Thư gửi bố là bức thư nhà văn Franz Kafka đã viết trong nỗi cô đơn tuyệt vọng với những dằn xé nội tâm dành cho cha của mình. Tuy nhiên ông chưa một lần gửi lá thư đi và những nỗi khổ, những vết thương lòng của ông chưa một lần được bộc lộ. Mối quan hệ cha con ấy cũng vì vậy mà càng lúc càng xa cách, càng lúc càng lạnh lùng.
Kafka – Người chỉ muốn đốt đi những gì mình viết
Franz Kafka là một nhà văn đặc biệt, khi ông ra đi ông đã để lại toàn bộ sáng tác của mình cho người bạn thân Max Brod và yêu cầu hãy đốt hết những bản thảo. Tuy nhiên người bạn thân của Kafka đã làm trái di nguyện này vì quá đỗi ngưỡng mộ tài năng của ông. Lúc sinh thời ông bị cha mình ngăn cấm, dè bỉu vì việc sáng tác, nhưng Kafka vẫn xem văn chương như sinh mệnh. Vì đó với ông cũng như phương thức xoa dịu vết thương ngần ấy năm từ thời niên thiếu đã xé nát trái tim ông.
“Chúa Trời không muốn tôi viết; còn tôi, tôi muốn viết.”
Thư gửi bố là bức tâm thư mà Kafka viết khi cha ông không đồng ý để ông kết hôn cùng với Julie Wohryzek. Sau hai lần đổ vỡ với hôn thê đầu ông gần như tuyệt vọng trong dự định muốn kết hôn của mình. Tuy nhiên ông đã không đi sâu vào sự ngăn cấm ấy mà dòng thời gian của bức thư bắt đầu từ lúc thời thơ ấu, thời niên thiếu và khi trưởng thành của tác giả. Hôn thê Julie chỉ là là điểm nút trong mối quan hệ cha con gần như đã sứt mẻ từ lâu của Kafka. Có lẽ bắt đầu của một cơn bão không phải là lúc trời nổi sóng gió mà nó đã bắt đầu từ những làn sóng dữ rất đỗi vô hại ngoài biển khơi kia.
“Sở dĩ con nói đến việc viết, là bởi vì việc viết đã làm tổ trong người con, ở đâu đó nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết, và còn bởi vì, nó đã chế ngự đời sống của con, như một dự cảm khi bé, như một hi vọng khi lớn, và rồi sau đó, như một niềm tuyệt vọng. Và – nói thế nào nhỉ, có lẽ cũng như bố – nó ra lệnh cho con trong một số quyết định nhỏ bé của mình.”
Tuy là một bức thư nhưng Thư gửi bố được xem như một tác phẩm văn chương, một cuốn tự truyện đầy cay đắng của Franz Kafka. Bức thư dài 103 trang viết tay đầy bi đát bộc lộ những nỗi đau, sự quằn quại đến uất nghẹn vì phải sống, phải trưởng thành trong sự giáo dục bằng sợ hãi của người cha. Để rồi sau này, người con chịu sự giáo dục ấy sẽ mang theo những vết thương tâm lý sâu hoắm mà trưởng thành.
Xem thêm tác phẩm của Franz Kafka:
Mang theo ám ảnh mà trưởng thành
Kafka thấu hiểu sâu sắc được rằng bản thân mình lúc trưởng thành trở thành một kẻ lập dị, u uất, hoảng sợ, đơn độc giữa đám đông. Từ thời thơ ấu bản thân ông có cách trưởng thành đầy đau đớn. Ông phải luôn cố gắng hết sức để làm vừa lòng cha của mình, cố gắng học để trở thành một người có thành tựu, để không phải là kẻ vô dụng, để được công nhận. Nếu ông sống giống như những người bình thường khác thì sẽ bị xem là một tội lỗi to lớn, còn sống mà không xuất sắc hơn người thì sẽ bị xem như một kẻ vô dụng.
“Ở nhà, nơi con sống, con bị tước giá trị, bị kết tội, bị đè nén bẹp dí; còn ở những nơi mà con chạy đến, tuy con đã nỗ lực hết mình, nhưng đó chẳng phải công việc, đó là cái không thể chấp nhận, không thể đạt được với sức lực của con.”
Một trong những điều ám ảnh Kafka mãi đến lúc trưởng thành là tiếng chửi của cha mình. Ông sợ tiếng chửi ấy đến mức nội tâm trở nên vô cùng nhạy cảm. Khi nghe người cha chửi mắng những nhân viên ông cảm thấy như có chiếc búa tạ to lớn giáng vào đầu mình, đau không cách nào chịu nổi. Cũng vì vậy mà đến lúc trưởng thành ông không có cách nào làm việc ở một cửa hàng vì ghê sợ tiếng la mắng nhân viên của ông chủ như cha ông ngày trước. Sau này ông từng có thời gian làm việc tại một hãng bảo hiểm hàng đầu của Ý nhưng ông đã nghỉ việc vì những ám ảnh tâm lý lúc nhỏ của những tiếng chửi đến lúc trưởng thành vẫn còn in đậm trong lòng.
“[…] lý do con xin thôi việc là vì con không thể chịu nổi tiếng chửi, dù nó không phải trực tiếp dành cho con. Con đã quá nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đau đớn với những tiếng chửi từ lúc ở nhà rồi.”
Cha của ông là một người giáo dục con cái không sử dụng đòn roi. Cái cách mà người cha ấy giáo dục con của mình chỉ là những lời mắng nhiếc thậm tệ, vùi dập tự trọng của một con người. Đôi khi đó còn là những lời mỉa mai vào tự tôn, danh dự kiến kẻ khác có chết cũng không thể nào quên được. Nỗi sợ ấy hình thành trong lòng của ông từ thuở thiếu thời đến mức mà ông viết trong tác phẩm Vụ Án của mình rằng: “Y sợ đến chết cũng không hết nhục.“. Đó được xem là câu kinh điển nhất trong tác phẩm để đời này của ông. Có lẽ vì đó cũng chính là nỗi lòng của ông.
“Con trở nên mất tự tin vào việc mình làm. Con trở nên nao núng, hoang mang. Cứ như thế con càng lớn thì bố càng có nhiều chất liệu để chứng minh sự vô dụng của con.”
Sự sợ hãi, lòng nghi ngờ bản thân chưa đủ tốt, bản thân tầm thường phủ đầy tuổi trẻ của Kafka. Ông thu mình lại, càng ngày càng như kẻ cô độc không một ai bên cạnh. Một đứa trẻ được giáo dục từ bé bằng sợ hãi sẽ trưởng thành thế nào? Có lẽ sẽ chăm chỉ, khuôn mẫu, có lẽ sẽ thành đạt. Nhưng chúng sẽ luôn cô độc và hoảng sợ khi có ai đó bước vào vùng an toàn của mình. Có lẽ đúng thật là như thế, lúc còn nhỏ càng ngoan ngoãn, cái gì cũng không được phép làm, lớn lên sẽ càng cam chịu, có đau thương cũng chỉ biết giấu trong lòng.
“Đôi khi con dung ra một tấm bản đồ địa cầu và bố đang nằm dang rộng trên đó. Và con có cảm giác rằng, cuộc đời con chỉ được dành cho những vùng đất không bị bố che lấp hoặc nằm ngoài tầm với của bố.”
Cha của Kafka luôn dè bỉu tất cả những người bạn bè quanh ông. Người cha ấy xem thường, khinh rẻ bạn bè của ông và cả những người con gái mà ông yêu. Ba lần dự định bước đến hôn nhân nhưng chưa bao lần ông thành được ước nguyện. Xuất thân không xứng đáng không phải là một lý do để khước từ trong một mối tình. Nhưng ông đã bị cha mình khước từ dự định hôn nhân như thế. Những người con gái ấy yêu ông, chưa bao giờ làm ông thất vọng, chỉ có ông là không có đủ năng lực chăm sóc họ cả đời.
“Ðiều này cũng tự nhiên thôi, chỉ có điều, nó lại bồi thêm một vết thương đủ đau vào mối quan hệ vốn đã không thiếu phần sắc cạnh giữa hai chúng ta.”
Có lẽ cha của Kafka luôn xem nhẹ, khinh thường những thứ mà con mình tự mình quyết định. Đó là việc kết giao bạn bè, những cô gái ông yêu hay văn chương ông viết. Người cha ấy luôn cho rằng văn chương của Kafka là thứ vô bổ, chẳng có ích được gì cả. Liệu chăng đó là lý do mà di nguyện cuối cùng của Franz Kafka là muốn đốt đi hết những gì mà mình viết? Có chăng là những lời miệt thị, chê cười đến từ chính người thân yêu nhất của mình đã khiến Kafka tin rằng ông thực sự chỉ sống như một kẻ tầm thường mà thôi ?
Lá thư chưa bao giờ được gửi đi
Lá thư mà Kafka gửi bố được xem như những dòng bộc bạch cay đắng về cuộc đời bốn mươi mốt năm đầy bi đát của ông. Lá thư tay ấy chứa đựng những lời từ tâm mà ông muốn người cha hiểu, nhưng trớ trêu thay, ông chưa bao giờ gửi đi. Cũng như những lưu bút khác, ông phó thác bức thư ấy cho Mad Brod đốt đi ngày ông lìa xa cõi đời. Có chăng những lời chế giễu văn chương, dè bỉu năng lực mà người cha dành cho Kafka lúc sinh thời đã khiến ông không còn chút niềm tin nào vào việc gửi bức tâm thư?
“Con có thể đã hạnh phúc nếu như có bố như một người bạn, một thủ trưởng, một người cậu, một người ông, vâng, thậm chí là bố vợ (dù đã khó khăn hơn). Có điều khi bố là bố của con, thì sức nặng ở bố đè lên con quá lớn.”
Hiếm có người cha nào lại trở thành đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của một nhà văn như cha của Franz Kafka. Hình tượng những mâu thuẫn cha con gay gắt đã trở thành một điểm mấu chốt khiến cho văn chương của ông trở nên day dứt. Đỉnh điểm là hình tượng người cha trong tác phẩm Hóa thân đã ném trái táo sinh mệnh vào lưng con trai của mình khiến người con gục ngã. Đó cũng là tác phẩm được xem là có chất liệu từ những bi kịch của cuộc đời Kafka.
Có lẽ điều đau đớn nhất khi viết một lá thư chính là nỗi lòng nặng trĩu ở đó, viết ra để cho nhẹ lòng đi nhưng chưa bao giờ gửi được lá thư ấy đi. Đó là sự không đủ can đảm, không muốn phá vỡ mối quan hệ hiện tại khi nói hết ra những nỗi lòng của mình. Kết quả là đau đớn kéo dài, day dứt mãi mãi. Đến ngày Kafka từ giã cõi đời này Thư gửi bố mới được biết là đã tồn tại trên đời này, người ta mới biết được rằng hóa ra ông từng đau đớn đến thế, đau đớn đến mức không kìm nén được mà viết ra những dòng tâm thư đó.