Cuộc đời là một tiểu thuyết review sách reviewsach.net

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Dành cả hơn nửa đời người cống hiến sức lực và trí óc cho trang giấy, ngòi mực và để có thể đem đến cho độc giả những tác phẩm trinh thám xuất sắc nhất, Musso không ngại phù phép biến hóa những điều bất khả trong cuộc đời của các nhân vật. Vậy nếu như tiểu thuyết gia lại là nhân vật chính trong chính tác phẩm của mình thì sẽ như thế nào nhỉ? 

Đây chính là cuốn sách để giải đáp cho câu hỏi đó

Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai tiểu thuyết gia 

Nhân vật chính Flora Conway, xuất hiện với tư cách là một tiểu thuyết gia nổi tiếng với đời sống vô cùng kín đáo. Cuộc sống của cô bỗng dưng bị đảo lộn khi con gái cô, bé Carrie đột ngột mất tích, không có cách nào lý giải được. Flora rơi vào bế tắc.

Ở một vòng vũ trụ khác…

Nhân vật chính Romain, một tiểu thuyết gia đình đám với hàng loạt tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả. Với đời sống không mấy yên ả, lục đục gia đình, ly hôn vợ cũ, tranh giành quyền nuôi con. Romain rơi vào bế tắc. 

Ai đó đã từng nói ở thời điểm ta tuyệt vọng nhất, là lúc vũ trụ mở ra cho ta một cánh xuyên không. 

Romain và Flora gặp nhau. Ở những chương truyện này, Musso đã vô cùng linh hoạt trong việc thay đổi cốt truyện và ngôi dẫn truyện. Lúc thì ta sẽ cảm được nỗi đau của người mẹ mất con, chìm đắm vào men rượu để quên đi sự thật nghiệt ngã. Nhưng có lúc ta lại trong vai một người đàn ông, một người cha nhưng là nhu nhược bị động trước mọi biến cố của cuộc đời mình. 

Cái hay của tác giả là để độc giả nhìn thấy được điểm chung giữa hai nhân vật – chính phụ (chính trong vũ trụ của mình và phụ trong vũ trụ của người con lại). Cùng là một tiểu thuyết gia đại tài, cùng rơi vào tuyệt vọng trước nguy cơ mất con. Họ gặp được nhau như một cái nợ phải trả. 

Cuộc đời là một tiểu thuyết - Sách

“Với anh mọi thứ đã được viết sẵn

  Với cô, mọi thứ đang đợi viết tiếp”

“Romain xin anh hãy tiếp tục, xin anh hãy mang con gái tôi trở lại”. 

Phải chăng số phận sắp đặt rằng hai người phải gặp nhau. Và Romain – tiểu thuyết gia luôn coi mình là chúa cứu thế sẽ có khả năng cứu được Flora và đem bé Carrie trở lại ư? Đây sẽ là một nỗi trăn trở lớn của hầu hết các độc giả khi đọc tác phẩm này.

Điểm Chạm: 4 Người dẫn – 4 góc nhìn – 2 sự thật 

Có lẽ đây sẽ là điểm không hay nhất nhưng cũng đặc biệt nhất ở tác phẩm này. Khác hoàn toàn với các tác phẩm trước, cốt truyện sẽ đi theo một vòng không gian và thời gian nhất định, càng đọc thì những bí mật sẽ càng được hé mở. Ở “Cuộc đời là một tiểu thuyết” đi ngược lại hoàn toàn với kiểu trinh thám truyền thống, khi mọi bí mật đều được bật mí ngay từ những chương đầu.

Tuy vậy, Musso bằng phép thần thông biến hoá với cách thay đổi linh hoạt người dẫn truyện, có đến tận bốn góc nhìn khác nhau về ở 2 vũ trụ riêng biệt cùng kể lại một câu chuyện. Điều này khiến cho độc giả càng đọc về sau không cẩn thận sẽ rất dễ bị nhầm lẫn.

Có thể nói đây là dụng ý rất hay của tác giả. Khi một cuốn trinh thám được biết trước cái kết thì sẽ là một tác phẩm chết. Nhưng có nhiều sự thật trong một cuốn trinh thám thì lại là một tác phẩm thực sự đáng để đọc đến trang cuối cùng. 

Cuộc đời là một tiểu thuyết review

Góc nhìn văn chương – Cuộc đời của tiểu thuyết gia Guillaume Musso

Khi bắt gặp Romain, phảng phất đâu đó sẽ thấy được hình ảnh của Musso.Với “Cuộc đời là một tiểu thuyết” ông lồng ghép rất nhiều những triết lý về văn chương, góc nhìn của một tiểu thuyết gia với nhân vật, tác phẩm của mình. Đối với nhân vật Romain hay với chính ông, tác giả như một vị chúa, tạo nên nhân vật của mình vì vậy họ tự cho mình cái quyền được thoải mái quyết định cuộc đời của họ.

Dù là một cuộc đời trải đầy hoa tươi hay là cả một tấn bi kịch thì nhân vật không có quyền được lên tiếng. 

Nhưng Musso ở tác phẩm này đã đặt mình vào trong chính tác phẩm mà ông tạo dựng nên. Sống trong thế giới tiểu thuyết của chính mình, đối diện với nhân vật của mình. Musso nhận ra có lẽ một tiểu thuyết gia sẽ vẫn là nô lệ của ngòi bút, phải có trách nhiệm viết và tiếp tục viết cho đến khi nào có được một cái kết hoàn chỉnh.

Suy cho cùng, nhà văn hay tiểu thuyết gia cũng mắc kẹt trong thế giới của chính mình. Họ trốn vào những trang sách, vẽ nên thế giới giả tưởng với những nhân vật giả tưởng, vì ở nơi đó họ được nắm trong tay và điều khiển số phận của cuộc đời mình. 

Điểm Hẫng: Những vòng lặp không hồi kết

Nếu như nói đây là tác phẩm “tệ nhất” của Musso thì thật khat khe. Tuy nhiên đánh giá khách quan thì lối viết của tác giả trong “Cuộc đời là một tiểu thuyết” khá dài dòng và có một vài chi tiết chưa thật sự được logic khiến cho tác phẩm trinh thám này có một vài “điểm hẫng”.

Ngoài ra, dụng ý xây dựng cốt truyện lồng cốt truyện, với 4 nhân vật, 4 câu chuyện và 4 góc nhìn khác nhau của Musso giống như một con dao hai lưỡi. Đây vừa là “điểm chạm” của tác phẩm nhưng là đối với những độc giả đã quen với các sản phẩm trinh thám của Musso và khi đọc phải thật sự tập trung thả mình vào tác phẩm. Nhưng sẽ là “điểm hẫng” rất lớn đối với những bạn đọc yêu thích lối trinh thám logic, hồi hộp gay cấn vì tác phẩm này không được tác giả xây dựng theo cấu trúc kết mở tương xứng và bóc tách từng lớp. Trái lại “Cuộc đời là một tiểu thuyết” là một tác phẩm hiếm hoi mà Musso sử dụng lối viết lồng ghép “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” hé lộ bí mật nhưng không thật sự hé lộ. 

Vậy nên để đánh giá trọn vẹn nhất tác phẩm này, các độc giả hãy đọc và đón nhận nó với một tư tưởng cởi mở và sự tập trung nhất định. Nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều chi tiết thú vị của tác phẩm này đấy