nghệ thuật vị nghệ thuật đến mức tận diệt. Và vấn đề nghệ thuật cũng không phải chủ đề chính của Dữ liệu bạch kim nhất là mối quan hệ giữa nghệ thuật với sự sao chép cũng chỉ thuộc một phần rất nhỏ trong mối tương quan mâu thuẫn của truyền thống – hiện đại Keigo tiên sinh đã thể hiện xuyên suốt câu chuyện.

Tuy nhiên, với cương vị một tác phẩm văn học và bản thân Higashino Keigo là một con người luôn cần mẫn, sáng tạo văn chương suốt gần bốn thập kỷ qua, thì quan điểm nghệ thuật ông gửi gắm trong Dữ liệu bạch kim lại có một ý nghĩa, vị trí nhất định. Đặc biệt, khi nghệ thuật vốn là địa hạt cái riêng, cái tôi, cái cá tính của người nghệ sĩ phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của sự sao chép, thứ trước giờ, vẫn luôn là tối kị trong sáng tạo.

“Nghệ thuật không phải do tác giả ý thức và tạo ra, ngược lại, nghệ thuật dẫn dắt tác giả, tác phẩm được sinh ra trong cuộc đời. Tác giả là nô lệ của nghệ thuật.”

Đó là quan điểm của nghệ nhân gốm Kagura Shogo, người cha quá cố của Kagura Ryuhei, chuyên viên phân tích chính tại Viện nghiên cứu phân tích đặc biệt thuộc Tổng cục cảnh sát quốc gia. Một nghệ nhân “cô độc”, một số phận bi kịch đã gục ngã trước sự sao chép gần như hoàn hảo của máy móc, công nghệ, hay rộng hơn, chính là thất bại trước thời đại đang ngày một tiến dần đến sự tự động hóa.

Nhưng con người mất đi song không có nghĩa, quan điểm nghệ thuật của họ sẽ biến mất. Máy móc có thể sao chép hàng loạt mà đâu có thể sáng tạo được ý tưởng con người? Thứ ý tưởng nảy sinh trong cuộc sống, đến với nghệ sĩ từ bao thanh âm xao động cuộc đời để người ta nhìn, tiếp xúc, cảm nhận, chiêm nghiệm, thấu hiểu… Nghệ thuật – cái đẹp, sinh ra từ cuộc sống không ngừng biến đổi cũng như người nghệ nhân, tay nghề, kinh nghiệm, kĩ thuật chỉ là một phần, thứ đó có thể sao chép. Nhưng cảm giác, cảm xúc, sự cảm nhận tinh tế của họ, của riêng cá nhân họ là điều không có bất cứ máy móc hay câu lệnh nào, thay thế được. “Tay nghề không liên quan đến việc tạo nên tác phẩm. Quan trọng là đặt tâm tư của mình vào đó.”

Nên, sự gục ngã và tự tận của bản thân Kagura Shogo, ngoài là nỗi thất vọng của Shogo trong hoàn cảnh ông không thể đạt tới nghệ thuật lý tưởng ông đề ra. Mà hẳn, ông còn thất vọng khi suốt một thời gian, ông đã tự mãn đến kiêu ngạo về nghệ thuật của chính mình. Người nghệ nhân, tự mãn mà ngừng sáng tạo thì khác chi máy móc? “Thực tế, tác phẩm của Kagura Shogo cũng bị tái hiện bởi robot, nhưng chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì lớn. nếu tác phẩm chỉ là dữ liệu thì thứ sinh ra dữ liệu đó mới là quan trọng.”

dữ liệu bạch kim keigo tiên sinh

Tín ngưỡng và sự phản bội

Nếu trong Dữ liệu bạch kim, thanh tra Asama là hiện thân cho sự kiên định nhất của một người đứng giữa xung đột truyền thống – hiện đại: mang theo cái tôi chính nghĩa mạnh mẽ, hoài nghi cái mới xa lạ còn những bất cập chưa thật hiểu hết cùng niềm kiêu hãnh cá nhân không thể lay chuyển. Thì Kagura lại là một nhân vật cực kì phức tạp và cũng hết sức thành công mà Keigo tiên sinh xây dựng lên.

Thoạt tiên, ngỡ rằng con người này là đại diện cho phần hiện đại cực đoan. Nhưng thực ra, thẳm sâu trong Kagura, lại là hiện hình của bi kịch con người lạc lối khi “tín ngưỡng” bị chà đạp và phản bội.

Thật vậy, Kagura phức tạp bởi trước hết, chính bản thân anh là một bệnh nhân mắc chứng đa nhân cách. Kagura – Ryu, hai cá tính trong một bản thể. Kagura, con người lạnh lùng, mạnh mẽ ở hiện tại. Còn Ryu, biểu tượng cho quá khứ, ẩn ức đau thương Kagura vẫn luôn che giấu và cố gắng lãng quên.

Nhưng hơn cả chứng đa nhân cách lẫn tương lai một trong nhân cách sẽ bị tiêu diệt, Kagura phức tạp vì ẩn ức anh gánh chịu hiện hình trong từng cơn ác mộng đau đớn về bóng tối, cánh cửa, đôi bàn tay… vẫn không ngừng ám ảnh anh. Cả hình ảnh cô gái bí ẩn có tên Suzuran đã gắn bó với Ryu bấy lâu mà khi biến cố xảy ra, đã luôn thoắt ẩn thoắt hiện theo chân Kagura. Mọi thứ, đều là từng mảnh vụn mang theo ký ức, khổ đau nhưng cũng là khao khát, ước mơ, cả phần Kagura trân quý nhất về một quá khứ anh tin tưởng, yêu thương, hi vọng, ngưỡng mộ, tôn thờ đến như tín ngưỡng đã tan vỡ.

Có thể nói chăng, nếu giấc mơ và Ryu là biểu tượng cho sự ngưỡng vọng về người cha đã khuất thì Suzuran, lại như tượng trưng cho hình ảnh lý tưởng của người mẹ trong tâm trí cậu bé Kagura sớm thiếu vắng hơi ấm tình mẹ. Nhưng dù là khía cạnh nào, cũng đều gắn liền với đau thương, mất mát và hiện hình cái chết lẩn quất trong tầng sâu vô thức của con người này.

Tin tưởng rồi nhận phản bội, ngưỡng mộ tôn thờ rồi nhận ra tất cả chì là thứ ảo ảnh hư vô, đè nén mọi tổn thương vào tầng vô thức để có thể mạnh mẽ, kiên cường mà đối diện với cuộc đời, gánh nặng của Kagura, theo thời gian càng thêm nặng nề.

Có lẽ chăng, trên trang viết Dữ liệu bạch kim, Kagura là cá nhân phức tạp nhất và cũng NGƯỜI nhất. Trải đủ bi thương, yếu đuối, khuyết thiếu là thế mà vẫn vẫy vùng chiến đấu, gắng gượng sống cho ngày mai. Một nhân vật xuất sắc Keigo tiên sinh xây dựng với quá trình trưởng thành tựa dòng chảy thời gian đi từ quá khứ đổ vỡ, tới hiện tại lạc lối và đến tương lai bình lặng.

dữ liệu bạch kim reviewsach
Cá nhân con người giữa thời số hóa

Dữ liệu bạch kim là một tác phẩm dày dặn của Higashino Keigo. Nhưng câu chuyện này lại không đặt nặng đến khía cạnh trinh thám phá án. Nên độc giả lâu năm của dòng văn học trinh thám, hẳn sẽ dễ dàng đoán biết NF13 là ai và Dữ liệu bạch kim là gì. Từ đó, người đọc không khỏi phần nào cảm thấy, cuốn sách hơn 400 trang, nhưng tình tiết có phần dài dòng, thiếu gãy gọn quá không?

Tuy nhiên, với sáng tác chuyên chở nhiều tầng bậc, vấn đề nổi cộm trong xã hội, đến cả vấn đề vĩ mô liên quan đến khoa học, giai cấp, đất nước như Dữ liệu bạch kim, thì tất cả, mọi tình tiết diễn ra trên 50 chương truyện, gần như không có chi tiết, sự kiện nào là thừa. Và bản thân tác giả, cũng đã gần như giải quyết triệt để mọi vấn đề ông đặt ra trong cuốn sách.

Song, đó chỉ là sự giải quyết của Keigo tiên sinh với tác phẩm của ông. Còn câu chuyện cuộc đời vẫn sẽ tiếp diễn, chảy trôi không ngừng. Bởi mầm mống tội ác, vẫn len lỏi trong xã hội. Vì con người, vẫn đang vật mình tìm một chỗ đứng, khẳng định bản thân giữa thời số hóa, tự động hóa như một xu thế tất yếu hiện nay. Và cá nhân con người, càng bị theo dõi, càng quay cuồng với guồng quay cuộc sống bao nhiêu, lại càng khát khao tìm đến một chốn tư do bình yên cho tâm hồn.

Nên, Dữ liệu bạch kim có kết thúc, thì tác phẩm vẫn mở ra hàng loạt tầng bậc suy tưởng khi độc giả tiếp tục nghĩ suy về hai tiếng cuộc đời, về hai chữ con người như vậy đấy.

*Đọc thêm: