Khi nhắc đến đề tài tình yêu với lối viết chân thực và trần trụi trong văn học Nhật, người đọc không thể không liên tưởng đến Yamada Amy – nữ nhà văn chuyên khai thác những mối tình gai góc, đầy bão giông nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào và sâu sắc. “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường” là tác phẩm nổi tiếng nhất của cô, xuất bản năm 1985 và trở thành một phần của cuộc bùng nổ nền văn hóa da đen và âm nhạc hiphop trong những năm 1990.

Tình yêu được cảm nhận chân thực bằng năm giác quan

Tình yêu trong truyện là một tình yêu sét đánh. Ngay khi vừa nhìn thấy Spoon – chàng lính Mỹ da đen đào ngũ, Kim – cô ca sỹ hộp đêm – đã bị choáng ngợp bởi tình yêu phủ đầy lên năm giác quan. Đầu tiên là ngoại hình cool đến hài hước của Spoon, sự giao tiếp bằng ánh mắt tựa như mê hoặc. Rồi đến mùi hương tỏa ra từ anh làm cho cô cảm thấy mình cao quý, vị giác là sự nóng bỏng khi chạm vào nhau. Họ giao tiếp bằng tiếng thở hổn hển khi làm tình. Sau đó là xúc giác khi Kim bất giác chạm vào chiếc thìa bạc lạnh lẽo nằm trong túi quần Spoon: chiếc thìa anh luôn mang theo để chứng minh sự tồn tại của mình.  

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Doi mat ay van o tren giuong 2 copy

Cách khắc họa tình yêu của Yamada Amy luôn trần trụi như vậy. Cô viết về tình yêu sinh ra từ bản năng nhục thể, và các nhân vật luôn yêu bằng toàn bộ cơ thể của mình. Đó là một tình yêu đẹp với cô bởi vì “Khi bạn yêu cơ thể ai đó, ấy là bạn đã yêu tâm hồn người ta rồi”. 

Vì yêu, Kim đã tự nguyện chứa chấp Spoon ở nhà mình dù biết anh ta là lính đào ngũ – kiểu người mà dễ trở thành kẻ ăn bám và nếu bị bắt thì sẽ rất rắc rối. Đối với cô, tình yêu phải là khi hai người ở bên cạnh nhau, nhìn thấy nhau, cùng ăn uống cười đùa, cùng làm tình và nói chuyện bằng phong cách của mình. Cô không chịu nổi ý nghĩ “độ lượng” như những người con gái chỉ cần người đàn ông của mình hạnh phúc thì dù có cách xa cũng chẳng sao. Điều này nghe qua thì có vẻ ích kỷ nhưng đó là cách yêu rất đỗi chân thành và thẳng thắn của riêng cô: yêu hết mình và cũng mong muốn được hạnh phúc bên người mình yêu nữa.  

Những con người khẳng định sự tồn tại đầy bản năng và gai góc

Các nhân vật trong truyện đều là những con người sống rất bản năng và gai góc, cách để họ khẳng định bản ngã của mình cũng vậy. Spoon luôn mang theo chiếc thìa bạc trong túi quần như một lời chế giễu. Có một câu thành ngữ tiếng Anh nói rằng đứa trẻ hạnh phúc “chào đời với một chiếc thìa bạc ngậm trong mồm”. Nhưng đứa trẻ hạnh phúc thì nào có giống như Spoon: được người ta gọi tên là Spoon (Thìa Bạc), luôn phải khoác lên mình những bộ cánh hào nhoáng và mang theo chiếc thìa lạnh lẽo ấy để chứng minh sự tồn tại của bản thân! 

Cuộc đời đầy sự mỉa mai đã tạo nên một Spoon luôn tuôn ra những đoạn rap với nội dung dữ dội nhưng lại với giai điệu tỉnh queo, nhịp nhàng và đầy ngẫu hứng: “Mười bốn tuổi, chị anh bị daddy hãm hiếp và trở thành mammy. Từ ngày đó, anh biết trò chơi gái và nhiều cách làm tình. Nhưng anh chưa biết hôn.” 

Hay đó là Spoon với kiểu nói chuyện đệm bốn chữ chửi thề đặc trưng, luôn nói thẳng ra cảm nhận của mình như không hề có suy nghĩ, luôn say xỉn và tức giận khi bị xã hội coi thường, chỉ có một cách bày tỏ tình cảm là bằng thể xác. “Cái cơ thể màu đen vươn ra khỏi thành giường của Spoon gợi tôi nhớ đến Brother Rufus trong một tiểu thuyết của James Baldwin. Nhân vật ấy vừa nghe saxophone vừa gào lên trong lòng: em sẽ yêu anh chứ? Spoon thì chẳng cần đến saxo. Anh ta gửi thông điệp tới tôi bằng chính thân xác mình.”

Tuy nhiên, cái con người ấy lại là người mà Kim yêu đến mức muốn biến anh hòa làm một trong cơ thể mình. Hình dung ai đó bên cạnh anh ta mà không phải là mình, nước mắt của cô tự động chảy. Lần đầu tiên trong đời cô biết ghen tuông là như thế nào, đến nỗi chị Maria – người hiểu cô nhất – cũng thấy ngạc nhiên và đáng thương cho cô. Spoon đau đớn, cô sẽ thấy bản thân mình đau đớn. Cô từng khao khát nắm bắt được trái tim anh, nhưng rồi cuối cùng chỉ có thể mặc định mình là một vật sở hữu của anh. Dẫu cho mỗi lúc say xỉn Spoon thường mắng nhiếc và bạo hành cô. Tình yêu trong tác phẩm vì thế mà qua mắt người đọc trở thành một mối tình bão giông, độc hại và phải chăng là đầy tuyệt vọng? 

Cách thể hiện cái tôi của nhân vật “chị Maria” thì tuy không dữ dội như hai nhân vật chính, nhưng cũng dị biệt không kém. Chị ghi dấu ấn vào lòng những người yêu quý chị bằng những điệu nhảy vừa quyến rũ nhưng lại lạnh lùng mà theo cách Kim gọi là “đầy nghệ thuật”. Tình yêu của chị dành cho Kim là một tình yêu thầm lặng không được đáp trả. Chị chỉ là người thầy dạy cô những điều mới và dìu dắt cô đi trên đường đời, là người chị cao quý mà cô không thể bì kịp. Tình cảm của chị dành cho Kim tưởng như sẽ không bao giờ có thể bày tỏ ra cho tới ngày Spoon đến, khi mà chị nhận ra Kim yêu quý ai đó nhiều hơn chị. 

Cuộc đời của các nhân vật trong tác phẩm có lẽ được lấy cảm hứng từ những gì xảy ra trong cuộc sống của tác giả. Yamada Amy có cuộc sống luôn phải chuyển từ nơi này đến nơi khác, nên cô cũng phải chịu đựng sự chia xa và bắt nạt. Các nhân vật chính của cô cũng vậy, dường như “ổn định” là một từ ngữ xa vời và họ luôn phải chịu đựng cuộc sống với muôn vàn vấn đề phức tạp. Sở thích tìm hiểu về âm nhạc và văn hóa người da đen của Yamada Amy cũng tạo nên sự sống động và sâu sắc cho những tác phẩm mà cô viết, trong đó có “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường”.

Doi mat ay van o tren giuong

Tình yêu luôn ở lại: 2 sweet + 2 be = 4 gotten

Kim luôn có dự cảm chẳng lành về tình yêu của mình, nhất là khi nhìn thấy Spoon khư khư đống giấy tờ như thứ gì rất quan trọng. Rồi ngày đó cũng đến thật, cái ngày mà cuộc vui nào cũng tàn, ngày mà người ta mang anh đi xa khỏi cô. Tuy kết truyện buồn, nhưng cũng đầy xúc động. Yamada Amy rất khéo léo và tinh tế khi khắc họa nỗi đau của nhân vật, không chỉ bằng lời nói và hành động mà còn qua những món ăn – quả vậy – món sườn nướng rỏ mỡ rất dung tục mà Kim hình dung mình sẽ ăn cùng Spoon là đại diện rõ nét nhất cho tình yêu trần trụi và giản dị của họ. Cảnh tượng vui vẻ trong bữa tối đã hiện ra trong đầu, nhưng bây giờ hình dung món sườn ấy phải mang đổ đi, cô không sao kìm nén được nỗi đau. Spoon đối với cô cũng vậy, mang anh đi tựa hồ người ta nhẫn tâm nhổ mất chiếc đinh đã đóng chặt vào trái tim cô, để lại một chỗ trống sâu hoắm không thể bù đắp. Mọi thứ quá ngọt ngào để có thể lãng quên.

Dẫu vậy, sau tất cả, tình yêu của họ vẫn ở lại, cho dù ngày mai không bao giờ đến. Chỉ cần chui vào trong chăn, sẽ có một đôi mắt sáng quắc đang đợi Kim trong đó.

“Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường” tựa như một lát cắt tuổi trẻ mãnh liệt và hoang dại của những con người sống đầy bản năng và khác biệt trong xã hội Nhật Bản hiện đại, đồng thời chứng tỏ tình yêu vượt qua rào cản chủng tộc, màu da. Tác phẩm đã giành giải thưởng Bungei Prize năm 1985 và được chuyển thể thành phim. Tác phẩm cũng là nguồn cảm hứng dồi dào và khác lạ cho những người trẻ viết về tình yêu sau này.