Là tác phẩm đầu tay và cũng nổi tiếng nhất của nữ nhà văn người Ba Lan Helena Mniszek, Con hủi được xem như một thiên Romeo và Juliet mới, nơi cũng vẫn là kiêu hãnh và định kiến, nhưng dư vị lại hoàn toàn khác.

Đây đáng lẽ đã là một câu chuyện tình đẹp…

Tác phẩm là một câu chuyện tình thơ mộng, lãng mạn và có phần vi diệu của cặp đôi trai tài gái sắc. Chàng, đại công tước Waldemar Michorowski, là thanh niên được xem như “quý tộc của quý tộc” với dòng họ quyền quý nhất nước. Nàng, Stefcia Rudecka, chỉ là đứa con gái một điền chủ nhỏ. Đây sẽ là một câu chuyện tình thơ mộng, đắm say và trong sáng biết bao nếu như chuyện tình ấy không phải mãnh liệt có nhưng lại cũng bi đát đến nao lòng…

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Không có căn bệnh đáng sợ nào của nhân loại xuất hiện trong câu chuyện, cũng không có người nào mắc phải căn bệnh đó, Con hủi không phải là điểm khởi đầu của câu chuyện, nhưng nó chính là điểm khép lại câu chuyện, giết chết niềm hạnh phúc cuối cùng…

review sach con hui
Instagram @kanswery

…nếu như mọi thứ không phải quá hoàn hảo

Nếu như chàng là một thanh niên giàu có, tri thức, can trường và mới mẻ trong tư duy nhưng cũng không kém phần say sưa và nồng nhiệt trong tình yêu thì nàng cũng được xem như con người vẹn toàn với tài sắc và học thức sâu rộng (trừ cái xuất thân không thuộc dòng dõi quý tộc của nàng). 

Có lẽ đây là điểm sai, là điều hoang đường nhất trong tác phẩm khi cả hai con người đều quá hoàn hảo, đều toàn vẹn quá mức để rồi cuối cùng nhận lại cái kết đắng nhưng thực tế thay vì một cái kết viên mãn cho cả hai. Ở khía cạnh nào đó, số phận của họ như hai viên nam châm cùng cực, hai thái cực cứ mãi quay vòng mà mãi mãi không thể đến được với nhau.

Hai con người có duyên mà chẳng có phận, gắn kết với nhau như định mệnh đã an bài, hay nói đúng hơn là như lời nguyền để lại từ sự bất hạnh trong cuộc tình truyền kiếp từ đời trước. 

Nếu như chàng là một đại công tước danh giá…

Waldemar, một con người mạnh mẽ và có chính kiến, dám dùng sự trưởng thành của mình để đấu tranh với định kiến, dám dùng lý lẽ của bản thân để thuyết phục toàn bộ dòng họ. Ở chàng có được nhận thức, nói một cách chính xác thì là những thực tế, mà cả một tầng lớp người không dám thừa nhận. Đối với tầng lớp quý tộc, chàng như người đi tiên phong mở lối, phá tan bức tường thành bao bọc cả tầng lớp bấy lâu nay, đập tan bức tượng đẳng cấp chứa đầy định kiến được nuôi nấng hàng bao thế kỷ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì chàng từng phá lệ, dám thách thức bản thân và được trải nghiệm thực tế nên việc chàng nhận ra sự dối trá và nhìn thấy bức tường bao kia chỉ là trong một sớm một chiều.

Ấy thế nhưng, trong tình yêu, chàng lại là một con người hoàn toàn khác. Chàng yêu bằng cả trái tim, bằng nhiệt thành của tuổi trẻ, yêu bằng tất cả những gì chàng có. Cái cách chàng yêu thực sự mãnh liệt dưới ngòi bút của Helena với những ngọn lửa bùng cháy, những ánh mắt, những nỗi nhớ nhung và cả những khao khát trong những cuộc độc thoại nội tâm. Một hình mẫu lý tưởng cho mọi chàng trai đã, đang và sẽ rơi vào lưới tình! Chàng yêu và toàn tâm muốn bảo vệ cho người mình yêu, sẵn sàng chống lại mọi thế lực để thực hiện điều ấy, nhưng dường như chàng đã quên mất một điều, rằng chỉ bảo vệ những nguy hại từ bên ngoài là chưa đủ…

…thì nàng cũng là một con người tài sắc vẹn toàn

Stefcia, một cô gái gần như hoàn hảo với tài sắc và học thức, trái với vị đại công tử chưa từng nếm mùi thất bại và luôn có được những thứ mình muốn trong tay, thì trước khi đến với chàng, nàng đã từng hứng chịu đổ vỡ và mất niềm tin vào tình yêu. Đến với chàng, nàng đã vượt qua chính kiêu hãnh của bản thân để thừa nhận và chấp nhận. Cũng như chàng, một khi đã yêu, nàng yêu sâu đậm. Nếu như tình yêu của đôi trẻ được tái hiện là sự đắm say mãnh liệt của chàng trai thì tác giả lại dành ngòi bút nhẹ nhàng mà tinh tế về phía người nữ. Từng nhịp điệu thổn thức, từng trăn trở nhớ nhung, dữ dội mà vẫn dịu êm, cũng không hề kém cạnh gì so với tình cảm của chàng. 

reviewsach.net con hui
Ảnh: Instagram @desperateforbooks

Thế nhưng, đến phút cuối cùng, nàng lại gục ngã trước niềm kiêu hãnh mà nàng đã gây dựng bấy lâu. Nhiều người cho rằng Stefcia yếu đuối, nhu nhược không dám đấu tranh, nhưng mấy ai hiểu được cái bóng đen vô hình bao trùm lên toàn xã hội khi ấy. 

Cái kết đắng và bức tranh giai cấp trong xã hội đương thời

Cuộc tình của Waldemar và Stefcia có thể khiến độc giả phần nào liên tưởng đến mối tình của Darcy và Elizabeth trong Kiêu hãnh và định kiến của nữ văn sĩ người Anh Jane Austen. Cũng vẫn là cuộc tình “đũa lệch” về gia thế và đẳng cấp, cũng có đấu tranh, nhưng thay vì xoáy sâu vào đau thương thì Jane Austen chọn nhìn những cái xấu của giai cấp quý tộc dưới góc nhìn châm biếm. Có lẽ cái kết có hậu cùng với bầu không khí bớt phần u ám của tác phẩm này chiều lòng độc giả hơn nên xuyên suốt năm tháng, Kiêu hãnh và định kiến vẫn giữ được tiếng vang và vị thế trong giới văn học kinh điển.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nào đó, Con hủi vẫn có thể được đánh giá cao hơn vì cái cách tác giả tái hiện lại tư tưởng xã hội, mặc dù u ám, dữ dội và bi đát nhưng nó là thực tế, thay vì một câu chuyện tình chỉ toàn màu hồng.   

Cái kết khiến con người ta đau lòng nhưng nó là thực tế, rằng tình yêu sẽ không hoàn toàn là tất cả, rằng nó sẽ khó vượt qua được cái hệ tư tưởng đã hằn vào xương vào máu của xã hội thời bấy giờ. Có thể họ dám đứng lên nhưng không có gì đảm bảo cho tương lai của họ, tất cả vẫn còn hoài nghi, vẫn chỉ là dấu chấm hỏi.

Con hủi giống như một vở kịch thay vì một thiên tiểu thuyết

Có một điểm khiến Con hủi khác biệt so với những trang tiểu thuyết khác cùng thời hay cùng đề tài đó là nghệ thuật miêu tả của Helena, mà cụ thể là việc khắc họa cảnh vật. Đẹp! Đúng vậy! Các chi tiết miêu tả xuất hiện với cường độ dày đặc xuyên suốt tác phẩm có thể khiến người ta liên tưởng tới một vở kịch hơn thay vì một cuốn tiểu thuyết. Những ngọn lửa bùng lên của cảm xúc, những thổn thức giấu kín của nỗi nhớ nhung, …tất cả những yếu tố này được tác giả khắc họa không gì chi tiết hơn với những lối ví von so sánh mà khó có văn phong nào có thể đạt được. Có những đoạn có thể khiến cho độc giả như hoàn toàn đắm chìm trong chính những cảm xúc niềm si mê mãnh liệt ấy, như đang yêu và đang được yêu vậy.

reviewsach con hui reviewsach.net
Hình ảnh trích từ bộ phim cùng tên do Ba Lan sản xuất năm 1976

Tài năng của Helena Mniszek phải gọi là thực sự đỉnh cao khi miêu tả nội tâm và diễn biến tâm lý của nhân vật. Từ cái cách bà miêu tả cử chỉ, lời nói hay ý nghĩ nội tâm cho đến những lối so sánh vừa lãng mạn mà vẫn chân thực, không khiến mạch truyện trở nên quá hão huyền mà vẫn có thể khiến độc giả cảm nhận được một cách trọn vẹn những niềm đắm say và hạnh phúc, như chính họ đang yêu và được yêu. Có thể nói, hiếm có cuốn sách nào có được những ngôn từ đẹp đến thế! 

Bên cạnh miêu tả nội tâm thì trải dài khắp tác phẩm luôn luôn có sự xuất hiện của thiên nhiên với những đoạn được bà khắc họa rất đẹp và mĩ miều, đặc biệt là ở những chương gần cuối, khi Stefcia đang gần như ở bờ bên kia của sự sống. Sự đối lập hoàn hảo giữa một con người đang dần héo úa là sức sống mãnh liệt của thiên nhiên như đạt tới cảnh giới của cái đẹp. Những khung cảnh thiên nhiên xuyên suốt tác phẩm được phác họa dưới ngòi bút của bà có thể không kém gì tài năng của các họa sĩ nổi tiếng khi vẽ nên những bức tranh thiên nhiên ngoài đời thực.

 Nhưng không phải lúc nào độc giả cũng đón nhận và thích lối hành văn ấy. Ở đầu mỗi chương có thể sẽ có những đoạn sẽ khiến cho những ai đang chờ đón diễn biến tiếp theo từ phía nhân vật phải hụt hẫng và nhàm chán vì tác giả hơi “sa đà” vào những khung cảnh muôn hình vạn trạng của mây trời và cảnh sắc. Vì thế, có thể coi đây là một điểm trừ đối với tác phẩm, và có thể là một trong những lý do khiến tác phẩm chưa thực sự được nổi bật lắm. Tuy nhiên, đối với những người ưa nghệ thuật thì đây cũng có thể là một điểm cộng. Xét cho cùng thì dù coi đây là điểm sáng hay điểm trừ của tác phẩm thì mặt nào cũng có yếu tố đúng.

Con hủi là một áng văn đặc sắc với câu chuyện tình như hồng nhan vốn bạc phận, dù đẹp nhưng vẫn bi đát. Vẫn là tình yêu, là đẳng cấp quý tộc như một số trang sách khác nhưng ở Con hủi sẽ còn đánh thức bao khát khao và hoài vọng cao quý, muốn được sống hết mình, được yêu hết mình và khi cần, được hi sinh cho tình yêu ấy. Đây sẽ là một câu chuyện lý tưởng dành cho các cặp đôi, các bạn trẻ dù đã yêu và đang yêu, hay kể cả những con người chưa một lần được chìm đắm trong tình yêu. 

Link mua sách:

~Annie~