Bằng sự thay đổi đan xen giữa những dòng nhật ký của người chồng già và người vợ đang độ hồi xuân, “Hai cuốn nhật ký” của Tanizaki Junichiro đã dẫn dụ người đọc đến những góc tăm tối nhất của địa ngục tâm hồn mà ở đó, những ham muốn rất bản năng có thể biến con người thành quỷ dữ.

Ảnh Tao Đàn tanizaki junichiro hai cuốn nhật ký reviewsachonly
Ảnh: Tao Đàn

Trong Thế chiến thứ hai, sách của Tanizaki bị kiểm duyệt và cấm xuất bản bởi lý do gây ra những tổn hại cho “đạo đức đám đông”. Sau Thế chiến thứ hai, Tanizaki lại nổi lên như một nhà văn thiên tài, giành được nhiều giải thưởng. Cho đến khi qua đời, ông được coi là tác giả đương đại vĩ đại nhất của Nhật Bản.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

“Hai cuốn nhật ký” (Tên gốc “Kagi”) xuất bản năm 1956 đã khiến dư luận chấn động trước những dòng miêu tả nhục dục một cách thẳng thừng và trần trụi. Ba năm sau đó, tác phẩm được đạo diễn Ichikawa Kon chuyển thể thành phim điện ảnh với nhan đề tiếng Anh là “Odd obsession”, ngay lập tức đã dành được giải thưởng của Hội đồng giám khảo (Jury Prize) tại Liên hoan phim Cannes 1960.

Tại Việt Nam, hơn 30 năm trước, cuốn “Kagi” của Tanizaki được Phạm Thị Hoài chuyển ngữ ra tiếng Việt từ bản dịch tiếng Anh với tiêu đề “Chiếc chìa khóa”, nhưng sách vừa ra mắt thì đã bị cấm phát hành. Hiện tại, phiên bản tiếng Việt của “Kagi” do Thanh Điền dịch từ nguyên tác tiếng Nhật, đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn liên kết với công ty cổ phần sách Tao Đàn xuất bản và phát hành rộng rãi.

Ảnh Tao Đàn tanizaki junichiro hai cuốn nhật ký reviewsachonly (2)
Ảnh: Tao Đàn

Tiểu thuyết khiêu dâm hay áng văn trinh thám?

Năm 1956, thời điểm hồi phục kinh tế hậu chiến của Nhật Bản đã được hoàn thành và thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao đang bắt đầu, người già đã trở thành một vấn đề của xã hội, tình dục người già càng là một chủ đề nhạy cảm.

Nhưng cái gì càng nhạy cảm, Tanizaki luôn lao đầu vào, bất chấp mọi chuẩn mực xã hội, luôn giữ thái độ phản kháng văn hóa và thăm dò truyền thống.

Bối cảnh Nhật Bản trong thời kỳ giao thoa văn hoá Tây phương, sự xung đột giữa truyền thống và hiện đại được thể hiện rõ nét trong “Hai cuốn nhật ký” của Tanizaki. Tác phẩm là câu chuyện được đan lát từ hai cuốn nhật ký đầy nhục dục của cặp vợ chồng trung niên.

Người chồng là một giáo sư đại học. Cuốn nhật ký của ông không kể lại những câu chuyện hằng ngày, mà là nơi người đàn ông trung niên tội nghiệp thoát khỏi vỏ bọc của một con người trí thức thành công cùng cái tuổi tác đã ngấp ngưỡng lục tuần, để giãi bày tự nội tâm những ẩn uất về tình dục, với những ham muốn, ám ảnh, chán nản, bực bội và cả tiếc nuối.

Người vợ của giáo sư là Ikuko, cũng viết nhật ký để nói lên những khao khát chốn phòng the mà bấy lâu nay chưa được chồng đáp ứng. Ikuko là một người vợ đặc trưng cho hình mẫu phụ nữ Nhật Bản, sinh ra trong một gia đình truyền thống, được dạy dỗ tử tế, phải giữ khuôn phép trong mọi cử chỉ hành vi, bởi vậy mà bà luôn rụt rè trong chuyện giường chiếu để tỏ vẻ chính chuyên… Ngán ngẩm một nỗi, thâm tâm Ikuko vốn là một người đàn bà hiếu dâm luôn tràn đầy ham muốn, và tư tưởng của bà trong buổi giao thời đã thoát ra lằn ranh truyền thống lại e dè vẫn cố bám vào truyền thống. Buồn của Ikuko là kể từ khi lấy chồng và đã có chung được một mụn con, bà vẫn chưa một lần đạt được thỏa mãn trong chuyện phòng the, bởi giáo sư là một kẻ “yếu nòng”, dẫu luôn khát khao vẻ đẹp của vợ.

Những khúc mắc nhạy cảm không thể nói thành lời ấy khiến đời sống sinh hoạt tình dục của đôi vợ chồng suốt 20 năm qua không đạt được hạnh phúc. Họ tìm đến nhật ký để cả hai có thể tỏ bày nỗi lòng.

Họ viết nhật ký nhưng lại không cất giấu, hoặc cất giấu một cách ỡm ờ, cố tình để cho đối phương đọc được.

Một cuộc đấu trí căng thẳng và gay cấn giữa ông chồng già vẫn khát khao thể hiện bản lĩnh đàn ông và bà vợ hiếu dâm nhưng lại thích ra vẻ chính chuyên. Những mưu mô từng người giăng ra chực chờ đối phương mắc bẫy, để rồi kết thúc mở bằng một cuộc điều tra án mạng?

Những tình tiết trần trụi ướt át dựng trên nền một cốt truyện trinh thám, Tanizaki đã làm mới mình bằng cách mô tả bài bản và tâm lý về nhân vật có ảo tưởng tình dục, nhưng lại kích thích trí tưởng tượng của người đọc lên đến đỉnh điểm. Người đọc gần như không nhận ra nổi tác phẩm chính là một kế hoạch giết người ẩn giấu, cho đến khi đọc đến những trang cuối cùng.

Ảnh Tao Đàn tanizaki junichiro hai cuốn nhật ký reviewsachonly (3)
Ảnh: Tao Đàn

Khi nhật ký trở thành công cụ giao tiếp.

“Hai cuốn nhật ký” đăng lần đầu trên tạp chí Chuuō Kōron bao gồm hai quyển nhật ký. Một quyển viết bằng lối chữ katakana hiện đại của ông chồng già và một cuốn viết bằng hiragana truyền thống của người vợ trẻ dâm loạn, cả hai đã đan xen thành nội dung câu chuyện.

Ngay từ bước lựa chọn hình thức chữ viết cho nhật ký, đã là một quyết định vô cùng vi tế của Tanizaki, thể hiện được tính cách của từng người: ông chồng già đã bước qua tuổi 56 nhưng rất thích khám phá và thử nghiệm những cái mới, cô vợ tuổi 45 luôn rạo rực lòng xuân lại phải đè nén tâm tình trong e dè, thủ cựu.

Thông thường, nhật ký cá nhân được ghi ra chỉ cho chính bản thân người viết, chứ không tính đến việc được người khác tiếp nhận. Nhưng hai cuốn nhật ký trong tác phẩm của Tanizaki đã thoát khỏi định nghĩa vốn có, vì hai vợ chồng trung niên ấy viết nhật ký với chủ đích dẫn dụ người kia đọc.

Hai cuốn nhật ký trở thành công cụ để vợ chồng “giao tiếp” với nhau.

Nhật ký là công cụ mà giáo sư dùng để lén lút kích động vợ ngoại tình nhằm tìm lại ham muốn tình dục cho bản thân. Bởi động lực tình dục cốt yếu của ông chồng già là sự ghen tuông – một loại phức cảm có tên “ham muốn bắt chước” hay “ham muốn tam giác” (mimetic desire) do nhà triết học Rene Girard đề xướng. Ở đó, người A chỉ có thể nảy sinh ham muốn vật B nếu có một “người môi giới” C cũng ham muốn vật B kia.

Trong “Hai cuốn nhật ký”, rõ ràng A là giáo sư già, B là vợ giáo sư, và “người môi giới” C có kích thích ham muốn bà vợ của vị giáo sư chính là anh chàng Kimura – con rể tương lai cũng là một đối thủ tình trường đầy trẻ trung và sung mãn.

Còn người vợ, từ mục đích viết để bày tỏ những khát khao khó nói, đã biến thể cuốn nhật ký thành bản dàn dựng kế hoạch, dưới sự giúp sức của cô con gái Toshiko và người đàn ông mà bà ngoại tình – Kimura.

Họ mượn nhật ký để tỏ bày tiếng lòng, nhưng mỗi một người vẫn lựa chọn nói ra lời không thật chỉ để đạt mục đích của riêng mình. Hai quyển nhật ký dường như chỉ chứa đầy những bí mật. Mà sự thật là từng từ ngữ được chọn lựa cẩn thận, rõ ràng, trình tự, và luôn tự ý thức về người sẽ đọc những dòng mình viết ra.

Nhật ký – bởi mang những mục đích riêng mà mất đi bản chất chân thật và công nhiên, lại trở thành thứ thuốc độc phát tán chậm.

Ảnh Tao Đàn tanizaki junichiro hai cuốn nhật ký reviewsachonly (4)
Ảnh: Tao Đàn

Người đi tìm những “cái đẹp có vấn đề”.

Tanizaki Junichiro (1886 – 1965) là một thiên tài văn chương với một văn nghiệp đồ sộ.

Văn chương Tanizaki thường đi sâu vào lĩnh vực cấm kỵ, nhưng càng về sau càng được đánh giá cao. Đồng thời, ông nhắm tới miền sâu thẳm phong kín của địa ngục nội tâm con người muôn thuở, họa lại một thế giới đảo điên với những ám ảnh dục vọng cuồng si, hay miêu tả một cách tế nhị sự năng động của cuộc sống gia đình, một xã hội Nhật chông chênh trước làn sóng du nhập văn hóa phương Tây vào nửa đầu thế kỷ XX.

Trong thời gian cầm bút, Tanizaki tập trung đi tìm những “cái đẹp có vấn đề”. Ông khai thác xu hướng ngược đãi và bị ngược đãi trong “Người cắt lau”, “Xâm mình”, ái vật trong “Bàn chân Fumiko”, ái thú trong “Con mèo, Shōzō và hai người đàn bà”, phức cảm Oedipus trong “Mộng phù kiều” hay ảo tưởng tình dục của những kẻ yếu nòng trong “Hai cuốn nhật ký”…

Những “lệch lạc” trong chuẩn mực thường nhật, qua ngòi bút thần diệu kết hợp kiến thức nghiên cứu tâm thần học của Tanizaki, đã không phải là những thứ gì đáng ghê tởm cùng cực, mà lại có sức hút khó lòng chối từ, như loài cây nắp ấm tỏa hương thơm ngào ngạt khiến con mồi sa ngã.

Tanizaki Junichiro là một trong sáu tác giả trong danh sách cuối cùng cho giải Nobel Văn học năm 1964, một năm trước khi ông qua đời.

Xem thêm tác phẩm của Tanizaki Junichiro:

Link mua sách: