Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính,… biết bao là kì tài văn chương lúc bấy giờ, biết bao là kỉ niệm thuở vàng son vang bóng, biết bao những náo nhiệt, say mê, đau đớn của tuổi trẻ,… Tô Hoài đã gói trọn cả đời mình trong cuốn hồi kí ấy, và cũng gói trọn cả thời đại của mình trong những dòng chữ thấm đượm khao khát mà đớn đau.

Tô Hoài – Nguyễn Tuân

Tô Hoài bắt đầu miêu tả về Nguyễn Tuân một cách đầy dò xét, với những “tư liệu” chủ yếu thông qua vài người bạn hay những lần bắt gặp ít ỏi. Nguyễn Tuân trong tâm trí ông khi ấy là nhà văn chơi chua khác đời: “Khăn lướt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bút tất dận giày mõm nhái Gia Định”. Chẳng những cái kiểu ăn mặc thật khác thường mà cả tính tình lẫn văn chương Nguyễn Tuân cũng khiến nhiều người khi đó phải lôi ra bàn qua bàn lại, có người say như điếu đổ, có người lại không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng ấy. Thế nhưng chẳng biết từ bao giờ, Tô Hoài lại dần bị cuốn vào cái tư chất lạ lẫm ấy của Nguyễn Tuân, lặng lẽ qua sát người đồng nghiệp hơn mình mười tuổi qua những tác phẩm in trên tuần báo, qua vai diễn người đi săn ở kịch Ngã ba, qua lần bắt gặp ở nhà hàng Hoàng Gia, qua những báo cáo của Như Phong ở buổi họp bí mật của hội Văn hóa Cứu quốc,… Hai con người ấy chẳng từng quen biết, không chút thân thuộc, chỉ “nhẹ vương” vào đời nhau bằng những lời đồn thổi xa gần hay những lần vô tình bắt gặp giữa Hà Nội náo nhiệt, rộng lớn. 

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Link mua sách:

Dòng kí ức cứ lần lướt, hết kể về mấy cái thói quen ăn uống, quán xá của Nguyễn Tuân, lại khẽ nhắc mấy dòng về cái thập niên hồi tác giả còn đương bôn ba khắp chốn. Những mẩu chuyện của hai cá nhân tách biệt lại đan xen cùng những kỉ niệm trên chặng đường chung, luân phiên nhau choán lấy tâm trí người đọc. Đó là một bức tranh bình thản, nhẹ nhàng nhưng cực kì chi tiết, vô cùng tỉ mỉ. Tựa như không thiếu mất bất kì cái bộ dáng nhỏ nhặt nào của Nguyễn Tuân: từ lúc ngồi lặng lẽ bên cốc cà phê nguội ngắt trên đường Hà Nội, đến lúc ăn phở tinh tế mà cũng kén chọn đủ đường, và cả khi mạnh mẽ trèo đèo lội suối với tinh thần người chiến sĩ,… Những ghi chép lặng lẽ ấy đủ để cho ta thấy niềm trân trọng cháy bỏng trong trái tim Tô Hoài đã trói chặt kí ức ấy thế nào.

reviewsach.net. cat bui chan ai
Ảnh: @__.hattnemm

Bức chân dung những tài văn thế kỉ

Nếu nói chương 1 là thế giới kỉ niệm của Tô Hoài với khách mời là Nguyễn Tuân – chậm rãi và tuần tự, thì chương 2 lại là một bức tranh hồi ức đông vui, sống động đến náo nhiệt hơn hẳn. Đâu là Nguyên Hồng, Kim Lân, Ngô Tất Tố, đâu cả Nguyễn Bính, Văn Cao,… mỗi người một nết, một vẻ, quyện thành sắc mài, phong phú và rạo rực đấy, mà cũng dở khóc dở cười.

Lúc bấy giờ, tất thảy bọn họ đều đang đương đầu một cách đầy bỡ ngỡ với biết bao thứ mới mẻ của một cuộc chuyển vần thế kỉ, của một thời đại mới. Mà khi ấy, Tô Hoài cũng vừa được giao đảm nhận công việc ở các nhà xuất bản, bắt đầu bận rộn bên những công tác văn chương, báo chí cùng anh em đồng nghiệp. Thế là lại có hẳn một thiên truyện vui buồn lẫn lộn, về cái tháng năm đầy sôi nổi mà cũng thật lắm điều ồn ào xoay vần làm người ta chếnh choáng.

Ngòi bút của chương đầu phần như khá giữ mình, thấm đôi chút lạ lẫm và dè dặt, chỉ dừng lại ở những kỉ niệm lê la quán xá, công tác cùng nhau. Nhưng tới chương 2, ta lại thấy nhà văn len lỏi sâu hơn, bắt giữ chặt hơn những góc nhỏ ngày thường, những góc đời riêng tư và lặng lẽ của các tài văn chương thế kỉ. 

Cả trăm điều dở khóc dở cười chốn công sở. 

Tô Hoài đã cho ta thấy một góc khác của Nguyễn Bính, bằng một cái nhìn trực diện với điểm nhìn gần nhất. Ông không ngại kể thẳng thừng mấy tật xấu của Nguyễn Bính, viết lên giấy một con người không còn đậm chất thơ, không được tinh tế mê đắm như chính cái vần thơ của người thi sĩ ấy. Tô Hoài viết về ông với một hình ảnh thường xuyên say xỉn, với những cùng quẫn tự chuốc, những đau thương vơ vào, mình lại đày ải mình, thân làm tội đời, cứ thế miên man và xuyên suốt cho tới tận những ngày sau mà mãi vẫn không nguôi.

Nguyên Hồng thì hay khóc, ngắn gọn có thể nói là vậy. Kể như chỉ tới ăn một bữa bánh tráng của bà Lâm mà “hàng nước mắt đã chan chứa hai gò má, rồi lại ngồi xuống nhồm nhoàm ăn, nước mắt vẫn lã chã.”. Cái cảm xúc luôn dâng trào không màng lúc nào hay chỗ đâu ấy, được Tô Hoài đỡ vui gọi là “những cảm hứng giữa đường giữa chợ” đã như một thói quen với tất cả anh em, bạn bè xung quanh. Hay rõ ràng nhất phải kể đến câu chuyện phê bình của các nhà văn. Riêng mình Nguyên Hồng mà kiểm điểm một buổi vẫn chưa xong. Người ta sợ đụng đến, lại phân tích, lại bổ sung, lại tôi xin góp ý với đồng chí thì chắc chắn lại như hôm qua, rồi hôm kia, Nguyên Hồng xòe bàn tay lên chồng báo, vuốt vuốt, mếu máo nói, nước mắt như trút… Thế là không ai nói chen vào được nữa. Và hẳn là không ai giám hỏi thêm câu gì. Nguyên Hồng hiện lên như một nét chấm vui lạ thường, buồn khó hiểu, hơn thế cũng thật cả tin và hồn nhiên tới lạ. Có chăng vì thế mà làm điểm lên giữa những trang văn chất chứa đầy phức tạp, đan xen của cơ quan, của thời đại, một tiếng cười nhẹ trong sáng, một chút vui tươi, hài hước bật ra khỏi bức bối, đè nén buổi đương thời.

Thời đại nhiệt huyết mà hỗn loạn

Tập kí mở đầu càng bình thản bao nhiêu thì những chương khép lại càng giông tố, đau thương bấy nhiêu. Bọc quanh con chữ sao toàn những bom đạn giằng xé, tiếng còi báo động siết lấy những bàn phở gà che mái lá. Một Hà Nội sống động và náo nhiệt, ngày đêm đón những đợt máy bay lượn trên đầu, oằn mình giữa đợt bom xối xả. Thế nhưng giọng văn vẫn nghe như bình thản. Không than phiền hay đau đớn, cứ điềm tĩnh khắc lên từng hồi ức, hệt như sự vững chãi của sự sống nơi đây – liên tục sinh sôi, chuyển động bất chấp mỗi lần đổ sập, mất mát. 

Vậy mà ở trang cuối cùng, người ta thấy những dòng cảm thán hiếm hoi, hoặc có lẽ là duy nhất. Những cảm xúc lẫn lộn chưa kịp thành hình, in trong trái tim Tô Hoài rồi cả lên trang văn tập kí, sau cái chết đột ngột của Nguyễn Tuân. Cái chết ấy chấm dứt quyển bút kí của Tô Hoài, và đâu đó có chăng, tựa như dấu chấm lửng của một thời đại vàng son vang bóng.

Đẫm tình dẫu không một lời thương

Đọc hồi kí, người ta chê Tô Hoài sao mà vô tình, sao mà tàn nhẫn thế! Hết vạch trần mọi tật xấu, mọi gàn dở của bạn đồng môn lại kể chuyện với những con chữ ít tình, nhiều thực họa. Ai biết chăng, cái tình ấy đã pha vào biết bao hỗn loạn của thời đại, đã chìm trong bao xót xa âm ỉ của một thời tuổi trẻ. Tô Hoài phải yêu, phải giữ trong tâm sâu sắc đến mức nào, mới có thể đem tất thảy mọi chuyện: ăn uống, công tác,… viết ra rành mạch, sống động đến thế. Những con người tài hoa ấy đã bỏ qua mọi gàn dở, ngang ngược của nhau để làm bạn, để sống và đối đãi với nhau một cách chân thật nhất, trọn một kiếp người.

Đọc một lần thì thấy Tô Hoài như đang “vạch áo cho người xem lưng” hết cả giới văn chương bấy giờ. Nhưng càng ngẫm, ta lại càng ngậm ngùi cho những kiếp đời, kiếp tình ấy. Ông không nói thương, nói buồn, chẳng bảo vui hay ghét, giọng nói văng vẳng suốt cả áng văn cứ như điềm nhiên, phẳng lặng, không thấy đâu những gợn của sóng tình. Niềm thương của Tô Hoài được gửi ở chính những cái xấu, cái dở của bạn bè mà ông chọn viết. Đó là những thứ khiến các bậc thi nhân “ôm trọn khối đời” mà ta vẫn tưởng, trở nên “người thường” hơn bất kì người thường nào khác. Tình yêu của nhà văn đối với mỗi ai trong số họ đều xuất phát từ chính con người đầy khiếm khuyết dở người ấy, chứ không phải một Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính,… lẩn khuất sau những trang văn. Người này tính này, người nọ tật kia, chả ai giống ai, nhưng điểm chung của họ là đã sống trọn đời mình cho văn chương, cho khao khát say tình đắm mộng, cho hoài bão thay đổi thời đại. Mà những mãnh liệt, cuồng nhiệt ấy, đã bị năm tháng mài mòn, rút cạn, cuối cùng kẻ đi người ở, chấm hết một kiếp duyên nhân sinh đầy xáo động.