Thông qua chuỗi bi kịch đầy đớn hèn của một nhà giáo, sử dụng nghệ thuật tương phản một cách kỳ quặc, tiểu thuyết “Phong nhã tụng” của Diêm Liên Khoa là một bức tranh siêu hiện thực về người trí thức đương đại Trung Quốc.

Phong nhã tụng reviewsachonly

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Đọc thêm:

Phó giáo sư hay hèn đại nhân?

Kinh Thi là một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo, là kết tinh cũng là minh chứng cụ thể cho sự phát triển văn hóa của miền Bắc Trung Quốc thời cổ đại. Nguồn gốc của Kinh Thi khá phức tạp, từ ca dao, dân ca, nhã nhạc được ghi chép lại thành văn rồi thành kinh điển, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời. Nội dung Kinh Thi gồm có ba phần lớn (Phong, Nhã, Tụng) và ba thể (phú, tỷ, hứng) mà cổ nhân đã gọi là sáu nghĩa của Kinh Thi.

Theo dòng lịch sử thăng trầm, Kinh Thi đã trải qua quá trình sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn cực kỳ công phu của nhiều học giả uyên bác, và được truyền dạy cho lớp lớp đời sau. Dương Khoa – nhân vật chính của “Phong nhã tụng” – là một giảng viên giảng dạy Kinh Thi tại trường đại học Thanh Yên, đồng thời là một Phó giáo sư Văn học tâm huyết với nghề, say mê học thuật. Y quyết tâm tạm xa vợ để đến “mảnh đất riêng” của mình, và cuối cùng thai nghén thành công bản thảo chuyên đề “Phong nhã chi tụng – nghiên cứu về nguồn gốc tinh thần Kinh Thi”.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, ánh sao trong mắt y vỡ vụn khi ngày về chứng kiến cuộc gian dâm giữa vợ y và cấp trên ngay trên chính chiếc giường ngủ của hai vợ chồng. Tình huống kịch tính là vậy, nhưng phản ứng của Dương Khoa khiến người đọc phải “lau mắt mà nhìn”, đồng thời cảm thán cho sự đớn hèn bất lực của người trí thức trước sức mạnh của quyền lực và của học hàm học vị, thậm chí đánh rơi mất bản lĩnh cơ bản của một người đàn ông.

Bản tính nhu nhược lại thích nổi tiếng, Dương Khoa nhẫn nhục để mọi chuyện trôi qua như một trò hề. Nào ngờ tăng học hàm, tăng lương, xuất bản sách đâu chẳng thấy, thứ chờ đợi y lại là bệnh viện tâm thần. Dương Khoa tìm đến phép thắng lợi tinh thần để ru mộng mình, y say sưa giảng Kinh Thi cho bệnh nhân tâm thần và gái điếm, giữa những tiếng hoan hô nồng nhiệt, y đê mê trong cảm nghĩ được trọng thị, được tôn vinh.

Sau đó là một chuỗi sự kiện đầy hoang đường, một thế giới lộn trái, đảo điên. Dương Khoa là một học giả, hay là một tên hề, một kẻ điên? Y tự lừa mình dối người để sống trong vinh quang giả tưởng. Tinh thần AQ đã từ từ nhuộm đen cuộc đời y. Dương Khoa lạc vào mê cung tội lỗi, y từ người thật thà thành kẻ dối trá, từ người bị phụ bạc thành kẻ phụ bạc, từ người nhu nhược thành kẻ giết người.

“Phong nhã tụng” xoay quanh cuộc đời đầy điên dại của học giả Dương Khoa, qua chuỗi sự kiện trong các mối quan hệ với người thân, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp,… quy tụ thành một xã hội đầy đủ các thành phần, từ đó bộc lộ bản chất con người, đặc biệt là bản chất của người trí thức trong xã hội Trung Quốc đương đại.

Rốt cuộc, Phó giáo sư hay hèn đại nhân? Đều phải. Đều là trí thức Dương Khoa với một bụng Kinh Thi và một cuộc đời hèn mọn đấy thôi!

Siêu hiện thực hoang đường.

Theo chữ của Diêm Liên Khoa, tác phẩm “Phong nhã tụng”:

“Như một quái vật đến từ biển cả, hoặc rừng sâu, người ta trước kia hình như đã từng nghĩ đến hình hài của nó, lại hình như xưa nay chưa nghĩ đến bao giờ, hình như đã từng nhìn thấy bóng dáng của nó, lại quả thật chưa nhìn thấy bao giờ.”

Hình như đã từng lại hình như chưa từng, Diêm Liên Khoa khéo léo soi rọi vào những góc khất của nhân tính và xã hội, của hiện thực hiệu hữu mà đa số người hằng tránh né hoặc không phát hiện, của siêu hiện thực đầy hoang đường vốn tồn tại nhưng đa số người không dám nhìn nhận.

Nhà văn sử dụng nghệ thuật tương phản một cách kỳ quặc, để làm bật lên thứ hiện thực khó tin đến mức hoang đường.

Trung Quốc vốn xếp trí thức vào bậc đầu trong Tứ dân (Sĩ, Nông, Công, Thương), là kẻ sĩ trong thiên hạ, là tầng lớp tinh anh, là những người có ảnh hưởng lớn đến nhân cách và đạo đức của xã hội… còn nhóm người lao động cấp thấp, kỹ nữ, gái điếm được xếp vào tầng lớp Tiện nhân. Ấy vậy mà trong “Phong nhã tụng”, trí thức hầu như không có phẩm chất của người quân tử, họ đều là những kẻ bị tha hóa. Dương Khoa hèn hạ nhu nhược, Triệu Như Bình phản bội gian manh, Lý Quảng Trí nham hiểm độc ác, đám đồng nghiệp như cỏ đầu tường, xa lánh người hoạn nạn, luồn cúi người quyền thế. Ngược lại, nhóm người dưới đáy xã hội tuy không biết chữ lại sống nghĩa tình, thật thà, thủy chung và cao thượng.

Sự tương phản bóc trần và tôn lên hiện thực. Triệu Như Bình mới là gái điếm, điếm trong sinh hoạt cá nhân và điếm trong khoa học, một gái điếm được tượng danh nhân! Dương Khoa tâm lý bệnh hoạn, y có thể có tài nhưng hoàn toàn không có bản lĩnh, gặp khó khăn lại rụt mình vào vỏ, dùng phép thắng lợi tinh thần để vỗ về bản thân. Khi phát hiện ra thành tựu nghiên cứu của mình bị đánh cắp và sự dụng ngang nhiên, Dương Khoa phát điên. Y trốn chạy hiện thực rồi tìm về “thế giới mới tươi đẹp” mà y kiến tạo nên – một thế giới của người điên và gái điếm, nơi tất cả “đều trở nên công bằng và hợp lý” bằng việc bốc thăm, từ ăn ngủ, làm việc, nghỉ ngơi, chơi bời, tình dục…

Qua đôi mắt sắc lạnh và tấm lòng ấm nóng tha thiết với thời cuộc của Diêm Liên Khoa, thế giới đảo điên trong “Phong nhã tụng” đặt cái nhìn trực diện vào sự suy đồi nhân cách trí thức, đồng thời đặt dấu chấm hỏi vào hệ thống giáo dục. Tác phẩm lột tả hiện thực đầy nhiễu nhương của Trung Quốc đương đại, của giới trí thức trong guồng quay danh lợi sẵn sàng chà đạp lên những giá trị chuẩn mực cơ bản nhất.

Giới phê bình văn học Trung Quốc cho rằng Diêm Liên Khoa có phẩm chất của một nhà văn vĩ đại. Vĩ đại bởi vì, khi đa số muốn rời bỏ trách nhiệm thời đại và xã hội trong nghệ thuật thì Diêm Liên Khoa là một trong số ít nhà văn tự nguyện còng lưng gánh cái khó lên đôi vai của mình. Là một cây bút mang đầy dũng khí và trách nhiệm xã hội, Diêm Liên Khoa được xưng là bậc thầy của chủ nghĩa siêu hiện thực (super-realistic).

Cuốn tiểu thuyết “sống” cuộc đời kịch tính như tiểu thuyết.

“Phong nhã tụng” ra mắt độc giả Trung Quốc lần đầu vào tháng 6 năm 2008, đến nay đã được chuyển ngữ và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể đến Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thế nhưng 14 năm qua của “Phong nhã tụng” không hề suôn sẻ, cũng có thể nói là lên voi xuống chó.

Chật vật ngay từ những bước đầu tiên, bản thảo được nhiều nhà xuất bản khen hay nhưng chẳng nhà nào dám ra sách. Mãi về sau, Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô hợp tác với Công ty xuất bản Liên Động quyết định phát hành 16 vạn cuốn. “Phong nhã tụng” vừa ra mắt đã gây ra một trận oanh động lớn, bị chê tới nơi, cũng được khen tới bến, có kẻ đòi đốt sách, lại có người đề nghị trao giải Nobel… có lẽ bởi hiện thực mà nó lật tẩy quá mức “rát mặt” đối với giới trí thức vốn có danh vọng khá cao trong xã hội.

Ngay trong năm 2008, “Phong nhã tụng” đã lọt vào bảng xếp hạng duy nhất của Nam Phương Châu Báo (một tờ báo lớn rất có ảnh hưởng ở Trung Quốc, mỗi năm đều bình chọn bảng xếp hạng gồm một bộ phim, một vở kịch, một quyển sách phi hư cấu và một tác phẩm hư cấu). Đồng thời, Hồng Kông cũng đã trao giải “Mười quyển sách hay tiếng Hoa toàn cầu 2008” cho “Phong nhã tụng”.

Tại Việt Nam, Nhà xuất bản Dân Trí phát hành “Phong nhã tụng” vào tháng 9 năm 2010, với giá bìa 89000 đồng. Điều đáng nói là thị trường sách lúc ấy khá đìu hiu, suốt sáu đến bảy năm sau đấy “Phong nhã tụng” vẫn thường xuyên xuất hiện tại các quầy đồng giá 30000 đồng, thậm chí là 20000 đồng trong hội sách.

Giới mộ điệu giai đoạn ấy nhận xét về các đầu sách của Diêm Liên Khoa rằng, có vẻ như bi kịch người trí thức trong “Phong nhã tụng” đã không lôi cuốn người đọc bằng mối tình vụng trộm của anh lính cần vụ trong “Người tình phu nhân sư trưởng” hay chuyện tình cũng vụng trộm nốt của đôi trai gái làm Cách mạng trong “Kiên ngạnh như thủy”.

Ấy vậy mà, vài năm gần đây giới đọc sách và sưu tầm sách bỗng dưng nhiệt tình hẳn với “Phong nhã tụng” khiến nó trở nên quý hiếm, nhiều nhà sách cũ bán với giá gấp năm gấp sáu lần giá bìa mà vẫn hết nhẵn, nhiều người tìm mấy năm nhưng chẳng mua được. Có lẽ, tái bản mới giải quyết phần nào được tình trạng này.

Xuất bản chật vật, tiếp cận độc giả cũng lận đận không kém. Bản thân “Phong nhã tụng” không hề thay đổi, điều thay đổi là thái độ của độc giả dành cho nó. Điều thay đổi này, là do đâu?