Tại Firenze, thủ phủ của vùng Toscana nước Ý, nơi thời gian như ngưng đọng lại để lưu giữ trọn vẹn sự cổ kính, đường nét nghệ thuật nguyên sơ từ thời Trung cổ, Phục hưng. Chàng trai trẻ Junsei đã từ Nhật Bản tới đây để học và làm việc về chuyên ngành phục chế tranh. Nhưng biến cố xảy ra, buộc anh rời Ý quay lại Nhật lần nữa. Suốt hành trình rong ruổi ấy, chưa khi nào, Junsei nguôi ngoai nỗi nhớ thương Aoi, người con gái anh đã yêu bằng trọn vẹn sự nồng nhiệt tuổi trẻ cùng lời ước hẹn giữa hai người yêu nhau, ngỡ là vu vơ thủa nào.

(Điềm tĩnh và nồng nhiệt – Lam là cuốn tiểu thuyết nằm trong tập tiểu thuyết 2 tập Tsuji Hitonari viết chung với Ekuni Kaori. Phần Lam viết về Junsei còn phần Đỏ do Ekuni Kaori chắp bút, viết về Aoi, mối tình thời đại học của Junsei.)

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

điềm tĩnh và nồng nhiệt - lam

Điềm tĩnh

Thành phố này lúc nào cũng tràn nắng.

Thật khác với Milano, gần như luôn chìm trong màn mưa trắng xóa đất trời.

Thành phố này lúc nào thời gian cũng như ngừng lại, từ thời Trung cổ, hay thời Phục hưng, trong từng nếp nhà, từng viên gạch trên đường phố, từng bức họa vẫn được phục dựng mỗi ngày để Firenze, mãi là thành phố của lịch sử.

Thật khác với Milano, bên cạnh chứng tích thời gian, mỗi ngày vẫn cựa mình phát triển cùng dòng chảy cuộc sống.

Firenze chan hòa ánh nắng, Firenze bị thời gian bỏ quên, Firenze mang theo nỗi nhớ thương quay quắt, khắc khoải của một chàng trai về lời hẹn ước vu vơ năm nào. Firenze ấy, là lịch sử, là hiện thực và cũng là tương lai của chàng trai hết mực điềm tĩnh có tên Junsei.

Junsei điểm tĩnh lắm. Sự điềm tĩnh đấy anh đã sớm thể hiện ngay ở niềm đam mê vẽ bầu trời từ thủa thiếu thời. Junsei nhìn bầu trời, hòa mình vào nền trời tại mỗi khoảnh khắc, thời gian, địa điểm anh đi qua để nhận ra từng góc độ, sắc độ, thậm chí, có thể là chính là “tâm trạng” của bầu trời nơi đấy. Nếu đơn thuần chỉ là người làm nghệ thuật thôi, hẳn Junsei không thể có được cái nhìn, cảm quan tinh tế đến thế mà anh phải sâu sắc và “tĩnh” như thế nào? “Nói sao thì nói, lý do lớn nhất khiến tôi thích thành phố này là bởi sự phóng khoáng và rộng lượng của bầu trời. Một bầu trời bình thường thôi, thế mà chỉ cần ngước lên nhìn, trái tim tôi lại được dịu dàng vỗ về.

Nhưng cuối cùng, Junsei cũng không trở thành họa sĩ chuyên vẽ bầu trời như ước mơ tuổi trẻ.

Từ Tokyo, Junsei đến Firenze học hỏi và trở thành thợ phục chế tranh chuyên nghiệp. Công việc gắn liền với quá khứ, tại thành phố lưu đọng thời gian ký ức, càng khiến Junsei thêm chìm vào sự điềm tĩnh, lặng thầm.

Từ Tokyo, Junsei gác lại mơ ước một thủa sôi nổi như gác lại đau thương và cả tình yêu tại thành phố cố quốc của anh để tới Firenze, kiếm tìm một tương lai mới. Mà rồi, anh lại càng thêm chìm sâu vào thời không của khổ đau, dằn vặt, vào ký ức càng cố quên lại càng hiện lên lúc chập chờn trong giấc mộng, lúc rõ nét khi anh đứng dưới chân nhà thờ lớn, khi lại bật thốt thành tiếng lúc anh chẳng thể phân biệt thực tại – quá khứ.

Rồi từ Firenze, Junsei quay về Tokyo sau biến cố công việc. Lần trở lại này chẳng thể chữa lành vết thương lòng trong Junsei nhưng đủ để anh tìm thấy những câu trả lời giữa những ngổn ngang, bộn bề, tìm thấy một phần linh hồn đã mất, và tìm thấy cả sự điềm tĩnh để đón nhận hiện thực, tương lại.

Junsei tài năng. Junsei sâu sắc. Junsei tinh tế. Junsei cũng hết mực điềm tĩnh. Sự điềm tĩnh của một con người vốn huyết quản vẫn âm ỉ chảy dòng máu nghệ thuật. Sự điềm tĩnh của một chàng trai trẻ, sớm đã trải đủ đau thương cuộc đời. Sự điềm tĩnh được hình thành, nuôi dưỡng trong trái tim, tâm hồn một con người, sớm chẳng biết tới tình thương gia đình, tình yêu người mẹ.

Junsei là thế. Anh sinh ra ở Mỹ, đến Tokyo học đại học, tới Firenze học nghề, quay về Tokyo làm việc, trở lại Firenze vì một lời hẹn ước vu vơ thuở nào. Nhưng dẫu ở đâu, Junsei vẫn điềm tĩnh; một Junsei trong hơi thở như mang phong vị Firenze; một Junsei, sinh ra như làm nghề phục chế, phục chế ký ức, chữa lành đau thương.

Đọc thêm: Điềm tĩnh và nồng nhiệt (Đỏ – Ekuni Kaori) – Trái tim nồng nhiệt ẩn sau vẻ ngoài điềm tĩnh, đơn côi

Điềm tĩnh và nồng nhiệt

Nồng nhiệt

Junsei điềm tĩnh. Và Junsei nồng nhiệt.

Khác với Aoi, sự nồng nhiệt mang sắc Đỏ. Sự nồng nhiệt của Junsei mang sắc Lam, sắc của bầu trời. Bầu trời Junsei từng khao khát khắc họa trên khung giấy hay khung vải vẽ. Bầu trời đã từng bảo bọc Junsei hết lần này đến lần khác, kẻ cả khi anh đã quyết định không theo con đường sáng tạo nghệ thuật nữa. Bởi thế, sự nồng nhiệt của Junsei cũng như rộng mở hơn một Aoi vẫn mãi khép mình cùng dòng cảm xúc sôi nổi sau nỗi buồn bã, cô đơn. Sự nồng nhiệt đó, tựa thành phố Firenze, một thành phố lịch sử, trầm lặng như vậy, nhưng lúc nào cũng chan hòa ánh nắng.

Quả thực, dù Junsei trầm lặng đến đâu, thì sự nồng nhiệt của anh, vẫn dễ dàng nhận thấy và ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Junsei điềm tĩnh bên giá vẽ, bên bức tranh chứa đựng linh hồn người cố họa sĩ, chứa đựng bao câu chuyện trải dòng thời gian. Nhưng Junsei cũng nồng nhiệt khôn cùng khi tỉ mỉ gọt giũa từng lớp bột quá khứ đã bong tróc để phủ lên lớp màu thực tại. Vẻ nồng nhiệt này, có lẽ Junsei chẳng hề hay biết nhưng hẳn đã ảnh hưởng tới cả xưởng vẽ anh làm việc, cuốn hút ánh nhìn xung quanh lẫn cả cõi lòng cô giáo Giovanna.

Junsei điềm tĩnh ở suy nghĩ, ở nỗi đau anh luôn gắng chôn chặt nơi sâu thẳm trái tim. Nhưng tới tận cùng, Junsei vẫn là một chàng trai trẻ hết mực nồng nhiệt. Nồng nhiệt trong hành động, trong sáng tạo, trong tình yêu cùng khát khao giao hòa, giao cảm với cuộc đời.

Giữa những cơn giận dữ cồn lên nơi vô thức, Junsei đã không thể kiểm soát hành động. Anh sử dụng bạo lực hai lần, với hai kẻ từng khiến cuộc đời anh không ngừng gặp biến cố. Sự điềm tĩnh lẫn đau thương dồn nén, Junsei đã gửi cả vào nắm đấm ấy.

Cả trong tình yêu, Junsei cũng nồng nhiệt như thế. Anh thương và yêu hết mình. Tất nhiên, không phải không có những lúc Junsei như hèn nhát trốn chạy. Tuy nhiên, đến cuối cùng, Junsei vẫn là một chàng trai dám tiến, dám lùi, dám đối mặt, dám nói, dám từ chối, dám buông bỏ và dám tin tưởng lời hẹn ước ngỡ chỉ là thoảng qua ngày nào.

Junsei đau buồn. Junsei cô đơn. Bởi Junsei vừa mang số phận người con lưu vong, vừa phải sớm chịu cảnh cô độc sống thiếu tình thương.

Nhưng cũng vì Junsei đơn độc, điềm tĩnh mà anh lại càng nồng nhiệt, mạnh mẽ, khát khao nhiều hơn. Khát khao được thấu hiểu, yêu và được yêu. Khát khao được đóng vai trò tựa như dấu gạch nối, đứng ở thực tại mà nối kết ký ức, tương lai.

Junsei vẫn tự hỏi, anh “phục chế” quá khứ qua mỗi bức tranh, vậy ai sẽ là người “phục chế” quá khứ cho anh. Một người làm nghề phục chế như anh, phải làm thế nào mới chữa lành vết thương hằn sâu nơi tiềm thức của bản thân anh đây? Nhưng rồi, chính anh tự nhận ra, dù phải vật mình trong đau đớn hơn nữa, cũng chỉ có anh mới có thể cứu rỗi bản thân, chỉ có anh, mới phục chế được phần “cái tôi Junsei” đã phong kín lại ở Tokyo năm xưa.

Bởi, anh là Junsei.

Junsei đã mơ ước trở thành họa sĩ chuyên vẽ bầu trời. Junsei hiện tại đang “phục chế” quá khứ qua đôi tay, ánh mắt người nghệ sĩ. Junsei của quá khứ. Junsei của hiện tại. Junsei của tương lai. Junsei của Aoi. Và Junsei của Tsuji Hitonari. “Vì thành phố này không có một chút gì gọi là tương lai cả, nên chỉ cần có một tương lai không phải là số 0 thì Junsei vẫn còn hạnh phúc đấy.”

Điềm tĩnh và nồng nhiệt Ekuni Kaori

Những người yêu nhau cuối cùng sẽ tìm thấy nhau

Đọc hơn 200 trang của tiểu thuyết Điềm tĩnh và nồng nhiệt – Lam, hẳn không ít độc giả sẽ bật thốt câu hỏi: Liệu rằng Junsei có thật sự yêu Memi không?

Câu trả lời, chắc chắn là có.

Junsei đã yêu Memi bằng cả sự điềm tĩnh của một chàng trai mang nhiều đớn đau, thương tổn. Chỉ rằng, tình yêu anh dành cho Memi, vắng bóng khía cạnh nồng nhiệt vốn là sự cộng hưởng của hai nửa tâm hồn. Dẫu cho, anh và Memi có bên nhau, giao hòa với nhau bằng sự giao thoa thể xác triền miên đi nữa.

Bởi, trọn vẹn sự nồng nhiệt kia, Junsei đã dành cho Aoi, cũng như Aoi đã dành cho Junsei sự nồng nhiệt vẫn luôn phong kín trong tâm hồn cô vậy. Bởi Aoi, là mảnh ghép còn thiếu của tâm hồn Junsei. Cũng như Junsei, vẫn luôn là mảnh ghép khuyết thiếu của tâm hồn Aoi vậy.

Junsei nhớ Aoi, mọi lúc, mọi nơi, dằn vặt bởi hình bóng của cô kể cả khi ở Firenze hay Tokyo, kể cả khi anh đã trốn chạy tới tận cùng cảm xúc.

Junsei bước lên tầng cao nhất của nhà thờ lớn tại Firenze. Junsei gặp lại Aoi, tất cả vốn như sự sắp đặt của định mệnh, rằng những người yêu nhau, đồng cảnh, đồng cảm, chắc chắn sẽ tìm thấy nhau. Và cũng vốn như là sự điềm tĩnh cùng nồng nhiệt trong anh bấy lâu vẫn mãi thôi thúc. Để Junsei lần nữa được là Junsei với một cái tôi trọn vẹn.

Có gì giữa điềm tĩnh và nồng nhiệt? Có gì giữa tình yêu và sự cô độc?”

Đó là câu hỏi chính tác giả Tsuji Hitonari đã đặt ra trong lời kết cuốn tiểu thuyết có hoàn cảnh sáng tác cùng cấu trúc khá đặc biệt này. Và đây, hẳn cũng là câu hỏi mỗi cá nhân trong tác phẩm của ông, chẳng riêng gì Junsei vẫn mãi kiếm tìm. Như Memi, nồng nhiệt mà vô cùng yếu đuối. Như ông nội của Junsei, vui tươi mà sâu sắc, thâm trầm. Như cô Giovanna, điềm tĩnh đến vậy mà thẳm sâu trong cô, có lẽ luôn cồn lên sự nồng nhiệt giữa nỗi cô đơn, hoang vắng nơi thành phố Firenze nhuốm màu lịch sử…

Điềm tĩnh và nồng nhiệt – Đỏ

Điềm tĩnh và nồng nhiệt – Lam

Hai cuốn sách, cũng tựa như hai nửa khuyết thiếu của nhau, như tâm hồn Aoi và Junsei vậy đấy.

Link mua sách:

Mọt Mọt