Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới là tiểu thuyết của tác giả trẻ Nguyễn Hải Nhật Huy, một cái tên có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người, một nhà văn trẻ đem đến hơi thở văn chương tươi mới cho nền văn học đương đại Việt Nam. Cái mới của một giọng văn cá tính, khẩu ngữ, rất gần gũi với giới trẻ hiện nay và mới trong cả lối kể chuyện pha chút kì bí và ngôi kể thứ nhất từ hai nhân vật khác nhau.
Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới là câu chuyện về cuộc sống của những người trẻ trong các đô thị hiện đại; đô thị cái nào cũng như cái nào, dù Sài Gòn, Đà Nẵng hay bất cứ đâu. Đô thị ồn ào với những dòng xe và người vội vã, những tòa nhà cao tầng như những tổ ong kin kít vươn lên, những trung tâm thương mại, những dãy biển quảng cáo trải dài… Tất cả đều mĩ miều, hào nhoáng nhưng lại khiến con người ta cảm thấy nghẹt thở, trống rỗng đến cùng cực.
Chính nơi ấy nổi bật lên hình ảnh những người trẻ, hoang mang với sự nghiệp và những mối quan hệ xã hội. Những con người cô đơn, lạc lối, phải làm những việc mà mình không hề thích chỉ vì mục địch kiếm cơm, cố gắng biến mình thành con người đáp ứng những tiêu chuẩn xã hội áp đặt lên, trong khi xung quanh không hề có những mối quan hệ gần gũi thật sự để sẻ chia và thấu hiểu. Sự gồng mình ấy dần dần tạo nên một hố sâu trong lòng họ, cái hố có thể nhói đau, gào thét bất cứ lúc nào mà chủ nhân không thể nào kiểm soát.
Truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng
Hiện thực trần trụi của truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng được lột trần trong tác phẩm qua lời kể của chính người trong cuộc: nhân vật chính – nhân viên cấp cao của một công ty truyền thông có tiếng tăm ở Sài Gòn. Nó phơi bày ra ngày nay chúng ta bị truyền thông dắt mũi ra sao, bị tiêm nhiễm những độc hại gì vào đầu óc, rằng mọi hành động của chúng ta đều bị dẫn dắt bởi những cỗ máy truyền thông hoạt động tinh vi và gian xảo. Con người trở thành những con rối bị giật dây mà không hề hay biết, chúng ta ăn gì, uống gì, mặc gì, mua gì, ở nhà gì, đi xe gì… mọi hành động đều vô hình bị chi phối ít nhiều bởi thứ có tên là “truyền thông”
Cái cỗ máy ấy cũng là ông trùm của chủ nghĩa tiêu dùng, tạo nên một xã hội mà con người ta không bao giờ biết đủ, những con người ngày càng trở lên giống nhau một cách đại trà, từ ngoại hình họ trang hoàng đến lối suy nghĩ và cách hành động.
Bức tranh đô thị bủa vây bởi truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng khiến cho lo ngại của nhân vật chính trở nên hoàn toàn có lý, rằng: “môi trường đô thị kiểu này sẽ dần dần hủy hoại hết những gì đẹp đẽ của loài người”, trừ khi chúng ta biết chối từ: “Chối từ guồng máy. Chối từ hoóc môn tăng trưởng. Chối từ hết”
Tự tử và tâm thần
Nhân vật chính của câu chuyện là Thái Vũ – một chàng trai sắp bước qua tuổi 30 luôn bị ám ảnh bởi ý định tự tử. Anh là một người trẻ điển hình trong cuộc sống đô thị hiện đại.
Nhìn bề ngoài, người ta có thể tưởng rằng Thái Vũ có tất cả, một công việc ổn định với mức lương đáng mơ ước, một căn hộ chung cư cao cấp và một cô người yêu nóng bỏng rất biết vun vén cho tương lai của hai người. Thế nhưng, sâu bên trong Vũ, anh ngợp ngụa trong đèn đuốc, xe cộ, công việc và thậm chí cả thứ tình cảm vật chất, có điều kiện được trang hoàng bởi hai chữ tình yêu. Anh cảm nhận được sự vô nghĩa của những thứ mà hàng ngày người ta vẫn cố tô vẽ lên mình, như cái cách mà cô người yêu anh bắt anh phải đeo chiếc đồng hồ hiệu trong khi anh chẳng bao giờ cần dùng đến nó để xem giờ. Anh chán ghét cuộc sống mà đâu đâu người ta cũng cố gắng lừa phỉnh, dắt mũi nhau, như bản chất công việc mà anh đang làm. Tất cả những thứ đó cộng thêm những ẩn ức tâm lý từ quá khứ đẩy một người trẻ vào tâm thế chẳng còn thiết tha gì với cuộc sống này.
Thái Vũ, không biết là may hay không may, chưa bị tâm thần; nhưng có lẽ anh mắc phải căn bệnh thời đại hiện nay: trầm cảm – một trong những nguyên nhân hàng đầu của những ca tự tử đang ngày một nhiều hơn.
Thái Vũ may mắn, mở đầu câu chuyện là hình ảnh anh định nhảy xuống từ căn hộ chung cư ở tầng 17 của anh nhưng kết thúc câu chuyện, anh không chết vì tự tử. Thay vào đó, anh dần lấp đầy được cái hố sâu hoắm đã được đục khoét cần mẫn trong suốt 12 năm ròng và trở lại cuộc sống mà anh muốn sống, được làm việc mà anh cho là có nghĩa và được an ủi bởi tình yêu và sự đồng cảm với người con gái anh thương.
Nhân vật chính thứ hai trong câu chuyện: Q hay Thùng Rác Đầy, tôi sẽ không nói nhiều về cô ấy bởi có lẽ nên để các bạn tự nghiền ngẫm và khám phá những bất ngờ về nhân vật này.
Câu chuyện của Q và Thái Vũ hòa trong một dòng chảy chung vẽ lên bức tranh đô thị lạnh lẽo, nhàm chán và bức bối; nơi mà dù là một đứa trẻ 17 tuổi hay một người đã gần bước sang tuổi 30, đều không tránh khỏi những chênh vênh. Đọc những chương đầu truyện về Q có thể khiến chúng ta hơi hoang mang, nhưng chỉ cần kiên nhẫn một chút, khi đã hòa mình vào mạch truyện, những chi tiết hấp dẫn và thú vị của câu chuyện ngày càng thu hút hơn, những chi tiết bí ẩn và những điều còn để ngỏ sẽ dần được giải đáp.
Đọc truyện, chúng ta có thể thấy được cuộc sống của mình trong đó, những Deluse, những Thái Vũ đầy rẫy quanh ta và cả hình ảnh của chính bản thân ta. Không phải ai cũng may mắn như Thái Vũ, để cuối cùng không bị cơn bão nhấn chìm. Nhiều người trẻ đã kết liễu đời mình thành công hay sống nhưng chẳng phải là thật sự sống ngoài kia, trong những đô thị hào nhoáng nhưng thật sự thiếu khí trời.
Nếu có hai từ để mô tả về quyển sách này, tôi muốn dùng hai từ chân thực và nhân văn. Hiện thực của đô thị, của truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng trong cuốn sách vô cùng chân thực, có lúc đến mức dữ dội. Nhân văn bởi cuốn sách cho ta thấy những dằn vặt, đấu tranh hết sức con người, mà tác giả gọi là cơn bão. Những cơn bão mà có lẽ bất cứ ai cũng phải đương đầu để không bị nhấn chìm hay đánh mất bản thân khi nó đi qua.
Mong rằng khi đọc cuốn sách này bạn cũng sẽ tìm được sự đồng cảm và an ủi như tôi – một người trẻ đang sống trong thời đại của công nghệ, truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng.