Tegami – Thư là câu chuyện về những lá thư trong tù của phạm nhân cướp của giết người Takeshima Tsuyoshi đến người em trai Takeshima Naoki. Nhưng Naoki lại chẳng mong muốn những lá thư đó gửi đến. Bởi đấy là minh chứng cho quá khứ, cho vết nhớ trong cuộc đời, cho định kiến mà miệng lưỡi thế gian dành cho anh – người nhà của phạm nhân.

Cũng như bao cuốn sách khác của Higashino Keigo, tiểu thuyết Tegami – Thư không đặt nặng ở yếu tố trinh thám. Các sự kiện xuất phát từ một vụ án, liên quan đến chất phá án chỉ là chất xúc tác, là tầng đá vỉa bên ngoài để tạo tiền đề cho câu chuyện phát triển. Tầng sâu ý nghĩa của tác phẩm nằm ở tâm lý, suy nghĩ nội tâm của từng nhân vật; là cách tác giả dẫn truyện, làm cho câu chuyện chảy trôi đầy tự nhiên song cũng vô cùng ám ảnh, day dứt. Như hơi thở cuộc sống: lặng lẽ trôi đi đầy vô tình mà khiến cả người trong cuộc lẫn những người xung quanh, ngay chính độc giả, nghĩ mãi chẳng thể dứt ra.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Thư - Higashino Keigo - review bởi reviewsach.net

Cũng vì câu chuyện nhẹ về yếu tố trinh thám, nặng về yếu tố tâm lý nên có thể nói, Tegami – Thư có một cốt truyện, nội dung hết sức đơn giản: Hai anh em nhà Takeshima mồ hôi cả cha lẫn mẹ. Người anh Tsuyoshi, để thực hiện khát vọng giúp em trai là Naoki vào đại học, đã làm việc cật lực đến nỗi sức khỏe kiệt quệ. Trong cơn tuyệt vọng vì thất nghiệp mà ngày thi đại học của em trai mỗi lúc một đến gần, Tsuyoshi đã gây ra tội ác: Cướp của giết người. Anh ta bị cảnh sát tóm gọn một cách nhanh chóng. Trong thời gian ở tù, Tsuyoshi được phép gửi cho em trai một lá thư vào mỗi tháng. Nhưng, một kẻ ở tù, cách xa với cuộc sống bên ngoài như Tsuyoshi, không biết được rằng sự tồn tại của anh ta, những lá thư mà anh ta gửi đã trở thành gánh nặng, bóng ma quá khứ mỗi lúc một đào sâu thêm sự định kiến mà người đời đối với Naoki, khiến cho Naoki, chẳng thể ngẩng mặt sống một cách chính trực trước cuộc đời. 

Với một cốt truyện đơn giản như thế, cũng không đao to búa lớn như nhiều tác phẩm sau này hướng đến những gì quá vĩ mô như luật pháp của một đất nước, vấn đề bảo vệ môi trường hay sự tồn vong của cả nhân loại…; Higashino Keigo đã tạo dựng được một tuyến nhân vật, không quá đông nhưng lại rất người, rất đời và rất thực. 

Đó là Takeshima Tsuyoshi, gần như không thấy bóng, không thấy hình nhưng lại luôn hiện hữu qua từng lá thư anh ta gửi. Vẫn nói, Tsuyoshi ở từng lá thư cứ hồn nhiên, vô tư, không nghĩ đến cảm nhận của những người bên ngoài, song, liệu điều đó có thật không? Sự cô đơn của kẻ chỉ biết nhìn thời gian qua đi, sự sám hối ăn mòn một con người hiện tại và mãi mãi về sau, sự ăn năn khi đã gây ra khó khăn cho người em ruột anh ta hằng yêu quý… Tsuyoshi vô tư ư? Hẳn là không phải. Mà anh ta chỉ cố tỏ ra vô tư bởi anh ta hiểu, anh ta không có quyền để thể hiện nỗi cô đơn để từ đó, đòi hỏi Naoki hay gia đình nạn nhân bất cứ điều gì. 

Tuy vậy, những lá thư của Tsuyoshi thực sự cần thiết? Về điều này lại chẳng thể cắt nghĩa rõ ràng bởi nếu làm rõ trên khía cạnh nào, cũng đều thấy nó thật nghiệt ngã. Nhưng riêng với Tsuyoshi, viết thư là cần thiết. Bởi đó là cách duy nhất anh ta, một phạm nhân cướp của giết người, đã mất đi quyền công dân còn có thể liên hệ với thế giới bên ngoài, là cách duy nhất anh ta khẳng định được rằng mình vẫn đang sống, đang tồn tại.

Đó là Takeshima Naoki, em trai của hung thủ, người đã cố vẫy vùng để vượt thoát khỏi vết nhơ trong quá khứ để làm lại cuộc đời, mà càng vẫy vùng, Naoki như càng chìm sâu thêm vào vũng lầy vô định. Vũng lầy đó có tên là định kiến, là miệng lưỡi thế gian về cái danh người ta gán cho anh “em trai của tội phạm cướp của giết người”. Mà không chỉ Naoki của hiện tại, gia đình anh sau này cũng là nạn nhân của định kiến ấy. Vì thế, Naoki có những hành động hết sức cực đoan, đã từng thử đối mặt với tất cả, những đến cuối cùng, thứ anh nhận về chỉ là trái đắng. Để rồi chính Naoki cũng kì thị bản thân mình. Để anh nhận ra, cuộc đời anh là một bản nhạc buồn đầy tuyệt vọng. Cũng như việc, dù anh có đoạn tuyệt, cũng chẳng thể thay đổi được sự thật Takeshima Naoki là em trai của Takeshima Tsuyoshi. Có thể nói chăng, Naoki, có gì đó thật giống với Ryoji hay Yukiho và rất nhiều nhân vật khác trong sáng tác của Keigo-sensei, dù ở hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, mang số phận này hay số phận kia, tất cả đều như đang lần dần bước đi vào màn “đêm trắng” không lối thoát.

Thư - Tegami

Và mỗi chương truyện qua đi, lại xuất hiện những nhân vật, có thể chỉ thoáng qua, cũng có thể đóng vai trò chủ đạo trong chương đấy, dù là vô tình hay hữu ý, đang góp phần mỗi lúc một tô đậm thêm màn “đêm trắng” mà Naoki đang bước. Họ, có tên tuổi, danh tính, nhưng đều như đại diện cho hai chữ “định kiến”, hai tiếng “trừng phạt” cho tội ác mà Tsuyoshi gây ra. Đúng như ông Hirano đã từng nói: “Họ kì thị là lẽ đương nhiên”, “Tội phạm bắt buộc phải nhận thức được chuyện này. Vấn đề không phải cứ vào tù là xong. Họ phải hiểu rằng sự trừng phạt không chỉ nhắm vào mỗi mình họ”.

Vì thế, đến cuối cùng, có lẽ chẳng thể trách cứ hay đổ lỗi cho bất cứ ai. Bởi mọi vấn đề, mọi suy nghĩ, mọi hành động của con người xuất hiện trên trang văn của Keigo-sensei đều hợp tình, hợp lý, hợp suy nghĩ mà một người bình thường sẽ nghĩ đến. Không thể yêu, không thể trách, không thể ghét hoàn toàn, chính vậy mà cõi lòng độc giả khi tiếp xúc với tuyến nhân vật trong Tegami – Thư lại càng thêm nặng nề, day dứt. Chẳng phải, con người vốn thích những gì rõ ràng sao? Nhưng bản chất đời sống lại chẳng khi nào rõ ràng, dễ dàng để người ta thấu hiểu, cắt nghĩa đến thế. Và mỗi bóng hình xuất hiện trong Thư, lại lần nữa xoáy sâu vào tâm trí những suy ngẫm, khắc khoải nhân sinh về hai tiếng con người, về hai chữ làm người giữa cuộc đời vốn thiện – ác đan xen như này.

Tuy nhiên, giữa sắc màu u ám, trầm uất của Tegami – Thư, vẫn có những cá nhân như Kurata, Shiraishi Yumiko hay Terao Yusuke , để ít nhất, người đọc còn thấy điểm sáng giữa màn “đêm trắng”. Họ có thể là người cùng chung hoàn cảnh như Naoki nên dễ đồng cảm, thấu hiểu cho nỗi đau của anh từ tận đáy lòng. Đó có thể người bạn chơi với Naoki bằng tất cả sự vô tư, trong sáng, hào sảng, nghĩa hiệp nhất. Họ là tình đời, tình người, để đến tận cùng, Tegami – Thư có đau thương, tuyệt vọng, có nghiệt ngã, tăm tối đến thế nào cũng vẫn còn hi vọng le lói về tương lai hay ngày mai.

Được viết vào năm 2003, có thể nói, mọi bối cảnh, không gian trong Tegami – Thư so với thời điểm hiện đại đều khá cổ kính. Nhưng chính sự cổ kính đó lại hợp với bầu không khí ngột ngạt, u ám như đêm trường bất tận đến lạ. Một không khí rất Nhật với những con người mất đi căn cước, đang vẫy vùng để có thể nói được lên tiếng nói cá nhân, để chứng minh rằng bản thân đang tồn tại giữa cuộc đời. Một Tsuyoshi mất quyền công dân vì làm điều ác vẫn cố níu giữ chút niềm con người cuối cùng qua việc anh ta viết thư đến những người xung quanh. Một Naoki muốn chối bỏ thân phận thật là em trai kẻ sát nhân để dựng lên căn cước mới, hi vọng có cuộc đời tươi đẹp hơn. Một Shiraishi luôn muốn Naoki sống thật mạnh mẽ, đường hoàng nhưng chính bản thân cô lại luôn sống trong cảnh lo âu, sợ sệt, chui lủi vì món nợ của người cha. Một Yusuke vật lộn trong ngành giải trí chỉ để khẳng định được cái tôi với quan điểm nghệ thuật: âm nhạc phải là âm nhạc, ở đó trước là chuyên chở tài năng của người nghệ sĩ, sau đấy mới đến thỏa mãn phục vụ số đông khán giả… Những con người của năm 2003, nhưng dưới ngòi bút của Keigo-sensei, lại hiện lên như con người Nhật Bản thời hiện đại nói riêng, như con người nói chung. 

Review sách Thư - Higashino Keigo

Ngoài một không khí cùng những con người rất Nhật để tạo nên cái riêng cho tác phẩm, Tegami – Thư còn là câu chuyện chung của con người trên thế giới, về tâm lý chung của loài người khi đối diện với những kẻ “lạc loài”, những ai thuộc về phần thiểu số. Phải, đó là tội phạm và người thân của tội phạm. 

Nếu như trong Akui – Ác ý, thành kiến tạo nên ác ý, từ ác ý mà cấu thành tội ác; thành kiến đó, xuất phát từ sự đớn hèn, từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Thì đến với Tegami – Thư, vẫn là câu chuyện thành kiến ấy nhưng định kiến bây giờ xuất phát từ chính tâm lý chung của người đời khi đứng trước tội ác. Kẻ phạm tội chịu sự phán xét của pháp luật, còn người thân của họ sẽ phải chịu phán xét của người đời: bị đối xử như người ngoài lề, bị xa lánh, kì thị… dù bản thân người đó không làm bất cứ điều gì sai. Keigo-sensei đã gọi đó là tâm lý tự bảo vệ, hành vi “chống phân biệt đối xử”, hay chính là phản xạ tự nhiên, không điều kiện của con người khi gặp phải một sự việc, trái với đường ray, quỹ đạo cuộc sống yên bình. Luật pháp, có thể chỉ là một thứ “thánh giá rỗng”, nhưng miệng lưỡi thế gian chính là thứ luật không tên, không văn bản ràng buộc tất cả những ai trong cuộc: cả kẻ phạm tội, gia đình tội phạm, và cả nạn nhân nữa.

Nhưng vì thế mà thứ luật không thành văn đẩy người trong cuộc mãi chìm sâu vào vũng lầy, vào “đêm trắng” chẳng thấy ngày mai. Đó là sự trừng đầy nghiệt ngã, đau đớn với một bộ phận thiểu số kia. Đến nỗi, lúc Naoki đủ dũng khí đối diện với người anh trai sau khi đã trải qua đủ thương đau, vẫy vùng mọi cách để vượt thoát quá khứ, vẫn nghẹn lại mà thốt lên: “Anh ơi! Naoki thầm gọi trong tim. Tại sao chúng ta lại sinh ra trên đời này”. Bài hát Imagine Naoki đã từng cất tiếng hát, xuất hiện thấp thoáng, trở đi trở lại, làm thành kết cấu đầu cuối tương ứng cho Tegami – Thư như chính nguyện vọng Naoki đã từng: một thế giới không còn ranh giới, một thế giới chẳng có phân chia, định kiến. Để rồi, Naoki lại chẳng thể cất tiếng hát lên lần nữa, bởi anh đã hiểu, nguyện vọng đó mãi chỉ lại vọng tưởng trước hiện thực tăm tối, phũ phàng.

Bên cạnh vấn đề : “Thành kiến trong lòng người khác như ngọn núi lớn, cho dù ngươi có cố dịch chuyển thế nào cũng chỉ là mơ mộng hão huyền.” (Thân Công BáoNa Tra Ma đồng giáng thế), Tegami – Thư còn là câu chuyện về sự lựa chọn của con người trong cuộc đời đầy những sự kiện mà chẳng ai có thể lường đến. Ngay lúc gây ra tội ác, Tsuyoshi đã đứng trước muôn vàn chọn lựa: có tiếp tục việc trộm cắp không? Có nên ở lại lấy gói hạt dẻ rang đường, có nên ở lại xem tivi, có nên giết người? Khi vào tù lại là việc lựa chọn: gặp em trai hay là không, viết thư hay là không? Naoki phải lựa chọn cách sống làm sao với cái danh em trai của kẻ cướp của giết người: đánh đổi ước mơ, tình yêu, công việc, và cuối cùng là mối quan hệ đầy oan trái,… Và cả những người khác nữa. Không biết chọn lựa đó là đúng hay sai, có giải quyết được tận gốc vấn đề hay không nhưng con người vẫn phải không ngừng lựa chọn cách sống, lối sống, tâm thế trước trường đời. 

Cuốn sách khép lại dưới hình thức mở, Higashino Keigo không nói tiếp đến cuộc đời Naoki, cũng không kể tiếp đến tương lai lúc Tsuyoshi ra tù. Chặng đường tiếp theo của hai anh em, vẫn tiếp tục là những phép thử và sai, bởi cuộc đời phía trước, còn nhiều lắm đau thương. Vì thế, với Tegami – Thư, độc giả có thể khóc khi người trong cuộc nói được lên tiếng nói từ tận đáy sâu tâm hồn họ, sau rất nhiều nghẹn ngào mà sáng tác của Keigo-sensei mang lại trước giờ.

Tegami – Thư, câu chuyện được kể từ hai điểm nhìn, hai ngôi kể: điểm nhìn của Tsuyoshi với ngôi kể thứ nhất qua những lá thư hắn gửi; điểm nhìn của Naoki với ngôi kể thứ ba qua cuộc sống anh phải trải qua sau ngày Tsuyoshi bị bắt giữ. Bởi thế, Keigo-sensei đã tạo lên được hai không gian truyện, hai tâm thế con người rất khác biệt: không gian trong tù và không gian ngoài xã hội, tâm lý tội phạm và tâm lý người nhà phạm nhân; cùng với đó là các mối quan hệ xã hội không dễ gì có thể làm ngơ, chối bỏ. Một tác phẩm, tưởng rằng nói lên những vấn đề cá nhân hết sức nhỏ nhặt, mà lại day dứt, ám ảnh lòng người mãi không thôi. Một câu chuyện, chứa đựng những khắc khoải nhân sinh mà chẳng ai có thể phân rõ đúng – sai, thiện – ác. Để rồi, trang sách cuối còn mở, mà những nghẹn ngào đã chảy thành nước mắt từ khi nào chẳng rõ. 

Mọt Mọt review