“Một chỗ, một chỗ…”

Đó là lời tâm niệm của nhân vật tôi cùng nhân vật Viễn trong cuốn tiểu thuyết đầu tay nhà văn Tô Hải Vân “trình làng” vào năm 2015, tiểu thuyết Người thứ hai. Một tác phẩm thể hiện rất rõ lối kể chuyện hết sức hiện đại; đồng thời, khắc họa rõ nét cảm quan sâu sắc của ông về bi kịch người tri thức trong thời hiện đại trước nỗi trăn trở “tồn tại hay không tồn tại”, sống vì đam mê hay thuận theo dòng đời. Và nhất là niềm day dứt “một chỗ” giữa chuyến tàu cuộc sống đang băng băng tới nhà ga tương lai vô định.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

người thứ hai

Dòng chảy không gian, thời gian biến dạng

Tiểu thuyết Người thứ hai có kết cấu khá đặc biệt.

Hai ngôi kể: ngôi kể thứ nhất – người kể chuyện xưng “tôi”; ngôi kể thứ ba, với nhân vật trung tâm là một trí thức mang học hàm tiến sĩ tên “Viễn.”

Hai không gian, không gian trên chuyến tàu tốc hành tôi đã đi; không gian đời sống, sinh hoạt Viễn đã sống.

Hai dòng thời gian, thời gian tàu chạy; thời gian Viễn từ một chàng sinh viên tới khi ra trường, đi làm đủ công việc khác nhau.

Nhưng dù là dòng không gian, thời gian nào, dù có là tôi hay là Viễn thì đó cũng là dạng thức đã bị biến dạng bởi những cái tôi tự sự vỡ vụn.

Thật vậy, các chương của tiểu thuyết Người thứ hai không có tựa chương, chỉ được đánh số bằng những con số chẵn – lẻ. Chương lẻ nói đến hành trình đòi lại chỗ ngồi của tôi ở chuyến tàu tốc hành tôi đã mua vé, đã đặt chỗ mà rồi chỗ ngồi ấy bị một kẻ lạ mặt chiếm mất. Chương chẵn lại thuộc về một hành trình khác, chiều không gian khác, thời gian dài hơn, trải rộng cuộc đời Viễn từ thủa sinh viên nhiều đam mê, đến ngày làm thầy giáo vẫn còn một bầu nhiệt huyết, tới ngày anh ra làm trong viện nghiên cứu, bao khát vọng tuổi trẻ cứ lụi tàn dần.

Hai mảng không, thời gian tưởng như tách biệt, tưởng chừng nói tới hai cá nhân khác nhau, hai câu chuyện riêng lẻ, mà thực ra, luôn có sự song hành, đan xen; giống như đường ray tàu chạy, vẫn có những đoạn giao nhau giữa các cung đường. Ấy là khi, cái kết của chương lẻ, lại như tạo tiền đề cho chương chẵn. Ấy là khi, bóng hình Viễn thấp thoáng trong viện sĩ “tôi” đi dọc các toa tàu tìm một chỗ hay, tiến sĩ Viễn có chỗ đứng rồi vẫn vô định trong chuyến tàu tâm tưởng cùng nỗi hoài nghi, liệu đó có thật sự là “chỗ ngồi” của anh hay không.

Không gian, thời gian biến dạng không chỉ được thể hiện ở tổng thể câu chuyện, sự giao nhau giữa các chương mà ngay chính nội tại một chươn, cũng xảy ra hiện tượng không – thời gian bị bóp méo.

Đoàn tàu tốc hành “tôi” lên, mỗi toa lại là một chiều không gian khác, thời gian không rõ ràng như thực như hư, con người lẫn cảnh vật đều như mộng như ảo, tựa tấm vé tàu “tôi” cầm, tưởng chừng rõ ràng đấy mà cũng mờ mờ tỏ tỏ. Trên tàu không gian tù hãm, quay cuồng, lúc xuống tàu ở trạm dừng chân, không gian “tôi” hòa mình cũng đầy vô định với những gian hàng ngỡ là hư mà lại thực đến xa xót khi người ta mặc nhiên bán bằng cấp lẫn thời gian.

Còn không gian Viễn sống, cũng đầy những méo mó, lộn xộn giữa trường học nơi anh làm việc – quán cà phê quen thuộc anh vẫn thường cùng Muôn ngồi chuyện trò – không gian thư viện – quán trà ven đường – chòi trà của ông Hạnh ở viện nghiên cứu… Thời gian tổng thể vốn chảy trôi theo trục tuyến tính, song vẫn không ngừng đổi trục giữa quá khứ, hiện tại, hư vô. Thời gian sự kiện, thời gian thực tế lại càng khó phân định rõ ràng.

Tất cả, được Viễn tự lý giải bằng nguyên do: Anh vướng vào một trường không gian “vật chất tối”. Trường không gian ấy đã phân tách anh thành hai cá thể Viễn – “tôi”; vốn như những vũ trụ song song tồn tại. Nhưng có lẽ, sự biến dạng không gian, thời gian, vốn xuất phát từ chính nội tâm Viễn. Tâm tường người trí thức bi kịch “tài cao phận thấp chí khí uất” đã khiến Viễn không ngừng đối thoại với bản thân, anh “ở đây” làm gì, đến giây phút này sao anh còn chưa đứng lên?

người thứ hai tô hải vân

Những cá nhân bị kí hiệu hóa

Không phải tới tiểu thuyết Người thứ hai, các cá nhân bị kí hiệu hóa mới xuất hiện mà ngay từ những truyện ngắn tản mát nhà văn Tô Hải Vân từng viết, những con người như vậy đã luôn tồn tại như một hiện thực nhức nhối. Là T, là Q, là người hoang tưởng thử nhất, thứ năm… tác giả đã kí hiệu hóa cá nhân bằng những chữ cái, con số như vậy đấy.

Nhưng với Người thứ hai, sự kí hiệu hóa còn được nhà văn khắc họa rõ nét, đau đớn hơn, khi người ta mang một cái tên rõ ràng, song danh tính ấy cũng chỉ như dạng thức kí hiệu cho những kiếp “sống mòn” giữa cuộc đời.

Bởi anh có thể là Viễn, nhưng cũng có thể là tôi. Cô là Hoài, là Giang, cũng có thể là Loan đã đi qua cuộc đời Viễn hay một cô gái tên Liên, tên Nguyệt nào đấy tôi đã tưởng tượng ra trên chuyến tàu hư vô đang tiến về màn mưa mịt mù xa ngái. Ngài có thể là ông Năm hiệu phó, hay ông Hoan viện trưởng, hoặc vị trưởng tàu, có quyền, có thế nhưng quan liêu, ích kỷ. Ông có thể là ông Văn giáo già, ông Phiến trưởng phòng kế hoạch ở những chỗ Viễn từng làm, hay những danh nhân thời xưa bỗng xuất hiện cùng chuyến “tôi” đã đi; sống gần trọn một kiếp người đủ để họ biết làm thế nào để có được hai chữ “bình yên” cho tâm hồn. Gã có thể là tên móc túi với đầy “đạo đức”; cũng có thể là Muôn, người đàn ông làm nghề săn đầu người; những kẻ phóng khoáng, hào sảng, hiểu thấu nhân tâm…

Thực – ảo đan xen, danh tính mờ tỏ. Định danh cũng hóa hư ảo khi cái tôi con người cũng dần mờ hóa giữa dòng đời nghiệt ngã. Và rồi người ta chỉ còn là những kí hiệu suy nghĩ giống nhau, hành động giống nhau, bản năng, ý chí phản kháng mất dần biến họ thành những hình hài di động. Để rồi thậm chí đến danh tính cũng biến mất, họ chỉ còn được gọi bằng những đại từ phiếm chỉ: “tôi”, “người đàn ông”, “gã”…

Tựa để tác phẩm – Người thứ hai quả thực rất gợi. Vốn tựa đề đó đã mang một tầng mã hóa trong con số “hai”. Hai chiều không gian, hai dòng thời gian, cái tôi thứ “hai” của Viễn trong vùng “vật chất tối”. Nhưng người thứ hai cũng có thể là bất cứ ai đang quay cuồng giữa cuộc sống hiện đại, mang những nỗi ẩn ức sâu kín về khổ đau của một cái tôi không tìm thấy chốn đi về, cũng không thể tâm sự với bất kỳ ai, ngoài một “tôi tâm tưởng” khác.

Vậy nên, “người thứ hai” ở tiểu thuyết này của nhà văn Tô Hải Vân, đã trải qua hai tầng mã hóa. Bởi đến tận cùng, có lẽ đâu chỉ có “tôi” và “Viễn” mà phải chăng, tất cả ông, gã, hắn, các cá nhân khác xuất hiện trong tác phẩm, cũng đều là những phân thân “2+n” của người trí thức vật mình với bi kịch “Tồn tại hay không tồn tại.”

người thứ hai review

Bi kịch người trí thức về “Tồn tại hay không tồn tại”

Trong hơn 40 năm sáng tạo văn chương, nhà văn Tô Hải Vân viết nhiều về muôn mặt kiếp người. Nhưng có lẽ, ông đã viết hay nhất, ám ảnh nhất về người trí thức cùng bi kịch của họ trong nỗi trở trăn “Tồn tại hay không tồn tại” (“To be or not to be” – Chữ dùng của Shakespeare trong vở kịch Hamlet) Bi kịch ấy, thể hiện ở mỗi truyện ngắn, và trải dài hơn 200 trang sách trong tiểu thuyết Người thứ hai.

Người ta day trở “tồn tại hay không tồn tại.” Bởi người ta ý thức rất rõ bản thân đang “tồn tại”, đang sống, đang hiện diện trên cõi đời mà lại như không “tồn tại”, không “hiện diện”: “Ngồi giữa đám đông, Viễn như người thừa, hoặc giả, đóng vai một khán giả bất đắc dĩ.”

Vì người ta cũng ý thức được, họ có “một chỗ”, một vị trí đứng giữa bao người; nhưng đấy lại không phải chỗ dành cho họ. Cái tôi người trí thức nhận thức rõ về tài năng, khát vọng, đam mê, nhiệt huyết bản thân ấp ủ. Và cái tôi người trí thức cũng đau đớn nhận ra, những điều họ khao khát, bản ngã cùng tài năng họ tự hào, đang dần bị cuốn trôi giữa “làn sóng thủy triều” mang tên đời sống, công việc. Vật mình kiếm tìm “một chỗ”, rồi lại cay đắng thức tỉnh, chỗ đấy không dành cho một cái tôi chứa nhiều hoài bão cùng khát khao đổi mới bản thân. “Ngay ở Loan, anh cũng thấy mình không có chỗ nào mà tồn tại.”

Giữa cuộn xoáy cuộc đời cùng dòng thời gian ào ào trôi đi, con người từ nỗi trăn trở tồn tại hay không tồn tại, tiến dần tới sự hoài nghi sống hay không sống và lâm vào mâu thuẫn làm thế nào để được sống đúng với một cái tôi trọn vẹn? “Ta, và không-ta, hai thằng rất khác nhau.” Người ta còn đủ thời gian để thay đổi, làm lại cuộc đời? Người ta còn đủ đam mê, để sống lại những tháng ngày khao khát? Và vẫn mãi sống kiếp “người thừa” như thế, khi trải đủ đớn đau thất vọng, dằn vặt mâu thuẫn, người ta còn giữ được một phần sơ tâm, thanh thản uống trà khi tuổi đã xế chiều?

Số phận con người bị kí hiệu hóa, người trí thức lầm lũi bước đi trong cơn mưa mịt mùng tiến đến tương lai. Thực tại khắc nghiệt nhưng tương lai thì xa ngái. Nhưng một khi, người ta còn ý thức được bản thân “tồn tại”, thì họ vẫn sẽ không ngừng tranh đấu, tranh đấu nội tâm, tranh đấu với hiện thực để hơn cả tồn tại, người ta được sống là một con người toàn vẹn nhất. Hòa mình vào giữa đám đông nhưng không hòa tan cái tôi cá tính, bởi người ta cũng hiểu lắm, con người không thể sống tách biệt với cộng đồng.

Người trí thức bi kịch, một bi kịch như mang tính truyền kiếp về kẻ “tài cao, phận thấp trí khí uất.” Nhưng thời hiện đại, lớp người ấy mang bi kịch rất riêng đậm dấu ấn thời đại. Và khắc họa lên trang viết những nỗi khổ đau nội tâm của lớp người mạnh mẽ mà cũng muôn phần yếu đuối đó, nhà văn Tô Hải Vân vừa cảm thông, trân trọng, vừa tin tưởng, hi vọng rằng giữa ngổn ngang cuộc sống, mỗi người sẽ tìm thấy “một chỗ”, chí ít, để tâm hồn bình yên.

“Một chỗ” giữa chuyến tàu cuộc đời

Giữa chuyến tàu cuộc đời không đợi chờ một cá nhân nào, quả tình ai chẳng cần “một chỗ”. “Một chỗ” không đơn thuần là chỗ ngồi, mà là vị trí quyết định nhiệm vụ xã hội của họ trên chặng đường đời.

Ai còn ngờ vực, bất định, còn lạc lõng, mông lung, vị trí ấy lại càng trở nên xa ngoài tầm với. Nhưng người ta vẫn phải đi, tranh đấu, kiếm tìm, vẫn phải thử và sai bởi con người, ai có thể tự tin nói rằng chưa một lần sai lầm, thất bại? “Người ta, cứ phải đi thì mới tới.” Song tới đâu? Có lẽ là tương lai, dẫu phía trước địa ngục đang đón chờ, thì người ta phải đi thì mới thấy được ánh sáng nơi địa ngục tăm tối.

“Một chỗ, một chỗ…”

Điệp khúc đấy trở đi trở lại trên trang viết tiểu thuyết Người thứ hai tựa nỗi trăn trở day dứt khôn nguôi; song cũng như một lời thúc giục con người thức tỉnh cái tôi bản ngã trên chuyến tàu cuộc đời băng băng hướng đến tương lai vô định.

Mọt Mọt