Một cuốn tiểu thuyết kỳ lạ, về một người phụ nữ hư cấu hết sức kỳ quặc, của một tác giả được xem là một trong những nhà văn thú vị nhất trong nền văn học đương đại Nhật Bản.

Cô nàng cửa hàng tiện ích” (tựa gốc “Konbini Ningen”, tựa tiếng Anh “Convenient Store Woman”) là cuốn tiểu thuyết thứ 10 của Murata Sayaka, ra mắt năm 2016, sách đã giúp cô đạt giải Akutagawa – một giải thưởng văn học danh giá trao cho các tác giả trẻ có những tác phẩm mang giá trị văn học cao.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Trong cùng năm, sách cũng mang lại danh hiệu “Người phụ nữ của năm” do tạp chí Vogue bình chọn cho nữ văn sĩ người Nhật này, khiến tên tuổi của Murata Sayaka trở thành cơn sốt tìm kiếm trên mạng xã hội.

Như tựa đề, cuốn sách là một câu chuyện lạ kỳ xoay quanh một người tên là Furukura Keiko…

Một người phụ nữ 36 tuổi khiếm khuyết về logic trước cuộc đời, không biết gì về các mối quan hệ lãng mạn, đã làm nhân viên bán thời gian ở cửa hàng tiện ích 18 năm và không có dấu hiệu thay đổi – Đó là lý do Keiko bị phán xét khi trưởng thành.

Cô nàng cửa hàng tiện ích - Reviewsach.net

Thế nhưng kể từ lúc nghỉ việc để kết hôn và tìm một công việc mới, Keiko hoàn toàn mất phương hướng trong cuộc sống. 18 năm, cô ăn ngủ nghỉ và giữ sức khỏe vì cửa hàng. Nghỉ việc rồi, cô không hiểu mình tiếp thu năng lượng để làm gì nữa. Nhắm mắt lại, âm thanh cửa hàng lại văng vẳng bên tai. Tìm việc khác, cô thực sự hiểu rõ bản thân không giỏi bất kỳ lĩnh vực nào, ngoại trừ là nhân viên cửa hàng tiện ích.

Có lẽ nào trên đời lại tồn tại một người phụ nữ dị biệt đến thế

Keiko sinh ra dưới hình hài là một con người, nhưng mọi suy nghĩ lại hoàn toàn khác biệt với tiêu chuẩn “bình thường” của con người. Tác giả đã tạo nên một “Ningen” mang tên Furukura Keiko – không có toàn thân màu trắng hay chiều cao gần 30m, nhưng nội tâm là một động vật máu lạnh, tư duy logic khác biệt, không yêu thương, không giận dữ, không cảm xúc.

Keiko không biết yêu thương.

Hồi còn học mẫu giáo, khi thấy một chú chim nhỏ chết ở công viên, thay vì khóc thương và chôn chú chim đó như những đứa trẻ khác, thì Keiko lại đề nghị với mẹ rằng ăn con chim đó đi. Dù mẹ cô bé khuyên con phải biết tội nghiệp, phải buồn khi chú chim, cũng là một “người bạn” chết đi, nhưng Keiko vẫn không thể lý giải được: “Ai cũng nói con chim đáng thương rồi khóc lóc nhưng lại quay sang giết những bông hoa quanh đó. Cái cảnh tượng mọi người nói ‘Hoa đẹp quá! Chắc con chim nhỏ thích lắm đây!’ trông thật điên rồ.”

Lúc mới lên tiểu học, Keiko đã ngăn một vụ ẩu đả bằng cách “nhanh nhất” là lấy một chiếc xẻng dụng cụ làm vườn phang thẳng vào đầu thằng bé đang gây gổ. Nhận thấy hiệu quả ngay tức thì – thằng con trai đó ôm đầu ngã lăn đùng rồi nằm im bất động – Keiko lại giơ cái xẻng lên định ngăn nốt thằng kia. Sau thảm cảnh, dù thầy giáo đã bảo rằng không được dùng vũ lực, nhưng Keiko vẫn không thể hiểu. Cô bé lễ phép giải thích cho vị thầy giáo đang nổi-cáu-một-cách-vô-lý: “Nhưng các bạn bảo ngăn lại cơ mà. Em thấy làm như thế thì bạn Yamazaki và bạn Aoki sẽ dừng ngay thôi ạ.” Đến khi mẹ Keiko cúi gập người xin lỗi trước buổi họp hội đồng, Keiko mới nghĩ có vẻ việc mình làm là sai, nhưng vẫn không thể hiểu vì sao lại sai.

Một lần khác, khi thấy cô giáo nổi cáu mất kiểm soát, vừa đập sổ điểm danh vừa gào thét, còn bọn học sinh trong lớp thì bắt đầu khóc lóc… Keiko lập tức chạy tới gần cô, thật nhanh tụt cả váy lẫn quần lót để mong cô ngừng gào thét. Cô giáo bật khóc rồi im lặng. Keiko giải thích rằng, cô bé xem trên tivi thấy con gái bị tụt quần áo thì sẽ im lặng. Trường lại mở cuộc họp hội đồng, mẹ lại phải xin lỗi. Trên đường về, mẹ ôm Keiko thì thào tội nghiệp: “Tại sao, sao con không hiểu hả Keiko…”

“Hình như tôi lại làm gì đó sai nhưng vì sao sai thì tôi vẫn không hiểu.” Mọi trường hợp đều kết thúc bằng suy nghĩ như thế trong lòng Keiko. Bố mẹ lo lắng nhưng vẫn thương Keiko, làm mọi cách để “chữa” cho con, thậm chí là tìm bác sĩ tư vấn tâm lý.

Dần nhận thức được sự khác biệt của bản thân, dẫu không thể lý giải được, nhưng để bố mẹ không phải buồn, không phải xin lỗi hết người này sang người khác, và để được xem là một người “bình thường”, cô bé Keiko quyết định sẽ chẳng nói chuyện với bất kỳ ai khi ra khỏi nhà, luôn hành động theo hai cách: bắt chước hoặc làm theo chỉ thị.

Keiko cứ như vậy mà trưởng thành, cho đến khi làm công việc part-time của cửa hàng tiện ích Smile Mart từ thời còn sinh viên, và yên vị ở đấy 18 năm, không có ý định thay đổi. Vì ở đấy, mọi việc đều nằm trong quy tắc và khuôn khổ, điều đó khiến Keiko cảm thấy bản thân cũng là một mắt xích trong vòng quay thế gian, cũng là một bộ phận của thế giới, quay liên tục, an toàn và không lạc lõng. Ở đấy, cô được hóa thân thành “nhân viên” – loài sinh vật tồn tại vì cửa hàng tiện ích.

Keiko là một nhân viên lý tưởng: luôn đi làm đúng giờ, độc thân, không có con, làm việc xuyên suốt kỳ nghỉ và không bao giờ mất bình tĩnh trước khách hàng.

Mọi việc đều ổn khi nhìn từ bên ngoài. Thế nhưng, sâu thẳm tận tâm hồn, Keiko 36 tuổi vẫn không thể hiểu vì sao mình phải “tới chơi với cháu mình nhiều hơn” như lời em gái cô nói. Với Keiko, trẻ nhỏ cũng như mèo hoang, nhìn tuy có khác đôi chút nhưng đều thuộc động vật có tên “em bé” mà thôi.

Keiko 36 tuổi, khi nhìn thấy em gái dỗ dành đứa con trai bé nhỏ đang khóc, đã nghĩ rằng: “Tôi vừa nhìn con dao nhỏ dùng để cắt bánh đặt trên bàn vừa nghĩ, muốn thằng nhỏ trật tự thì rất đơn giản thôi, vậy mà em tôi vất vả quá. Em gái tôi vẫn cố ôm chặt con vào lòng.”

Keiko cũng chẳng biết giận dữ, cô coi những sai phạm của người khác là chuyện bình thường, kiên trì nhắc nhở chứ không bao giờ cáu gắt thực sự – nếu có, đó chẳng qua là sự bắt chước cảm xúc từ những người xung quanh, để bản thân không bị coi là “hàng dỏm”, cô luôn cố gắng để hòa nhập.

Rõ ràng là Furukura Keiko không bị thiểu năng trí tuệ, không có vấn đề gì về năng lực suy nghĩ, nhưng logic của cô lại không giống như một “con người” bình thường, không có hỉ nộ ái ố, mà lại căn bản như một động vật máu lạnh –  có thể bắt chước, có thể làm theo chỉ thị, có thể thực hiện theo quy tắc – nhưng không thể lý giải được những suy nghĩ, tình cảm đơn giản của người bình thường.

Theo thời gian điều đó vẫn không thay đổi.

Cho đến khi cuộc đời Keiko vấp phải gã hèn mọn Shiraha

Cuộc đời Keiko và Shiraha va vào nhau vì một quan niệm của xã hội, rằng trưởng thành là phải kết hôn, sinh con.

Shiraha là một gã đàn ông tuổi tầm 35, cao cỡ 1m80, gầy đét, dáng đi khúm núm, lòng khòng như cái móc áo, đeo cặp kính trông như sợi dây thép bám lấy mặt, đôi mắt trũng lõm sâu, làn da khô quắt…

Shiraha là một tổng thể của mâu thuẫn. Gã xin được làm việc ở cửa hàng tiện ích nhưng lại kỳ thị chính cái nghề này. Gã cho rằng cuộc sống bản thân khó khăn là do quan niệm xã hội về tiêu chuẩn một cuộc sống thành công, nhưng lại lấy chính cái lý luận đó để khinh thường Keiko. Gã ghét cay ghét đắng những cổ hủ của thời Jomon (thời kỳ đồ đá mới ở Nhật Bản) nhưng lại luôn lảm nhảm về nó, thậm chí lấy nó để ngụy biện cho những hành vi sai trái của mình.

Khác với Keiko, Shiraha hoàn toàn bình thường, gã có thể hiểu và lý giải mọi logic tình cảm của con người. Nhưng vì bản tính lười biếng, gã không tiền tài, không nghề ngỗng, không chỗ ở. Gã luôn đổ lỗi cho xã hội thay vì cố gắng để đạt được cái mình muốn bằng năng lực của bản thân. Gã luôn giậm chân tại chỗ và ôm cái ý nghĩ “tôi không làm việc nhưng tôi có tầm nhìn, chỉ cần khởi nghiệp là bọn con gái sẽ bám theo cả đàn.”  Rồi khi bám được vào cuộc sống của Keiko, được cô cho ăn ở miễn phí, gã thu mình trong phòng tắm, dự định mọc rễ ở đấy, không ra ngoài, không gặp ai nữa. Gã, thực sự là một gã hèn đúng nghĩa.

Dù chưa phải nam chính, nhưng nhờ sự xuất hiện của Shiraha và sau đó là chuỗi ngày cuộc sống đảo trộn vì gã, Keiko đã hiểu được giá trị tồn tại của bản thân trên thế giới này.

Bi kịch của cá nhân khi bị đóng khung trong cái nhìn của xã hội 

Cô nàng cửa hàng tiện ích review sách

“Thế giới bình thường rất nguyên tắc, nó âm thầm loại bỏ dị vật. 
                              Người không ra gì sẽ bị đào thải.”

Bi kịch của Keiko và Shiraha diễn ra vì họ không theo đúng quy chuẩn mà xã hội đã áp đặt lên mọi người, cái quy chuẩn tạo nên khuôn khổ của một con người bình thường, một con người thành công, mà nếu như không đi theo quy chuẩn đó, con người sẽ bị lên án, bị kỳ thị, bị đào thải.

Sự khác biệt giữa Keiko và Shiraha rất rõ ràng. Dù Keiko bẩm sinh đã khiếm khuyết khả năng lý giải logic tình cảm của con người bình thường, nhưng cô chấp nhận che đậy cái kỳ lạ của bản thân và hóa thân vào một con người bình thường, cố gắng hòa nhập, cuối cùng tìm được giá trị đích thực của bản thân. Còn Shiraha dẫu sinh ra có vẹn toàn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng với tính cách tích hợp giữa trịch thượng và tự ti, trên tất cả là sự lười biếng và không cầu tiến, gã tự biến mình thành đồ bỏ đi của xã hội.

Cửa hàng tiện lợi trong “Konbini Ningen” là tấm gương phản chiếu cuộc sống đời thực, các bộ phận thay đổi, nhưng toàn bộ vẫn giữ nguyên. Và có lẽ con người vẫn bị mắc kẹt trong mô hình xã hội lỗi thời, mặc dù con người hiện đại cảm thấy bản thân tiến hóa hơn người thời đại trước.

Có một cuốn cẩm nang được truyền lại từ đời này sang đời khác, là kết hôn, sinh con, và kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Bất cứ ai không đáp ứng theo tiêu chuẩn đó sẽ được thuyết phục đi đúng đường hoặc bị tẩy chay. Đó là một xã hội chứa đựng ảo tưởng về những thứ mà nó gọi là bình thường, và những thỏa thuận ngầm của con người về một cuộc sống có thành công hay không. Người ta dựa vào cẩm nang đó, rồi tự cho bản thân cái quyền đánh giá, phán xét về đời tư của người khác.

Thế nhưng, thành công và hạnh phúc là khái niệm trừu tượng không thể quy ra bằng tiêu chuẩn kết hôn, sinh con, nhiều tiền. Sống chăm chỉ bằng đồng tiền lương thiện do công sức mình bỏ ra không có gì là sai trái, dẫu đó có là công việc bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi. Sống độc thân, và cảm thấy tự do, thỏa mãn, đủ đầy thì cũng không có gì đáng trách cả.

Vì sao gọi là dư luận? Vì “luận” nhiều quá cho nên “dư”! Người ta nói nhiều nhưng người ta có sống giùm bản thân người được đâu? Sống mà cứ phải để ý đến ánh mắt người đời thì khó mà hạnh phúc được. Cứ lương thiện mà làm công việc người thích, sống theo cách khiến người thoải mái. Mỗi người đều tìm được an yên trong lòng thì xã hội sẽ bớt “đáng sợ” hơn cái xã hội trong “Konbini Ningen”, hay cũng chính là xã hội ngày nay của con người.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt – tác giả cuốn The Sympathizer thắng giải Pulitzer Prize – đã có lời nhận xét về tác phẩm “Konbini Ningen”: “Một bản khảo sát khôi hài, tăm tối, gây chấn động sâu sắc về đời sống đương đại, về sự xa lánh, về chủ nghĩa tư bản, ý thức cá nhân, và sự quy hàng các ước lệ xã hội. Dù ở Nhật Bản hay đâu khác, chúng ta đều đã từng đặt chân vào cửa hàng này.

Review sách Co nang cua hang tien ich_Murata Sayaka

Giải mã tựa đề gốc của tác phẩm – “Konbini Ningen” 

“Konbini” bắt nguồn từ chữ “Konbiniensu sutoa”, tức là “Convenient store” trong tiếng Anh, được người Việt biết đến với phiên âm “Combini” – Cửa hàng tiện ích kiểu Nhật Bản: mở cửa 24 giờ một ngày, bán các loại thực phẩm và vật dụng cá nhân hàng ngày, bao gồm cả đồ ăn nhanh, đồ gia dụng và tạp chí, theo kiểu tự phục vụ, với khu vực kệ hàng chiếm hơn 50% tổng diện tích.

“Ningen” là cách phiên âm Romaji, nghĩa tiếng Việt là “con người”. Ngoài ra, ít ai biết rằng “Ningen” còn là tên của một loài sinh vật biển hình người ở Nam Cực.

Tương truyền, thủy thủ các tàu đánh cá voi nghiên cứu do chính phủ quản lý đã mục sở thị loài sinh vật được gọi là “Ningen” này, kể lại rằng chúng có cơ thể màu trắng với chiều cao ước chừng 20 đến 30 mét. Những người chứng kiến mô tả “Ningen” có hình dáng giống người, có chân, có tay và bàn tay năm ngón. Đặc điểm về khuôn mặt có thể nhìn thấy là mắt và miệng. (Theo Pink Tentacle)

Suốt nhiều năm, ở Nhật Bản lan truyền lời đồn đại về sự tồn tại của sinh vật biển to lớn hình người sống ở Nam Cực, giới khoa học không nghi ngờ gì việc Nhật Bản đang âm thầm nghiên cứu “Ningen” và đặt ra nghi vấn: Bao giờ thì người Nhật tiết lộ “Ningen”?

Vậy thì, “Ningen” thể hiện xuyên suốt  trong “Konbini Ningen”, với nghĩa “con người” (hay “cô nàng” như bản dịch tiếng Việt, thậm chí là “woman” trong bản dịch tiếng Anh) có đủ để lột tả được nhân vật mà Murata Sayaka xây dựng hay không? Hay nhân vật chính Furukura Keiko – “Ningen” trong tựa đề của tác giả – đích thị là một cá thể dị biệt trong xã hội loài người?

Murata Sayaka – một trong những nhà văn đương đại thú vị nhất Nhật Bản 

Nữ văn sĩ Murata Sayaka là một nhà văn, đồng thời cũng là một nhân viên bán thời gian tại cửa hàng tiện lợi. Có lẽ vì thế mà trong tác phẩm “Konbini Ningen”, cô đã cho độc giả cái nhìn rõ nét và chân thực hơn về công việc nhân viên cửa hàng tiện ích nói riêng và cuộc sống của người Nhật Bản nói chung.

Sayaka sinh năm 1979 tại thành phố Inzai, tỉnh Chiba. Năm 2003, tiểu thuyết Jyunỹu (Breastfeeding) của cô đã đoạt Giải thưởng Gunzo dành cho nhà văn trẻ. Đến năm 2013, cô giành giải thưởng Mishima Yukio nhờ tác phẩm Shiro-iro no machi no, sono hone no taion no (Of Bones, Of Body Heat, of Whitening City).

“Konbini Ningen” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Sayaka được dịch sang tiếng Anh. Sách đã bán được hơn một triệu bản tại Nhật Bản và sau đó được dịch ra 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.