Là tác phẩm kỉ niệm, đánh dấu chặng đường 35 năm sáng tác của tác giả Higashino Keigo, hơn 600 trang sách của tiểu thuyết Thiên nga và dơi, như đã thu trọn về đó, rất nhiều những vấn đề vẫn thường xuyên trở đi trở lại trên trang văn Keigo tiên sinh đã viết. Để rồi lần nữa, ông lật lại vấn đề và nhìn nhận chúng trên những phương diện khác nhau. Về mối quan hệ giữa gia đình nạn nhân – hung thủ; về tính công bằng, răn đe, minh bạch của luật pháp hay về trách nhiệm của những người chấp pháp và hành pháp trong việc truy cầu sự thật, chân lí.

thiên nga và dơi

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Thiên nga

Như nhiều tác phẩm của Higashino Keigo thường khởi nguồn từ một vụ án mạng trong thực tại, để rồi theo chân người điều tra, những câu chuyện bi kịch, vụ án trong quá khứ sẽ lần hồi xuất hiện, cùng sự bóc tách các lớp bí mật người ta gắng sức che giấu, thì tiểu thuyết Thiên nga và dơi cũng như vậy. Khi cái chết, được nhận định theo chiều hướng một vụ án mạng, của luật sư Shiraishi Kensuke sống tại Tokyo, lại liên đới tới một án mạng khác ở mãi tỉnh Aichi, xảy ra cách thời điểm đó 30 năm trước. Nghi phạm, hơn 60 tuổi, Kuraki Tatsuro hiện sống tại Aichi, rất nhanh được xác định và lời khai thú nhận tội lỗi của ông ta, cho cả vụ án hôm nay lẫn án mạng trong quá khứ, logic và hoàn hảo đến mức, dù không thể xác minh tính chính xác của từng chi tiết trong lời khai ấy thì vẫn đủ điều kiện cho cảnh sát khép lại vụ án.

Điều đó, đặt ra trạng huống đẩy hai gia đình những tưởng không có mối dây liên hệ, Shiraishi và Kuraki, đến hai thái cực đối lập: một phía là gia đình nạn nhân còn một bên là người thân hung thủ. Mà phía người nhà nạn nhân, như một lẽ tất yếu, sẽ nhận được sự cảm thông của xã hội đồng thời có quyền tham gia vào quá trình xét xử, đối chất với bị cáo, nêu lên nguyện vọng với tòa. Tất nhiên, vẫn có những kẻ, phân tích câu chuyện để đổ lỗi cho người bị hại song tới tận cùng, người nhà nạn nhân, họ vẫn là những con người đáng nhận được sự đồng cảm.

Bởi trước nỗi đau, sự ra đi đột ngột của người thân đã luôn thấu hiểu, gắn bó và trở thành bóng hình mẫu mực, trụ cột vững chắc cho cả gia đình như luật sư Shiraishi, thì người ở lại, quả tình rất hợp với hình ảnh cánh “thiên nga” dưới ánh mặt trời. Trong sạch, thương tổn, cô độc khi thân nhân bị sát hại. “Thiên nga” là ban ngày, và “thiên nga” là vẻ đẹp, cho cả người đã khuất lẫn những ai đang gánh chịu đau thương.

Tuy nhiên, trước khi trở thành “thiên nga”, bản thân nó lại là một “vịt con xấu xí.” Nên có lẽ, “thiên nga” trên trang viết của Keigo tiên sinh trong cuốn sách Thiên nga và dơi này, còn hướng người đọc tới tầng sâu hơn nữa, đi sâu vào bản chất câu chuyện, bản thể con người. Như cách cô con gái Mirei, đã không thể dễ dàng chấp nhận một thực tại đang có lại khác rất xa hình tượng người cha cô quen biết mà tìm mọi cách, kiếm tìm sự thật bất kể, sự thật đấy có nghiệt ngã thế nào, có thể biến “thiên nga” xinh đẹp, trở về một “chú vịt xấu xí” ra sao. “Phán quyết tử hình, đối với con chẳng có ý nghĩa gì hết.” Tựa lớp áo “thiên nga”, chẳng thật quan trọng bởi, họ đang sống cuộc đời một con người với “bánh răng cuộc đời” quay không ngừng.

Và cả như cách, tác giả Higashino Keigo bóc tách công việc của những người thuộc về “ban ngày”, đang đại diện cho chính nghĩa, vì đời sống con người. Để nhận ra, cảnh sát chỉ cần “khép lại vụ án”, còn “đối với những người như công tố viên hay luật sư, chân tướng sự thật chỉ là thứ yếu, miễn sao thắng kiện là được.” Ai cũng “vì…” rất nhiều điều, song tựu trung, một phần cũng lại xuất phát từ cái “vì cá nhân” có phần đầy vị kỉ. Gia đình nạn nhân hay gia đình hung thủ ư? Những khuất khúc ẩn sau đau thương thì sao? Cuối cùng, như cũng chỉ có ai thực sự là người trong cuộc, là tự thấu cảm cho nhau.

Khi đó, hình ảnh cánh “dơi” buổi đêm xuất hiện, trở thành đối trọng song hành cùng “thiên nga” ban ngày, mà tạo thành một ngày trọn vẹn. Tựa bí mật ẩn sâu trong bóng tối, dần hiện hình trong ánh sáng vậy.

thiên nga và dơi higashino keigo

Dơi

Nếu “thiên nga”, trước hết hướng đến gia đình nạn nhân, thì “dơi”, trong câu nói của cảnh sát trẻ Nakamachi “Ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm, cứ như thể thiên nga và dơi cùng nhau bay trên bầu trời vậy”, lại nhằm ám chỉ tới phía người thân hung thủ. Mà cụ thể ở trường hợp này, là cậu con trai Kuraki Kazuma của nghi phạm Kuraki Tatsuro.

Và cũng như bao người thân của nghi phạm khác, Kazuma chịu đủ sự dằn vặt về tội lỗi của người cha khi đối diện với nạn nhân của vụ án 30 năm trước lẫn nạn nhân, của vụ án buổi hôm nay. Đồng thời, con người đó phải gánh chịu cả ánh nhìn phán xét lẫn bia miệng người đời khiến Kazuma chỉ có thể thu mình lại, làm loài dơi chìm trong buổi đêm, chìm vào bóng tối. Bất kể đi đâu, làm gì, anh cũng chỉ có thể tính toán, lén lút, ẩn mình; vì bản thân đang dần đánh mất tất thảy, và vì cả người cha, đang dần phải đối diện trước vòng lao lí.

Nhưng loài dơi ẩn mình trong bóng tối, cũng mang theo sự thính nhạy hiếm có của giống loài sống về đêm. Và với Kazuma, dù trong cảnh bi đát, dẫu chưa thật đủ bản lĩnh để đối diện với hết thảy mọi sự ngoài sức tưởng tượng, thì cũng không thể ngăn cản, “khứu giác” con người này, phát hiện ra những sự bất thường trong lời khai, ở câu chuyện của người cha. Mặc cho đã rất lâu anh không còn quá gắn bó với cha tuy nhiên hồi ức về một con người “cực kì có trách nhiệm, không ngại hi sinh bản thân” vẫn hết sức rõ nét.

Nên “thiên nga”, khao khát nhìn vào sự thật dù bản chất ban đầu có là “vịt con xấu xí”, thì “dơi”, cũng khát khao dõi đôi mắt tinh tường trong đêm mà nhìn sâu vào những điều, ai đang ngoài sáng chẳng thể nhận rõ. Từ ấn tượng mơ hồ ban đầu, đến đi từ mong mỏi, hành động vô thức tới mỗi bước đi đều có ý thức, “mắt dơi” Kazuma dần soi tỏ, từng khía cạnh nhỏ nhặt mà những ai chỉ đang hời hợt trong nhiệm vụ của chính mình, sẽ dễ dàng bỏ bẵng.

Dơi, gắn với hình ảnh chàng trai Kazuma, mò mẫm kiếm tìm sự thật phong kín ẩn sau những lời khai khó thể chấp nhận của người cha đang là nghi phạm. Và rộng hơn, “dơi” còn là tất thảy những ai mang danh nghĩa người thân hung thủ đang lần hồi sống trong bóng tối, vùng vẫy để sinh tồn dưới ánh mặt trời. Bất kể, họ chẳng làm gì nên tội. Bất kể, cái danh hung thủ, trên danh nghĩa mới chỉ là nghi phạm.

Để rồi, như đã nói, chỉ những ai mang cùng nỗi thương tổn, mới thật thấu hiểu cho nhau. Hiểu vậy, sẽ thấy rằng thiên nga và dơi cùng tồn tại trên bầu trời, cũng không hẳn là điều gì đó, khó thể xảy ra.

thiên nga và dơi nhã nam*Cre ảnh: Binh Boog

Hiện hình ngày – đêm

Mang ý nghĩa là tác phẩm “kỉ niệm”, hay cũng có thể nói là tác phẩm “tổng kết” chặng đường sáng tác 35 năm của tác giả Higashino Keigo, nên hàng loạt khía cạnh được đề cập tới trong Thiên nga và dơi không hẳn là điều gì đó quá mới lạ. Thậm chí, chất trinh thám, bản chất thật sự của hung thủ, cũng không phải quá khó đoán định. Vì vấn đề tính răn đe của luật pháp, tính xoa dịu của bán án tòa tuyên với gia đình nạn nhân, thì cái tên Thánh giá rỗng như đã trở thành một dạng biểu tượng đầy nhức nhối. Hay câu chuyện của những đứa trẻ vị thành niên phạm tội, thì Thanh gươm do dự, đã đi sâu, bóc tách từng lớp vấn đề. Thậm chí, câu chuyện đa cấp xuất hiện ở Thiên nga và dơi, cũng có tiền lệ về một vụ việc được đề cập trước đó trong tiểu thuyết Cánh cổng sát nhân

Nhưng sau tất cả, Thiên nga và dơi vẫn đánh dấu bước sáng tạo, trên con đường văn nghiệp bền bỉ bao năm của Keigo tiên sinh. Sáng tạo nằm trong cách thức, ông khai thác vấn đề cũ, trên những chiều kích mới. Rằng vụ án, dù “khép lại” trên danh nghĩa, thì với bản thân những cá nhân trong cuộc, vụ án đó vẫn “mở” với cả hai phía gia đình nạn nhân, người thân hung thủ lẫn hết thảy những ai, liên đới tới bi kịch. Nên có thể nói không, ranh giới nạn nhân – hung thủ hết sức mong manh, tựa ranh giới đêm ngày, tựa hai mặt song hành trên cùng một đồng xu. Và đối diện với bi kịch, đau thương, chẳng phải ai cũng là nạn nhân, theo cách này hay cách khác hay sao?

Nhìn nhận con người dưới nhiều góc độ, nhận định sự việc theo nhiều mặt đa chiều, để phát hiện những điều khuất khúc chìm sâu dưới mặt hồ, ngay trong đêm đen thâm u tĩnh mịch, chẳng phải, cũng chính là khía cạnh nhân đạo tác giả Higashino Keigo vẫn luôn thể hiện suốt chặng đường cầm bút không biết mệt mỏi đó ư?

Mọt Mọt