Như thể mây phải có gió, nắng phải có mưa, văn học đối với con người cũng giống như một đôi bạn tri kỉ, luôn lặng lẽ đi theo phía sau mà ghi lại cuộc đời của mỗi con người, để mà thương, để mà đau mà xót. Và chiếc lá cuối cùng là một tác phẩm như vậy.

Chiếc lá cuối cùng, thiên truyện ngắn mà mỗi lần đọc lại là một lần đau. Tác phẩm nói về cuộc sống của những họa sĩ nghèo, Xiu, Giôn-Xi, Bơ-men. Trong một lần bị viêm phổi, Giôn-Xi gặp nguy hiểm đến tính mạng, từ đó, mở ra hàng loạt các chi tiết, tình huống khắc họa tình yêu thương, sự đồng cảm giữa những con người làm nghệ thuật, để lại trong người đọc những day dứt khôn nguôi.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Cuộc gặp gỡ giữa những con người bất hạnh, ở ngoài đời, bên trong trang sách.

“ Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét đau khổ hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó”- Bêlinxki

Thật kì lạ, khi ngôn từ cũng có tâm hồn riêng của nó. Những con chữ nằm im lìm trên trang giấy, lại có khả năng khơi gợi ra cả một kiếp người. O. Henry, một cuộc đời giống như một truyện ngắn, truân chuyên và đầy vất vả. Không quá khi cho rằng mọi bất hạnh trên cuộc đời ông đều đã trải qua. Lớn lên không sự yêu thương của cha mẹ, ông phải làm đủ nghề kiếm sống, áp lực khiến ông tìm đến rượu để vơi đi nỗi buồn. Cuộc đời đó một lần nữa xuất hiện trong Chiếc lá cuối cùng, giống như hình ảnh thứ hai của nhà văn. Những người họa sĩ nghèo- Xiu, Giôn-Xi, Bơ-men đã gặp gỡ nhau nhờ sợi dây của số phận, họ cùng trải qua một cuộc sống nhàm chán, u tối. Đau đớn thay khi những lo toan về vật chất vắt kiệt sức sáng tạo nghệ thuật. Xót xa thay khi khát vọng lớn lao lại phải nhường chỗ cho những suy nghĩ bình thường. Họ cần phải sống trước khi có thể vẽ, là một người hoạt động nghệ thuật, O. Henry càng hiểu rõ quy luật nghiệt ngã đó.

Không quá khi nói rằng Chiếc lá cuối cùng là sợi dây kết nối hai số phận, bên thực bên ảo, song cùng gặp gỡ nhau ở bất hạnh. Hình ảnh của những họa sĩ trong thiên truyện cũng chính là hình ảnh của nhà văn, nặng nề nỗi buồn song đều có khát khao nghệ thuật cháy bỏng.

Ảnh: @lethituhao

Tình huống truyện đặc sắc và giàu sức gợi

Chiếc lá cuối cùng không phải là cuốn sách dùng để đọc, mà để nghĩ, để khơi gợi tình thương và sự xót xa, căm hận và đồng cảm, khát vọng và ước mơ. Việc đặt Giôn- Xi vào hoàn cảnh bị mắc bệnh hiểm nghèo đã gợi ra rất nhiều hình ảnh bị lẩn khuất trong bóng tối mà chính những nhân vật đã tạo ra để che lấp đi phần ánh sáng trong họ. Những con người nghèo khổ, song lại có tâm hồn đẹp tựa như viên ngọc trai, bất chấp cái xấu xa của cuộc đời. Xiu, Giôn-Xi và Bơ-men đều là những con người có tấm lòng nhân hậu và bao dung, họ luôn chăm sóc và yêu thương lẫn nhau, họ thể hiện tình cảm đó một cách rất giản dị và chân thật. Và vẻ đẹp đó càng thể hiện rõ nét khi Giôn-Xi bị bệnh. Có thể họ là những con người nghèo vật chất, nhưng đồng thời cũng là những người giàu nhất về tinh thần. 

Không nằm ngoài dòng chảy của cuộc đời, nhưng cũng chính cuộc đời thôi thúc O.Henry đi tìm cái trong ngần trong tâm hồn con người ở những thời khắc tối tăm nhất. Việc xây dựng tình huống Giôn- xi bị bệnh không nhằm mục đích khắc họa hiện thực khổ đau của những người hoạt động nghệ thuật nghèo, mà là đòn bẩy làm bật lên cái đẹp xung quanh chính cái chết. Chỉ khi cô bị bệnh, người ta mới thấy được sự quan tâm của cụ Bơ-men dành cho cô mà ta cứ ngỡ trước đó ông là một người thờ ơ, dữ tợn, cả ngày chìm trong rượu. Chỉ vào lúc mà Giôn-xi sắp lìa xa cuộc đời, ta mới  thấy được sự hi sinh của Xiu, cũng như tình cảm to lớn của Xiu dành cho Giôn-xi. Nói về cái chết nhưng lại khơi gợi sự sống, nói về những điều giản dị nhẹ nhàng nhưng lại gợi về sự hi sinh cao cả, Chiếc lá cuối cùng là bản giao hưởng được dệt nên bởi niềm tin, khát vọng , và tình người.

Chiếc lá cuối cùng- kiệt tác của lòng trắc ẩn, sự hi sinh và nghệ thuật mang tên sự sống.

“ Bồ nhìn ra ngoài cửa sổ xem, nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng trên tường ấy. Bồ có đặt nghi vấn tại sao nó không bao giờ bay lất phất khi có gió thổi không? Cưng ơi, đó là kiệt tác của ông Bơ-men đấy, ông đã vẽ nó vào đúng đêm chiếc lá cuối cùng rơi rụng…”

Reviewsach chiec la cuoi cung
Ảnh: @chaamstories

Rốt cuộc điều gì làm nên một kiệt tác? Nghệ thuật đặc sắc hay ngôn từ đẹp đẽ? Không! Kiệt tác nằm ở giá trị của một tác phẩm, chỉ khi nào nó có ích và sẽ có ích cho một ai đó, tác phẩm lập tức sẽ trở thành kiệt tác, bất chấp vẻ bề ngoài bình thường của nó. Thử hỏi liệu có mấy tác phẩm nghệ thuật trên đời này có khả năng cứu sống được tính mạng của một con người? Vậy mà bức tranh vẽ chiếc lá thường xuân của cụ Bơ-men lại làm được điều phi thường đó.

Giôn-xi vào những năm tháng bệnh trở nặng, đã mang cả sinh mệnh của mình đặt vào những lá thường xuân, vào giây phút chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống, cô sẽ tự buông bỏ cuộc sống của mình. Thật may mắn khi vào giây phút định mệnh đó, chiếc lá của cụ Bơ-men đã thế chỗ, chiếc là kiệt tác cả đời cụ vẫn hằng mong muốn vẽ được. Bởi nó đã được đánh đổi bằng cả tính mạng của cụ. Độc giả sẽ không thể nào quên hình ảnh của một ông cụ già yếu chân đứng không vững vượt mình trong bão táp để mà vẽ nên chiếc lá thường xuân. Cũng không thể nào quên giây phút con người ấy ngã xuống, mãi mãi đi về nơi vĩnh hằng để gieo mầm sự sống cho một người khác. Đau lòng thay, song cũng khâm phục thay!

Bức tranh được coi là kiệt tác còn bởi sự kì diệu của nó. Chiếc lá đã đem lại hi vọng trong Giôn-xi, cô bắt đầu khát khao được sống mà mạnh mẽ đương đầu với bệnh tật. Không còn dáng vẻ của một bệnh nhân ủ rũ, sức sống mới được thổi bùng lên trong nhân vật. Đó chính là sự kì diệu của một tác phẩm nghệ thuật chân chính, bắt nguồn từ lòng người, đi qua sự trắc ẩn, kết tinh bằng sự hi sinh rồi lại trở về với con người, để đưa họ về với thế giới của niềm tin và hi vọng. Chiếc lá cuối cùng không chỉ là câu chuyện, nó còn là bài học cho những người đang sáng tạo nghệ thuật, dạy họ làm ra những tác phẩm bằng cả trái tim.

Chiếc lá cuối cùng sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho những ai yêu thích giọng văn nhẹ nhàng, giản dị nhưng tầng ý nghĩa lại sâu xa, khơi gợi nhiều cảm xúc.

Link mua sách:

Thảo Nguyên