Đàn hương hình là một trong những kiệt tác của chủ nhân giải Nobel Văn học 2012 – Mạc Ngôn. Được kiến trúc từ những sự kiện thi hành án với những hình phạt độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu của “trạng nguyên” nghề đao phủ Triệu Giáp. Tác phẩm thoạt nhìn mang dáng vẻ của một sự mĩ hóa cái phi mĩ, nâng bạo lực lên tầm nghệ thuật một cách khuếch đại, đầy khoa trương. Song ẩn sâu sự tụng ca ấy, lại là một thông điệp có giá trị thức tỉnh lương tri con người trước sự hoành hành và lên ngôi của cái Xấu, của cái Ác.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

“Trạng nguyên” đao phủ và “nghệ thuật” hành hình

Đàn hương hình là sân khấu của diễn viên chính Triệu Giáp – Người tự nhận mình là trạng nguyên của nghề đao phủ. Trong cuộc đời của mình, Triệu Giáp thực hiện nhiều cuộc hành hình ngoạn mục: án Đai Diêm Vương cho tên Mọt dám lấy cắp khẩu súng săn của nhà vua; án lăng trì 500 mảnh cho Tiền Hùng Phi dám mưu sát Viên Thế Khải; án xử trảm cho sáu quan triều đình tạo phản; án Đàn hương hình cho Tôn Bính dám chống lại người Đức… Mỗi án phạt mà Triệu Giáp thực hiện, đối với lão, là một màn trình diễn nghệ thuật không hơn không kém: từ lúc chuẩn bị đạo cụ cho đến lúc biểu diễn trên sân khấu. Các hình phạt vì vậy, là những kiệt tác nghệ thuật sinh động. Tài năng của Triệu Giáp được thăng hoa trong nghề nghiệp tàn khốc đó.

Trong Đàn hương hình, Mạc Ngôn miêu tả khá chi tiết và tỉ mỉ các hình phạt từ nhiều khía cạnh: nguồn gốc, cách thức, vai trò, điểm mạnh và tác dụng của nó. Khi thi hành án lăng trì cho Tiền Hùng Phi, Triệu Giáp phải xẻo 500 miếng thịt trên người phạm nhân mới cho phạm nhân chết. Để thực hiện được điều này, Triệu Giáp đã trải qua quá trình rèn luyện trong lò mổ lợn cùng với Già Dư, đồng thời phải tinh thông cơ thể con người để biết cách không để phạm nhân chết trước nhát thứ 500. Nhưng hơn hết, lão thể hiện một tinh thần sắt đá, một khả năng chịu đựng ghê gớm trước phản ứng của kẻ bị hành hình. Cái kỳ tài của Triệu Giáp còn bộc lộ qua việc lão kì công làm cọc đàn hương, đóng nó xuyên từ hậu môn lên sau gáy Tôn Bính mà vẫn để Tôn Bính sống thêm năm ngày. 

Có thể thấy, Triệu Giáp là một đao phủ bẩm sinh, một “bậc thầy” về hình phạt. Dường như ở nhân vật này hội tụ đầy đủ các yếu tố để được “tôn vinh” là trạng nguyên của nghề đao phủ: trái tim lạnh lùng, vô cảm; sự tỉ mỉ, chính xác, chỉn chu; sự thành kính đối với nghề nghiệp và hơn hết, là lòng yêu nghề dị biệt. Triệu Giáp quan niệm về nghề của mình rất rõ ràng “Đao phủ cũng là một nghề. Nghề này người đứng đắn làm không nổi, kẻ lười nhác làm không nổi! Nghề này tiêu điều thì khí số của triều đình cũng hết”. Nghĩa là nghề đao phủ không phải là một nghề dành cho người thường. Có thể là trạng nguyên của cái nghề đặc biệt này, Triệu Giáp đáng được xem là một “kỳ nhân” trong thế giới người lạ của tiểu thuyết Mạc Ngôn.

Có rất nhiều đối tượng đi vào tiểu thuyết Mạc Ngôn được “lột xác” với một giá trị mới, song ấn tượng nhất, trái khoáy nhất phải tính đến sự lên ngôi của bạo lực khi việc hành hình được nâng lên tầm nghệ thuật trong kiệt tác Đàn hương hình của ông. Triệu Giáp luôn xem mỗi khi thi hành án là một màn trình diễn nghệ thuật. Màn trình diễn nghệ thuật đó bao giờ cũng được kỳ công chuẩn bị, nó đòi hỏi tinh thần sáng tạo để thu hút, hấp dẫn người xem, mang đến những khoái cảm vừa đau thương vừa sung sướng cho họ. Với mỗi hình phạt, Triệu Giáp luôn thực thi bằng niềm say mê và tất nhiên, luôn muốn đạt đến độ hoàn mỹ nhất: từ Đai Diêm vương, lăng trì và đặc biệt là đàn hương hình, tất cả đều được Triệu Giáp dồn tâm lực để biến nó thành một vở kịch.

Với đàn hương hình, Triệu Giáp thỏa mãn “không một vở kịch nào trong thiên hạ hay bằng đàn hương hình – giết người bằng cọc gỗ đàn hương […] một vở diễn mà thế giới chưa có hoặc không bao giờ có”. Khi cọc gỗ đàn hương đội áo Tôn Bính dội lên, khi Tôn Bính phát ra những tiếng kêu đau đớn cũng là lúc nghệ sĩ Triệu Giáp tận hưởng niềm hạnh phúc trước sự thành công của vở diễn. Giáp Con đã miêu tả hình ảnh Triệu Giáp lúc đó “mắt […] cũng đang cười, nheo lại như một sợi chỉ, làm như không phải đang thi hành một án phạt tàn ác độc nhất trong thiên hạ, mà như đang nghe hát”. Có thể nói, đỉnh cao sự nghiệp đao phủ chính là màn kịch đàn hương hình, với nó, Triệu Giáp muốn chứng minh sự tinh vi ảo diệu của hình phạt Trung Quốc ngay từ cái tên “tao nhã biết chừng nào, vang vọng biết chừng nào, ngoài thô trong đẹp, hương sắc cổ xưa” cho đến khi thực hiện.

reviewsach.net dan huong hinh mac ngon

Một trong những yếu tố quan trọng làm thăng hoa nghệ thuật chém giết của tên đao phủ Triệu Giáp chính là sự thưởng thức say mê của khán giả. Với vở kịch hành hình của Triệu Giáp, có hai đối tượng khán giả chính: triều đình phong kiến Mãn Thanh và người dân. Nếu nghệ thuật mang đến những rung động, xúc cảm, bi ai lẫn hoan lạc cho con người, thì các màn thi hành án của Triệu Giáp cũng mang đến những hiệu quả thẩm mỹ như thế. Vì vậy, nó có hấp lực mạnh mẽ đối với dân chúng. Lập ra khổ hình là mục đích trấn áp dân chúng của giai cấp thống trị, nhưng trên thực tế dân chúng lại coi đó là ngày tết vui của mình. Khổ hình trên thực tế đã trở thành một vở kịch long trọng của dân chúng. Những kẻ thực thi khổ hình và người chịu khổ hình đều là những diễn viên trên sàn diễn đặc biệt ấy. Hôm thi hành án tên coi kho, “pháp trường Thái Thị khẩu người đông như kiến, dân chúng xem chém đều đã nhàm, nay chém ngang lưng cảm thấy mới mẻ”. Riêng vở diễn đàn hương hình, dân chúng đã hòa điệu và tham dự vào màn trình diễn của cả Triệu Giáp và Tôn Bính. Khi Tôn Bính mở miệng hát điệu Bi của Miêu Xoang, thì “đám dân chúng hình như chợt nhớ tới chức trách của mình, không ai bảo ai, họ đồng thanh cất tiếng “mi-ao””.

Không gian pháp trường được bao bọc trong dàn âm thanh Miêu Xoang càng làm vở kịch của Triệu Giáp đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khi nó có sự hòa điệu, pha trộn giữa nghệ thuật đao phủ và nghệ thuật Miêu Xoang. Khán giả đến với pháp trường cơ bản là thỏa mãn nhu cầu tâm lý “hành tai lạc họa”, hiếu kỳ vì các màn hành hình là loại hình nghệ thuật mà “không một vở diễn, một tích hát, một kịch nghệ nào hay bằng”, có khả năng đáp ứng nhu cầu số đông ấy của dân chúng. Sự góp mặt của khán giả và sự thưởng thức say mê của họ đã góp phần không nhỏ vào việc khẳng định tính chất nghệ thuật của nghề đao phủ.

Vinh danh để hạ bệ, tấn phong để phế truất

Nhân vật Caclôt trong Đàn hương hình có nhận xét: “Trung Quốc cái gì cũng lạc hậu, nhưng hình phạt thì tiên tiến. Người Trung Quốc có biệt tài về việc này. Bắt người ta đau khổ đến tận cùng mới chết, đó là nghệ thuật của Trung Quốc, là sự tinh túy trong chính trị của Trung Quốc…”. Nhận định này, cuối cùng đã chỉ ra bản chất của nghệ thuật bạo lực: “Bắt người ta đau khổ đến tận cùng mới chết” – tức sự dã man, tàn bạo và khốc liệt trong việc hành hạ con người.

Với bản chất như vậy, đáng lẽ phải khiến con người ghê sợ và chối từ, nhưng ngược lại, con người trong Đàn hương hình lại ham thích, ngợi ca, biến nó thành nghệ thuật, thành cái đẹp. Trong Đàn hương hình, Mạc Ngôn cũng đã rất công phu khi khắc họa ra một đao phủ Triệu Giáp với bàn tay đặc biệt và phi phàm, kết tụ hoài bão cả đời của một người Trung Quốc, là tinh thâm của nghệ thuật gia truyền, phối hợp với sự lột tả tâm lý của nhân vật này, đã khiến cho hành động dã man, vô nhân đạo đang ở đỉnh cao của sự thể hiện chuyển dần sang sự thưởng thức say mê. Tất nhiên, thể hiện tinh thần say mê với nghệ thuật khổ hình một cách nhất quán, xuyên suốt trong Đàn hương hình, Mạc Ngôn không nhằm tôn vinh loại nghệ thuật dã man đó.

Hơn hết, với mối âu lo về con người và nhân tính, thông qua tác phẩm, Mạc Ngôn đã mô tả một thời kì Trung Hoa với trình độ dân trí thấp nhất. “Thể hiện bóng đen trong nhân tính, là muốn vạch trần một kiểu văn hóa tàn khốc và bạo ngược không chỉ tồn tại trong lịch sử, trong hiện thực, thậm chí là trong lòng người”. Mạc Ngôn đã không vạch trần, tố cáo sự ngu muội một cách trực tiếp mà ông để cho tiếng nói tố cáo, lên án vang lên ngay trong bản thân việc ngợi ca, việc miêu tả sự say mê cuồng nhiệt của thế giới nhân vật trong tác phẩm này.

Dưới ngòi bút của Mạc Ngôn, không chỉ chuyện đại tiện trở thành “một trầm tích văn hóa”, “một nghi thức tôn giáo” đáng ca ngợi; khổ hình trở thành loại nghệ thuật đỉnh cao, đầy hấp dẫn; mà còn rất nhiều đối tượng khác cũng được lên ngôi, chẳng hạn như bầu vú trở thành “báu vật của đời”, thành Thượng Đế ((Báu vật của đời); rượu thành vật thiêng, thành quốc bảo của một thành phố, một quốc gia (Tửu quốc);… Vì vậy, có thể nhận định rằng, mỹ hóa cái phi mĩ, thường phàm là một hình thức thể hiện đặc trưng trong bút pháp nghệ thuật của Mạc Ngôn. Cách viết đậm chất “kỳ” này của ông phần nào chịu ảnh hưởng của mĩ học cận đại phương Tây khi mỹ học thời điểm đó, cái xấu không những không bị bài xích mà được tiếp nhận, được coi trọng. Cái xấu từ vai trò chỉ để làm nổi bật cái đẹp, dần dần được lên ngôi, chiếm vị trí chủ đạo, thậm chí trở thành tiêu chí chủ yếu của mỹ học phương Tây ở giai đoạn phát triển rực rỡ.

Nhưng mặt khác, bản thân Mạc Ngôn vốn trải qua nhiều thăng trầm, nhìn thấy nhiều cái xấu, cái ác, nhất là trong cách mạng văn hóa, ông thấy cái xấu cái ác nhiều phen chi phối hành động và tư tưởng của con người. Thực trạng đó khiến ông lo lắng và sợ hãi. Đẩy cái xấu, cái ác lên cả tầm triết học, tôn giáo, nghệ thuật,… Mạc Ngôn muốn trình bày một hiện thực đời sống mà cái xấu, cái ác tồn tại và phát triển đáng báo động, trong khi cái đẹp, cái thiện ngày càng bị che mờ, mất dần vị trí và kém được coi trọng. Chính sự nghịch dị trong hiện thực đó đã được khúc xạ thành sự nghịch dị trong tiểu thuyết Mạc Ngôn thông qua thao tác mỹ hóa cái phi mỹ, đẩy sự trái khoáy trong thực tế lên tận cùng để sự cảnh báo, thức tỉnh trở nên ám ảnh và có sức mạnh hơn thông thường. Ở đây, Mạc Ngôn đã rất sáng tạo khi ca ngợi để phê phán, vinh danh để hạ bệ, tấn phong để phế truất và từ đó làm cho tác phẩm được lạ hóa hơn, khác thường hơn.

Xuyên suốt tác phẩm, Mạc Ngôn đã miêu tả hành hình, chém giết hay hơn hết là bạo lực thật sự là một loại hình nghệ thuật đầy mỹ cảm. Từ đạo diễn, diễn viên, khán giả đến đạo cụ đều được xem xét, đánh giá trong phạm trù nghệ thuật, đánh giá sự thành công hay thất bại của vở diễn đều từ góc độ tạo xúc động và khoái cảm thẩm mỹ cho khán thính giả. Miêu tả bạo lực từ góc độ của cái đẹp qua cái nhìn của đao phủ hạng nhất Triệu Giáp, Mạc Ngôn đã tạo cơ hội cho bạo lực được sống trong thiên đường của cái đẹp, đưa nó lên một ngôi cao mà nó chưa bao giờ có. Thế nhưng, trong khi đưa bạo lực lên, Mạc Ngôn cũng đã thực hiện thao tác hạ bệ nó một cách mạnh mẽ và ấn tượng bằng một lối viết thiên biến vạn hóa không chỉ trong bút pháp mà còn trong chiều sâu của một tư tưởng thấm đẫm tinh thần nhân văn.