Một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác, anh bưu ta nọ phát hiện mình bị mắc ung thư giai đoạn cuối. Anh không quá suy sụp nhưng cú sốc này vẫn khiến anh kiệt sức đến ngất đi ngay trước cửa căn hộ. Tỉnh dậy, anh bưu tá thấy bên cạnh là một kẻ xa lạ. Hắn tự nhận bản thân là ác quỷ đến trao thêm cơ hội sống cho anh. Nhưng để nhận được cơ hội này, anh phải chấp nhận đánh đổi: mỗi ngày sống thêm là một thứ trên cuộc đời biến mất. Lần lượt điện thoại, phim ảnh, đồng hồ ra đi. Song khi ác quỷ yêu cầu loài mèo biến mất khỏi thế gian thì anh bưu tá đã phải suy nghĩ và đi tới quyết định cuối cùng…

Thế gian này nếu chẳng còn mèo*Cre: Page IPM

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
Cuốn tiểu thuyết đan xen thực ảo

Lấy bối cảnh một xã hội Nhật Bản hiện đại nhưng giữa bóng hình nước Nhật hết sức hiện thực hiện lên qua cảnh, người đến từng ngõ ngách hay những sự vật hết sức bình dị… trong tiểu thuyết Thế gian này nếu chẳng còn mèo còn đan xen không ít yếu tố kì ảo.

Điển hình chính là sự xuất hiện của Ác quỷ Aloha gần như ngay khi nhân vật “tôi” – anh bưu tá phát hiện anh bị ung thư giai đoạn cuối cùng. Ác quỷ hiện hình mang đến cho anh hi vọng sau lời thông báo như một “bản thông báo tử vong” – anh chỉ còn sống thêm được một ngày. Hi vọng đó gắn liền với giao kèo một ngày anh được sống thêm đồng nghĩa với một món đồ hắn chỉ định sẽ biến mất khỏi thế gian. Tuy nhiên, Ác quỷ vẫn cho phép anh có một ngày để tạm biệt tất thảy và đưa ra quyết định cuối cùng: chấp nhận đánh đổi hay không?

Cốt truyện cứ thế xoay vần quanh quanh mâu thuẫn được đặt ra đó: Anh cần sự sống, cần được sống, tôi cho anh cơ hội; nhưng cơ hội đấy không được ban phát một cách miễn phí mà phải trả giá; anh có chấp nhận? Và ngỡ rằng, với lối kể chuyện như vậy, Thế gian này nếu chẳng còn mèo sẽ thiếu điểm nhấn đồng thời đi vào ngõ cụt của một vòng lặp vô tận đổi chác – nhận về một ngày được sống. Tuy nhiên, tác giả Kawamura Genki đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện để mỗi sự vật qua ngày biến mất là kéo theo những dòng tâm sự, sự dằn vặt cùng trăn trở của anh bưu tá. Bởi, đó đâu đơn thuần chỉ là sự vật vô tri mà còn là tình cảm, kỉ niệm, là nơi lưu dấu quãng thời gian đã qua.

Và nút thắt tác phẩm thực sự được đẩy tới cao trào khi Ác quỷ muốn chú mèo Bắp Cải anh bưu tá nuôi biến mất, tiếp sau điện thoại, phim ảnh, đồng hồ. Biến mất cho một ngày anh được sống… Tới đây, không còn là sự vật nữa, mà đã trở thành sinh vật, cùng sẻ chia với anh bưu tá ký ức về gia đình, mà rộng hơn, bé mèo Bắp Cải đã thực sự trở thành người thân bên cạnh anh. Bởi thế, cốt truyện tưởng chừng đơn giản mà biến hóa không ngừng, có thắt nút, mở nút; có vấn đề, sự phát triển, cao trào, sự giải quyết cao trào.

Bằng lối hành văn giản dị song đầy cuốn hút, ám ảnh; có thắt nút, mở nút, có khởi điểm vấn đề, phát triển, cao trào; những dòng suy nghĩ miên man bất tận, cân nhắc, đắn đo của từng nhân vật, đặt biệt là anh bưu tá hiện lên sống động qua từng con chữ. Đặc biệt qua cặp từ nhân quả: “Nếu… thì…”. Phải, nếu thứ này biến mất thì sao? Thứ đấy biến mất để bạn sống thêm một ngày sẽ thế nào? Câu hỏi cứ thế trở đi trở lại mang nặng tâm tình thế thái. Ngoài ra sự đan xen giữa thực – ảo, quá khứ – hiện tại cũng làm nên nét đặc sắc trong câu chuyện của Kawamura Genki. Rồi, trang tiểu thuyết nhỏ khép lại mà giá trị nhân văn vẫn trĩu nặng. Rằng trong cuộc đời, “không có bữu ăn nào miễn phí”, “trao đổi đồng giá” vẫn luôn diễn ra. Và con người, đứng giữa mối quan hệ cho – nhận đấy, có sẵn sàng đánh đổi tất thảy cho cái tôi vị kỷ hoặc sẽ sống trọn cuộc đời ngắn ngủi để gìn giữ những gì là thân thuộc nhất? Thế gian này nếu chẳng còn mèo, bởi thế đâu chỉ là câu hỏi giả định của anh bưu tá, mà hơn cả, đó còn là câu hỏi giả định đầy tính biểu tượng. Rằng người ta có thể sống trong đời vô thường này mà chẳng còn quá khứ, ký ức, kỉ niệm, tình cảm, yêu thương hay chăng?

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bởi dung lượng tiểu thuyết Thế gian này nếu chẳng còn mèo khá cô đọng nên không tránh khỏi, nhiều chi tiết tác giả Kawamura Genki đặt ra nhưng không giải quyết triệt để. Như việc bạn gái cũ của anh bưu tá sống trong rạp chiếu phim, vậy khi phim ảnh biến mất, cô ấy sẽ chuyển đi đâu? Hay anh bạn thân của tôi làm việc trong tiệm băng đĩa, phim ảnh biến mất, cuộc sống của anh ta sẽ như thế nào? Hoặc như nếu tôi chết, liệu thế giới có bình thường trở lại với những điện thoại, phim ảnh, đồng hồ? Đây là yếu tố khiến độc giả hẫng hụt khi câu chuyện kết thúc, song có lẽ chăng cũng là dụng ý Kawamua Genki muốn mở rộng trường liên tưởng của độc giả, về cuộc đời của anh bưu tá bình thường và rất mực gần gũi kia.

Thế gian này nếu chẳng còn mèo Kawamura Genki

*Cre: Page IPM

Kiểu nhân vật tâm lý với cái tôi phân mảnh

Tiểu thuyết Thế gian này nếu chẳng còn mèo được viết từ ngôi thứ nhất, anh bưu tá, người kể chuyện xưng “tôi” tự kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Vì thế, theo giọng kể như thủ thỉ, tâm tình của anh bưu tá, độc giả sẽ được chiêm nghiệm dòng suy nghĩ nội tâm đầy sâu sắc của nhân vật. Đó là tâm can một người gần đất xa trời đấy mà không hề khô khan, triết lý, giáo điều mà chân thực, có buồn thương, lắng lòng nhưng khắc khoải lạc quan, tin tưởng.

Đặc biệt ở lựa chọn cuối cùng: giữa loài mèo và sự sống, anh bưu tá đã đưa ra lựa chọn đứng về nơi lưu giữ ký ức. Câu chuyện mang kết mở như chính cuộc đời anh bưu tá vẫn bỏ ngỏ đó một ngày cuối cùng anh ở trên cõi đời. Anh bưu tá, một nhân vật không có định danh cụ thể mà chuyên chở giá trị sống đầy nhân văn: Lựa chọn được sống là tất nhiên nhưng lựa chọn để chết cũng không phải là một lựa chọn quá sức đớn đau song không hề dễ dàng.

Song hành cùng “tôi” – anh bưu tá là một nhân vật hết sức đặc biệt, ác quỷ – Aloha. Hắn hiện lên với một vẻ tưng tửng, dửng dưng, tùy tiện, rất thiếu nghiêm túc, chẳng có dáng vẻ giống “ác quỷ trong truyền thuyết”. Nhưng mỗi một phán quyết hắn đưa ra là một lần đẩy nhân vật vào tình thế khó khăn phải lựa chọn sống còn được mất. Quả tình, ác quỷ, dẫu dưới vỏ bọc nào, vẫn là ác quỷ.

Và ác quỷ tên Aloha, song hắn cũng tựa như tấm gương phản chiếu bản thể thật của con người. Nhất là vào giây phút người ta bị đẩy tới bờ vực tàn lụi, bóng hình ác quỷ lại càng hiện lên rõ rệt để con người soi chiếu quá khứ đã qua, để người ta được sống thật với bản thân vào khoảnh khắc cuối đời. Như cách anh bưu tá đối thoại với ác quỷ mà chẳng khác chi với chính bản thân cùng bao giả định “nếu… thì…” và cuối cùng phải chăng chính là “nếu biến thành ác quỷ để sống thêm một ngày, anh có chấp nhận?” Ác quỷ – con người, tuy hai mà một như vậy đó.

Ngoài ra, cuốn sách này còn một nhân vật khác cũng khá thú vị, đó là chú mèo Bắp Cải. Một nhân vật dường như chỉ xuất hiện vào những giờ khắc quan trọng, đã gắn bó cùng anh bưu tá trong bốn năm anh sống độc thân. Một chú mèo kết nối hiện tại – quá khứ giữa anh với gia đình. Gợi anh nhớ về người mẹ quá cố, để anh hiểu rằng, có lẽ anh với cha cũng không hẳn không thể hòa hợp với nhau. Và chính Bắp Cải cũng giúp anh đưa ra lựa chọn, dù không đơn giản nhưng chắn chắn là lựa chọn khiến anh thanh thản nhất. Bắp Cải, chú mèo nhỏ mang ý nghĩa tựa chiếc mỏ neo níu giữ tính người trong anh bưu tá, đồng thời, cho anh hiểu thấu chân giá trị sự sống, giản dị đấy, mà dường như trong khoảnh khắc, anh đã lãng quên.

Thế gian này nếu chẳng còn mèo IPM

*Cre: Instagram yurrabbit

Thước phim điện ảnh được thể hiện qua ngôn ngữ văn chương

Trước khi bén nghiệp văn chương, Kawamura Genki vốn là một đạo diễn phim đã khá thành công nên không có gì ngạc nhiên khi Thế gian này nếu chẳng còn mèo lại đẹp như một thước phim điện tới vậy. Quả thực, tác phẩm mang đầy đủ yếu tố của một bộ phim điện ảnh mẫu mực với đầy đủ mở đầu, cao trào, giải quyết cao trào. Có thể nói, Kawamura Genki đang dùng chính ngôn ngữ văn chương, thay thế cho ngôn ngữ điện ảnh để phát sóng bộ phim mang tên Thế gian này nếu chẳng còn mèo. Thước phim hiện thực đan xen huyền ảo nhưng vẫn rất mực dung dị đậm nét Nhật Bản, vừa truyền thống, vừa hiện đại với những con người vẫn chới với giữa dòng đời còn lắm sự chọn lựa nghiệt ngã. Anh bưu tá không có tên cụ thể, bởi anh là “tôi”, cũng có thể là bạn, là tất cả chúng ta; sống hôm nay, chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, nên chỉ tiếp tục sống, bằng sự bình thản rất mực để đón nhận thanh âm sự sống dội về.

Và với vị trí là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Kawamura Genki thì Thế gian này nếu chẳng còn mèo thật sự ghi dấu thành công đầu tiên của anh trong sự nghiệp văn chương, bên cạnh sự nghiệp điện ảnh vốn đã nở rộ.

Mọt Mọt