Daisuke là một thiếu gia có học vấn nhưng sống dựa vào trợ cấp của gia đình. Bước vào tuổi trung niên anh không nghề ngỗng cũng chẳng có hôn nhân. Anh từ chối việc trở thành một phần của xã hội đáng chán, anh luôn trì hoãn, luôn biện hộ, luôn đổ lỗi cho xã hội, cho thời đại, cho những tâm tư không ai thấu hiểu. Nhưng tất cả chỉ bởi sự phản ứng yếu đuối của một cá nhân hèn nhát trước một xã hội đang dần bộc lộ những mặt tối, đã khiến nảy sinh nỗi lo sợ bản sắc cá nhân bị thực tế đe doạ, làm cho biến chất. Để rồi, tựa như một sự thúc ép tự thân đầy miễn cưỡng, tình yêu ngang trái với vợ của người bạn thân đã đưa anh vào một cuộc khủng hoảng bản sắc, một cuộc chiến bế tắc, một cuộc vượt cạn bất thành.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

reviewsach.net tu dao ay

Những tối tăm trong lòng xã hội Nhật Bản trước thời chuyển giao

Những nhân vật chính trong đa phần các tác phẩm của Natsume là những người đàn ông đều bị ảnh hưởng bởi một số đặc điểm chung của một bộ phận nam giới Nhật Bản vào khoảng đầu thời kì Minh Trị (khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XIX). Trước một Nhật Bản lần đầu đón nhận những làn gió văn hóa phương Tây, xã hội thay đổi nhanh chóng từng ngóc ngách, từng lĩnh vực đã ảnh hưởng lên họ về mọi mặt, đe dọa bản sắc của họ. Bởi vậy ngay cả trước khi hiện tượng này được đặt tên, Nastume Soseki đã diễn tả thành công cái mà sau này chúng ta gọi là khủng hoảng bản sắc nam thông qua những nhân vật của ông, những vấn đề mà ông muốn giải quyết ở thời đại của mình.

Từ dạo ấy ra đời cùng chung trong bối cảnh ấy, khi mà những giá trị truyền thống của một quốc gia phong kiến bảo thủ và những giá trị văn minh của một phương Tây hiện đại cùng tồn tại một cách miễn cưỡng trong lòng xã hội. Người ta luyến lưu một Nhật Bản truyền thống, nhưng lại hứng thú một phương Tây văn minh. Song trạng thái mắc kẹt mà Natsume Soseki đặt Daisuke ở trong đó không phải là trạng thái không biết lựa chọn giữa đôi bên mà là trạng thái trốn tránh lựa chọn. Khi tất thảy những con người sống xung quanh anh đang chật vật hòa nhập với xã hội bằng cách này hay cách khác, thì bản thân Daisuke lại sống vô lại như kẻ ngoài cuộc, bởi anh cho rằng sống trong một xã hội “không thấy được một mét vuông nào đang tỏa sáng”, mọi sự cố gắng, nỗ lực của một cá nhân đơn lẻ như anh cũng chẳng có tích sự gì, không thể đem lại ánh sáng, “thay vì vật lộn mệt mỏi trong việc mạ vàng để biến thành vàng thì việc chấp nhận là đồng thau và chấp nhận bị coi thường”. 

Daisuke nhận ra trong thời đại mà anh sống, những người trẻ phải lãng quên  những ước mộng để lo toan miếng ăn, giấc ngủ mỗi ngày. Hoặc sống một cách ti tiện để nuôi dưỡng một giấc mơ mà xã hội coi nó thật rẻ rúng và đáng thương. Những tư tưởng tự do thuộc về không gian vật chất mà phương Tây du nhập vào đất Nhật đã vô thức đẩy giá trị của đồng tiền và nhu cầu sống vật chất lên cao, kéo theo đó là sự biến đổi về lối sống, phẩm chất của con người. Những người trẻ, là Hiraoka và những người bạn khác của anh, từng nuôi mộng những ước mơ đẹp đẽ của riêng họ. Nhưng khi cái nỗi cảnh sống ngặt nghèo xoay chuyển tất cả, họ phải sống ti tiện hơn, tàn nhẫn hơn, bạc bẽo hơn và thực dụng. Họ trở nên thật tệ hại và đáng thương trong mắt của Dasuke.

Đồng thời, đó cũng là thời đại còn vương vấn, đúng hơn còn mang đậm tư tưởng Nho giáo khắt khe. Đại diện của một mặt xã hội này chẳng ai khác chính là cha của Daisuke. Bất kể xã hội có những biến đổi rõ rệt trong lòng nó ra sao, thì đầu óc cố hữu của ông vẫn cho rằng mọi sự đổi thay chẳng hề ảnh hưởng đến những nền tảng tư tưởng vốn có. Việc sắp đặt cuộc đời của con cháu là biểu hiện của tình thương cao quý của đấng sinh thành, những đứa trẻ có nghĩa vụ đón nhận chúng với tất cả hạnh phúc, biết ơn và những kẻ không biết mặt, biết tên ngoài kia vẫn sẽ nhìn vào ông, gia đình ông như nhìn vào một chuẩn mực, lí tưởng của xã hội.

Để rồi xã hội trong mắt Daisuke còn lại là những cái xấu, cái suy đồi, tha hóa của những gì chịu chuyển mình, và những cái cổ hủ, lạc hậu của những gì không chịu chuyển mình. Anh thấy tất cả những kẻ đang sống một cách giả tạo và biến chất trong đó, những kẻ đang loay hoay sống một cuộc đời đầy ràng buộc những giá trị vật chất, danh dự viển vông thật đáng thương mà cũng đáng khinh. “Họ chẳng nghĩ được gì khác ngoài những việc ở hiện tại, như việc của bản thân mình. Họ kiệt sức đến nỗi chẳng suy nghĩ được gì nên cũng đành chịu”.

Daisuke bởi lẽ ấy mà ban đầu mang một niềm tự hào kín đáo về cuộc đời mà anh đang sống. Anh như vượt lên trên những suy nghĩ tầm thường, hẹp hòi, quẩn quanh trong miếng ăn, cái mặc, trong danh dự hão huyền. Anh tự hào bởi lương tâm và trí óc của anh không bị vấy bẩn bởi thời đại. Anh dầu có chạnh lòng trước những mỉa mai của Hiraoka hay cái tính gia trưởng của cha anh, thì cũng chẳng nỡ trách móc họ sao phải đối xử với anh như vậy. Vì họ đâu có sai để mà anh trách móc, cái sai là thời đại. Thời đại quá đỗi tối tăm để người ta có thể sống một đời trong sáng, thuần khiết. Nhân loại, ngoài anh ra, tất cả đều chỉ là những nạn nhân đang loay hoay không biết lỗi thật sự thuộc về ai, mà vẫn phải gồng mình sống. Thế nên tất cả đều đáng thương, đáng buồn.

Sự mắc kẹt giữa tự do cá nhân và trách nhiệm cộng đồng

Bản thân Daisuke trước khi nảy sinh mối tình cảm sau lần gặp lại Michiyo (vợ của Hiraoka, cũng là em gái một người bạn thân quá cố của anh), đã từng tôn trọng lối sống cộng đồng. Khi còn trẻ, anh yêu Michiyo, nhưng khi nhận ra cái tình cảm tương tự ở Hiraoka, anh sẵn sàng từ bỏ, trở thành người đưa duyên cho mối tình ấy. Có lẽ nhờ bút pháp tinh tế, vốn kín đáo trong việc bày tỏ những tâm sự yêu đương của Natsume mà mọi nỗi khổ đau, u buồn khi phải chứng kiến người con gái mình yêu thuộc về người khác của Daisuke bị dấu nhẹm đi trong nỗi niềm tự hào của một người bạn cao cả. Hay thực ra nghĩa vụ của một người bạn là thứ đáng hoàn thành hơn cả hạnh phúc của riêng anh.

Cách giáo dục của cha anh đã dạy anh cách trở nên điềm tĩnh tới độ những cung bậc của cảm xúc tở nên ít ỏi và hạn hẹp. Khi sự bất đồng bắt đầu nảy sinh từ những mối quan hệ gần gũi rồi mở rộng dần ra kết hợp với lí trí Daisuke chịu dồn nén, nuốt sâu mọi bất mãn trong lòng không để tuột ra ngoài đã ngấm dần rồi chai sạn dần những xúc cảm của anh, buộc anh nhìn thế giới xung quanh anh với con mắt lãnh đạm, thờ ơ.

Và giả như người ta có thể đeo lên mình cái mặt nạ nào đó mà sống hoặc người ta phản kháng lại bằng những hành vi đi ngược lại với kì vọng của xã hội. Nhưng Daisuke không làm thế, cốt vì sự giả tạo hay phản kháng đều là bằng chứng cho việc anh đã bị xã hội tối đen này làm cho liên lụy.

Anh cho rằng việc anh chẳng làm gì tức là anh chẳng hề đụng đến lợi ích chung của cộng đồng, anh không gây hại, không ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực gì tới xã hội. Có thể ở khía cạnh khắt khe, dễ thấy rằng Daisuke sống vô trách nhiệm tới nhường nào, nhưng nó không hẳn mang hướng tiêu cực khi đứng trước dư luận xã hội có quá nhiều ý kiến, nhiều dèm pha, người ta chọn cách sống lạc quan hơn, không để ý đến sự bình phẩm của người đời. 

Cuộc dấn thân đầy bế tắc và khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng bản sắc hay khủng hoảng nhân dạng có lẽ ở những thời kì chuyển giao sau, không chỉ có ở những người đàn ông. Nhưng ở giai đoạn chuyển giao từ Mạc phủ sang Minh trị, khi mà cái gốc gác phong kiến cổ hủ, giáo điều vẫn còn cắm rễ ở hầu hết mọi mảnh đất trên xứ Nhật, những người phụ nữ truyền thống không biết may hay không may đã không trải qua cuộc khủng hoảng ấy. Khác với đàn ông họ chưa thực sự có chỗ đứng, họ không có danh dự, không có bản sắc riêng mình để lo sợ bị đe doạ hay bị đánh mất. Giả như nếu có thì đó là danh dự của một người vợ khi đứng cạnh chồng mình, hay là một cuộc đời không phải của riêng mình. Michiyo dù sao ngay cả việc sống một cách thờ ơ cô cũng không thể. Bởi vậy cho dù mối quan hệ vợ chồng với Hiraoka dần trở nên tối tăm và nặng nề, cô cũng không được quyền chủ động tước bỏ nó, phải im lặng mà sống tiếp với nhẫn tâm của người chồng. 

Natsume Soseki tu dao ay

Tình yêu của Daisuke tựa như một sự cứu rỗi đối với cô. Mà có lẽ với Hiraoka đó cũng là một sự giải thoát. Còn với Daisuke, tình yêu đó là một hạnh phúc đầy đau khổ. Anh hạnh phúc bởi một lần nữa yêu thương lại người phụ nữ anh đã để vuột mất trong thời trẻ. Nhưng cái sự một lần ấy cũng bắt nguồn từ chính cái nỗi ân hận cho sai lầm trong quá khứ để gây nên một hiện thực sai trái. Chứng kiến tấm thân Michiyo trở nên tiều tụy vì sẩy thai, lại ngậm ngùi chịu đựng những hắt hủi của Hiraoka. Bản thân ba người trong khoảnh khắc bị hiện thực soi chiếu, dần hé ra những nỗi vỡ mộng của riêng mình. Michiyo nhận ra cô đã lấy một người chồng không nên lấy. Hiraoka nhận ra anh đã cưới một người vợ không nên cưới. Daisuke nhận ra sự hy sinh cao cả mà anh đã tự hào là nguồn cơn của những vỡ mộng ngày hôm nay.

Dẫu vậy bản thân anh lại chẳng biết bằng cách nào anh sẽ bù đắp được cho Michiyo. Một kẻ bước đến tuổi này vẫn sống bằng tiền của gia đình như anh, lấy gì để lo cho cuộc đời của một người khác. Mối tình của anh ngang trái đâu chỉ bởi nó trái với những lề luật xã hội. Mối tình ấy sẽ cắt phăng đi cái sợi dây liên kết vốn mong manh của anh với gia đình anh. Anh buộc phải tự lập, buộc phải kiếm việc làm, buộc phải hòa mình vào cộng đồng ngoài kia, trở thành một phần của xã hội đáng chán. Anh sẽ trở thành những kẻ bấy lâu này anh khinh thường hay thương hại. Còn Michiyo cũng đáng thương nữa kia. Cô thừa biết cái cuộc đời mông lung sẽ đến nếu cô theo Daisuke hay kể cả những dèm pha, điều tiếng nữa. Dẫu vậy những tổn thương chằng chịt khắc lên cả tâm hồn và thân thể ấy dường như không còn có thể im lặng mà chịu đựng nữa. Dẫu vậy thì cũng còn khá hơn. 

Những chán ngấy, bất mãn với cuộc sống thực tế u tối đã buộc Daisuke tìm vào thế giới nội tâm như một niềm an ủi. Nhưng càng chìm sâu vào đó, sự bế tắc, lạc lõng trong anh càng lớn dần. Daisuke thực ra đã chẳng có cái tự do trong tâm hồn như anh vẫn nghĩ. Trong tâm anh, bộn bề những trăn trở về một cuộc đời vô nghĩa, vô tích sự khắc hẳn với những kẻ ngoài kia. Daisuke quả thực không muốn làm gì, anh quả thực sợ hãi xã hội. Nhưng anh cũng thừa biết anh chẳng sống mãi như vậy được. Trong lúc sống một cuộc đời tỏ ra vô tư nhàn nhã, thì tận sâu trong anh mối dự cảm về những cuộc đổi thay, sự nhấn chìm dần dần hiện cùng cái tình yêu mà anh dành cho Michyo, trong những cuộc đối mặt với gia đình anh hay Hiroka. 

Khi cuộc sống bộn bề còn chưa thực sự xảy ra, những áp lực đã dần hình thành, những sợ hãi, mặc cảm xoay vòng từ những điều cụ thể rồi lại dần trở nên mơ hồ. Tâm trí anh bộn bề, lòng dạ anh rối như tơ vò. Mọi đè nén cứ thế vỡ dần ra, anh lao vào xã hội ngột ngạt, tâm trí như thể bị bốc cháy. Trong nỗi khổ tâm anh an ủi chính mình bằng những động lực mong manh, những sự trấn an hết sức mỉa mai. Con đường phía trước anh thấy chẳng rõ cả tuyệt vọng hay hi vọng, anh quên cả điều đó.

Sau bước chân ấy, anh sẽ đi đến đâu, trở thành người như thế nào, sẽ sống một cuộc đời ra sao thì Natsume hãy còn bỏ ngỏ. Những gì ông đem lại cho người đọc là tất cả những tâm tình, những dày vò, khổ tâm, những cô đơn cùng với những tổn thương của một người đàn ông đang trong cuộc khủng hoảng bản sắc. Sau cùng thì một người cố gắng gìn giữ bản sắc của mình có chạm tới nổi một chút nào tự do và hạnh phúc không? 

Natsume viết nhiều về những cá nhân lạc lõng bởi chính sự không lựa chọn của mình. Họ không phải những cá nhân chật vật tha hoá, những cá nhân bị giằng xé bởi sự biến chất của bản thân. Cũng không phải những cái tôi cố hữu, một mực bảo vệ những giá trị xưa cũ. Nhân vật của Natsume là những cá nhân hiểu chuyện, nhưng họ luôn yếu đuối và loay hoay bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương từ xã hội, họ sợ bị hiện thực vùi dập nên họ tỏ ra lãnh đạm và thờ ơ. Để diễn tả cái mà sau này gọi là khủng hoảng bản sắc nam, Natsume đã tìm đến một cá nhân bị đặt trong tình huống đầy éo le của số phận. Bất hạnh của Daisuke là việc anh đã sống một cuộc đời hèn nhát giữa những mâu thuẫn bủa vây.

Nhưng có lẽ chính vì thế mà người ta dễ đồng cảm với anh. Có thể chẳng một ai giống như anh hoàn toàn, nhưng những phần yếu đuối, những nỗi lo sợ mơ hồ về thế giới rộng lớn, những cố chấp bảo vệ quan điểm cá nhân, những lưỡng lự, e ngại đổi thay, những chính kiến dễ bị lung lay, những hối hận về cả những gì đã làm hoặc chưa làm, ở ai mà không có. Daisuke là một phần trong bất cứ ai, ở bất kỳ thời đại hay nơi chốn nào. Natsume không xây dựng anh cũng như những nhân vật của ông sống trên trang giấy mà trước hết đã từng sống trong ông, là chính ông. Họ phản ánh trong đó lí tưởng mà ông theo đuổi, những khao khát tự do thật sự chảy trong ông, nhưng cũng là cái bế tắc mà ông nhìn ra ngay trong đó. Nhân vật của ông, ngay trong cuộc bảo vệ bản sắc đã minh chứng một điều rõ ràng họ đang bị xã hội làm cho liên luỵ. Họ đã đâu thế sống hồn nhiên, quả thực họ đã không chật vật để hoà nhập nhưng họ vẫn loay hoay để bảo vệ cái gì đó kia. Cuộc khủng hoảng là một hệ quả mà tất yếu sẽ xảy đến với họ.

Natsume là tác gia tiêu biểu của khuynh hướng cao sang xuất hiện trong văn học Nhật Bản thời tiền chiến. Ông tôn trọng và bảo vệ những giá trị bản sắc cá nhân. Nhưng ông đồng thời cho thấy những nỗ lực bảo vệ ấy chỉ tạo nên những cuộc đời đầy bế tắc, bất hạnh trước hiện thực quá đỗi nghiệt ngã. Rằng dường như việc người ta sống một cuộc đời chẳng màng tới vật chất, một sự tự do đúng nghĩa không hề tồn tại. Và mặc dầu, tác gia luôn đóng vai một người chứng kiến và kể lại một cách khách quan câu chuyện của nhân vật, nhưng nỗi lòng của ông tựa như một lời tâm sự kín đáo ẩn trong đó. Nếu không ông đã chẳng viết nhiều tới vậy, cũng chẳng thấu rõ những hỗn độn, phức hợp, chấn thương trong tâm trí của một kẻ đương trong cuộc khủng hoảng và độc giả cũng không tìm đọc nhiều tới ông, cùng ông băn khoăn cho tới tận bây giờ.