“Sông” là tên cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư, được đánh giá là “Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo”. Tiêu đề quyển sách ngắn gọn nhưng lại đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc khó tả.

Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của quê hương đất mũi Cà Mau, nổi tiếng với nhiều tác phẩm như “Đảo”, “Cánh đồng bất tận” … Hầu như các tác phẩm của cô đều bình dị như chính con người cô. Với sự trải nghiệm về cuộc đời, các tác phẩm của cô đều thể hiện nét riêng, rất sâu sắc nhưng không quá trau chuốt. Dưới ngòi bút của tác giả, số phận mỗi con người trở nên sống động, được khắc họa rõ nét qua từng chi tiết.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tiểu thuyết “Sông” kể về chuyến du hành của Ân đến với sông Di, để tìm quên mối tình với Tú. Đồng hành cùng Ân là một số người bạn mà anh quen qua mạng gồm có Xu và Bối. Trên chuyến đi ấy Ân có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người, có biết bao nhiêu chuyện xảy ra, kèm theo những câu chuyện về cuộc đời đáng suy ngẫm… Và chính Ân, đang tìm lời giải cho số phận của chính mình.

“Sông” đưa người đọc trôi theo cảm xúc của dòng sông Di, nơi có những con người đang tìm lời giải cho số phận của chính mình. Và đâu đó khi đọc cuốn sách này, người đọc sẽ tìm thấy những trải nghiệm thú vị cho chính mình.

Đó là nét đẹp hoang dại của sông Di

Sông Di mang một vẻ đẹp thực thực, ảo ảo qua ngòi bút của tác giả. “Ba cây số trước khi sông Di ra biển, sông chỉ là con rạch quanh quanh giữa những cồn cát, đôi bờ là những bãi bần. Nó không có vẻ ra đi, mà nhận biển vào lòng. Nước sông mặn quắt, nắng càng lâu thì nước biển sẽ thè cái lưỡi dài nhằng của nó liếm vào sông hàng mấy chục cây số.”

Sông Di là nơi chứng kiến biết bao số phận con người trên mảnh đất này. Tác giả miêu tả cảnh vật hai bên bờ là một rừng đìu hiu. “Hai bên bờ rạch là những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm, thành rừng. Cây lá thưa, cành rời nên có mọc dày cũng không thấy chen chúc, vẫn thấy những khoảng trống. Dầm chân trong sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu, họp lại làm rừng cũng là một rừng đìu hiu… Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng rạch là trăng chiều mỏng, gai gai lạnh. Như một cô gái vừa qua cơn sốt, lả người tựa cửa sổ ngó ra sân nắng.”

Và đôi khi, đó là nét hoang dại của một người phụ nữ “Cậu hiểu vì sao cư dân ngã Chín gọi sông là bà. Nín nhịn và dịu dàng, khéo léo và có vẻ vô hại, nhưng đầy thù hận và hung hiểm.

Những cách miêu tả của nhà văn đã đưa người đọc trôi cảm xúc của mình theo dòng sông Di. Sông Di mang vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ nhưng đôi khi cũng thật dữ dội, có thể nhấn chìm bất cứ thứ gì xung quanh nó…

reviewsach.net song nguyen ngoc tu
Ảnh: @phanleuyenanh

Xuôi theo dòng nước chảy là những phận đời chênh vênh

Khi đọc tác phẩm, người đọc sẽ tìm thấy những nhân vật như Ân, Bối, Xu, Hường, Phụng và Ánh. Mỗi nhân vật đều được tác giả khắc họa rõ nét với những cách sống khác nhau nhưng đều có điểm chung là “chênh vênh” giữa cuộc đời này.

Là Ân, một nhà báo trẻ, thực hiện chuyến đi dọc sông Di để tìm quên mối tình đau khổ với Tú. Ân còn có một người mẹ đang mong chờ Ân lấy vợ. Và trong chuyến đi này, Ân còn một nhiệm vụ nữa là tìm ra tung tích của Ánh – người yêu của giám đốc xuất bản, qua sự nhờ vả của ông ta. Nếu đọc hết tác phẩm, người đọc sẽ cảm nhận được một Ân có chút gì đó yếu đuối, rõ ràng là đi để tìm quên người tình nhưng lại càng nhớ da diết, luôn trông đợi những dòng tin nhắn.

Các tuyến nhân vật còn lại cũng đều có đặc điểm riêng, điểm xuyến thêm cho nội dung của tiểu thuyết. Là Xu, sống trong trại trẻ mồ côi, tính cách lầm lì ít nói, trên cơ thể thì chằng chịt những vết thương. Là Bối, thích cảm giác biến mất để có người đi tìm, đam mê chụp ảnh và “săn những cơn giông”. Hay là Hường, một cô gái làm nghề bán thân ở quán Tầm Sương, đã bị nhấn chìm bởi dòng nước của sông Di. Và Phụng, một cô gái bỏ nhà đi, sống buông thả với những gả trai mà cô gặp trên dường và cuối cùng cũng biến mất trên dòng sông Di. Cuối cùng là Ánh, có mối tình ngang trái với giám đốc xuất bản, đến sông Di và rồi cũng mất tích nơi đó.

Những nhân vật đã tạo nên bức tranh sống động về số phận con người. Số phận mỗi người, không ai giống ai, và chính họ đã lựa chọn cho mình những con đường đi khác nhau. Đọc tác phẩm, người đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc cảm xúc nơi trái tim, phóng trí tưởng tượng bay xa để hòa cùng nhân vật.

Tình yêu đồng tính được thể hiện nhẹ nhàng, không dung tục

Như đã giới thiệu ở trên, Ân đến sông Di để tìm quên Tú, người tình bỏ Ân để đi cưới vợ. Có thể thấy trong chuyến đi Ân luôn nghĩ về Tú, nhắn tin cho Tú và đợi tin nhắn của Tú. Ân sẽ hận Tú ư? Cũng không biết nữa. Chỉ nhớ rằng trên chuyến đi ấy những ngày sau đó Tú không còn liên lạc nữa, và Ân thì luôn những câu chuyện liên quan đến Tú. Mặc dù chuyến đi này là để tìm quên nhưng sao chỉ toàn thấy những kỉ niệm, “Hôm đó Tú cũng gác chân lên bụng cậu, như Bối bây giờ. Nhưng chân Tú lạnh, phấp phỏng.”

Những cảm xúc của tình yêu cũng được tác giả thể hiện hết sức nhẹ nhàng, khéo léo. Đó là những lúc Ân nhớ đến Tú khi đến sông Di “Tú nói giết Ân dễ lắm, chỉ cần không cho tắm, là xong đời. Cậu thường tắm rất lâu, miết da đến đỏ ửng lên, đến tấm kính trong phòng nhòe hơi nước. Tắm như là được thở. Đó là lúc ở nhà. Đó là lúc biết có một người đang nằm khẩy trên giường, chờ bạn tình bước ra khỏi căn phòng đầy hơi nước để hít hà da dẻ.”

Những câu từ của tác giả phần nào thấy được sự khát khao của Ân với mong muốn được sống với chính con người thật của mình. Nhưng cuộc đời không cho phép Ân làm điều đó khi mà Ân còn một người mẹ luôn mong mỏi một nàng dâu.

Khép lại tác phẩm “Sông” là một kết thúc mà không ai mong đợi. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những ai yêu thích các tác phẩm tiểu thuyết đương đại. Nguyễn Ngọc Tư không dùng những ngôn từ trau chuốt, chỉ những ngôn từ bình dị mà lại làm lay động lòng người Có thể thấy cách hành văn rất “đời” của Nguyễn Ngọc Tư đã làm xuyến xao những tâm hồn đa cảm. Người đọc sẽ chẳng thể ngừng đọc khi đã cầm quyển sách này trong tay. Và đây là một quyển sách đáng để đọc và ngẫm nghĩ.

Link mua sách: