“Những người đàn bà tắm” là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, là cuộc vật lộn giữa bản năng và lý trí, là cuộc đấu tranh dài đằng đẵng để khẳng định cái tôi một cách trung thực và hết mình nhất. Đây là tác phẩm có giá trị khá lớn trong văn nghiệp của Thiết Ngưng – Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc đương nhiệm, cũng như trong dòng văn học Trung Quốc đương đại.
Tiêu đề “Những người đàn bà tắm” (tiếng Hán: Đại dục nữ) được lấy theo tên một nhóm tranh của Paul Cézanne – họa sĩ người Pháp thuộc trường phái Hậu ấn tượng, mà theo Thiết Ngưng cảm nhận:
“Trên tranh, những tấm thân con gái màu nâu nhạt hòa quyện cùng cỏ cây và đất đai, những cô gái mạnh khỏe, thản nhiên, an nhàn, chất phác, không điệu bộ mà cũng không có gì trái lẽ thường. Những người con gái này là giới hạn mà nhân loại hướng tới.”
Xuất bản vào mùa xuân năm 2000, “Những người đàn bà tắm” ngay lập tức trở nên nổi tiếng trên văn đàn trong nước và quốc tế. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng, tiếp cận độc giả trên khắp thế giới.
Đọc thêm:
- Trường An loạn – Giễu nhại chuyện đời.
- Hễ sướng thì hét lên – Thân phận người đàn ông trong xã hội đương đại Trung Quốc.
- Người tình phu nhân sư trưởng – Sách viết ở Trung Hoa, đón đọc khắp thế giới!
- Hảo nữ Trung Hoa – Cuốn hồi ký đẫm nước mắt.
- Thiên Táng – Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng.
Không đơn giản là “trả xong món nợ thế kỷ”.
Trong lời tựa của tác giả, viết cho bản tiếng Việt tái bản do Nhã Nam và NXB Hội nhà văn phát hành, Thiết Ngưng cho rằng ở một ý nghĩa nào đấy, bà không hy vọng với “Những người đàn bà tắm” bà đã trả xong món nợ thế kỷ:
“Nhưng lại thiển nghĩ, hoặc giả xen giữa những dòng chữ cũng có những từ ngữ như “kiểm điểm”, “truy hỏi”, “chất vấn”, “cứu chuộc”. Tôi thử với tinh thần dũng cảm để kiên nhẫn nhìn lại và thận trọng xem xét những âu lo và khổ đau của một nhóm linh hồn giữa những năm tháng đặc biệt ấy ở Trung Quốc, đồng thời mong rằng trong sự nhìn nhận và xem xét, tâm linh tan vỡ lại được lắng trong và hoàn chỉnh. Thế giới này liệu có gì tồn tại hoàn chỉnh hơn một trái tim tan vỡ?”
Thai nghén và hoàn thành trong vòng gần tròn một năm (03/01/1999 – 21/12/1999), khi mà thế kỷ 20 sắp kết thúc, thế kỷ 21 đang đến gần, “Những người đàn bà tắm” của nhà văn Thiết Ngưng là cuộc đời và số phận của những con người đi qua cuộc Cách mạng Văn hóa, có người mất, có người còn, có người quật cường tồn tại suốt thế kỷ tang thương để đi tìm cái tôi đích thực.
Cốt truyện xoay quanh cuộc sống của một gia đình trí thức trong những năm tháng bi đát nhất của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Doãn Xích Tầm vốn là kiến trúc sư của Viện Thiết kế Kiến trúc Bắc Kinh, vợ anh Chương Vũ là phiên dịch viên cùng Viện. Bởi vì từng có ý kiến bất đồng với quy hoạch thành phố, cuối những năm sáu mươi hai vợ chồng anh bị điều động đến nông trường Vĩ Hà như một hình thức kỷ luật. Doãn Tiểu Khiêu cùng em gái Doãn Tiểu Phàm theo cha mẹ từ Bắc Kinh về tây nam Phúc An, hai chị em sống nương tựa vào nhau, còn cha mẹ phải lao động ở nông trường.
Ở nông trường Vĩ Hà, người trí thức toàn thân lấm lem bùn đất, chân giẫm lên phân bò, họ nỗ lực tẩy rửa những tàn tích “phi vô sản” còn rơi rớt trên mình, để cuối ngày trở về trong mồ hôi nhễ nhại, nam về nhà nam, nữ về nhà nữ, chồng khát khao vợ, vợ khát khao chồng. Chương Vũ đã không chịu nổi cuộc sống vất vả, bị áp chế mọi nhu cầu tinh thần và thể xác, chị tìm cách ở lại thành phố, rồi cuối cùng phản bội lại chồng và hai đứa con. Một bước chệch đường dưới sự thôi thúc từ bản năng và hoàn cảnh, đã đẩy bánh xe vận mệnh của nhiều người đi vào ngõ cụt, đã khiến Khiêu, Phàm và cả Đường Phi bước hụt vào sai lầm không thể cứu vãn.
Thời gian trôi qua, cuộc sống của họ đã chia theo nhiều ngả. Giữa dòng đời đầy khắc nghiệt, nhưng theo một cách nào đó, họ vẫn giữ gìn lòng tự trọng tới cùng. “Những người đàn bà tắm” hấp dẫn người đọc bởi phác họa tâm lý được tác giả khám phá dưới nhiều chiều kích của tuyến nhân vật đầy cá tính và gai góc – những linh hồn vừa là nhân chứng cũng vừa là nạn nhân giữa năm tháng đặc biệt ở Trung Quốc.
Cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại.
Mười năm hỗn loạn, mười năm thảm họa… đó là những cụm từ thường được dùng để gọi cuộc Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976) ở Trung Quốc. Đây là một giai đoạn lịch sử mà Trung Hoa hạn chế nhắc về, nhưng vẫn có những ngòi bút mạnh mẽ dám nói lên những điều mà số đông không dám nói, độc giả có thể tìm đọc “Hảo nữ Trung Hoa” của Hân Nhiên để phần nào cảm nhận được số phận tang thương của con người, đặc biệt là người phụ nữ giữa tao đoạn kinh hoàng ấy.
Con người Trung Hoa sau cuộc Cách mạng Văn hóa lại được miêu tả nhiều trong phim ảnh và sách vở, nhịp sống của họ trong những năm Cải cách Mở cửa trở nên hối hả, hối hả làm việc, hối hả ăn chơi, hối hả hưởng thụ…
“Những người đàn bà tắm” lại khai thác lịch sử theo một chiều hướng khác. Với tinh thần dũng cảm để kiên nhẫn nhìn lại và thận trọng xem xét những âu lo và khổ đau của một nhóm linh hồn giữa những năm tháng đặc biệt ấy ở Trung Quốc, Thiết Ngưng dồn cuộc đời của những nhân vật lại trong những xung đột tình cảm rồi đẩy lên trên bình diện văn hóa.
Tác giả dựng cốt truyện trên nền bối cảnh Cách mạng Văn hóa, dẫn đến một cuộc ngoại tình, sinh ra một sinh mệnh không được chào đón, rồi kết quả là một cái chết liên quan nhiều người. Sai lầm thuở bé đeo đuổi Khiêu, Phàm và Phi suốt những năm tháng trưởng thành.
Dường như, con người sống tỉnh táo hơn sau khi phạm tội. Mặc dù tội lỗi không bị tố giác, Khiêu đã không tự buông tha cho mình, bởi vậy mà nó ám ảnh Khiêu mãi, cô sống với tâm lý đền bù, cô tha thứ hết thảy những vô lý của Phàm, cô tính toán trước sau trước bất kỳ một việc gì, cô hay thay đổi, nghĩ tới nghĩ lui để tìm sự lý tưởng. Khiêu sống lý trí đến đau lòng.
Nhưng không phải vì thế mà Khiêu hoàn hảo. Khiêu cũng ích kỷ, công việc biên tập viên của Khiêu có được nhờ một lần đổi chác thân xác của Đường Phi. Khiêu có tài giỏi không? Có! Là một người tài giỏi, xinh đẹp, Khiêu xứng đáng với vị trí công việc đó. Xuất phát điểm nhờ Phi, nhưng cả quá trình phát triển sự nghiệp là nỗ lực của Khiêu, từ một chân biên tập viên lên trưởng phòng rồi lên Phó giám đốc của Nhà xuất bản Nhi đồng.
Vấn đề nhức nhối chính là ở chỗ, trong xã hội ấy, một người có tài như Khiêu sẽ khó có được một chỗ đứng xứng đáng với năng lực và phẩm giá, nếu không có sự trả giá ban đầu. Đây là một sự phê phán mạnh mẽ vào cơ chế thối nát của xã hội Trung Quốc, một phần hệ lụy của cuộc Cách mạng Văn hóa đã qua.
“Những người đàn bà tắm” dựng nên nhiều cách sống khác nhau sau cuộc Cách mạng. Phương Kăng tự cho phép bản thân làm bậy xả láng để bõ những ngày khó nhọc. Đường Phi sẵn sàng lên giường với bất kỳ một gã đàn ông háo sắc nào như một sự trả thù đời cho mẹ cô, như một sự hạ nhục khinh khi vào xã hội. Phàm trốn chạy quá khứ. Khiêu lại luôn luôn giật mình, luôn luôn cảnh giác với bản thân mình.
Qua nhân vật chính Doãn Tiểu Khiêu, Thiết Ngưng đã nâng tầm trên bình diện văn hóa. Sau mười năm động loạn, người Trung Hoa bước ra khỏi cuộc Cách mạng Văn hóa với tâm thế biết nhìn nhận lại chính mình, biết cảnh giác với chính mình, có sai lầm, có ích kỷ, nhưng biết nhìn lại quá khứ để rút ra bài học, biết tự chỉnh đốn và trau dồi bản thân để hướng đến tương lai ngày một tốt đẹp hơn, để khẳng định và tìm ra cái tôi đích thực. Tác giả những mong trong sự nhìn nhận và xem xét, dù phần “con” hay phần “người” đều sẽ được lắng trong và hoàn chỉnh.
“Thế giới này liệu có gì tồn tại hoàn chỉnh hơn một trái tim tan vỡ?”
Thiết Ngưng – Tổ hợp hài hòa của tác giả mỹ nữ và nhà lãnh đạo tài năng.
Nữ văn sĩ Thiết Ngưng họ Khuất, sinh năm 1957 tại Bắc Kinh, nguyên quán ở Hà Bắc. Thiết Ngưng trưởng thành trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là họa sĩ tranh sơn dầu và thủy mặc, mẹ là giáo sư âm nhạc.
Yêu văn học từ nhỏ, tự nhận là được trời phú cho một chút năng khiếu, Thiết Ngưng sớm xác định lấy văn chương làm sự nghiệp, vì vậy cô bé Thiết Ngưng thuở ấy đã không ghi danh thi vào đại học mà chọn con đường thâm nhập đời sống nông dân, nông thôn để viết văn. Hướng tới con người của tầng lớp bình dân, đặc biệt chú trọng ý thức nữ quyền, “nữ tính chủ nghĩa” trong sáng tác của Thiết Ngưng là những nét đẫm chất thơ, quyến rũ lại đầy mạnh mẽ, dữ dội.
Năm 1979, bà làm biên tập viên của tạp chí “Hoa Sơn”. Đầu những năm tám mươi, cái tên Thiết Ngưng trở thành một hiện tượng trên văn đàn Trung Hoa, có duyên với nhiều giải thưởng văn học lớn như giải thưởng truyện ngắn xuất sắc toàn quốc (tác phẩm “A, hương tuyết”), giải thưởng truyện vừa xuất sắc toàn quốc (tác phẩm “Áo đỏ không cài cúc”)… nhiều giải thưởng cấp quốc gia, bao gồm cả giải thưởng danh giá mang tên Lỗ Tấn.
Từ năm 1986 – 1996, Thiết Ngưng lần lượt làm Phó chủ tịch và Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hà Bắc. Từ năm 1996 – 2006, bà giữ chức Phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.
Ngày 12 tháng 11 năm 2006, Thiết Ngưng được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, tái đắc cử năm 2011 và đảm nhiệm đến hiện tại. Bà là vị Chủ tịch thứ ba trong lịch sử Hội Nhà văn Trung Quốc kể từ khi thành lập vào năm 1949, kế nhiệm Mao Thuẫn và Ba Kim. Thiết Ngưng là vị Chủ tịch trẻ nhất cũng là vị mỹ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị cao nhất trong lịch sử Hội.