Đây là tác phẩm, như phần tiền truyện, trước khi nhân viên lễ tân Yamagishi Naomi và thanh tra cảnh sát Nitta Kousuke gặp nhau tại khách sạn Cortesia Tokyo trong vụ trọng án liên quan đến giết người hàng loạt sau này.

khách sạn mặt nạ đỏ higashino keigo

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Một câu chuyện với hai tuyến truyện

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, cuốn Khách sạn mặt nạ (đỏ): Đêm trước lễ hội hóa trang, dẫu mang ý nghĩa như phần tiền truyện trước khi Naomi và Nitta gặp nhau ở tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ; thì tác phẩm này lại ra đời sau Khách sạn mặt nạ đến 3 năm. Nhưng nếu đã cầm trên tay cả hai cuốn trong series, độc giả hoàn toàn có thể đọc phần truyện Đêm trước lễ hội hóa trang trước (Nếu đọc theo thứ tự này mà không muốn bị spoil, người đọc nên giữ lại chương “Phần kết” đến khi đọc xong cuốn Khách sạn mặt nạ – Đen).

Để rồi, trải qua hơn 300 trang sách, người đọc sẽ tạo được cho bản thân nhận thức một cách tổng quan nhất về phong cách, cá tính làm việc, đặc biệt là sự sắc sảo của cả hai nhân vật sau này sẽ đứng cạnh nhau trong quầy lễ tân tại Cortesia Tokyo. Đặc biệt, khi tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ (đỏ): Đêm trước lễ hội hóa trang được tác giả Higashino Keigo viết dưới hình thức: một câu chuyện với hai tuyến truyện. Từ đó, cấu trúc tập truyện này cũng trở nên khác biệt với tác phẩm đã ra đời trước đấy. Nếu Khách sạn mặt nạ chỉ được đánh số từng chương thì tại Đêm trước lễ hội hóa trang, mỗi chương có tiêu đề riêng: 4 chương chính, mang 4 nhan đề như từng canh của một đêm đang dần trôi qua vậy.

Ở đấy, hai chương Mặt nạ của mỗi người, Mặt nạ và mạng che viết riêng về Yamagishi Naomi, trong thời gian cô đến công tác tại chi nhánh Cortesia mới mở ở Osaka. Naomi lúc này chưa có cái tự tin đến rạng rỡ như trong phần truyện Khách sạn mặt nạ. Mà ở cô vẫn còn vẻ rụt rè của một nhân viên chưa thật tin tưởng vào năng lực chính mình. Nhưng dẫu vậy cũng không thể che giấu được nét nhạy bén của cô trong cách đánh giá con người và nhìn thấu lớp mặt nạ vô hình đeo trên gương mặt từng vị khách đặt chân đến khách sạn cô làm việc.

Có lẽ, với cương vị một nhân viên lễ tân, việc Naomi để ý tiểu tiết từ mùi hương, sở thích, tới sự bất hợp lý trong thực đơn khách lựa chọn hay sự di chuyển của khách hàng có phần cẩn trọng, tỉ mỉ thái quá. Tuy nhiên, sự cẩn trọng đấy chưa khi nào là thừa. Dù không phải không có những lúc, cô đã chịu cảnh lúng túng, bất ngờ trước sự chủ động “lật mặt” của chiếc mặt nạ cô đã tiếp xúc. Bởi Naomi chú ý tới khách hàng không phải nhằm mục đích soi mói hay “lật mặt”, bóc mẽ khách. Mà đơn thuần, sự cẩn thận đấy giúp Naomi có thể chủ động trước mọi hoàn cảnh. Đồng thời, hẳn có lẽ Naomi hiểu rõ, cô đang ở vị thế người cung cấp dịch vụ, tại một nơi chuyên cung cấp dịch vụ chất lượng cao.

Thấu hiếu song tuyệt đối tôn trọng từng cá nhân đến và đi, Yamagishi Naomi đã chuyên nhiệp với công việc cô đang làm như vậy đấy.

Còn chương truyện Lính mới lên sàn tập trung khắc họa một thanh tra Nitta Kousuke tài năng, trẻ tuổi, đầy hoài bão. Chính vì tuổi trẻ và có năng lực, Nitta luôn khao khát khẳng định bản thân bằng niềm kiêu hãnh, tự tôn mãnh liệt. Nitta cương trực, Nitta thẳng thắn, Nitta với óc suy luận sắc bén, sự nhạy cảm hơn người trước những vấn đề, mâu thuẫn, điểm bất hợp lý dù là nhỏ nhất trong mỗi vụ án. Và một Nitta gần như hoàn hảo như vậy, cũng đã phải bất lực trước muôn vàn khuôn mặt con người, đặc biệt là những người phụ nữ anh bắt gặp.

Xây dựng một thanh tra cảnh sát, truy cầu sự thật nhưng đến khi chạm được tới sự thật lại không thể đưa sự thật ra trước ánh sáng, Keigo tiên sinh, lần nữa, không ngần ngại “tàn nhẫn” với chính nhân vật ông xây dựng, như trước giờ ông đã làm. Và chỉ một chương truyện ngắn, có mở đầu, cao trào, thoái trào nhưng kết thúc vẫn không khỏi khiến người đọc thấy day dứt, Higashino Keigo còn thể hiện cái tài dựng truyện, cô đọng tình tiết, cùng sự đa dạng bút pháp của một tác giả đã luôn sáng tạo bền bỉ hàng chục năm qua.

Để rồi, qua tất cả tới Đêm trước lễ hội hóa trang, hai nhân vật Naomi – Nitta đã cùng xuất hiện trong chương truyện, cùng hợp sức để phá án, thông qua cầu nối là cô cảnh sát Hozumi. Hai con người xa lạ, làm hai công việc với mục đích hoàn toàn trái ngược. Mà cuối cùng, lại tựa như hai mặt của một đồng xu. Đều xoay quanh những chiếc mặt nạ và nhìn thấu bản chất con người ẩn sau chiếc mặt nạ ấy. Bổ khuyết cho nhau những gì còn thiếu sót, Đêm trước lễ hội hóa trang, thật sự là màn dạo đầu hoàn hảo cho “đêm hội carnaval” trong Khách sạn mặt nạ sau này.

khách sạn mặt nạ đỏ

Đằng sau chiếc mặt nạ

Có thể nói, series Khách sạn mặt nạ không phải tác phẩm đầu tiên, hẳn cũng không phải tác phẩm cuối cùng Higashino Keigo đề cập tới khía cạnh con người sống trên cuộc đời, đều mang theo nhiều gương mặt khác nhau. Ngoại trừ tiểu thuyết Tên của trò chơi là bắt cóc được ông tạo dựng nguyên một tựa game có tên Mặt nạ thanh xuân, các nhân vật trong sáng tác của Keigo tiên sinh, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, ai cũng khoác lên mình những lớp mặt nạ nhằm che giấu đi hành động, mục đích, cảm xúc sâu kín nơi tâm hồn. Nhưng, có lẽ, chỉ ở series Khách sạn mặt nạ, ông mới trực tiếp đưa ra biểu tượng “mặt nạ” và xoáy sâu, để biểu tượng ấy trở đi trở lại xuyên suốt cả tác phẩm.

Và khác với Khách sạn mặt nạ, ở phần truyện Đêm trước lễ hội hóa trang, không gian được mở rộng. Muôn hình gương mặt lại càng được biểu hiện rõ nét tại nhiều hoàn cảnh, tình huống đặc thù.

Tuy nhiên, dù có đặc thù đến đâu, thì tới tận cùng, Keigo tiên sinh vẫn xoáy sâu vào sự thật có phần cay đắng, rằng con người với con người, dường như giao tiếp với nhau luôn xoay quanh những chiếc mặt nạ ngụy trang. Rồi khi lớp mặt nạ bị gỡ bỏ, bị nhìn thấu, những xấu xa, ti tiện, đen tối, thực dụng, nhỏ nhen,… lộ rõ đến đáng sợ. Vì mục đích cá nhân, người ta sẵn sàng không từ thủ đoạn. Thật – giả trở nên khó phân định, tựa hình ảnh “gương mặt mộc” của người phụ nữ. Thế nào là “mộc”, thế nào là “giống như mộc”, mọi thứ, ranh giới như bị xóa nhòa.

Nhưng, không phải khi nào, phía sau chiếc mặt nạ cũng là những gì xấu xí. Cũng như phía sau lớp trang điểm của người phụ nữ, không phải khi nào cũng là một nhân dạng hoàn toàn khác biệt. Mặt nạ, chỉ phù hợp với một con người, khi chiếc mặt nạ đó, vừa khít với gương mặt của người ấy. Lớp ngụy trang bên ngoài, dẫu có công phu đến đâu, cũng không thể mãi che giấu nội tâm bên trong con người. Và vở kịch nào, cũng sẽ đến lúc cần “hạ màn”, đêm hội nào, cũng tới lúc tàn mà thôi. Khi ấy, trở về với nhân dạng thực sự, con người còn gì ngoài chính “cái tôi” vốn có.

Người phụ nữ đẹp tới đâu, cũng đến lúc nhan sắc sẽ tàn phai. Người cha có lo lắng cho con cái đến đâu, cũng đến lúc đứa con phải tung cánh bay vào cuộc đời. Người đàn bà đa đoan, thủ đoạn tới thế nào, cũng không thể thoát được ánh nhìn phán xét của người đời.

Phía sau lớp mặt nạ, con người chỉ là con người với tất cả những gì trần tục nhất.

Khách sạn mặt nạ (đỏ): Đêm trước lễ hội hóa trang, năm phần truyện như năm canh đêm dài, từng canh, từng khắc, nhịp truyện chảy trôi nhanh với những tình tiết dồn dập, liên tục như sớm báo hiệu sóng gió cho “vở kịch chính thức”, “đêm hội carnaval” khai màn. Mà ở đấy, sân khấu chính là cuộc đời và con người, trở thành những diễn viên đang diễn vai diễn cuộc đời của chính mình.

khách sạn mặt nạ đêm trước lễ hội hóa trang

THÔNG TIN BÊN LỀ

Hai phần 1 và 2 thuộc series Masquerade Hotel – Khách sạn ngụy trang đã được chuyển thể thành phim điện ảnh lần lượt vào các năm 2019, 2021. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên đình đám của nền điện ảnh xứ hoa anh đào. Đặc biệt phải kể đến vai diễn thanh tra Nitta Kousuke được giao cho nam tài tử Kimura Takuya và vai diễn Yamagishi Naomi được nữ minh tinh Nagasawa Masami thủ vai. Cùng những cảnh quay đẹp, rực rỡ và xa hoa, thể hiện rõ nét vẻ lộng lẫy của một khách sạn Costeria 5* cùng những đêm hội hóa trang đầy màu sắc.

(Trailer phim)

Không chỉ vậy, cuối năm 2019, trong Liên hoan phim điện ảnh Việt Nam – Nhật Bản, phần phim Masquerade Hotel (cuốn đen) đã được công chiếu tại Việt Nam, ở Rạp chiếu phim Quốc gia với tựa đề Khách sạn ngụy trang. Thật hi vọng, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh được khống chế, Liên hoan phim trở lại rạp chiếu, phần phim Masquerade Night – Đêm trước lễ hội hóa trang sẽ được đưa tới khán giả yêu điện ảnh Việt Nam nói chung, yêu mến tác phẩm của Keigo tiên sinh nói riêng.

Đọc thêm: Khách sạn mặt nạ 1 (Higashino Keigo) – Khi vị khách cuộc đời, đều mang theo những chiếc mặt nạ
[Higashino Keigo] Tên của trò chơi là bắt cóc – Khi tất cả đều đóng vai kẻ ác

Link mua sách:

Mọt Mọt