Chèo của Nguyễn Huy Thiệp, cách gọi tên nghe chừng mới lạ, bởi trước đó nhà văn chỉ được biết đến trong địa hạt truyện ngắn, kịch và tiểu luận. “Vong bướm” là kịch bản chèo mang theo thể nghiệm mới của Nguyễn Huy Thiệp, kể theo mạch tâm hồn bằng thể thơ lục bát đầy chân phương, ẩn dụ những ý tưởng về đời, về đạo, và về con người trên con đường hoàn thiện lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ.

Vong bướm Nguyễn Huy Thiệp reviewsachonly (1)

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tác phẩm ra mắt độc giả năm 2012, do Nhã Nam và NXB Thời Đại liên kết xuất bản và phát hành.

Đọc thêm:

Sự tích chàng nghệ sĩ.

“Vong bướm” kể về Điệp Lang, một chàng trai nhà quê ra tỉnh đi tìm công danh. Điệp Lang xuất thân từ nông thôn, Nguyễn Huy Thiệp ngụ ý nông thôn Việt Nam như một biểu tượng của văn hóa tâm linh và các giá trị đạo đức truyền thống của người Việt. Điệp Lang rời quê đi thành phố, chốn phồn hoa đô thị ấy vừa là biểu tượng của sự tiến bộ xã hội nhưng cũng vừa là biểu tượng của sự tha hóa về tinh thần và đạo đức.

Trên chuyến tàu định mệnh, Điệp Lang trót ký khế ước với Ma Vương, làm bạn với bốn con quỷ đầy cám dỗ là Tửu, Sắc, Yên, Đổ (rượu chè, trai gái, ma túy, cờ bạc), vượt qua bốn ngọn núi Sinh, Lão, Bệnh, Tử để tìm đến ánh sáng Chân – Thiện – Mỹ, nhưng cuối cùng hành trình dang dở. Cha chàng là Sùng ông, đi tìm con mà chỉ gặp được vong con.

“Sự tích chàng nghệ sĩ” là một tên gọi khác của kịch bản chèo “Vong bướm”. Theo tác giả, câu chuyện được viết ra từ cảm hứng về cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính (1917-1966), cũng như của nhiều nghệ sĩ khác đương thời – những con người mang khát vọng lớn lao đi tìm sự tỉnh thức. Thế nhưng, để đạt được khát vọng họ buộc phải trải qua bi kịch để nhận ra rằng: Muốn đạt được thanh cao thì phải dầm mình trong dung tục, nhưng đã dung tục rồi thì không thể với tới cái thanh cao tuyệt đối được nữa. Tầng tầng lớp lớp những xác bướm, ngã xuống, chất lên con đường đi tới cái đẹp; vong bướm trên cao nhìn xuống trần ai trong sự tỉnh thức muộn màng.

“Đi mà không đến là Tây trúc

Đến mà không được, ấy là Đào nguyên!

Tiếc thay! Ta chỉ bắt đầu đến Chân – Thiện – Mỹ!”

Vong.

“Vong bướm” là một sự kết hợp đầy thú vị, nó mang hơi hướm của điển tích “Trang Chu mộng hồ điệp”, lại thêm motif “giao kèo với quỷ dữ” chịu ảnh hưởng từ “Faust” của Goethe, cộng với tinh thần “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, cuối cùng tạo ra một thể mới lạ trong chèo: Vong.

“Vong là ngọn gió đa tình bay qua,

Vong ngoài sân, vong trong nhà,

Vong từ cung cấm, vong ra sân đình.

Vong này đích thực vong tình,

Xem ra vong Bướm ở mình, ở ta”.

Bước qua tuổi lục tuần, Nguyễn Huy Thiệp ngẫm lại đời mình, nhìn lại đời người, luận lại mọi lẽ, để đưa ra triết lý: “Xem ra vong Bướm ở mình, ở ta” – rằng tất cả đều là vong hoặc sẽ trở thành vong. Bởi vì vong ở mình, bởi vì tất cả rồi sẽ chết, bởi vì ta mang cái chết trong mình.

Hơn nữa, vong còn là suy vong, tự huỷ. Có thể hiểu rằng, vong có trong ta, vong có  trong cuộc sống, chính là sự tranh đấu giữa hai thế lực tốt xấu, thiện ác trong mỗi cá thể và trong cộng đồng.

Vong bướm Nguyễn Huy Thiệp reviewsachonly (2)

Trở về với bản lai diện mục.

Nghệ thuật Chèo vốn là một viên ngọc quý mà cả thế giới phải công nhận, bởi vậy mà sự ra đời của “Vong Bướm” càng làm tăng thêm giá trị tự thân của chèo Việt Nam.

Viết chèo, đối với Nguyễn Huy Thiệp, đó là sự đưa đẩy của số phận. Chèo là một hình thức sân khấu rất hay của văn hóa Việt Nam, như tác giả đã chia sẻ trong phần “Tựa”:

“Chèo thực sự là một đặc sản văn hóa có một không hai của văn minh đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Chèo là một loại hình nghệ thuật gây cảm giác và truyền cảm giác rất hiệu quả. Nghệ thuật nào cũng vậy, nó sẽ chẳng là gì nếu nó không góp phần truyền đến người ta cảm giác về sự sống đang sục sôi ngoài kia, về “cái đang là”, buộc họ tìm hiểu đến ý nghĩa của cuộc sống đang sôi động đó, để xác định vị trí của mình, để hỏi rằng: “Ta là ai?”.”

Mục đích cuối cùng để tự vấn “Ta là ai?”, để tìm về với bản lai diện mục của những gì nguyên sơ và chân phương nhất. Hướng nghĩ suy và cảm hứng của Nguyễn Huy Thiệp là từ đời và từ đạo mà ra, đó là kết quả của nhiều năm đối thoại với bản thân và với cuộc đời.

“Vong bướm” được lấy cảm hứng từ những nghệ sĩ như Nguyễn Bính, Bùi Giáng… đó là những con người giữ được bản lai diện mục trong cách sống và cả trong đường lối sáng tác – giữ được tính tối giản, tính truyền thống, độ ảo diệu và tính ước lệ vốn có, đặc biệt là không chạy theo những thị hiếu tầm thường, dung tục.

Viết thân trò của một vở chèo và sử dụng thể thơ lục bát là điều mà Nguyễn Huy Thiệp hết sức tâm huyết. Ông thích thơ lục bát, và ghét thể tự do. Với ông, thơ ở Việt Nam, trước hết phải là thơ lục bát, như sonnet ở Pháp, haiku ở Nhật, tứ tuyệt ở Trung Quốc…

“Lục bát còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước ta còn.” – Nguyễn Huy Thiệp.

Thơ lục bát là thể thơ cơ bản, là cơ sở hồn cốt để hát chèo, viết thì dễ nhưng để viết cho hay thì rất khó. Đọc “Vong bướm”, độc giả không chỉ đọc một kịch bản chèo, mà còn đọc cả thơ lục bát của Nguyễn Huy Thiệp.

Để xây dựng nhân vật của mình, tác giả trích dẫn khá nhiều thơ của Nguyễn Bính và của một số nhà thơ khác, nhưng dĩ nhiên phần lớn vẫn là thơ của Nguyễn Huy Thiệp. Ông đã thổi tâm tư tình cảm và tư tưởng của mình để tạo ra những cá tính, những tinh thần, những tình huống của cuộc đời mỗi người trên con đường hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, cũng là con đường tìm về với bản lai diện mục, để tìm đáp án cho câu hỏi “Ta là ai?”.

Vong bướm Nguyễn Huy Thiệp reviewsachonly (3)

Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp (29/04/1950 – 20/03/2021) sinh ở Thái Nguyên, nguyên quán Hà Nội; thuở nhỏ cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc; đọc sách từ năm lên 10, bắt đầu sáng tác từ tuổi 20.

Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Được ví như một bông hoa nở muộn, mặc dù cầm bút khá sớm nhưng đến năm 37 tuổi Nguyễn Huy Thiệp mới vụt sáng trên văn đàn Việt Nam bằng tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của mình –  “Tướng về hưu” – đã được dựng thành phim năm 1988.

Nguyễn Huy Thiệp được xem là “hiện tượng hiếm” của nền văn học Việt Nam. Ông sở hữu gia tài văn chương đáng nể, gồm 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết, 2 kịch bản chèo cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, nhiều tác phẩm được chuyển ngữ và xuất bản trên thế giới, từng được trao huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008)…

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 ngày 20/03/2021 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi.

Xin thắp một nén hương lòng tri ân đến cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cảm ơn ông vì đã cống hiến hết mình cho văn học Việt Nam.

Yên nghỉ. Sống mãi.