Vẫn là kết cấu tương phản đậm chất Nguyễn Công Hoan, trong bối cảnh vui tươi rộn rã ngồn ngộn người khắc họa nên nỗi bất lực đớn đau cô độc của kẻ vẽ nhọ bôi hề mang lại tiếng cười trên sân khấu kia. Chỉ vài nét chấm phá, nhà văn đã vẽ một bức tranh sống động bởi sự đụng chạm khốn khổ giữa cái giàu và cái nghèo trong một xã hội mà đồng tiền được đặt lên đầu quả tim.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Ảnh nhanambooks Kép Tư Bền reviewsachnet
Ảnh nhanambooks

“Kép Tư Bền” là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tuyển tập cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, hoàn thành vào tháng 07/1933, xuất bản thành sách năm 1935.

Đọc thêm:

Khốn nạn thân anh quá!

Làng văn Việt Nam những năm 30 – 45 của thế kỷ trước có nhiều trào lưu nghệ thuật, gửi gắm những tiếng cười mang ngụ ý khác nhau. Tiếng cười phong hóa của nhóm Tự Lực văn đoàn nhằm vào cái hủ lậu, cái nhà quê, để thể hiện mâu thuẫn giữa mới và cũ, giữa văn minh và cổ hủ, những tiếng cười đó mang theo cái tôi thượng đẳng. Còn tiếng cười trào phúng của văn học hiện thực phê phán, điển hình là Nguyễn Công Hoan làm nổi bật lên sự bất công có tính chất giai cấp của xã hội, đó là mâu thuẫn, xung đột và đụng chạm giữa giàu và nghèo, tiếng cười chua chát từ lòng xót thương dành cho những con người chẳng có tội gì, chỉ có tội nghèo.

Tư Bền là một kép hát nghèo, nhưng cũng là một át chủ bài trên sân khấu, anh nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ một cái điệu bộ cỏn con cũng đủ để các khán quan phải ôm bụng mà cười, mà vỗ tay đồm độp. Anh đã phải ký hợp đồng biểu diễn cho một ông chủ rạp trong tình thế thiếu nợ, hết tiền, cha bệnh nặng mà cha lại không muốn con làm phật lòng chủ nợ.

Đến ngày biểu diễn, dù cha ốm nặng sắp chết, lòng nóng như kiến bò chảo lửa, Tư Bền vẫn phải bôi nhọ lên mồm bôi phấn hồng lên mặt rồi đứng trước bao người ra sức pha trò, để cho đám khán giả kia được cười hả hê, cười thỏa thích.

“Khi không còn phải đau đớn mà hoan nghênh những cái hoan nghênh của công chúng, anh Tư Bền mới lật đật chạy vào buồng trò, cởi vội mũ áo và rửa quàng mặt mũi.

Lúc ấy, trong khi anh đương rối beng, nghĩ đến cha anh không biết bây giờ đã lạnh đến đâu, thì một người bạn hát chạy đến, vội vã đưa tập giấy bạc của ông chủ để sẵn cho anh, và nói :

  – Mau mà về, anh Tư, hỏng từ ban nãy mất rồi! Khốn nạn thân anh quá!”

Trong hồi ký “Đời viết văn của tôi”, Nguyễn Công Hoan có nhắc đến việc luôn chú ý để kết thúc sao cho tạo được ấn tượng mạnh, phải làm độc giả bất ngờ như đến chỗ hẹp, nước chảy mạnh, thì cá bất lình thình bị đẩy tuột vào hom. Cách hạ màn của “Kép Tư Bền” tuy không quá bất ngờ, nhưng nó làm tim người đọc như bị bóp nghẹt lại. Vì thương. Khốn nạn thân anh quá!

Ảnh quangtuan3891 Kép Tư Bền reviewsachonly
Ảnh: quangtuan3891

Thương thay thân phận vẽ nhọ bôi hề.

Nếu Nguyễn Công Hoan có truyện ngắn “Kép Tư Bền” thì Vũ Trọng Phụng có phóng sự “Vẽ nhọ bôi hề”. Cả hai nhà văn đều sử dụng ngòi bút tả thực tả chân sắc sảo để lột tả cái khốn khổ của đời đào kép.

Nguyễn Công Hoan dùng biến cố cha ốm nặng, để bắt đầu lát cắt đời sống kép hát của Tư Bền, vì là truyện ngắn nên tuyến tình tiết hết sức đơn giản. Song nhà văn vẫn khéo léo dẫn dắt tình tiết rồi đẩy lên cao trào. Là khi kẻ ra sức pha trò trên sân khấu đó có một người cha đang lạnh dần từng phần cơ thể. Là khi người con hiếu thảo chẳng thể bên cha những phút cuối đời mà trong lúc đó lại phải cười và mang lại tiếng cười tiêu khiển cho bao người khác. Vì phải kiếm tiền mà kẻ nghèo không được tự do trong cả việc khóc cười, trong lúc muốn khóc lại phải cười. Chỉ bởi vì, cái cười của anh ta đã được trả tiền rồi.

Vũ Trọng Phụng đi sâu hơn để điều tra về cái nghề mua cười bán khóc làm trò tiêu sầu khiển muộn cho khách, vạch ra cho độc giả thấy những u uẩn ly kỳ quái gở đằng sau bức phông, trong buồng phấn và ở trong tâm khảm của những con người bị kết cái thiết án “xướng ca vô loài”. Để rồi nhận ra rằng, cái trò “vẽ nhọ bôi hề” trong buồng phấn có khi cũng náu những tấn kịch âm thầm, phản chiếu những sự “vẽ nhọ bôi hề” ở ngoài xã hội.

Hai tác phẩm từ hai bậc thầy trào phúng của văn học hiện thực phê phán, dẫu thể loại và cách tiếp cận khác nhau, nhưng chủ đề và ngòi bút mạnh mẽ lại hao hao. Họ đều đã thành công lột tả những góc khuất, những oái ăm của cái nghề mua bán hỉ, nộ, ai, lạc… đồng thời thành công làm bật lên sự đụng chạm khốn khổ giữa cái giàu và cái nghèo trong xã hội kim tiền.

Ảnh dohuong07 Kép Tư Bền reviewsachonly
Ảnh: dohuong07

Hiểu thêm về nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Nguyễn Công Hoan (1903 –1977), nguyên quán tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) trong một gia đình quan lại phong kiến xuất thân khoa bảng bắt đầu sa sút.

Nguyễn Công Hoan thuộc lớp nhà văn kỳ cựu, sáng tác từ hồi văn xuôi quốc ngữ còn chập chững những bước đầu tiên. Ông cũng là một trong những tên tuổi tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực Việt Nam trước Cách mạng. Sau Cách mạng, ông gia nhập Vệ quốc quân, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo. Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948.

Nguyễn Công Hoan là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu tiên 1957–1958, và là Ủy viên Ban Thường vụ trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa sau đó.

Sau hơn năm mươi năm cầm bút, ông đã để lại cho đời một gia tài văn chương đồ sộ với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học.