Đề thi đẫm máu là cuốn sách tập 2 trong loạt series tâm lý tội phạm cực kỳ xuất sắc của tác giả Lôi Mễ, người được giới trẻ Trung Quốc ngưỡng mộ và gọi là “thầy”. Giọng văn đặc biệt súc tích và thiên về chuyên ngành tội phạm, vì đặc thù tác giả là người của ngành cảnh sát, nên nổi bật ở việc mô tả cái chết dưới góc nhìn của một nhà pháp y, điều mà các tác giả viết truyện trinh thám khác không có được.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

review-sach-de-thi-dam-mau-1

Nếu đây là lần đầu tiên bạn đọc biết tới cuốn sách này, tốt hơn là bạn nên ghé đọc cuốn Độc giả thứ 7, để xem lại hành trình từ một sinh viên bình thường ngây ngô trở thành một chuyên gia khắc họa tâm lý tội phạm xuất sắc của nhân vật chính loạt truyện dài 5 tập này. Anh là Phương Mộc, người có biệt danh “Quái vật”, đúng như mở đầu cuốn sách này, tác giả có viết một cách đầy mỉa mai “tôi là quái vật, và tôi biết điều đó”.

Vụ án đầu tiên, nguồn cơn của tội ác: Quỷ hút máu

Thực ra Đề thi đẫm máu mở đầu với lời giới thiệu của anh cảnh sát về nhân vật Phương Mộc với một người cảnh sát khác. Vụ án mở màn đúng ra phải là “Cưỡng hiếp cả thành phố” nhưng chỉ được gói gọn trong 1 chương, nên có vẻ như đó là màn dạo đầu của tác giả để chú tâm về một vụ án cao hơn, hay hơn và đang xảy ra ở trong thực tại: Quỷ hút máu.

Thực ra cũng chả có gì ghê gớm, chỉ đơn giản đó là một sát thủ có sở thích giết người bệnh hoàn. Không phải cưỡng hiếp cướp tài sản như các loại tội ác thường thấy, hắn giết nạn nhân, mổ xác ra và uống máu tươi! Ghê rợn nhưng là sự thật, đến một người đã quen với tội ác như Phương Mộc cũng phải chạy ra nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo vì quá ghê tởm với hiện trường mà tên sát nhân để lại. Rốt cuộc, kẻ mang tâm lý biến thái này tại sao lại phải làm điều đó, và liệu rằng hắn có bị trừng trị kịp thời?

Vụ án kết thúc khá chóng vánh, với phần thắng nghiêng về thám tử đại tài. Không có gì quá bất ngờ. Nhưng, vào thời khắc cuối cùng, khi Phương Mộc được cảnh sát vinh danh tài năng ngay tại trường, nơi anh đang theo nghiệp nghiên cứu sinh, lại là nguồn cơn của mọi tai họa sau này. Có thể nói đây là thời khắc mà Đề thi đẫm máu ra đời. Và không ai khác, chính Phương Mộc là kẻ gián tiếp tạo ra kẻ ác nhân đó, dẫu chỉ là vô tình mà thôi

Tội phạm đáng sợ nhất, là tội phạm có tri thức

Mô típ tội phạm thiên tài và thám tử lừng danh đấu trí với nhau không còn xa lạ trong truyện trinh thám. Nhưng người Trung Quốc luôn có cách thể hiện thành những bi kịch không thể tránh khỏi. Hung thủ của loạt án mạng giết người hàng loạt tưởng như không liên quan gì đến nhau, lại đáng sợ và lạnh lùng đến thế. Không thể phủ nhận tài năng của hắn, ngang ngửa, hay thậm chí là vượt mặt Phương Mộc.

de-thi-dam-mau-review-sach-2

Đề thi đẫm máu bắt đầu với lời khiêu chiến, là ngôi sao năm cánh trên cửa, sau đấy là án mạng đầu tiên, một thủ môn của đội bóng bị giết ngay và xác xuất hiện ngay tại sân, mất luôn một bàn tay bị cắt không thương tiếc. Với thủ pháp mô tả chi tiết tỉ mỉ của một nhân viên pháp y hết sức lạnh lùng, Lôi Mễ đưa người đọc vào một ma trận đầy chết chóc, nhưng lại có vẻ rất thật, dường như chính chúng ta là người trong cuộc, đang nhìn dõi theo từng nạn nhân, từng người từng người một bị giết hại dã man, và rùng rợn với hiện trường mà hắn để lại

Tất cả cảnh sát đều biết một sự thật là, tội phạm đáng sợ nhất không phải là lũ cướp bóc ngoài chợ, không phải là bọn lưu manh giết người cưỡng hiếp hay đánh nhau trả thù. Mà là loại có đầu óc, giết người xong mà vẫn nhởn nhơ và ung dung. Lôi Mễ miêu tả chính xác loại tội phạm ấy trong các tác phẩm của mình. Tên hung thủ này mỗi lần ra tay đều không để lại hiện trường một chút dấu vết, đã thế hắn còn để lại manh mối cho phi vụ tiếp theo, khiêu khích và đầy ngạo mạn. Vậy động cơ của hắn là gì?

Hành trình của Phương Mộc, và nỗi bàng hoàng khi nhận ra mục đích của tên sát nhân

Vô tình bị cuốn vào vòng xoáy phá án với cảnh sát Thái Vĩ, nhưng những độc giả đọc cuốn sách đều cảm nhận được nỗi buồn của Phương Mộc. Ám ảnh từ quá khứ vẫn đeo đuổi anh, dù đã nhiều năm trôi qua. Nếu đọc qua “Độc giả thứ 7”, hẳn mọi người đều đã rõ vì sao anh ấy buồn. Nỗi buồn “tớ sẽ bảo vệ cậu” rồi vụt tắt với hình ảnh người bạn gái bị giết chết, mà kẻ thủ ác không ai khác lại do chính Phương Mộc vô tình tạo ra, là một người mà anh rất tin tưởng. Có nỗi buồn nào đau đớn hơn thế!

Phải mất một thời gian, Thái Vĩ mới thuyết phục được nhà tội  phạm học thiên tài truy bắt hung thủ. Và Phương Mộc kết luận những vụ án kinh hoàng kia là do một người tạo ra. Để rồi cuối cùng, anh bất ngờ khi biết được, dường như tác giả của những án mạng kia “đang cười và thách thức cậu”.

Đường bơi số 6, chết chóc và Đề thi cuối cùng

Khi nạn nhân số 6 đã ra đi, gần như hung thủ mới lộ diện. Và lúc này thì tất cả mọi người đều biết gã là ai. Có điều, kẻ thủ ác này tự cho mình là “thầy” của Phương Mộc, hắn ung dung tạo ra Đề thi, mà kẻ thắng người thua sẽ được phân định bằng số 7. 7 câu hỏi và Phương Mộc đã thua tới 6 lần. Lần cuối cùng, hung thủ có kịp kết thúc?

7 câu hỏi trong Đề thi đẫm máu

Cái tinh tế của Lôi Mễ là lồng ghép được câu chuyện nhỏ vào một bức tranh lớn. Trong khi cảnh sát và cậu thạc sĩ tâm lý Phương Mộc còn đang mệt mỏi với “đề thi” mà kẻ thủ ác đưa ra, thì trên giảng đường, một lần nữa lại xuất hiện 7 câu hỏi tương đương với một đề thi khác, đề thi dành cho những người chuyên gia tội phạm học. Đề thi biểu tượng cho một “đề thi” lớn!

Trích đoạn sau đây được lấy từ chương 27 của cuốn sách, xin nói luôn là sẽ tiết lộ một vài bí mật, có thể sẽ làm mất đi sự tò mò của độc giả (nếu bạn là fan của trinh thám và chưa đọc qua cuốn sách này thì hoàn toàn có thể bỏ qua bài viết kể từ đây).

“Ở đây tôi có mấy câu hỏi trắc nghiệm về IQ. Nghe nói đây là câu hỏi trắc nghiệm tâm lý mà Cục điều tra liên bang Mỹ đã tiến hành đối với mấy chục phạm nhân có tâm lý dị thường, đáp án kết quả của cuộc trắc nghiệm trùng khớp một cách đáng kinh ngạc, cũng chứng minh tâm lý của những người này quả thực khác với những người bình thường. Các em xem có thể trả lời đúng mấy câu, không chừng, trong số các em, có người có thiên phú về tội phạm đấy.” Tôn Phổ mỉm cười, nheo nheo mắt.
Các sinh viên hào hứng hẳn lên, dường như mỗi người đều cảm thấy có tâm lý dị thường là một điều rất “ngầu”.
Câu hỏi thứ nhất: Vào một hôm, có một vị công trình sư đã từng đến Nam Cực công tác, đang ngồi ăn thịt trong nhà, cảm giác mùi vị rất lạ bèn hỏi vợ đây là thịt gì? Vợ nói là thịt chim cánh cụt. Người kỹ sư trầm mặc một lúc, lấy dĩa cắm vào cổ họng mình. (Các sinh viên phát ra tiếng kêu kinh hãi). Câu hỏi của tôi là: Tại sao?
Thì ra là cái này, Phương Mộc nhủ thầm.
Một năm trước, Phương Mộc đã từng làm mấy câu hỏi này, vì hiếu kỳ, cậu cũng thử tìm kiếm đáp án. Có tất cả 7 câu hỏi, Phương Mộc trả lời được 5 câu. Kết quả trắc nghiệm là, Phương Mộc có xu hướng cao độ về tâm lý dị thường.
Phần lớn sinh viên đều chưa từng nghe thấy những câu hỏi này, thi nhau bàn luận, cả lớp học ồn ào như cái chợ, nhưng lại chẳng có ai trả lời đúng cả. Sau đó Tôn Phổ nói ra đáp án: “Người kỹ sư đó đã từng gặp nguy hiểm ở Nam Cực, có một người đồng sự đã chết, sau đó ông và những người khác dựa vào ăn một thứ gọi là thịt chim cánh cụt mới duy trì, gắng gượng đến lúc nhân viên cứu hộ đến. Ông ta sau khi được nếm mùi vị thực sự của chim cánh cụt, mới biết lúc đó thứ thịt mà ông ăn là thịt của người đồng sự đã chết.
Các sinh viên lúc này mới chợt hiểu, một số người tỏ vẻ như buồn nôn, nhưng phần lớn sinh viên đều rất hào hứng với những câu hỏi tiếp theo.
Câu hỏi thứ hai: Một người nam giới bị mắc bệnh kinh niên, đi khắp nơi để chữa bệnh, cuối cùng đã được một bệnh viện chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng ngồi trên tàu hỏa trở về quê, đột nhiên anh ta kêu khóc thảm thiết, sau khi điên cuồng làm bị thương mấy hành khách, liền đâm vỡ cửa sổ, nhảy ra ngoài. Kết quả bị cuốn vào bánh xe tàu, nát bét. Tại sao?
Các bạn sinh viên sôi nổi bàn luận. Thầy Tôn để tay sau lưng, đi lại thảnh thơi trong lớp học, liên tục phủ nhận đáp án của sinh viên. Cuối cùng, một cậu nam sinh trả lời đúng đáp án: Bệnh kinh niên của người đàn ông đó là bệnh mù. Sau khi khỏi bệnh, cứ tưởng mình sẽ được sáng mắt lại, nhìn thấy mọi thứ, kết quả là khi đoàn tàu đi qua đường ngầm, trong đêm tối, người đàn ông đó cứ ngỡ bệnh cũ của mình tái phát lại, quá tuyệt vọng nên đã nhảy xuống tàu tự sát.
“Rất tốt, cộng thêm 10 điểm vào điểm hàng ngày.” Thầy Tôn dẫn đầu vỗ tay. Lần này, đã khơi dậy tính tích cực của tất cả sinh viên. Cậu sinh viên được phần thưởng đỏ mặt ngồi xuống, những người khác vừa ngưỡng mộ vừa đố kỵ, căng mắt chờ đến câu hỏi thứ 3.
Câu hỏi thứ ba: Một đôi nam nữ đang đi dạo bên hồ, cô bạn gái trượt chân ngã xuống sông, sau khi giãy giụa một lát, liền chìm nghỉm. Người con trai hoảng loạn lao xuống sông, nhưng không cứu được cô bạn gái. Mấy năm sau, người con trai quay lại chốn đau thương, nhìn thấy một ông già đang câu cá. Cậu phát hiện ra những con cá bị ông già câu lên đều rất sạch sẽ, bèn hỏi ông già, sao trên người những con cá không có rong rêu. Ông già trả lời: Con sông này chưa bao giờ có rong rêu. Cậu con trai nghe xong, không nói câu nào, bèn lao mình xuống sông tự vẫn. Tại sao?
Đáp án là: Khi cậu con trai nhảy xuống sông cứu bạn gái, đã từng nắm vào một thứ giống như rong rêu, cậu đã thả tay ra. Sau đó, khi nghe xong câu trả lời của ông già, cậu mới biết, lúc đó, thứ cậu nắm được không phải là rong rêu mà là tóc của cô bạn gái. Không có ai trả lời đúng.
Câu hỏi thứ tư: Một người đàn ông đâm đầu xuống cát ở sa mạc, chết, bên cạnh là mấy chiếc va li hành lý. Trong tay nạn nhân cầm một nửa que diêm. Người này vì sao mà chết?
Đáp án là: Chiếc máy bay người này ngồi xảy ra sự cố, tất cả mọi người cần phải nhảy dù để sống sót, nhưng lại phát hiện thiếu mất một cái dù. Thế là mọi người bốc thăm để quyết định sinh tử, người bốc vào nửa que diêm không có dù, chỉ có thể tự nhảy xuống. Kết quả nạn nhân bốc vào nửa que diêm. Không có ai trả lời đúng.
Câu hỏi thứ năm: Hai chị em gái tham gia đám tang của mẹ. Trong đám tang, cô em gái nhìn thấy một anh chàng rất đẹp trai, nên đã say mê. Đáng tiếc thay, sau khi đám tang kết thúc, anh chàng này cũng biến mất. Mấy hôm sau, cô em gái lấy dao đâm chết chị gái mình trong bếp. Tại sao?
Đáp án là: Cô em gái đã phải lòng người con trái đó, khao khát được gặp lại anh ta. Nhưng cô biết, chỉ có thể gặp lại anh ta trong tang lễ, thế nên cô đã tự tạo ra một đám tang. Một bạn nữ trả lời đúng câu này.
Câu hỏi thứ sáu: Trong đoàn xiếc có hai người lùn, một người bị mù. Một hôm, ông chủ đoàn xiếc nói với họ, đoàn xiếc chỉ cần một người lùn. Hai người lùn này đều vô cùng mong muốn giữ được công việc này để sinh sống. Kết quả, sáng sớm ngày hôm sau, người lùn mù đã tự sát trong phòng mình. Trong phòng có các đồ dùng bằng gỗ và đầy những mẩu gỗ thừa nằm dưới đất. Tại sao người lùn mù lại tự sát ?
Đáp án là: Người lùn kia nhân lúc người lùn mù ngủ, đã lẻn vào phòng anh ta, cưa tất cả chân những đồ gỗ cho thấp xuống. Người lùn mù sau khi tỉnh dậy, phát hiện ra những thứ anh ta sờ thấy đều thấp xuống, cứ tưởng rằng sau một đêm mình đã cao lên, tuyệt vọng quá, đã tự sát. Không ai trả lời đúng.
Thời gian cứ thế trôi đi, sắc trời bên ngoài đã sẫm lại.
Câu hỏi cuối cùng,” Tôn Phổ giơ ngón tay trỏ đặt lên môi, cả phòng học bỗng yên lặng, “Có thể là câu hỏi khó nhất, cho nên mọi người đều phải nghe thật nghiêm túc, suy nghĩ thật nghiêm túc, đừng dễ dàng đưa ra kết luận”.
Ai nấy đều chăm chú gần như nín thở.
“Có một người sống ở một căn nhà nhỏ trên đỉnh núi”. Giọng thầy Tôn trầm xuống, “Vào một đêm khuya, trời mưa như trút nước. Khi người đó đang ở trong căn phòng nhỏ, đột nhiên…”, thầy bỗng vút cao giọng, mấy nữ sinh khe khẽ kêu thét lên, “Anh ta nghe thấy tiếng gõ cửa. Anh ta đẩy cửa ra nhìn…”, thầy Tôn dừng lại, lướt quanh căn phòng im phăng phắc, “Lại không thấy một người nào cả. (Có tiếng cười khe khẽ) Anh ta bèn đóng cửa lại, lên giường đi ngủ. Ai ngờ, mấy chục phút sau, tiếng gõ cửa thần bí lại một lần nữa vang lên. Người đó run rẩy mở cửa, nhưng vẫn không thấy ai, suốt cả một đêm, tiếng gõ cửa lặp đi lặp lại mấy lần liền, nhưng mỗi lần mở cửa đều không có một ai. Sáng sớm hôm sau, có người phát hiện ra ở chân núi có một thi thể mình đầy thương tích”.
Thầy Tôn dừng lại mấy giây, “Câu hỏi của tôi là, người này làm sao mà chết ?”
Biểu hiện của các sinh viên đã nghiêm túc hơn khi nãy nhiều, khe khẽ bàn luận tất cả các khả năng có thể xảy ra, có lúc còn có người đỏ mặt tía tai tranh luận. Thầy Tôn có vẻ rất hài lòng trước thái độ hăng say của sinh viên, thầy chậm rãi đi qua từng dãy bàn, lớn tiếng nói: “Nhất định phải thận trọng, đáp án có thể vượt qua sức tưởng tượng của các bạn”.
Phương Mộc đã biết đáp án này từ lâu, không tránh khỏi có cảm giác tỉnh bơ đối với kiểu cố tình làm ra vẻ huyền bí của thầy Tôn. Đột nhiên Phương Mộc cảm thấy có một bàn tay đặt lên vai cậu, cậu ngẩng đầu nhìn, vừa vặn gặp phải ánh mắt của thầy Tôn.
Ánh mắt đó vẫn như đang cười, chỉ có điều trong đôi mắt ẩn giấu đằng sau cặp kính chợt phát ra một luồng ánh nhìn âm u lạnh lẽo, ngay cả nụ cười cũng khiến ta không lạnh mà run.
Bàn tay đặt lên vai đột nhiên ấn mạnh, Tôn Phổ hơi cúi người xuống, nói khẽ giống như thì thầm, “Câu hỏi thứ bảy, câu hỏi cuối cùng, không biết cậu có đoán được hay không?”

Chúng ta đều giống nhau thôi!

Kết cục của kẻ sát nhân trong Đề thi đẫm máu cuối cùng cũng giống với kẻ giết người hàng loạt trong tập đầu tiên, là độc giả thứ 7. Có điều, cả 2 cái chết, một bên là một tai nạn đáng tiếc, còn một bên là sự phản kháng và kế hoạch tài tình có phần may mắn của Phương Mộc. Từ yếu đuối và nạn nhân, anh đã bản lĩnh và trưởng thành hơn, có phần lạnh lùng đến tàn nhẫn.

Kẻ ác của “Độc giả thứ 7” đã ám ảnh Phương Mộc “thực ra, mày cũng giống tao thôi”, khiến cho anh mất ngủ hằng đêm vì ác mộng, vì mơ thấy người chết trở về.

Còn người thầy đã tạo ra Đề thi đẫm máu này, cuối cùng lại vô tình chữa lành được căn bệnh tâm lý đã theo Phương Mộc nhiều năm. Kết cục, là buồn hay là vui, có lẽ không ai đánh giá được. Cái hay của Lôi Mễ là khi kết thúc, màn Vĩ thanh luôn để lại nhiều dư âm cho độc giả suy ngẫm.

Dù sao thì, hành trình phá án của Phương Mộc cũng vừa mới chỉ bắt đầu.

Cùng tác giả: Tâm nguyện cuối cùng – thước phim đau khổ về cuộc đời làm cảnh sát

Link mua sách ủng hộ đội ngũ biên tập

  • Link 1 giảm 35% trên Tiki
  • Link 2 giảm 20% trên Fahasa