Sau thành công của tiểu thuyết Mưu sát, Tử Kim Trần tiếp tục trình diễn tuyệt kĩ phê phán sự hủ bại chốn quan trường & sự bất công của xã hội thông qua cuốn trinh thám thứ hai mang tên Sự trả thù hoàn hảo. Lần này, mô típ giết người hàng loạt & phương thức gây án đã có bước chuyển mình hết sức độc đáo.

Công an đánh người vô tội chết oan, quan chức của huyện cố tình bưng bít toàn bộ thông tin, khiến cho người nhà nạn nhân oan ức đòi báo thù.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Bối cảnh chính của câu chuyện, một lần nữa lại là sự bất công của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Không có nhiều sự trả thù được mô tả hoàn hảo đến thế, mọi tội ác sau này đều diễn ra chỉ vì trước đó người vợ của nạn nhân bị chết oan đã báo thù bằng cách tự sát cùng đám người đã gây ra cái chết của chồng cô.

Lần này, Tử Kim Trần giới thiệu với độc giả những cái chết được thi hành bởi các phản ứng hoá học.

Thuốc nổ TNT của người vợ Cam Giai Ninh ấy đã đánh sập một vùng, khiến 4 người chết tại chỗ và rất nhiều người bị thương.

Sau đó, hàng loạt những vụ giết người với cách thức gây án chỉ có thể thực hiện bởi một thiên tài hoá học : Trần Tiến. Đơn giản, gọn lẹ & lạnh lùng tới mức rợn gáy.

Ngay từ những chương đầu tiên, độc giả đã được chiêm ngưỡng toàn bộ động cơ gây án của hung thủ. Thậm chí cả danh tính cũng được công khai, điều này hoàn toàn không hề xa lạ với những ai đã quen với phong cách viết lách của Tử Kim Trần.

Thế nhưng, một câu hỏi lớn được vẽ ra, ai là đồng phạm của nhân vật sắm vai kẻ thay trời hành đạo, và mục đích thật sự của lời trăn trối cuối cùng của hắn ta là gì? Đấy chính là câu hỏi làm nên nét hấp dẫn của các tác phẩm trinh thám mang thương hiệu Tử Kim Trần.

Với tiểu thuyết Sự trả thù hoàn hảo, có 3 thứ làm nên nét đặc sắc cho cuốn sách. Một là, sự khác biệt trong việc tạo ra Hình tượng nhân vật chính, hai là ý nghĩa nhân văn của câu chuyện đằng sau Sự hy sinh của một tình yêu đau đớn. Và cuối cùng, kiến thức hoá học được tổng hợp một cách tuyệt vời.

Sự trả thù hoàn hảo Tử Kim Trần

Đầu tiên, kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, một nét rất riêng của tác phẩm : dùng hoá học để giết người

Kiến thức hoá học – Hành trang tội ác là sự may mắn

Thiên tài hoá học mở màn vụ án kinh thiên động địa bằng việc sử dụng một thứ giấy bạc, tạo ra một phản ứng hoá học (kim loại phản ứng với cả axit lẫn kiềm) khiến cho 3 triệu tệ biến mất trong tích tắc. Nói đơn giản hơn, nửa tài sản cơ đồ nhà họ Giang đã đi đời.

Vụ án bắt cóc đầu tiên, hắn đã lợi dụng một phương trình hoá học để gây sốc, trước khi dùng tiếp chất độc Nicotine thuần chất nồng độ cao để một giây đoạt mạng nạn nhân. Tuy nhiên, điều này có phần may mắn mới thực hiện trót lọt, vì tác giả quá ưu tiên mô tả lên vẻ thiên tài của hung thủ nên mới xảy ra, chứ nếu ở ngoài đời thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Nếu ngay từ khi chiếc va li tiền giấy bị huỷ, cảnh sát phong toả hiện trường, lục soát & tìm ra chiếc va li thứ 2, thì rất có thể vị thiên tài có chỉ số IQ cao hơn 160 đã bị thất bại ngay từ cái kế hoạch thứ hai của hắn. Tuy có phần may mắn, nhưng phải thừa nhận việc sử dụng những vũ khí từ hoá học khiến cho vụ án trở thành không vật chứng, không dấu vết. Hoàn toàn gây nên cản trở tuyệt đối cho việc điều tra của cảnh sát. Tội phạm trí tuệ cao vẫn luôn như thế, bao đời khiến cho tội ác trở thành tội lỗi không chứng cứ.

Tử Kim Trần & Sự trả thù hoàn hảo

Một hình tượng nhân vật chính xấu xí

Xét về độ chân thực, Tử Kim Trần đã đạt đến bậc thầy trong việc gây ức chế độc giả. Điển hình là việc miêu tả dung mạo của hung thủ – nhân vật chính. Thay vì là soái ca nam tử lãng mạn điển trai đẹp mã như các cuốn ngôn tình mạo danh trinh thám, ông Tử lại miêu tả vị “anh hùng Lương Sơn” trong cuốn sách này như sau:

Người đàn ông đó bằng tuổi Từ Tăng, cũng 35 tuổi nhưng anh ta có gương mặt béo tròn, đầu lại hơi hói, vóc dáng đã xuống cấp rõ rệt, bụng to tướng, cơ bụng nguyên một múi, nhìn vẻ ngoài so với một người đẹp trai như Từ Tăng, có cảm giác người đàn ông này phải hơn ít nhất 10 tuổi.

Có lẽ đối tượng độc giả mà Tử Kim Trần hướng đến là những người yêu thích khả năng logic cũng như trình độ toán học bậc thầy, bởi vậy nên những yếu tố hoa mĩ như miêu tả vẻ ngoài nam chính không được chú trọng nhiều. Thế nhưng cũng phải lưu ý rằng, vẻ ngoài nam chính là một vũ khí tối quan trọng trong thành công của một câu chuyện đặc sắc, khiến cho độc giả ấn tượng & nhớ mãi.

Điển hình như Sherlock Holmes, bậc kỳ tài trong tiểu thuyết của Sir Conan Doyle cũng được khoác lên vẻ ngoài thanh mảnh, cao to & quái dị với ánh mắt sắc lẹm. Tuy không đến mức thần thánh soái ca nhưng cũng toát lên vẻ quý ông trăm người có một.

Còn với ngài Hercule Poirot, nhân vật chính của series trinh thám được chấp bút bởi nữ hoàng Agatha Christie, cũng được miêu tả bằng vẻ ngoài quý tộc, lịch lãm, bảnh bao với cái ria mép không lẫn vào đâu được.

2 dẫn chứng trên để thấy được rằng, vai trò hình tượng của nhân vật chính là vô cùng quan trọng. Những ai đủ dũng cảm lắm mới dám tạo hình một nhân vật chính xấu xí, chân thực và có độ tin tưởng khiến độc giả cảm giác như đó không hẳn là một câu chuyện, mà là một dạng hồi ký.

Làm được điều này thì thực không dễ. Tài hoa như Jeffery Deaver mới tạo nên một Lincoln Ryhme tàn phế bại liệt toàn thân nhưng đầu óc tài hoa vẫn đủ sức phá những vụ án hình sự không tưởng. Giỏi giang như ngài Doyle mới tạo ra một Sherlock Holmes nghiện ngập, lập dị & sống cuộc sống nhà trọ như bao nhiêu con người bình thường trong xã hội thời ấy, như bước ra từ trong cuộc sống ấy.

Bởi vậy nên chưa cần bàn đến nội dung, việc Tử Kim Trần, cây bút mới nổi trong làng trinh thám Trung Quốc, vẽ nên những diện mạo đời thường của nhân vật Trần Tiến, người đọc tinh ý sẽ nhận ra, đây là một bước đi dũng cảm, và thực sự bản lĩnh.

Sự trả thù hoàn hảo - Review sách trinh thám

Nói về nội dung, đó là câu chuyện về tình yêu cùng sự hy sinh thầm lặng và đau đớn

Tình đơn phương giống như một bản tình ca buồn, mà một người chỉ đứng nhìn người còn lại đầy lặng lẽ. Trần Tiến đã giành cả cuộc đời để nhìn ngắm Cam Giai Ninh nhiều như thế.

Sự hi sinh của Trần Tiến, tất cả mọi thứ của anh, xứng đáng được ghi vào sách vàng kể công về bài học điển hình cho sự thất bại của trai tốt. “No love for good man”. Dù biết không được đáp lại, anh vẫn cứ sắm vai người đưa ô. Còn người đi cùng dưới mưa lẫn cô gái kia đều đã không còn. Chúng ta trân trọng Tiến, bởi vì anh đại diện cho lời kêu gọi tuyệt vọng cùng sự kháng cự cực đoan của những người thấp cổ bé họng trong cuộc sống. Không nhiều người làm được điều này, nhưng số ít thôi cũng đủ là lời cảnh tỉnh cho những vị cán bộ chốn quan trường. Nếu các vị quan chức ấy đủ công tâm dù chỉ một chút thôi, sẽ không còn thêm một Trần Tiến nào tồn tại nữa.

Tình yêu khiến cho cô gái nữ hoàng hoá học Cam Giai Ninh vì hận hoá thù, trở nên cực đoan bằng việc tìm đến cái chết, sau khi giết sạch những kẻ đã bức tử người mà cô yêu thương nhất, bỏ lại đằng sau một đứa con thơ, một bà mẹ già.

Nhưng đúng như Trần Tiến nói, việc làm của Cam Giai Ninh trong mắt anh, thật đúng là trò trẻ con. Tự sát nhưng lại liên luỵ tới bao nhiêu người. Hi sinh như vậy, đâu có đáng?

Nếu muốn làm được việc lớn, chỉ tình yêu & lòng nhiệt tình thôi thì chưa đủ. Cần có năng lực đủ mạnh nữa!!! Trần Tiến là mẫu người có đủ cả 3 thứ ấy. Không có gì ngạc nhiên khi hắn thành công. Nhưng độc giả có quyền đặt câu hỏi, giả sử như hắn ta không bị bệnh sắp lìa đời liệu rằng Trần Tiến có vì nhân danh tình yêu mà hy sinh mọi thứ một cách đầy đau đớn đến như vậy hay không? Hay sẽ lại là một Từ Sách phiên bản Mưu sát 2.0 hoàn toàn mới?!

Hình ảnh người nhà của các quan chức bị hại kéo đến hành hung nhà họ Hà để trả thù vụ việc, đánh đập đứa trẻ trong khi cảnh sát chỉ dám ái ngại đứng nhìn đủ khiến bao độc giả phải căm phẫn. Bất công xã hội vẫn luôn tồn tại, âm ỉ hay công khai thì cũng giết chết lương tri của bao người. Từ Tăng, người đóng vai khán giả của toàn bộ câu chuyện, không hẳn là người xấu. Thế nhưng chính vì không làm được gì để giúp đỡ người bị hại, nhân vật này khiến cho chúng ta dễ liên tưởng tới một câu nói vô cùng nổi tiếng.

“Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” – Napoleon

Sẽ luôn là những câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng không có nhiều bài học đạo đức nào được tác giả nêu lên, mà độc giả sẽ luôn phải tự cảm nhận thấy.

Tử Kim Trần vẫn luôn có được văn phong đầy lôi cuốn như vậy. Đủ bức xúc, đủ công lý, đủ tò mò, đủ logic để lý giải khiến độc giả mãn nhãn. Và cuối cùng là cái kết khiến dư âm còn kéo dài

Link mua sách: