Là câu chuyện nhân văn và đầy cảm xúc về một người thiểu năng trở thành thiên tài, “Hoa trên mộ Algernon” đã cùng lúc mang về cho tác giả Daniel Keyes hai giải thưởng văn học danh giá trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng: giải Hugo năm 1959 và giải Nebula (của riêng Hoa Kỳ) năm 1966.

Truyện xoay quanh Charlie Gordon – người đàn ông 32 tuổi mắc bệnh chậm phát triển bẩm sinh. Cùng với Algernon, một chú chuột bạch, anh được chọn tham gia phẫu thuật thay đổi trí tuệ – thí nghiệm đầu tiên về lĩnh vực này trên thế giới. Có được trí thông minh vượt trội, trở thành một thiên tài, một cuốn bách khoa từ điển sống, nhưng cuộc sống vui vẻ trước đây của Charlie không còn nữa. Và khi những dấu hiệu kỳ lạ đầu tiên xuất hiện ở Algernon, báo hiệu một kết cục chẳng sáng sủa như người ta tưởng tượng, Charlie dần nhận ra rằng, quyền năng mà anh đang nắm giữ cũng chẳng thể ở lại với anh mãi mãi.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Nghệ thuật dẫn chuyện: độc đáo, sinh động và khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc

Bệnh thiểu năng, hẳn là độc giả đã ít nhất một lần nghe nói đến. 

Tuy nhiên, những gì chúng ta biết về căn bệnh này có xu hướng chỉ gói gọn trong vài định nghĩa rất chung chung. Đại loại như là ngốc nghếch, đần độn, không thể tiếp thu kiến thức và giao tiếp một cách bình thường. Chấm hết. 

Người ta không biết, hoặc ít khi thực sự hình dung được một cách cụ thể đời sống, các mối quan hệ, những suy nghĩ và đặc biệt là sự đau khổ của một người bị kém trí tuệ là thế nào. Với bộ não hoạt động ổn định và chỉ số thông minh trên trung bình, dù có chút hiểu biết về người chậm phát triển, nếu thực sự tiếp xúc với họ, ta thường cũng sẽ không tránh khỏi cảm giác chán nản và bực bội.

Vậy nên, Daniel Keyes đã rất tinh tế khi để cho nhật ký của một người thiểu năng kể lại toàn bộ câu chuyện. Góc nhìn chủ quan của người trong cuộc – Charlie Gordon – đã giúp người đọc thấu hiểu từng chi tiết trong cuộc sống của một bệnh nhân chậm phát triển: khó khăn trong việc đọc viết, khát khao kiến thức, sự thiếu hụt trí tuệ cảm xúc, sự vụng về trong việc xử lý những nhu cầu sinh lý cơ bản – những thứ mà, đứng ở cương vị của một người bình thường, ta thường không tài nào tưởng tượng ra được. Và việc thuật lại câu chuyện ở ngôi thứ nhất cũng cho độc giả cơ hội đặt mình vào vị thế của nhân vật, cùng Charlie đi qua những quãng đời khác nhau của anh, từ thời thơ ấu bất hạnh, từ đứa trẻ thiểu năng đầy nghị lực khát khao có được trí tuệ bình thường, sự cô độc, hoang mang của một thiên tài, đến nửa đời sau chìm trong bi kịch, không còn liên hệ với thế giới bên ngoài. Từ đó, lòng trắc ẩn của ta được bồi đắp, ta trở nên biết thông cảm hơn, và yêu thương nhiều hơn những người có số phận tương tự.

review sach hoa tren mo algernon
Ảnh: @wanderer.in.soul

“Không biết gì và hạnh phúc”, hay “trở thành con người mình muốn, để rồi cô độc”? 

Hơn cả một quyển tiểu thuyết, “Hoa trên mộ Algernon” cung cấp cho độc giả những thảo luận thú vị, tinh tế và sâu sắc về vai trò của trí tuệ và cảm xúc tích cực đối với mỗi con người. Gấp lại quyển sách, người đọc không chỉ có một góc nhìn khác biệt về cuộc sống thiếu hụt trí thông minh nhưng đầy niềm lạc quan của một người thiểu năng, mà còn hiểu rõ hơn những khó khăn trong đời sống tinh thần của những bộ óc thiên tài. 

“Tôi chẳng biết cái nào thì tệ hơn: không biết gì và hạnh phúc, hay trở thành con người mà mình muốn, và rồi cô độc”

Daniel Keyes, Hoa trên mộ Algernon-

Charlie Gordon trước-khi-phẫu-thuật là một người chậm phát triển bẩm sinh.

Với chỉ số IQ chỉ vỏn vẹn gần 70, đọc, viết, làm toán, mỗi việc mà người ta đã thành thạo từ khi còn bé đều là một cực hình với anh. Mang đầu óc của một đứa trẻ, người đàn ông 32 tuổi này cũng chẳng hề hiểu được những mối quan hệ và cảm xúc phức tạp của một người trưởng thành. Với anh, chỉ cần ai đó cười với mình thì nghĩa là người đó rất thích mình, chẳng cần biết người ta cười vì điều gì cả. 

Chính vì không ý thức được sự phức tạp của xã hội mà tinh thần lạc quan đã trở thành phẩm chất nổi bật nhất ở anh chàng này. Charlie chưa bao giờ hoài nghi hay nghĩ xấu về người khác, và vì vậy, luôn vui vẻ, cởi mở, tin tưởng, sống tích cực và yêu thương tất cả mọi người. 

Tuy nhiên, hiệu quả của những phương pháp phẫu thuật và trị liệu tiên tiến nhất, ngoài việc cho Charlie trí tuệ mà anh hằng mong ước, đã khiến cuộc sống của anh đảo lộn hoàn toàn.

Chỉ số IQ, chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, đã vụt lên 185 điểm; nhờ vậy, Charlie có cơ hội tiếp cận với những tinh hoa kiến thức vĩ đại nhất thế giới. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, sau những niềm vui ban đầu, anh lại không hề hạnh phúc. Trí tuệ phát triển khiến nụ cười không còn hiện diện trên gương mặt anh nữa. Nếu như trước đây, Charlie luôn yêu quý những người xung quanh và có nhiều bạn bè; thì trong lúc này, anh trở nên lạnh lùng và cô độc hơn bao giờ hết. 

Vậy thì, suy cho cùng, phiên bản nào của Charlie mới thực sự tốt hơn? Là một đứa trẻ thiểu năng ngày ngày sống vui vẻ, hay một thiên tài trầm lặng, u uất?

Nếu chọn cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, thường thì hiểu biết cần ít đi một chút. Vì sao những đứa trẻ lại cười nhiều hơn và hạnh phúc hơn người lớn? Bởi vì chúng chẳng mảy may hiểu được những đen tối và phức tạp của thế giới. Bởi vì chúng không phải suy luận xem đằng sau những lời nói hay hành động của người khác là mục đích gì. Và cũng bởi vì trẻ con không bị rút cạn năng lượng khi suốt ngày phải nghĩ rằng, rốt cuộc người này hay người kia có dụng ý gì với mình không, và phải làm sao để đối phó họ. Khi không biết những sự đời chướng tai gai mắt hay những góc khuất đằng sau cái vẻ tốt đẹp mà người khác thể hiện ra bên ngoài, mặc nhiên, người ta cũng ít nhiều giống như Charlie trước đây: nghĩ rằng thế giới này vô cùng đẹp đẽ, rằng những người xung quanh cũng thực đơn thuần và tử tế như mình nhìn thấy. Vậy nên ta yêu cuộc đời, tin tưởng cuộc đời. 

Và cũng bởi vì không hiểu biết như người khác, dù có thể tự ti, ta thường sẽ khiêm tốn, kết bạn để giao lưu học hỏi; ta cũng thường trở nên thông cảm hơn với những người không xuất chúng giống như mình. 

Nhưng sau tất cả, niềm vui của Charlie chẳng qua chỉ là hạnh phúc giả tạo trong sự thiếu hiểu biết. Anh mãi mãi không bao giờ biết được thế giới thực tế là thế nào, chỉ có thể an phận trong cái vòng tròn an toàn của mình, sống hết một kiếp người.

Ngược lại, chọn trí tuệ ưu việt, trong trường hợp của Charlie là bộ não của một thiên tài, chính là chấp nhận từ bỏ sự ngây thơ để bước vào những phiền não và thực tại đen tối của cuộc sống. 

Tư duy càng sắc bén, ta lại càng nhìn thấu lòng người, và thất vọng khi chứng kiến những điều xấu xí ẩn giấu trong họ. Mỗi mục đích đằng sau lời nói hay hành động của người khác, đều không qua được đầu óc thấu suốt của ta. Vì khả năng suy luận quá nhạy bén và phức tạp, đôi khi ta vô tình gán cho người khác những ý đồ mà họ chẳng bao giờ nghĩ đến. Và như vậy, ta trở nên hoài nghi thế giới. Ta cảm thấy chẳng thể tin tưởng ai nữa. Nhưng những thiên tài còn cô độc vì một lẽ khác. Bởi vì trí tuệ quá ưu tú, họ ít nhiều khó tránh khỏi cái tôi tự phụ, thứ thường khiến người ta mất đi tính kiên nhẫn và lòng trắc ẩn với người khác. Một người bình thường, đôi khi còn không thể tìm được từ ngữ đơn giản để nói chuyện với một đứa trẻ; vậy thì bảo một người có IQ 185 như Charlie thảo luận những chủ đề phổ thông với người có bộ óc trung bình còn khó khăn đến thế nào nữa? 

Nhưng bù lại cho sự cô độc đó là gì? Với trí tuệ siêu phàm, ta có thể giống như Charlie sau phẫu thuật, có thể thỏa mãn khát khao kiến thức, học bất cứ thứ gì mình muốn, chỉ trong vài ngày, vài tuần, những thứ mà người khác phải học cả đời. Và nếu sử dụng đúng cách, tiềm năng đó còn cho ta cơ hội trở nên vĩ đại, giàu có và cống hiến cho nhân loại.

Vậy nên, khách quan mà nói, cho dù là nhân dạng nào – một người vui vẻ dù ít hiểu biết hay một thiên tài cô độc, cũng đều có ưu điểm và bất cập của nó. Tùy vào hoàn cảnh sống, mỗi người có thể có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tác giả không chủ quan cho rằng con người nào là tốt nhất. Ông chỉ đơn giản để người đọc dõi theo sự xung đột giữa hai danh tính đối lập nhau của Charlie, để ta thấy được không có cái nào là hoàn toàn tốt hay xấu; không cho rằng cuộc sống của người thiểu năng là đầy phiền não, cũng không quá ghen tị và ca ngợi cuộc sống đầy sự xuất chúng của những bộ óc thiên tài. 

Nhưng ngoài việc có đánh giá đúng đắn về người khác, quan trọng nhất là, Daniel Keyes đã cho độc giả cơ hội chứng kiến cuộc sống thiếu hụt trí tuệ hoặc cảm xúc tích cực là như thế nào, qua đó suy ngẫm và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của mỗi khía cạnh này đối với con người; từ đó nỗ lực cân bằng chúng để có một cuộc sống hài hòa, viên mãn. Thay vì tự hỏi cái nào tốt hay tệ hơn, chẳng phải hay hơn sao nếu ta vừa là một cá nhân ưu tú, vừa giữ được đức tính khiêm nhường và sự kính trọng người khác? Nếu có thể tư duy sắc bén để thấu suốt được sự phức tạp của cuộc sống, nhưng cũng không vì lẽ đó mà bi quan, nghi ngờ, mà luôn nỗ lực tìm kiếm và giữ vững niềm hy vọng vào những điều đẹp đẽ trên đời, chẳng phải thế giới này sẽ tốt đẹp hơn sao?

 “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” 

-Xuân Diệu, Giục giã

Thật ngẫu nhiên, hai câu thơ này lại phản ánh rất chính xác cuộc đời của Charlie Gordon.

Hậu quả khôn lường của cuộc phẫu thuật đã ứng nghiệm lên chú chuột Algernon. Và Charlie biết, sớm hay muộn gì, trí tuệ có được không phải do tự nhiên của anh cũng khó tránh khỏi kết cục tương tự. 

Vậy điều này có đáng hối hận không?

Một số người sẽ cho rằng kết cục bi thảm ấy quả thật là bất hạnh, và nếu được lựa chọn lại một lần nữa, thà rằng cứ để Charlie ngu ngốc cả đời. Con người thường có ác cảm rất lớn với những mất mát. Không đạt được một điều gì đó, dù sao vẫn tốt hơn là có được rồi lại mất, phải vậy không? Thà rằng chưa bao giờ biết đến, vẫn tốt hơn là chịu đựng bi kịch khi không còn ý niệm nào về những gì mình đã từng quen thuộc, có đúng không? Có phải cứ sống bình bình suốt đời vẫn hài lòng hơn là được nâng lên một tầm cao mới, rồi lại rơi xuống còn thấp hơn cả mức sống cũ không?

Nếu chỉ là một người thiểu năng bình thường, vui vẻ chấp nhận cuộc sống vốn có của mình, yêu thích sự đơn giản, không có mong ước gì to lớn, cũng chẳng thiết tha được tiếp thu kiến thức từ những bộ óc vĩ đại của nhân loại, thì sẽ chẳng có gì đáng nói khi chọn tiếp tục cuộc sống cũ, không thấy, không nghe, không biết đến một lối sống cao hơn, để rồi thất vọng nhiều hơn. 

Nhưng Charlie Gordon không phải người như thế. Anh là người vô cùng nghị lực. Anh thực sự đam mê việc học hành. Ước mơ cả đời của anh là có được trí tuệ, một lần hiểu được dù chỉ là một chút tinh hoa trong kho tàng của thế giới. Vậy nên, đứng trên quan điểm của anh mà nói, quyết định dấn thân này là hoàn toàn không đáng hối hận. 

hoa tren mo algernon reviewsach.net

Nếu cứ mãi sống một cuộc đời ngây thơ, ngốc nghếch, nếu vì thí nghiệm không thành công mà không dám một lần thử thách, Charlie Gordon sẽ không bao giờ tìm được niềm vui thăng hoa trong sự học, trong việc tiếp cận và thấu hiểu những kiến thức vĩ đại nhất của nhân loại, một lần chạm tay đến và hoàn thành tâm nguyện cuộc đời mình. 

Nếu không trở nên thông minh, Charlie cũng sẽ không bao giờ có thể bước ra khỏi vòng tròn hạn hẹp của mình, để lần đầu tiên nhìn thấy thế giới muôn màu và rộng lớn. Dù thực tế khắc nghiệt và đen tối hơn những gì được nhìn thấy trước đây dưới con mắt của một đứa trẻ chậm phát triển, ít ra anh cũng một lần được trưởng thành, được chứng kiến, trải nghiệm, độc lập suy ngẫm và đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. 

Và nếu không có trí tuệ đủ để ý thức được cảm xúc của một người lớn, đủ để có một đời sống tinh thần, người đàn ông 32 tuổi vốn mang đầu óc trẻ con ấy cũng sẽ không thể trải nghiệm tình yêu đôi lứa – thứ tình cảm tinh tế nhất, và có thể được xem là thăng hoa nhất của đời người. 

Nhưng trên tất cả, thí nghiệm không thành ấy đã cho Charlie ân huệ lớn lao nhất – cơ hội mang cống hiến vĩ đại đến cho khoa học, cho việc giúp đỡ những người mắc cùng căn bệnh với anh, và cho kho tàng kiến thức rộng lớn của thế giới, để lưu danh sử sách muôn đời. 

Dù những ngày vinh quang nhanh chóng lụi tàn, dù phải kết thúc cuộc đời trong bi kịch, thì Charlie Gordon cũng đã chạm vào điều ước của mình, đã sống hết mình với ước mơ, đã tỏa sáng, đã hoàn thành sứ mệnh của một con người. Chính bản thân anh rồi cũng sẽ không còn nhớ, không còn hiểu được những công trình nghiên cứu của mình, nhưng di sản vô giá mà anh để lại vẫn còn đó, để những thế hệ sau vẫn biết rằng từng có một Charlie Gordon đặc biệt như thế, tài giỏi như thế, can đảm như thế, đã sống trên đời.

Nhan đề truyện và bài học về lòng biết ơn những cống hiến cho nhân loại

Như độc giả đã biết, nhân vật chính của câu chuyện là một con người – Charlie Gordon.

Vậy tại sao quyển tiểu thuyết lại có tên là “Hoa trên mộ Algernon”? 

Algernon, cũng như Charlie, nhờ vào phẫu thuật não mà trở nên xuất chúng. Chú chuột nhỏ trở thành một hiện tượng, được cả thế giới săn đón, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc nghiên cứu trí tuệ, không chỉ trên động vật, mà còn của con người.

Nhưng cũng vì tác dụng phụ của thí nghiệm, Algernon đã phải chịu đựng chứng rối loạn chức năng và rất nhiều đau đớn khác, cuối cùng ra đi mà chân vẫn như đang chạy, tâm hồn vẫn chưa được thanh thản. Như bao vật thí nghiệm, chú chuột đáng thương không thể tránh khỏi kết cục bị đem vào lò thiêu, tiêu hủy hoàn toàn.

Điều này khiến Charlie không thể chấp nhận được. Bởi vì Algernon, không chỉ là một người bạn đồng hành từ những ngày đầu anh bước vào phòng thí nghiệm, mà trên hết, là sinh vật duy nhất trải qua những vinh quang và đau khổ giống như anh, hiểu được những gì mà anh đang cảm thấy, và để anh có được niềm an ủi rằng ít nhất mình không cô độc trên đời này. Vậy nên, Charlie đã mang xác Algernon về chôn cất ở sân sau nhà, và trong những dòng nhật ký cuối cùng, anh vẫn mong rằng những ai đọc được nó hãy một lần đến thăm Algernon, một lần đặt một cành hoa lên mộ chú chuột ấy.

Phải chăng đó cũng là niềm mong mỏi của Daniel Keyes dành cho Charlie Gordon khi viết câu chuyện này?

Phải chăng tác giả cũng mong rằng những người hậu thế chúng ta, những người được soi sáng bởi ánh sáng của khoa học tiến bộ, sẽ một lần nghĩ tới, sẽ tôn trọng và biết ơn những người đã hy sinh vì nó? 

Và phải chăng ông cũng mong rằng, dù thời huy hoàng của Charlie đã qua đi, dù anh đã không còn liên hệ gì với thế giới này, vẫn sẽ có người đến đặt hoa trên mộ của anh, cầu nguyện cho anh, giống như anh đã làm với Algernon? 

Link mua sách:

Gấu