Chia tay mối tình 10 năm với người bạn trai đồng giới, tiểu thuyết gia Endo Tsugumi (bút danh Ito Tsugumi) gần như mất phương hướng. Dọn ra khỏi căn nhà hai người ở chung không phải vấn đề gì quá to tát, mà là tương lai phía trước, anh sẽ sống ở đâu, sống như thế nào? Giữa lúc lạc lối nhất, Tsugumi vô tình gặp gỡ Areno Sakutaro, chàng thanh niên mới 27 tuổi rồi được biết, nhà Sakutaro kinh doanh nhà trọ. Rồi, Tsugumi, cứ vậy bật thốt nguyện vọng mong muốn được đến tá túc. Và ở nơi có tên Maison Areno ấy, Tsugumi gặp những mảnh đời “thiểu số”, dần mở lòng đón nhận thanh âm cuộc sống, tình cảm con người để nhận ra, vết thương lòng, vẫn còn đó nhưng đã không còn nhức nhối nữa.
Nhóm người thiểu số đang “chìm dần” trong xã hội
Hay có thể nói, ẩn sau cuốn truyện có tựa đề ngỡ rằng hết sức dịu dàng, thơ mộng: Ngủ ngon, hẹn mai nhé; là những cá nhân như sống bên lề xã hội, với tất cả nỗi vất vả và thương tổn trong cả công cuộc mưu sinh hay vật mình, tìm cách hòa nhịp được với cộng đồng. Để có được giấc ngủ ngon, cho ngày mai vẫn còn tỉnh giấc, những con người bình thường đã phải tranh đấu với chính nội tâm bản thân cùng thế giới khắc nghiệt ngoài kia.
Đến nỗi, trái tim họ gần như bị bóp nghẹt với muôn vàn vết sẹo ẩn ức còn chính họ, mỗi lúc một thu mình lại trong lớp vỏ hoài nghi, bất ổn phía sau nụ cười vô tư gượng gạo. Tựa sự vẫy vùng bất lực của những cá nhân trong một nhóm người thiểu số, nhằm thoát khỏi vũng lầy thương tổn, lãng quên.
Nhóm người đó, là những chàng trai đồng tính, người thì không thể vượt thoát được định kiến xã hội mà chấp nhận buông tay. Người vì sự tan vỡ ấy mà mãi chìm vào nỗi hụt hẫng, mất mát bởi quãng thời gian 10 năm đằng đẵng một đời, người ấy đã trao trọn vẹn yêu thương lẫn tin tưởng, để đổi về hiện thực hôm nay, lại là chia ly? Và người, xuất phát từ sự khiếm khuyết của chính mình, mà tự dằn vặt bản thân lẫn người anh yêu thương.
Nhóm người đó, còn là những cá nhân sống tách biệt với xã hội, bằng cách này, hay cách khác. Từ một chàng trai có niềm đam mê giả gái đến một anh chàng đi làm chỉ để phục vụ sở leo núi hay một thanh niên hikikomori gần như không giao tiếp cuộc đời nhưng lại tìm thấy ý nghĩa tồn tại ở một công việc, cộng đồng khác.
Nhóm người đó, còn thêm cả những người đàn ông ngày ngày vật lộn với công cuộc mưu sinh vì gánh nặng trên vai của một kẻ gà trống nuôi con.
Những nhóm người, tạo thành một lớp người thiểu số, sinh tồn, “dù bi thảm vấn tiếp tục sống”, dù chìm dần vẫn tiếp tục vươn lên. Có lẽ, với mỗi cá nhân đấy, không có đúng – sai mà chỉ có những lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn đã đưa ra. Dù lựa chọn đó đưa đến hạnh phúc hay cô độc đi chăng nữa. Như những dòng tản văn trong bài Từ vùng cực quang của Hagiwara Sakutaro mà Sakutaro đã trích dẫn ngay lần đầu anh gặp gỡ Tsugumi: “Tôi muốn quên đi bản thân, lững lờ trôi trên biển tư duy tăm tối, nhìn ngắm những ảo ảnh cô tịch, mãi mãi, mãi mãi.”
Và chính vì hướng ngòi bút đến cả một nhóm người như ẩn mình dưới lòng xã hội phồn hoa như vậy, mà tiểu thuyết Ngủ ngon, hẹn mai nhé không còn đơn thuần là câu chuyện tình yêu của hai người đàn ông. Câu chuyện ấy, chính là chuyện đời được thể hiện qua cái nhìn sâu sắc, cũng hết sức nhân văn của tác giả Nagira Yuu, về những kiếp sống, tựa cái bóng giữa phố thị vẫn không ngừng hướng đến “ngày mai.”
Những kẻ đồng cảnh, tương ngộ
Có thể nói chăng, như lực hút của những con người đồng cảnh, mà những kẻ thuộc phần ngoại vi xã hội, lại đều tụ hội, tương ngộ nơi khu nhà trọ Areno, một khu “lai giữa chung cư và nhà trọ, tuy là phòng cũ loại một gian tám chiếu nhưng cửa sổ là kiểu tranh kính hình bán nguyệt, xây lung tung theo sở thích của ông tôi ấy mà.”
Họ đồng cảnh, bởi cùng lặng thầm sống phía ngoài rìa xã hội. Một người tiểu thuyết gia không tên tuổi, một chàng thanh niên làm nghề tự do, một biên tập viên đứng phía sau thành công của một tác giả nổi tiếng, một sinh viên khép cửa sống trong thế giới sáng tạo game… Nhưng, mỗi con người đó, lại có tính cách, hoàn cảnh sống và cách bước đi trong cuộc đời riêng. Họ chỉ tương ngộ ở đấy, ở Maison Areno, như bèo nước gặp nhau để nhận ra, dù là thiểu số, thì họ cũng không phải duy nhất, giữa dòng đời.
Trong buổi tiệc nướng chào mừng người mới, các hộ sống trong chung cư cũ Areno có dịp gặp gỡ. Những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, quây quần, cùng sẻ chia cuộc sống. Có thể chỉ là những lời chào hỏi, giới thiệu đơn giản, chẳng thể nói lên hết bản chất một con người. Nhưng có lẽ, cũng đủ cho những người đàn ông đó kịp nhận ra, họ, là “đồng loại.”
Để rồi sống cùng dưới một mái nhà, họ có thể mỉm cười chào hỏi hay không e dè thể hiện một phần đời sống, con người thật ra trước ánh nhìn người khác. Để rồi, “dưới mái nhà Areno”, như trở thành hình ảnh biểu tượng, cho sự chở che, bao dung hay rộng hơn, là một “vùng an toàn” để những người mang nặng con tim vụn vỡ, tâm hồn khuyết thiếu, muốn lánh đục tìm trong, tìm về hai tiếng bình yên, bình lặng giữa xao động cõi đời.
Những người đồng cảnh, thì tương ngộ.
Và những trái tim thương tổn, sẽ tìm đến nhau, trao nhau yêu thương. Cho người ta biết rằng, vết sẹo quá khứ vẫn sẽ còn đó, chỉ rằng, người ta sẽ không phải một mình mà chống chọi với khổ đau nữa. Như cách Tsugumi với Sakutaro đã gặp gỡ, từng bước, từng bước chấp nhận sự hiện diện của đối phương trong cuộc đời vậy.
Tự ti, lo sợ, chùn bước, khổ đau… thương tổn quá khứ, mâu thuẫn hiện tại vô hình trung khiến người ta dằn vặt chính mình lẫn người họ yêu quý. Nhưng từ đồng cảnh, đến tương ngộ rồi đồng cảm, cảm thông, cả Tsugumi và Sakotaro đã trải qua đủ giằng xé để có thể vượt được trở ngại ẩn ức, thứ trở ngại còn lớn hơn việc họ thuộc về thiểu số trong xã hội, để hi sinh cho nhau, cuối cùng là tin tưởng lẫn nhau.
“Tôi sẽ quên hết những kỉ niệm từng có với anh, sẽ hỏi cùng một chuyện không biết bao nhiêu lần, gây ra đủ đường rắc rối. Tôi không thể làm cho anh hạnh phúc. Tôi sẽ làm cho Tsugumi bất hạnh.”
[…] “Sao có thể coi đó là bất hạnh được? Tuy không thể nói rõ ràng, mỗi người lại mỗi khác, nhưng đối với tôi, ở bên Sakutaro chẳng có gì là bất hạnh cả.”
Ở bên người ta yêu thương, làm điều ta muốn làm, sao có thể là bất hạnh đây? Bất hạnh, có lẽ chỉ đến, khi người ta buông bỏ rồi lần hồi tiến vào lối sống chỉ như sự tồn tại tạm bợ mà thôi.
Cho những ký ức, còn mãi
Sakutaro vì tai nạn năm xưa mà kí ức của anh cứ nhòe mờ dần.
Và để lưu giữ kí ức cho Sakutaro và cho chính bản thân mình, Tsugumi đã viết Chuyện Sakutaro.
Trái tim Tsugumi từng tan vỡ theo cuộc tình 10 năm dang dở.
Và để chữa lành con tim vụn vỡ đó, Sakutaro đã đến, bằng tất cả sự chân thành, của một con người, vốn cũng không toàn vẹn.
Dưới mái nhà trọ Areno, những kẻ lạc lối, tìm đến nhau, nâng đỡ, giúp nhau đứng vững trước nghiệt ngã cuộc đời.
Rồi khi người trẻ lại lạc bước, thì một con người từng trải, xây dựng khu nhà trọ Areno như chiếc kính vạn hoa dành cho từng mảnh đời, ông Areno xuất hiện, bắc cây cầu nối kết tâm hồn.
Tất thảy, để những cá nhân thương tổn bên lề xã hội, có thể “ngủ ngon”, cho một “ngày mai” đến. Câu chúc quen thuộc giữa Tsugumi và Sakutaro, như trở thành lời nhắn gửi, tới những ai, vẫn bước đi vô định trong dòng xoay xã hội cuộn trôi. “Tuy chờ đến sáng hôm sau có lẽ sẽ nguôi ngoai đi phần nào, nhưng có những khi người ta không kịp chờ trời sáng, mà đã bấu víu ngay lấy ai đó bên cạnh.”
Và với một giọng văn trữ tình, dịu dàng đầy thấm thía, tác giả Nagira Yuu đã tạo nên một tiểu thuyết Ngủ ngon, hẹn mai nhé như một nốt trầm sâu lắng. Về những con người dẫu có buồn đau, khuyết thiếu hay không thể hòa hợp với cộng đồng đa số “ngoài kia” thì họ vẫn sống cho một phần “thiểu số” của trái tim, cho ngày mai, tương lai cùng những ký ức, còn mãi. “Cho dù không phải là yêu, đôi lúc người ta vẫn muốn chạm vào hơi ấm của một ai đó. Và có thể bản thân sẽ được hơi ấy cứu rỗi.”
:
Mọt Mọt