Thuộc “tam kiệt tiểu thuyết” được Vũ Trọng Phụng viết liền trong năm 1936, bên cạnh “Số đỏ” và “Giông tố”, “Vỡ đê” là một thiên tiểu thuyết xã hội đậm chất phóng sự dưới ngòi bút hiện thực phê phán. Tác phẩm không còn là tiếng chửi học hằn phẫn uất trên lập trường cá nhân mà đã mang chủ đề chính trị thời sự, lấy đề tài trực tiếp từ phong trào đấu tranh chính trị đương thời.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Ảnh minhlongbooks Vỡ Đê reviewsachonly
Ảnh: minhlongbooks

 “Vỡ đê” gồm 3 phần với 25 chương, mang góc nhìn đa chiều, chân thực và nhân bản.

Cuốn tiểu thuyết thông qua việc trình bày vấn đề tranh đấu của người dân đi hộ đê để phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự của đời sống chính trị, xã hội đương thời từ thành thị đến nông thôn, tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân quan lại đã đẩy người nông dân vào cảnh lầm than.

Hành trình của nhân vật chính – cậu giáo Phú, từ lúc đầu lạc quan hy vọng vào tương lai tươi sáng nhờ Mặt trận Bình Dân, đến đi hộ đê, bị bắt bớ vì xúi giục dân gian bất tuân thương lệnh, bị tra tấn dã man, được con gái quan huyện là Kim Dung thả ra, quay trở về… hình như, chả giải quyết được gì, bởi cậu lại về sống trong bất lực, ngày qua ngày.

Văn sĩ tả chân họ Vũ không chỉ tập trung vào nhân vật chính mà phân tán rộng khắp từ nhân vật, bề rộng quy mô hiện thực phản ánh đến chiều sâu nhận thức và sức mạnh tố cáo… Cốt truyện tả chân chân xác mà thú vị, để lại kết thúc mở và trăn trở cho mỗi người đọc.

Xem thêm review tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng:

Bề rộng quy mô hiện thực được phản ánh.

“Vỡ đê” bao quát hiện thực trên một phạm vi rất rộng.

Nhiều thành phần xã hội từ nông thôn đến thành thị với: nông dân, địa chủ, cường hào, quan huyện, thầu khoán, Tổng đốc, Công sứ, gái mới, nhà báo chính trị phạm và cả chiến sĩ Cộng sản…

Nhiều tình huống hiện thực đời sống đương thời: cảnh phu phen đắp đê, cảnh thôn quê lụt lội đến cảnh tư thất quan huyện, cảnh thầu khoán móc ngoặc với quan lại để kiếm chác trong “dịp may” vỡ đê, cảnh tra tấn ở huyện nha, cảnh nông dân biểu tình ở tỉnh lỵ, cảnh tòa soạn báo Lao động, cảnh vui chơi chợ phiên, cảnh khiêu vũ ở Hà Nội… Và xa xa, thấp thoáng cảnh nhà tù Côn Đảo, cùng bối cảnh phong trào chính trị sục sôi trong và ngoài nước.

Dường như trong văn xuôi quốc ngữ trước Cách mạng Tháng Tám, chưa có ai như Vũ Trọng Phụng có sức bao quát hiện thực trên bình diện rộng lớn, vẽ nên một bức tranh có quy mô như vậy về hiện thực xã hội Việt Nam đương thời.

reviewsachonly Vỡ Đê

Chiều sâu nhận thức và sức mạnh tố cáo ách thống trị thực dân phong kiến.

Giá trị đặc sắc của tác phẩm “Vỡ đê” không phải ở bề rộng quy mô hiện thực phản ánh, mà nó ở chiều sâu nhận thức và sức mạnh tố cáo độc đáo. Điều này thể hiện trước hết ở chỗ nhà văn đã trực tiếp phản ánh hiện thực trên bình diện mâu thuẫn xã hội.

Qua nạn vỡ đê với biết bao thảm trạng khốn khổ thê lương của người nông dân, nhà văn đã làm nổi bật lên nối mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị, nhất là chính sách cai trị tàn bạo của bọn thực dân quan lại, với nhân dân lao động bị áp bức bóc lột. Cảm quan về sự bất công xã hội vốn hình thành từ sớm ở văn sĩ tả chân họ Vũ, song đến tác phẩm này đã được mài sắc và phần nào tiếp cận với quan niệm giai cấp.

“Vỡ đê” không còn là tiếng chửi học hằn phẫn uất trên lập trường cá nhân mà tác phẩm đã mang chủ đề chính trị thời sự, lấy đề tài trực tiếp từ phong trào đấu tranh chính trị đương thời. Nhà văn lên tiếng tố khổ cho người nông dân lao động bị áp bức bóc lột nặng nề bị dồn vào cảnh khốn nạn, bị đủ mọi tai trời ách đất, nạn bã rượu lậu, nạn trộm cắp, nạn hối lộ, nạn tham nhũng, nạn bất bình đẳng, nạn đàn áp, nạn điếm bút, nạn tuyên giáo, nạn tổng lý… Tiếng nói tố cáo của văn sĩ Vũ Trọng Phụng đã hòa vào tiếng thét đấu tranh đòi cơm áo, tự do, dân chủ trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ khi đó.

Tiểu thuyết xã hội “Vỡ đê” được giới nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá là một trong những tác phẩm có giá trị phê phán hiện thực sắc bén, sâu cay nhất của văn tài Vũ Trọng Phụng.

Không khí đấu tranh chính trị sôi nổi.

Trực tiếp hoặc gián tiếp, “Vỡ đê” đã động đến hệ thống trật tự xã hội, đả kích bộ máy thống trị thực dân phong kiến, từ những nhân vật chóp bu đến những tên cai thằng lính, rõ ràng, không khí sôi nổi trong đấu tranh chính trị đương thời đã ùa vào trang viết của văn sĩ tả chân họ Vũ như một lẽ tất yếu.

Ngòi bút của họ Vũ đã dựng nên và dành tình cảm cho nhà hoạt động cải tạo xã hội là ông giáo Minh như một tia sáng lạc quan đối với con đường phát triển của lịch sử, chứ không còn u ám thất vọng như các tác phẩm trước đó.

Cái ưu trong tư tưởng chính trị của “Vỡ đê” là một phần tố cáo xã hội thực dân phong kiến và một phần đặt hy vọng hướng tới tương lai. Cái khuyết trong tư tưởng chính trị là Vũ Trọng Phụng giữ thái độ ôn hòa chứ không chống đối Mặt trận Bình Dân.

Mặt trận Bình Dân (Front Populaire) ra đời ngày 14/7/1935, là liên minh kết hợp những đảng phái cánh tả. Mặt trận Bình Dân đắc cử và lên cầm quyền tại Pháp từ tháng 6/1936 với Léon Blum, thuộc đảng Xã hội (đảng Cộng sản tuy ở trong mặt trận nhưng không có mặt trong chính phủ).

Dù chỉ nắm chính quyền trong thời gian 2 năm, nhưng Mặt trận Bình Dân đã để lại những định chế cải cách xã hội lâu dài. Chính quyền Léon Blum, với bộ trưởng thuộc địa Marius Moutet, đưa ra những bộ luật mới về thuộc địa, luật lao động, luật báo chí được mở rộng tự do, quyền đình công bãi thị, ân xá chính trị phạm… tạo những hy vọng tự do và công bằng pháp lý cho người dân thuộc điạ. Những nhà văn, nhà báo thời đó, từ Hoàng Đạo đến Vũ Trọng Phụng, đều nhìn thấy ở Chính phủ Bình Dân một hy vọng lớn trong chính sách cải cách thuộc địa của người Pháp.

Hy vọng về tương lai đất nước của Vũ Trọng Phụng chung quy là trông đợi vào một nước Pháp “nhân đạo hơn”, điều này thể hiện rõ thông qua suy nghĩ của Phú:

“Một nước Việt Nam độc lập trong đó có một ông vua độc lập hay một ông tổng thống Việt Nam, mà tựu trung vẫn không chắc giữ vững được bờ cõi, hoặc là vẫn để cho dân quê ngu dốt, đói khát lầm than thì quả nhiên không khi nào bằng một nước Việt Nam hộ thuộc của một nước Pháp trọng công lý hơn, của một nước Pháp nhân đạo hơn.”

Vũ Trọng Phụng đã đặt niềm tin vào Chính phủ Bình Dân và những trí thức “có học thức, có nhân phẩm” thay vì tin vào phẩm chất tinh thần và sức mạnh đấu tranh của quần chúng lao động. Quần chúng trong “Vỡ đê” chỉ là một đàn cừu do mấy tay cầm đầu kích động chứ không có ý thức hay sức mạnh gì. Việc đặt niềm tin sai chỗ và sai đối tượng đã thể hiện tư tưởng chính trị có phần ngây thơ của Vũ Trọng Phụng lúc đó.

Nhưng dẫu sao thì, hiểu theo nghĩa cách mạng, Vũ Trọng Phụng không phải là nhà văn tranh đấu. Ông là một nhà văn tả chân, một nhà văn đích thực. Bởi vậy, không nên quá xét nét về tư tưởng chính trị đối với một nhà văn trước Cách mạng Tháng Tám.

Ảnh tiemsachmattroi reviewsachonly
Ảnh: tiemsachmattroi

Giai đoạn sung sức nhất của ngòi bút Vũ Trọng Phụng.

Thời kỳ cuối năm 1935 và năm 1936 minh chứng cho sức dẻo dai, sức dồi dào, sức bền, sức nổ và sự thăng hoa trong sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng.

Tuần báo Công dân số 1 (25/9/1935), Vũ Trọng Phụng bắt đầu đăng phóng sự “Dân biểu và dân biểu”.

Hà Nội báo số 1 (2/1/1936) bắt đầu đăng tiểu thuyết “Giông tố”. Cũng trên Hà Nội báo, ông lần lượt cho đăng phóng sự “Cơm thầy cơm cô” (từ số 12, 25/3/1936), tiểu thuyết hoạt kê “Số đỏ” (từ số 40, 7/10/1936) và một loạt truyện ngắn “Mơ ngày Tết”, “Tết ăn mày”, “Lỡ lời”, “Bộ răng vàng”, “Con người điêu trá”, “Hồ sê líu hồ líu sê sàng”…

Đồng thời trên báo Tương lai, Vũ Trọng Phụng cho đăng tiểu thuyết “Vỡ đê” (7/1936) và nhiều bài bút chiến.

Trên tờ Sông Hương, tiểu thuyết “Làm đĩ” cũng được đăng trong năm 1936.

Dẫu biết rằng hoàn cảnh gia đình khiến bản thân việc cầm bút của Vũ Trọng Phụng là một thứ lao động cật lực, nhưng sự tài hoa và dồi dào trong bút lực là điều bắt buộc phải có, vì thế văn sĩ tả chân họ Vũ mới có thể trong thời gian ngắn liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm mang giá trị đặc sắc đến vậy.