Sau Cách mạng Tháng Tám, Nam Cao tích cực tham gia công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với tư cách là một nhà văn chiến đấu cũng là một chiến sĩ cách mạng. Truyện ngắn “Đôi mắt” ra đời dưới ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh mà nặng trĩu suy tư của một trí thức giác ngộ lý tưởng. Tác phẩm phục vụ cách mạng kịp thời, vạch ra vấn đề khó khăn lúc bấy giờ là làm sao thay đổi quan niệm nhận thức nhận đường của giới văn nghệ sĩ, đồng thời giá trị tác phẩm tồn tại cùng thời gian với ý nghĩa của góc nhìn đa chiều trong cuộc sống.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

 

Đôi Mắt reviewsachonly

Cách mạng Tháng Tám là sự kiện lịch sử vĩ đại của nhân dân Việt Nam, phong trào Việt Minh tiến hành khởi nghĩa chống Đế quốc Nhật Bản, buộc Đế quốc Việt Nam bàn giao chính quyền trung ương và các địa phương, buộc Bảo Đại thoái vị.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định quyền thiêng liêng của dân tộc:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập.” – Trích “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trong ngày trời thu lịch sử 02/09/1945.

Cách mạng Tháng Tám đã đến như một phép tái sinh nhiệm màu, chiếu sáng và mở đường, dẫn lối nhiều nhà văn từ những khuynh hướng nghệ thuật khác nhau hội tụ dưới lá cờ đỏ sao vàng, nhiệt thành theo cách mạng kháng chiến.

Nam Cao là một trong số đó. Từ một nhà văn hiện thực phê phán nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đầy đớn đau bế tắc, Nam Cao đã thấy được ánh sáng nhờ Cách mạng.

Xem thêm:

Tiên sư anh Tào Tháo!

“Tiên sư anh Tào Tháo” được viết vào mùa xuân năm 1948 tại Việt Bắc, vài tháng sau khi Nam Cao được kết nạp vào Đảng, về sau đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 3 – 1948 với tên mới là “Đôi mắt”.

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất của văn sĩ Độ.

Độ và Hoàng là bạn văn từ trước năm 1945. Sau Tổng khởi nghĩa, Độ trở thành chiến sĩ cách mạng, tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, còn Hoàng trở về sống ở nông thôn theo lệnh tản cư.

Độ muốn vận động Hoàng tham gia vào văn hoá cứu quốc, nên nhân cơ hội đi công tác anh ghé thăm vợ chồng Hoàng. Giữa những lệ lụy của nạn đói năm Ất Dậu còn dai dẳng, gia đình Hoàng vẫn sống hết sức sung túc, Độ được đón tiếp rất chu đáo. Họ trò chuyện với nhau, vợ chồng Hoàng ca ngợi cụ Hồ nhưng họ không tin vào khả năng lãnh đạo cách mạng của tầng lớp nông dân, thậm chí là khinh thường nhân dân lao động ra mặt.

Không tiếp thu ý kiến của Độ, Hoàng chỉ chú trọng vào những trang Tam Quốc, tự đặt bản thân ra ngoài dòng chảy của thời cuộc.

Truyện xây dựng song song hình tượng hai nhà văn Hoàng và Độ, với hai lối sống, hai sự nhìn nhận về người nông dân và về kháng chiến trái ngược nhau, qua đó đặt ra vấn đề về nhận thức đường lối cách mạng của giới văn nghệ sĩ.

Tuyên ngôn về lập trường cách mạng.

Truyện ngắn “Đôi mắt” căn cứ vào mâu thuẫn lập trường cách mạng của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.

Độ xem bản thân là một phần của kháng chiến và tích cực tham gia kháng chiến. Hoàng xem bản thân là người ngoài cuộc, y cho rằng mình không có trách nhiệm trong công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, y từ chối mọi hoạt động dù chỉ là công tác Bình dân học vụ trong làng.

Độ vui sướng trước cuộc đổi đời của nhân dân, anh nhìn cuộc sống mới, tư thế mới mà cách mạng đem đến cho nhân dân lao động là những điều hết sức tốt đẹp. Hoàng chỉ thấy thế là lố bịch, là hài hước, lập trường của y không hẳn là không yêu nước, nhưng lại chưa tán thành với cách mạng và kháng chiến, bởi vì y còn nhìn người nông dân với cái nhìn của người trí thức – nghĩa là đôi mắt y còn phân chia giai cấp, còn chú trọng thứ bậc, còn ý thức thượng đẳng… Mà chưa đặt mình vào công cuộc kháng chiến chung của toàn dân tộc.

Giới phê bình, nghiên cứu và giảng dạy văn học xem “Đôi mắt” là tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao sau Cách mạng. Nhưng trước hết đây là bản tuyên ngôn về lập trường cách mạng, lập trường kháng chiến của chính tác giả nói riêng và lớp văn nghệ sĩ giác ngộ cách mạng nói chung, cụ thể hóa trong tác phẩm là hình tượng văn sĩ Độ. Họ là những người quyết tâm từ bỏ những quyền lợi ích kỷ cá nhân, từ bỏ những nếp tư duy cũ, từ bỏ những cái nhìn xanh xám mỏi mòn… để can đảm đổi mới, để thay đổi cách nhìn cuộc sống và thay đổi quan niệm sáng tác. Dẫu bước đầu còn nhiều khó khăn, nhưng kháng chiến là trường kỳ.

Nam Cao đã sẵn sàng, nói như nhà văn Độ là làm một anh tuyên truyền nhãi nhép nhưng có ích cho nhân dân, cho công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

Cái nhìn phiến diện và đa chiều.

Nói khách quan thì những nhận xét của Hoàng về người nông dân không sai nhưng không đủ, bởi vì nó phiến diện. Y chỉ nhìn một phía với đôi mắt thiếu độ lượng và thiếu thiện chí.

“Anh trông thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài “ba giai đoạn”, nhưng anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó, mà không nhìn thấy cái nguyên cớ đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.”

Cái nhìn của Hoàng về người nông dân là cái nhìn từ bên ngoài từ thân phận trí thức, thân phận văn nghệ sĩ. Y đứng ngoài xã hội nông thôn, dựa trên những chuẩn mực xa lạ với văn hóa nông thôn để đánh giá xã hội nông thôn. Cũng vậy, y đứng ngoài kháng chiến nên không hiểu kháng chiến.

Trong thời đại mà lịch sử đang chuyển mình với nhiều biến động dữ dội, “Đôi mắt” ra đời không những là một tuyên ngôn về lập trường cách mạng, mà còn vạch ra vấn đề của một bộ phận văn nghệ sĩ chưa có cái nhìn toàn diện, chưa nhận thức đúng đường, chưa đi theo cách mạng.

Bước vào kháng chiến, là một phần của kháng chiến, đứng về phía nhân dân và nhận thức bản thân cũng là một mắc xích trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thì mới biết yêu thương và thấu hiểu nhân dân, nhìn thấu những phần tốt đẹp phía sau vẻ bề ngoài nhiều khi là tưởng như thô kệch, cục mịch của người nông dân chân lấm tay bùn.

Không phải đến “Đôi mắt”, Nam Cao mới đặt vấn đề cái nhìn và góc nhìn. Ngay từ khi bước vào làng văn, với những lão Hạc, những Chí Phèo… Nam Cao với tấm lòng nhân đạo luôn đặt góc nhìn toàn diện và đa chiều, tìm được sự bao dung và vị tha cho những số phận khốn cùng dưới đáy xã hội.

Điểm khác nhau giữa trước và sau Cách mạng, là nhờ giác ngộ lý tưởng của Đảng, nhờ tham gia cách mạng, sát cánh đồng hành cùng nhân dân trong công cuộc kháng chiến, lòng nhân đạo từ góc nhìn đa chiều của Nam Cao tìm được hướng giải thoát chứ không còn bế tắc, Nam Cao đã có được đôi mắt mới để thấy quần chúng không chỉ là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh mà còn là những con người cải tạo hoàn cảnh.

Cái nhìn phiến diện và đa chiều trong “Đôi mắt” của Nam Cao đặt vấn đề nhận đường một cách tự giác, trực tiếp, kịp thời phục vụ cách mạng, đã giúp không ít văn nghệ sĩ “thức tỉnh”,  nhận ra con đường đúng đắn cho hành trình sáng tác tiếp theo của mình.

Mở rộng khái niệm và góc nhìn, phiến diện và đa chiều là vấn đề không bao giờ cũ mòn, ý nghĩa và giá trị của cách nhìn cuộc sống toàn diện là nhất quán và tồn tại cùng thời gian, là vấn đề tự vấn mà mỗi người luôn suy nghĩ và chiêm nghiệm.

Tưởng nhớ nhà văn liệt sĩ Nam Cao.

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, quê tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang (nguồn gốc bút danh Nam Cao), phủ Lý Nhân – nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Là nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán trước năm 1945, Nam Cao tham gia Hội văn hóa cứu quốc, làm Thư ký tòa soạn tạp chí Tiên phong năm 1945, làm báo Cứu quốc ở Việt Bắc từ năm 1947, hy sinh tại Hoàng Đan (Ninh Bình) năm 1951.

Nhà văn liệt sĩ Nam Cao đã mãi mãi ra đi ở giữa những năm tuổi băm, khi ngòi bút vẫn đang ở đỉnh cao phong độ, Người đem máu xương mình tô thắm cho ngọn cờ Tổ quốc, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thời gian đá nát vàng phai, nhưng thời gian lại là thứ chất thử diệu kỳ – sàng lọc, giữ gìn và tôn vinh những giá trị tốt đẹp nhất – tác phẩm, tư tưởng, nhân cách và lối sống của nhà văn, chiến sĩ, liệt sĩ Nam Cao sẽ mãi ở vị trí trang trọng trong lòng hậu thế.