“Viết dưới ánh đèn dầu” là tập hợp những ghi chép cá nhân của bè bạn, gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái về ông. Tác phẩm cho ta thấy những góc nhìn chân thực nhất, hoài niệm nhất, đồng cảm nhất về một tài năng hội họa thế kỉ. Đó là những dòng chữ vừa thẫm đẫm tình yêu thương của mọi người dành cho một tâm hồn chân thiện đẹp đẽ, và cũng vừa thẫm đẫm nỗi quấn quýt, si mê với một sự nghiệp hội họa rạng rỡ.

Cuốn sách không dùng tư liệu từ nhiều nguồn mà chỉ chọn ghi chép của ba người Văn Dương Thành – bạn của Bùi Xuân Phái, Thái Bá Vân – nhà phê bình nghệ thuật và con trai ông Bùi Thanh Phương. Số lượng tư liệu không lớn nhưng hiệu quả thể hiện là rất cao. Mỗi người trong số họ có góc nhìn riêng biệt, phản ánh những kí ức và nét đẹp khác nhau của cố họa sĩ, mà vừa hay, ba người ba góc nhìn lại vừa đủ ôm trọn một đời Bùi Xuân Phái, từ trong gia đình, với sự nghiệp đến va chạm và đối diện với thế giới ngoài kia.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
bui xuan phai - viet duoi anh den dau
Ảnh: @nagasawa8

Bùi Xuân Phái qua lăng kính Văn Dương Thành

Cuộc đời của họa sĩ Bùi Xuân Phái tựa như một nốt ngân vang trong trẻo giữa thời đại buồn loạn, thói nghệ thuật hời hợt, giả vờ, đua đòi đã khuấy đục cả một thế giới nghệ thuật chân chính. Sau cùng, Bùi Xuân Phái vẫn chọn giữ cho mình chất riêng, từ nhân cách đến tôn chỉ nghệ thuật. Và thế giới này đã chọn gửi gắm những khát khao nghệ thuật đẹp đẽ ấy của ông vào ký ức của người bạn tên Văn Dương Thành.

Bức tranh ký ức ấy của Văn Dương Thành đã vẽ nên một Bùi Xuân Phái thân thiện và nhân tình, luôn đắm mình trong tình yêu với Hà Nội thời vàng son mà cũng thật cháy bỏng, hiện lên những cuộc gặp gỡ không nói to, không tán tụng nhau mà chậm rãi thưởng thức những tác phẩm còn sơn ướt. Thế nhưng ẩn trong cái lặng lẽ ấy, lại là kiếp người vật lộn giữa cuộc sống vật chất với khao khát tâm hồn, là những kẻ nghệ sĩ dốc cạn linh hồn để đi tìm bản ngã giữa lối đời mờ mịt, lắm khi đến bế tắc. 

Cuốn sách có dung lượng khá ngắn để miêu tả một đời người (khoảng hơn 80 trang) nhưng lại có một bố cục sắp xếp rất đặc biệt, khiến cho độc giả sớm bị cuốn hút và dẫn dắt ngay từ những dòng viết đầu. Người biên soạn đã thể hiện dụng ý mới lạ khi quyết định chọn ghi chép của Văn Dương Thành để mở đầu tác phẩm. Ghi chép của Văn Dương Thành – một người bạn thân thiết của Bùi Xuân Phái, được rút ra từ vị trí của một người quan sát, tựa như một kẻ ngoài cuộc lặng lẽ gom góp, cất giữ những mảnh ghép quen thuộc đáng quý của đời người mà chính những người trong cuộc – vì bị xô đẩy, bào mòn mà đã trót để lại phía sau.

Người viết đã khéo dùng chính vẻ đẹp của những con người, sự vật bị Bùi Xuân Phái ảnh hưởng để tìm ra nét đẹp ẩn trong tâm hồn chính Bùi Xuân Phái; thủ pháp này đã thành công tạo ra một cái nhìn bớt đi sự phiến diện, làm cho người đọc nhanh chóng đồng cảm với nhân vật, với góc nhìn của người viết. Hơn thế nữa vị trí đặc biệt này của Văn Dương Thành còn giúp tạo nên bầu không khí đậm vị hồi ức, tựa như một thước phim ghi dấu trọn một hồn người, dùng cái nhìn khách quan nhất để cảm nhận những điều chủ quan nhất.

Bùi Xuân Phái và phê bình nghệ thuật

Không quá để nói chương 3 và 4 chính là linh hồn của cả cuốn sách, khi nó chính là những dòng chân tình được nhà phê bình Thái Bá Vân viết riêng cho Bùi Xuân Phái. Dưới góc nhìn của một con người nhạy cảm hơn, ý thức mãnh liệt hơn đối với nghệ thuật, người ta mới thấy rõ hơn bao giờ hết cái chất nghệ sĩ thuần khiết trong linh hồn của Bùi Xuân Phái. Mỗi một người thân quen của Bùi Xuân Phái lại được giữ trong trái tim mình những rung động riêng về tài năng hội họa đã làm rung động cả thế kỉ ấy. Nếu “rung động” của anh Tín là ngưỡng mộ mãnh liệt, của Văn Dương Thành là tình bạn chân thành và mẫu mực, thì “rung động” của Thái Bá Vân là niềm yêu trước nghệ thuật thuần khiết và bền bỉ. 

Đoạn ghi chép của Thái Bá Vân không chỉ góp phần cho giá trị học thuật của cuốn sách bằng những nhận xét xác đáng trên bình diện nghệ thuật, mà còn là bằng chứng cho một tài năng đã sống cùng lịch sử, đã đánh thức và dẫn dắt trái tim của biết bao người con Hà Nội, cả từ những người quanh đời phải vật lộn cùng vật chất, đến những kẻ si mê trọn kiếp với nghệ thuật chân chính. Điều hay nhất là trong nhận xét của mình, Thái Bá Vân có đủ cả cái tình nhưng cũng vừa hay đủ cái lý, để thuyết phục người đọc cảm nhận và nâng niu những giá trị của riêng Bùi Xuân Phái.

Có thể nói điều giá trị nhất trong toàn ghi chép của Thái Bá Vân là sự phát hiện và khẳng định chất riêng có một trong tâm hồn nghệ thuật của Bùi Xuân Phái. Cái chất ấy được viết ra rất rành mạch, rõ ràng, là “cái ngây thơ cản đảm lắp đi lắp lại trăm ngàn lần xúc cảm hội họa của mình trên cùng một môtip đứng yên”. Một trong những lý do để cuộc đời này nhớ mãi và khắc ghi cái tên Bùi Xuân Phái chính là sự đặc biệt hiếm có trong tư duy, cái cá nhân không lẫn vào đâu được giữa mênh mông biển người, mà Thái Bá Vân đã thành công gọi tên được điểm đặc biệt ấy. Đây chính là nét đánh dấu đầy ấn tượng của cuốn sách đối với bạn đọc, không quá chú trọng vào việc phân tích nghệ thuật của Bùi Xuân Phái theo lối trừu tượng khô khan mà vừa đủ nói trúng cái cơ bản mà ít người nhận ra, vừa hay gọi tên được cái mà cả triệu tâm hồn yêu cái đẹp đều hướng tới để rung động nhưng lại chưa thể cất lên một tiếng gọi thành lời.

Những dòng của Thái Bá Vân vừa là lời khen ngợi thán phục, vừa là lời công nhận chân chính cho khát khao trọn một kiếp người của Bùi Xuân Phái, cái khát khao mà đáng tiếc thay lại không được thế giới ngoài kia kịp tìm ra và thấu hiểu, cái khát khao đã vô tình khiến con người ấy chìm đắm cuộc đời mình giữa những u hoài âm ỉ, những phong trần dai dẳng của cùng phố cổ Hà Nội. Khát khao ấy, buồn, nhưng lại cho ta thấy một Hà Nội thật Hà Nội nhất, một Bùi Xuân Phái thật Bùi Xuân Phái nhất, không bao giờ để thống khổ bào mòn đi linh hồn mình.

bui xuan phai - reviewsach.net viet duoi anh den dau

Viết dưới ánh đèn dầu là một tác phẩm mang đậm chất hoài cổ, gợi cho người ta những dư vị nhớ nhung, day dứt cho một quá khứ nhiều biến động. Điều thu hút nhất ở cuốn sách đối với bạn đọc có lẽ chính là ở những dòng viết thiên về kể nhiều hơn bình, cảm xúc nhiều hơn tính chuyên môn, và thuyết phục mọi người công nhận sự vĩ đại của một tài năng thế kỷ bằng phần đẹp trong linh hồn nhiều hơn là những lập luận nghệ thuật mang đầy tính kĩ thuật. Điểm cộng rất lớn này đã giúp cuốn sách thành công trong việc tiếp cận đại chúng, khi mà không phải ai cũng đủ vốn hiểu biết để có thể hiểu được những vấn đề đường nét, bố cục, màu sắc… đặc trưng của riêng người họa sĩ, nhưng không có ai lại thiếu đi tình yêu cái đẹp, không hiểu được tình yêu quê hương, không xúc động trước những khó khăn, đau đớn của đời người.