Máu lạnh đan chéo giữa một tiểu thuyết phi gia tưởng kết hợp với một tác phẩm báo chí xuất sắc ghi nhận sự tồn tại của một giống loài không hợp với đời như thể đã, đang và sẽ sống mòn giữa chốn nhân gian.

Máu lạnh - In cold blood

Những người cuối cùng thấy họ còn sống

In cold blood – Máu lạnh cuốn tiểu thuyết phi giả tưởng (non-fiction ) ra đời năm 1964 dựa trên câu chuyện hoàn toàn có thật tại xứ sở cờ hoa: vụ thảm sát cả bốn người trong một gia đình trại chủ ở Kansas vào ngày 14 tháng 11 năm 1959. Vừa với tư cách là nhà văn, nhà báo lành nghề vừa với tư cách là một điều tra viên già dặn, lạnh lùng, ráo hoảnh, Truman Capote thực sự đã gửi lại hậu thế chân dung một tội ác kinh hoàng bởi việc đưa ra vụ án có thật kết hợp với yếu tố văn chương nhằm khắc họa chân xác chân dung tâm lí tội phạm đang tiến hóa ngày nay. Máu lạnh gặp mặt độc giả dưới hai hình hài khi nó vừa là cuốn tiểu thuyết văn chương kì bí hấp dẫn vừa là tác phẩm báo chí được xưng tụng là chính xác đến từng chi tiết nhỏ sau 6 năm thu thập tư liệu viết văn của Truman. Rõ ràng ông không phải là một kẻ dễ dãi trong văn chương và buông tuồng trong câu chữ khi dám thách thức ngòi bút của mình ở thể loại kết hợp đặc biệt này. Như vậy, ngày xưa tội ác đã diễn ra như thế nào? Nhân tính liệu có phải sinh ra sai chỗ sẽ nhanh chóng đánh mất trong sự bất lực? Và thực sự tội phạm bẩm sinh tồn tại như một lẽ tất nhiên của tạo hóa? Khi mỗi một trang sách lật qua, trong đáy mắt bạn sẽ tràn đầy những dư âm khắc khoải và không thôi cô đọng những câu hỏi như thế nơi trái tim nóng hổi của một con người mà Truman không ngừng gởi đến bạn đọc qua từng trang sách.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Review sách Máu lạnh
Image source: jobis89

Câu chuyện bắt đầu từ khung cảnh yên bình vùng nông thôn làng Holcomb với bầu trời xanh gắt gay và khí trời trong veo của sa mạc dần dần bị phủ kín bởi khung trời xám xịt khi mặt trời khuất dần. “Tiếng địa phương khê nặc một giọng mũi người đồng cỏ, một giọng mũi của người chăn gia súc, và đàn ông thì nhiều người mặc quần biên giới chật, đội mũ cao bồi và đi ủng cao góc nhọn mũi. Đất bằng và thẳng tít cánh cò bay trước mắt; ngựa, những bầy gia súc, một cụm trắng những máy chuyển hạt ngũ cốc nổi lên duyên dáng như những ngôi đền Hy Lạp mà lữ khách nhìn thấy mãi từ lâu rồi mới tiến lại được gần.” Tội ác diễn ra quá nhanh. Chính nó đã xé rách, giật phăng sự yên bình, thịnh vượng và hòa ấm giữa những con người lương thiện với nhau thành hư không. Ai ai cũng sợ, khóa chặt cổng ngõ, mường tượng lại rồi kích phát lòng nghi kỵ lẫn nhau, không dám giao tiếp, nhìn nhau còn hơn những kẻ xa lạ. Sự yên bình rơi tỏm xuống vực sâu của chết chóc bởi 4 phát súng định mệnh xé tan bầu trời đêm hôm ấy. Tác giả miêu tả rất kĩ mỗi một trạm dừng chân của Richard “Dick” Hickock và Perry Smith từ Las Vegas sát đến gần làng Holcomb tựa như chiếc diêm định mệnh thiêu cháy đi quãng thời gian sống ngắn ngủi của 4 con người lương thiện xấu số làng Holcomb và sự tin yêu giữa người với người. Đặc biệt trong tác phẩm, Truman còn xoáy sâu ngòi bút đến các ngóc ngách tận cùng của tâm lí hai nhân vật sát nhân. Ông ưu ái cho Perry Smith hơn cả khi kể về tuổi thơ bất hạnh của hắn ảnh hưởng đến nhân sinh quan một cách mạnh mẽ, sát sườn khi lớn lên, liên hợp, đồng điệu với Richard đi giết người thế nào. Những người cuối cùng nhìn thấy gia đình mẫu mực của ông Herbert William Clutter thì rất nhiều nhưng mấy ai thấy là người cuối cùng thấy Hickock và Smith còn “sống”, “sống” đúng với ý nghĩa hai chữ con người chứ không phải như Truman nói “Vụ án là một sự cố tâmlý, gần như một hành vi bâng quơ vô cảm; cũng bằng như các nạn nhân đã bị sét đánh chết, trừ một điều: họ đã phải trải qua nỗi kinh hoàng kéo dài, họ đã đau khổ.”. Hickock và Smith đã chết tự lúc nào, chỉ còn trơ trọi lại đó, hai cái xác di động tàn bạo, âm mưu giết người mà thôi.

“Có một giống người không hợp với đời”

Nạn nhân của 4 phát súng là gia đình Clutter mẫu mực. Ông Herbert William Clutter– chủ trang trại Lũng Sông đến tận lúc chết vẫn luôn làm tròn trách nhiệm một người cha gương mẫu và chồng đáng tin cận khi không hút thuốc và uống rượu, chỉ chăm đi nhà thờ, đối xử với người làm công tốt đến mức cho họ mượn tiền khi túng thiếu. Người đàn ông tốt bụng ấy có một người vợ và bốn người con ưu tú. Hai đứa con gái đầu, một đi lấy chồng ở xa nhưng rất hay về thăm nhà, một người đi học ở vùng Kansas. Hai người con còn lại sống cùng ông Clutter: Kenyon là đứa con trai duy nhất nhưng rất lễ phép, ngoan hiền và cô chị gái tên Nancy, đặc biệt xinh xắn ở tuổi 16. Cô bé là học sinh giỏi mẫu mực ở trường, được mọi người xung quanh quý mến, hay giúp đỡ những bạn khác như dạy mọi người cách làm bánh, dạy đàn… Người duy nhất được xem như vết đen của gia đình mẫu mực này chính là người mẹ có vẻ bị tâm thần “ man mát” dành phần lớn thời gian của mình trong phòng. Hickock và Smith đã giết cả nhà Clutter ngay lập tức bằng những phát súng đen ngòm vô nhân tính. Cả 4 người đều bị trói chặt bằng dây thừng và nả súng vào đầu. Ông Clutter bị cắt cổ trước khi bị bắn súng vào đầu. Nancy bị chúng bắn nát đầu khi đang nằm quay đầu vào tường, với tấm mềm trùm lên thân thể. Một khung cảnh gai người hoàn toàn bao trùm bởi sự tử vong liếm láp đến tận gót chân của người sống nơi xứ sở bình yên, thịnh vượng này.

Máu lạnh

Tử vong đồng nghĩa với sự sống không còn được chứa chấp trên mặt đất nữa. Cũng từ đó, nạn nhân bất lực trước những sát nhân cũng đang chua chát vì cảm thấy đời đối xử với họ bất công, tình yêu thương đồng loại rò rỉ chảy cạn ra khỏi tim họ từ lúc nào. Dần dần họ không còn hợp với đời nữa. Sau chính những dòng văn tự sáng tác của Hickock, Truman Capote đã phô tỏ minh xác con người tội ác trong hắn:

“Có một giống người không hợp với đời,
Một giống người không thể ngồi yên;
Cho nên họ làm cho bè bạn
Và họ hàng tan nát con tim;
Họ phỉ chí dọc ngang trần thế
Đi khắp các cánh đồng, lang thang
Khắp các triền sông
Và leo lên đỉnh núi cao;
Lời nguyền của họ là lời nguyền của dòng máu Gipxi
Và họ không biết thế nào là nghỉ.
Nếu cứ thẳng tắp đi thì có thể họ sẽ đi xa;
Họ khỏe, họ can trường và họ thật;
Nhưng họ luôn mệt với những cái đang là thực tại,
Và họ mong cái mới cùng cái lạ.”

Có lẽ cả một thiên truyện chưa hẳn là nói về tội ác, nó chỉ đơn thuần là nói với hai cái chết bất dung trong linh hồn những kẻ “không hợp với đời” mà thôi. Chính họ đã lựa chọn con đường tối đen nhất để mang đến đau khổ cho chút đốn tàn lương tri trong trái tim mình và cả những người là đồng loại tương cận với mình nữa. Nhưng sự thật, không một ngôn từ này bào chữa được cho tội ác, có chăng chỉ có thể là sự đáng thương bởi phận người không hợp lẽ mà thôi. Như E.B.Brrowning từng nói: “Bởi không phải chỉ trong sự tử vong con người mới chết nhiều nhất”. “Chết” ở đây chính bởi ta quên mất hoặc không biết bảo bọc lấy phần thiện trong cơ thể mang danh là động vật hằng nhiệt của chính mình này.

Sách Máu Lạnh - reviewsach.net
Sách Máu Lạnh (bên phải)

Tội ác cũng có những khoảng trắng

Chúng ta hay thường tự hỏi: Tội ác từ đâu mà đến? Chúng sinh ra như thế nào? Làm sao để xóa tan được bóng đen của chúng phủ trùm lên những con người còn sống với danh nghĩa xác thực là con người? Những câu trả lời đó hiện diện song hành trong cái chết bất lực của 4 con người xấu số cùng thủ đoạn tàn nhẫn không thể dung thứ của kẻ sát nhân và chút đốt lửa tàn lương tri của kẻ đánh mất phần người trong chính trái tim sơ nguyên của mình khi thiên tiểu thuyết khép lại. Truman với Máu lạnh sẽ khiến chúng ta dần hiểu ra thứ mà loài được gọi là máu nóng như chúng ta dần dần đánh mất trong thế giới cơ khí hóa ngày nay là gì. Đó chính là nhân tính. Xin đừng nhân danh Chúa để chế tạo ra những giấc chiêm bao giải thoát phần “con” hung bạo, tàn nhẫn bên trong trái tim mình. Những khẩu súng thay cho những lưỡi kiếm, lưỡi dao và rồi đây công cụ gì nữa vì tàn sát đồng loại mình mà được chế tạo ra nữa? Trong Máu lạnh ta có thể sẽ tìm thấy những khoảng trắng của tội ác bởi Hickock hay Smith. Sau khi vụ án nhà Clutter đóng lại, phía sau cuốn sách Truman Capote còn viết về rất nhiều những tội ác khác nhau với những tên sát nhân “đa hình vạn trạng” nhưng trong đầu độc giả vẫn sẽ mãi vang lên một câu hỏi muôn đời: Làm thế nào để giữa cuộc đời muôn màu sặc sỡ màu sắc này, vẫn còn những khoảng gam màu trắng tinh khiết của lương tri cứu rỗi những trái tim khô cằn, héo úa kia? Trong một khoảnh khắc tưởng như lời bài hát tâm tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn văng vẳng đâu đây vẫn rè rè bên đài cassettes:

 “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”.

Hà Khánh Vic