Người đàn bà trong đêm - Review bởi reviewsach.net

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tác phẩm Người đàn bà trong đêm – Phantom Lady được xuất bản năm 1942, thu hút độc giả bởi nhân vật người phụ nữ “biến mất” tựa hư không giữa thời khắc sinh tử cần cô ta nhất. Không phải là sự rượt đuổi gay cấn giữa thám tử và tội phạm, mà là nỗi hỗn độn lòng vòng của những nỗi sợ tăm tối, nỗi sợ thứ thực nhất, gần ta nhất rồi cũng có thể đột nhiên “hóa thinh không” – một tâm trạng thực tế của tác giả khi ông sống giữa bối cảnh cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, khi mà bất cứ thứ gì dù có nhỏ bé bình thường hay to lớn lộng lấy đến bao nhiêu, cũng có thể trở nên hoang tàn bất cứ lúc nào không biết – một tâm trạng đeo đuổi Cornell Woolrich trong suốt những tác phẩm trước và sau này. 

Một tác phẩm trinh thám với văn phong hoàn toàn “độc lạ”

Mở đầu câu chuyện, tác giả sử dụng lối nói ngắn gọn pha chút chế giễu; bởi nhân vật chính của chúng ta – anh Scott Henderson quả thực đang ở trong một bộ dạng khiến người ta “chú ý”. 

Giữa không gian thấm đượm sự ngọt ngào của những buổi hẹn hò giữa lòng thành phố náo nhiệt, Henderson nổi bật lên như một cục u xưng xỉa toát ra mùi “cáu bẳn”. Anh ta cứ thế đẩy cái bộ mặt nhăn nhúm ra trước mà đi, bước đi nặng nhịp hậm hực, nóng nảy.

Lối miêu tả nhân vật độc đáo và đậm chất cá nhân của nhà văn Cornell Woolrich: bắt đầu từ những nét nhỏ thực tế trên ngoại hình mà vẽ ra nội tâm đa màu sắc bên trong; sử dụng văn phong đầy tính suy diễn, như thể bản thân tác giả cũng chỉ là một kẻ qua đường vô tình có thứ gì đập vào mắt – tò mò quan sát rồi đoán già đoán non. 

Việc áp dụng lối hành văn ấy tạo nên một cảm giác đầy chủ quan cho những dòng mô tả trong truyện nhưng cũng có thể lại là sự đồng cảm – đồng hành cùng độc giả truyện trinh thám – những người cũng chỉ là kẻ đứng ngoài đang mải mê tưởng tượng ra hết điều này đến điều nọ, khó mà chắc chắn điều gì cho tới khi cuốn sách đi đến hồi kết. 

Từ đó, Cornell Woolrich mang đến một trải nghiệm mới mẻ trong tâm trí người đọc khi thưởng thức một câu chuyện trinh thám đặc trưng do ông viết – không những bằng chứng sắc sảo, không cả những dấu vết kinh hoàng,… chỉ trơ ra là sự vận hành quá đỗi bình thường của nhịp sống, những sự việc mà ai cũng chấp nhận rằng chúng rất đỗi “đời thường”: đi ăn, xem nhạc kịch, cãi vã,… Bởi khác với các “định kiến” thường thấy về thể loại trinh thám, rằng: mọi sự kiện liên kết với nhau theo một chuỗi logic hành vi; nhà văn đã thể hiện một cái nhìn mới: Cuộc đời giống như một phương trình chứa đầy những biến số, và khi những biến số ấy bắt đầu xoay chuyển thì mọi điều “thường thấy” sẽ biến đổi theo cách mà chẳng ai ngờ tới.

Tập hợp của những điều bình thường làm nên sự bất thường

Câu chuyện bắt đầu bằng những quyết định “vu vơ” hoàn toàn ngẫu nhiên của anh chàng Scott Henderson. 

Lẽ ra Henderson sẽ có một lịch trình với vợ mình như những gì có trong lịch trình “lãng mạn” của các cặp đôi tối nay, nhưng một trận cãi vã đã khiến mọi thứ hỏng bét, và giờ thì anh ta lang lang thang trên phố, mỗi một bước chân là một lần trút giận, chẳng còn quan tâm mình đang đi đâu hay đếm xỉa đến những địa điểm vốn đã được chuẩn bị sẵn trong dự định.

Cứ thế cho tới khi anh ta gặp người phụ nữ đó, ở cái quán bar mà anh ta đột nhiên “phanh gấp” trong lúc đang mải mê trút giận bằng cách cắm mặt lao về phía trước. Henderson bước vào đó, chẳng vì lí do gì, đơn giản là cái chân tự dưng không còn chịu nhấc lên nữa. Rốt cuộc thì là do chân đã mệt hay phải chăng là do định mệnh “éo le” cố gắng dẫn lối?

Đó là một người phụ nữ chẳng có gì đặc biệt – trừ cái mũ của cô ta. Nó trông giống hệt quả bí ngô, cả về hình dáng, kích thước lẫn màu sắc. Một màu da cam cháy rực, tới mức có thể khiến người nhìn chói mắt. Và người ta đã phải dành cho quý cô ấy một lời tán dương: Trong một nghìn người phụ nữ thì may ra mới có một người đủ dũng khí đội mũ màu đó. 

Một cách hài hước, nhà văn đang dần dẫn dắt ý niệm của độc giả về người phụ nữ này. Với chiếc mũ rực rỡ kén chủ, dường như Woolrich đã thành công trong việc biến hình tượng của cô ta trong mắt mọi người trở nên rất đỗi phóng khoáng và ấn tượng tới mức không ai có thể thờ ơ: “Tôi đã phải đội mũ này lên thì các người phải cẩn thận đấy. Cái gì tôi cũng chơi hết.”. Và đây cũng chính là đòn bẩy cho cú “bẻ lái chí mạng” của nhà văn ở những chương tiếp theo, khi mà sự ấn tượng tới mức “không ai có thể thờ ơ” của người phụ nữ ấy trở thành chìa khóa cứu rỗi chính anh chàng Henderson tội nghiệp.

Hóa thinh không

Sau khi thay thế vợ mình bằng người phụ nữ với chiếc mũ bí ngô rực rỡ cho lịch trình tối đó, Henderson trở về nhà, đối diện với những tranh cãi còn dang dở trước khi anh ta bỏ ra ngoài. Nhưng anh ta ngay lập tức nhận ra “vài kẻ lạ mặt” bất thường lảng vảng trong ngôi của mình – đó là những viên cảnh sát – người đã phát hiện ra cô vợ của Henderson bị siết cổ tới chết bằng chính chiếc cà vạt của chồng mình.

Mấu chốt năm ở người phụ nữ trong quán bar hôm đó, nếu có được lời làm chứng của cô ta thì Henderson – nghi phạm lớn nhất lúc này sẽ được chứng minh vô can. Thế nhưng anh ta lại không biết tên hay bất cứ thông tin gì của người phụ nữ đó, thậm chí cứ mỗi khi sắp nhớ ra bộ dạng khuôn mặt của cô ta thì Henderson lại cứ như bị ai đó đi trước một bước xóa sạch trí nhớ. 

Một người đàn ông trong lúc nóng giận mời một người phụ nữ vô tình gặp được để thay thế vợ mình trong lịch trình của một buổi tối “lãng mạn” mà không biết bất cứ thông tin gì về cô ta đành cũng là điều cảnh sát “có thể hiểu được”. Bởi anh ta rốt cục chỉ là đang muốn trút giận cô vợ, bằng cách làm như: “Không có cô thì mọi thứ vẫn ổn”. Mục đích chính là trút giận cô vợ, vậy thì anh ta có đi với ai trong buổi tối đó cũng chẳng quan trọng, miễn là phụ nữ.

Còn về việc anh ta không thể nhớ nổi bất kì điểu gì vè khuôn mặt của người mới đi cũng mình suốt cả tối hôm trước? Có thể “cố” chấp nhận rằng anh ta “không giỏi nhớ khuôn mặt người khác”.

Phải, cảnh sát có thể “tạm hiểu” cho tất cả những điều đó.

Nhưng họ không thể chấp nhận việc người phụ nữ ấy trong lời tường thuật của Henderson hoàn toàn không hề có trong trí nhớ của những người lẽ ra “nên nhớ”: người phụ vụ quầy ở quán bar nơi cô ta ngồi – cũng là nơi hai người gặp nhau, những người phục vụ nơi bọn họ ăn tối, và thậm chí, đáng ngạc nhiên nhất là người lái taxi cùng ngồi với họ ngay trong một chiếc xe.

Những nhân chứng tưởng như ở gần hai người họ nhất trong buổi tối đó, lần lượt phủ nhận sự có mặt của quý cô đi cùng Henderson. 

Bằng cách nào mà cô ta có thể “bốc hơi sạch sẽ” như thể chưa từng tồn tại? Bằng cách nào mà một người với chiếc mũ “không lẫn đi đâu được” ấy lại vô hình như thể một bóng ma?

Giờ hành hình đang tới rất gần, và Henderson mỗi lúc một tuyệt vọng khi mà mọi nỗ lực tìm kiếm cô ta cứ nhen nhóm rồi lại vụt tắt. Điều gì trong thân phận thực sự khiến cô ta “thoắt ẩn thoắt hiện” như thế? Rốt cục thì người phụ nữ đó đã lẩn vào hang cùng ngỏ hẻm nào mà mọi sự truy dấu đều trở nên thất bại? Bí mật sẽ được hé lộ trong những dòng dần tuyệt vọng của nhà văn dành cho anh chàng Scott Henderson.

Hồi Kết

Tác phẩm là lựa chọn không tồi cho những ai quá “nản” để xem các thể loại bình dị, chậm rãi nhưng cũng vừa đủ kịch tính, không quá nghẹt thở như những pha rượt đuổi, phá án “cân não” thường thấy. Là tác phẩm trinh thám nhưng Phantom Lady không đi sâu khắc họa vụ án, mà đơn thuần là mượn vụ án để nói lên nỗi sợ tăm tối trong thâm tâm của con người cũng là của tác giả. Nỗi sợ sự biến mất đột ngột của những gì ta từng thực tế trải qua, gần gũi và sống động. Nỗi sợ mọi thứ hôm qua ta vẫn còn thu trong tầm mắt, hôm nay có thể chẳng có gì. Nỗi sợ ấy một phần phản ánh bối cảnh của xã hội đương thời , khi mà chiến tranh Thế giới thứ hai càn quét cướp đi tất cả, từ điều bình dị nhỏ bé đến thứ to lớn vĩ đại, lần lượt biến mất mà chẳng ai có thể ngờ trước. 

Ý nghĩa ấy không sâu nặng in đậm trong những dòng văn mà phảng phất nhẹ nhàng. Nó bị dấu đi và người ta bị đánh lạc hướng khỏi sự tồn tại của nỗi sợ ấy, mà tập trung vào nỗi lo của nhân vật, một nỗi lo thực tế hơn về người phụ nữ biến mất như một bóng ma. Thế nhưng sau khi đi hết hành trình đầy sợ hãi cùng anh chàng Henderson, chúng ta có thể không hình dung ra được nỗi niềm của tác giả (bởi chẳng có gì nhắc nhở ta về bối cảnh của một cuộc chiến) nhưng ắt hẳn, trong lòng độc giả vẫn thấu hiểu một bản dạng tương tự của nỗi sợ ấy qua nhân vật Henderson, rằng khi thứ chân thực và sống động gần ta nhất bỗng “hóa thinh không” thì mọi thứ sẽ đáng sợ tới mức nào.