Vũ Trọng Phụng là một nhà báo, một nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 nói riêng, và của nền văn học Việt Nam nói chung.

Ảnh Vũ Trọng Phụng

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Mặc dù chỉ sống trên đời 27 năm (1912 – 1939), hành nghề cầm bút chưa tròn 10 năm, nhưng những gì Vũ Trọng Phụng đã đóng góp cho văn chương Việt Nam là đặc biệt lớn lao và có giá trị.

Văn sĩ tả chân tài hoa họ Vũ.

Vũ Trọng Phụng mồ côi cha thuở vừa lên bảy. Là bạn học với nhà văn Vũ Bằng từ lớp Dự bị trường Hàng Vôi. Ông thôi học sớm, đi làm thư ký cho nhà in IDEO để kiếm tiền nuôi bà và mẹ, đồng thời lo sao tích góp dành dụm mà lấy vợ, hầu có con nối dõi.

Vì không đủ sống một phần, cũng vì say mê con chữ, Vũ Trọng Phụng bước vào làng văn qua thể nghiệm sáng tác truyện ngắn (“Chống nạng lên đường”, “Cái răng vàng”…) và kịch (“Không một tiếng vang”); rồi nổi lên với tư cách một nhà báo, một cây bút phóng sự cự phách (“Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Lục xì”, “Cơm thầy cơm cô”, “Vẽ nhọ bôi hề”…); đến mức họ Vũ được đồng nghiệp và độc giả đương thời vinh danh là ông vua phóng sự đất Bắc; sau đó là một nhà tiểu thuyết (“Số đỏ”, “Giông tố”, “Vỡ đê”, “Làm đĩ”, “Trúng số độc đắc”…). Dù đứng trên lằn ranh của thể loại nào thì Vũ Trọng Phụng vẫn luôn nhất quán với kim chỉ nam tả chân.

Cũng bởi vì tả chân, tả thực mà lúc bấy giờ Vũ Trọng Phụng bị Tự Lực văn đoàn công kích là văn chương dâm uế. Để đáp lời Báo Ngày Nay: Dâm hay không dâm, Vũ Trọng Phụng khảng khái đáp trả trên Báo Tương Lai, ngày 25/03/1937, trích đoạn:

“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời. Cứ một chỗ trái ngược nhau ấy cũng đủ khiến chúng ta còn xung đột nhau nữa. Các ông muốn theo thuyết tùy thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thực, thành ra nguy hiểm, vì sự thực mất lòng.”

Một ngòi bút đầy sức căng, sức nổ và nhạy bén. Một văn phong gãy gọn, sắc sảo, vừa mỉa mai lại vừa chua chát. Vũ Trọng Phụng ghi dấu ấn trên văn đàn Việt Nam qua những tác phẩm đi sâu vào hiện thực cuộc sống, bóc trần những góc khuất tối tăm của xã hội khốn nạn đương thời, bằng tấm lòng yêu mến nhân dân, yêu mến người lao động và những thân phận chạm đáy xã hội.

Chân dung Vũ Trọng Phụng
Chân dung Vũ Trọng Phụng

Liệu Vũ Trọng Phụng có may mắn vì gặp đúng thời?

Tài năng của Vũ Trọng Phụng đến ngày hôm nay nghiễm nhiên là sự thật không có gì bàn cãi. Nhưng có ý kiến cho rằng, văn sĩ họ Vũ gặp “đúng thời” vì “may mắn” được sống và viết trong buổi giao thời mưa Âu gió Á, nên có cơ hội thu thập những tư liệu tươi mới góp phần tạo nên những tác phẩm để đời.

“May mắn” ư? Khách quan thì, người cùng thời đại ông cũng đâu ít? Lại nói về buổi giao thời và cái gọi là gặp “đúng thời”, triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus có một câu nói rất nổi tiếng:

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.”

Bởi vì dòng sông là một dòng biến dịch. Cũng như thời gian là một dòng biến dịch. Nghĩa là, chúng luôn luôn thay đổi. Mỗi một phút giây trôi qua, từ thượng nguồn đến hạ nguồn, dòng nước vẫn lặng lẽ chảy. Bề ngoài tưởng chừng vẫn thế, nhưng thời gian không gian và cả bản chất đều đã đổi thay, chỉ là biểu hiện thường bình lặng mà thôi. Chiến tranh, hòa bình, hay buổi giao thời… bất kể giai đoạn hay hình thái nào thì xã hội luôn có những vấn đề nội tại.

Một nhà văn hiện thực tài ba là nhà văn có rada nhạy bén kịp thời nắm bắt những vấn đề đó, có nhiệt huyết và dũng cảm để làm sáng tỏ vấn đề, có tài năng để đưa vấn đề lên trang giấy thành một tác phẩm có sức cuốn… Văn sĩ tả chân họ Vũ hội tụ đầy đủ những yếu tố ấy, vì vậy mà dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng lúc sinh thời một bộ phận đã công nhận Vũ Trọng Phụng là ông vua phóng sự đất Bắc, và gần một thế kỷ trôi qua, gia tài văn chương mà ông để lại vẫn sáng rỡ trên văn đàn Việt Nam.

“May mắn” ư? Chủ quan thì, may mắn nơi đâu khi sinh thời vì kế sinh nhai mà Vũ Trọng Phụng đã phải hùng hục viết, “có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống” – người bạn thâm giao Vũ Bằng viết trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo”. Cũng trong những hồi ức được ghi lại ấy, nhà văn Vũ Bằng kể thêm, khi Vũ Trọng Phụng trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27, đến lúc thoi thóp trên giường bệnh còn thủ thỉ với bạn mình: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này.” Thương thay!

May mắn nơi đâu khi nhiều tác phẩm viết ra lại bị phê phán, bị cấm đoán, bị kiểm duyệt hết phần này đến đoạn kia, thậm chí có lần bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì “tội tổn thương phong hóa”… Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước năm 1975, tại Việt Nam sau thống nhất cho đến năm 1986. Phải mất gần năm mươi năm sau khi thành người thiên cổ, tên tuổi và sự nghiệp văn chương của nhà văn hiện thực tài ba này mới được sống lại trên văn đàn. Nếu được lựa chọn, chắc hẳn Vũ Trọng Phụng chẳng muốn hưởng niềm “may mắn” ấy đâu.

Sự thật là thời đại làm ông rất khổ, nghèo đói bệnh tật quấn thân, kiểm duyệt của chính quyền, góc nhìn hạn hẹp của người đời và người đọc đương thời. Cũng chẳng may mắn gì khi lúc còn sống không được đánh giá đúng sáng, về với cát bụi hơn nửa thế kỷ mới được vinh danh. Thế rồi người ta lại tự hỏi thế nào là hư vô thế nào là tồn tại, và đưa ra nhận định rằng khi những đóng góp tốt đẹp còn mãi nghĩa là vẫn còn tồn tại, nhưng Vũ Trọng Phụng liệu có kịp nghĩ xa được vậy hay không? Có lẽ trong những năm tháng hiện diện trên cõi đời đầy vất vả ấy, họ Vũ đã viết để sống – đã viết vì phải đứng mũi chịu sào lo cho cả gia đình. Nhưng rồi tài hoa đã đưa văn phẩm của văn sĩ họ Vũ đi xa hơn thế, vượt qua sự kiểm duyệt tàn khốc của thời gian, và vững vàng tọa lạc trong làng văn Việt.

Thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng
Thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng không may mắn vì gặp đúng thời, nhưng bằng tài năng và đôi mắt thấu triệt nhà văn nhà báo Vũ Trọng Phụng đã trở thành người thư ký trung thành của thời đại. Các tác phẩm họ Vũ không những mang giá trị cao về văn chương – một ngòi bút bậc thầy của nền văn học hiện thực phê phán, mà còn được đề cao bởi giá trị lịch sử và giá trị xã hội khi chúng truyền tải một cách sống động nhiều góc khuất của xã hội mà ông sống – những thứ “mặt trái đời” hay những tệ đoan khó nói mà nhiều ngòi bút đã lựa chọn né tránh.

Đó là “Giông tố”, một xã hội chó đểu đánh vào sự trâng tráo tàn bạo của thế lực phản bội dựa vào đế quốc, của hạng tay sai núp dưới bóng thực dân hòng chuộc lợi và đẩy nhân dân vào thế lầm than. Đó là “Kỹ nghệ lấy tây”, một xã hội mà công lý không nằm bên lẽ phải lại nghiêng hẳn về phía có túi tiền nặng hơn. Đó là “Số đỏ” giễu nhại tầng lớp ăn trên ngồi trốc của xã hội tư sản hóa cuối mùa. Đó là ánh sáng kinh thành rực rỡ trong “Cơm thầy cơm cô” bóc trần những sự thực trần trụi khi mà giá trị con người đã có lúc không bằng bọn súc vật, và rằng không phải ra giá cao nên ế, chính là bán rẻ mà vẫn ế!… Và còn nhiều hơn thế nữa.

Đối với riêng tệ nạn mại dâm, Vũ Trọng Phụng tự vạch ra cho mình “ba việc phải làm” mà theo ông đó là những công việc xã hội. Một là tả cái dâm đãng trong sự phú quý, như cái dâm của Nghị Hách trong tiểu thuyết “Giông tố”. Hai là tả cái dâm của người con gái đến tuổi dậy thì mà không được giáo dục một cách đầy đủ, tức là chuyện “Làm đĩ”. Và ba là tả những nỗi thống khổ do sự nghèo đói gây nên, tức là nạn mại dâm trong phóng sự “Lục xì”.

Vũ Trọng Phụng đã có “những công trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ… góp được tài liệu cho đời sau khảo sát về buổi này”, theo chữ của nhà văn Phùng Tất Đắc.

Chính vì tất cả những lẽ đó, Vũ Trọng Phụng không may mắn vì gặp đúng thời, mà thời đại đã may mắn vì có Vũ Trọng Phụng, nền văn học Việt Nam đã may mắn vì có Vũ Trọng Phụng – một nhà văn hiện thực phê phán tài ba đến thế.