“Thiên táng” là cuốn hồi ký viết giùm, là câu chuyện tình yêu, cũng là một hành trình vĩ đại. Tác phẩm là kết quả sau nhiều năm trăn trở của Hân Nhiên, làm cách nào để hiểu và cảm được tình yêu của Thư Văn, để chạm đến đời sống tâm linh của người Tây Tạng, để nhận ra rằng văn hóa, thời gian, sự sống và cái chết có thể khác biệt đến nhường nào giữa con người ở vùng đất khác nhau.

Ảnh bookinmind.tap Thiên táng reviewsachonly
Ảnh: bookinmind.tap

Sau thành công ngoài mong đợi của “Hảo nữ Trung Hoa”, Hân Nhiên tiếp tục ra mắt độc giả tác phẩm “Thiên táng” (tựa tiếng Anh “Sky Burial”) vào năm 2004 – đây là cuốn sách ấp ủ sau mười năm kể từ lần đầu cũng là lần duy nhất bà gặp Thư Văn.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Năm 1994, tại thành phố Tô Châu náo nhiệt, Hân Nhiên có hai ngày để lắng nghe câu chuyện của Thư Văn – một bà lão mặc trang phục Tây Tạng với làn da nhăn nheo dày dạn nắng gió, nhưng cái mũi nhỏ hơi hếch, khuôn miệng hình quả mơ và giọng nói đặc trưng đã chứng tỏ đây là một phụ nữ Trung Quốc điển hình.

 

Hai ngày để lắng nghe về một quãng đời người với chuyến hành trình Tây Tạng hơn ba mươi năm – mà trong đó lại hiện diện cuộc đời của nhiều con người và một nền văn hoá xa lạ đồ sộ cùng tín ngưỡng sâu sắc – có thể nói là quá ngắn cho một lượng thông tin quá nhiều.

Thư Văn đã yêu cầu Hân Nhiên kể lại câu chuyện của bà dưới một hình thức nào đó, vì vậy mà “Thiên táng” ra đời, dẫu muộn. Bởi làm việc này chẳng dễ dàng gì, vì đây là một thời kỳ lịch sử đã khép lại với nhiều bí ẩn. Hân Nhiên đã tôn trọng những gì bà được nghe, cố gắng tìm hiểu về Tây Tạng, để rồi tái hiện đầy chân thực và cô đọng, khiến cho câu chuyện vốn ẩn chứa nhiều giá trị to lớn trở nên giản dị, gần gũi, xúc động, và không kém phần ám ảnh.

Đọc thêm:

Một câu chuyện tình yêu, một hành trình vĩ đại.

Những năm 1950, Trung Quốc đang dần phục hồi sau cuộc nội chiến khốc liệt trong thập niên trước đó, giữa phe Quốc dân đảng với những người Cộng sản. Chủ tịch Mao Trạch Đông tiến hành tái thiết đất nước, dần dần mở rộng quyền thống trị đến các tỉnh lân cận Tây Tạng, rồi bắt đầu “công cuộc giải phóng” vùng đất Tây Tạng.

Trong bối cảnh lịch sử biến động nhường nào thì tình yêu vẫn nảy sinh và nâng niu cuộc sống.

Khả Quân là bác sĩ Giải phóng quân Nhân dân, đơn vị anh được phái tới Tây Tạng. Hai tháng sau, Thư Văn nhận được tin Khả Quân đã chết trong một sự cố ở Đông Tây Tạng. Lúc đó, đôi vợ chồng son mới cưới nhau chưa được trăm ngày.

Thư Văn không thể chấp nhận nổi là chồng cô đã chết, khi mà mọi thông tin cô nhận được chỉ là tờ giấy báo tử vỏn vẹn một dòng thông báo vô hồn, không nhắc tới Khả Quân đã chết như thế nào, cũng không phong danh hiệu liệt sĩ hy sinh vì cách mạng cho một người lính quân y tử trận. Sở chỉ huy quân đội không tiết lộ thêm điều gì.

Điều duy nhất mà Thư Văn có thể nghĩ được là phải đến Tây Tạng để tìm Khả Quân.

“Lúc ấy tôi là một thiếu phụ đang yêu, tôi không nghĩ đến chuyện tôi sẽ đối mặt với cái gì. Tôi chỉ muốn tìm chồng.”

“Thiên táng” mở ra bằng một tình yêu phi thường, với một ảo vọng mãnh liệt bất chấp hoàn cảnh bi thương, để bắt đầu một hành trình vĩ đại đến Tây Tạng xa xôi huyền bí.

“Nóc nhà thế giới” Tây Tạng với độ cao trung bình 4900m, là nơi ngập tràn nguy cơ đe dọa sinh mệnh con người, nhất là quãng thời gian vào giữa thế kỷ trước: chiến tranh, bệnh tật, thú hoang, bão tuyết và bão cát… Một Tây Tạng với những người dân du mục ngấm tinh thần núi thiêng vào tâm thức, với phong cảnh hoang vu, cơn gió vô hình quét qua vùng đất cằn cỗi, bầu trời cao trải ra vô tận, và sự tĩnh lặng tuyệt đối. Chính tại thế giới mà thời gian chẳng thể đong đếm ấy, hành trình tìm kiếm tình yêu của Thư Văn diễn ra trong lặng lẽ mà khốc liệt.

Để rồi, kết quả cuối cùng chạm vào được chỉ là hai chữ: “Thiên táng”.

Ảnh inthegoodbooks Thiên táng reviewsachonly
Ảnh: inthegoodbooks

Tình yêu thiên táng.

Người Tây Tạng hiểu núi, ngấm cái tinh thần của núi vào tâm thức. Có người dành cả đời để đi bộ và quỳ lạy suốt hàng ngàn cây số chỉ với ước vọng một lần đến thánh địa, được chứng thực xứ sở thánh thần rồi sống nốt phần đời còn lại trong rưng rưng cảm kích.

Tinh thần mộ đạo ở xứ Tạng là nét đặc trưng của con người nơi đây.

Trong tín ngưỡng của người Tây Tạng, con người là một phần của tự nhiên, đến thế giới này một cách tự nhiên và rời khỏi đó cũng tự nhiên. Sống và chết đều là một phần của bánh xe luân hồi. Người Tạng được truyền dạy rằng không nên sợ cái chết, ai cũng háo hức mong được đến kiếp sau.

Đức tin này dẫn đến cách thức mai táng người chết gọi là “Thiên táng”, người ta chặt xác người quá cố thành nhiều mảnh rồi để giữa một bàn thờ trên núi cho chim kền kền ăn, quan niệm rằng đó là biểu hiện khác của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa thiên nhiên với con người:

“Khi ta đốt lên ngọn lửa tỏa khói của những nhánh dâu tằm trong lễ Thiên táng, nó mở ra một con đường có năm màu giữa trời và đất, con đường ấy mời gọi các linh hồn xuống bàn thờ. Thi hài trở thành đồ dâng cúng cho các linh hồn, và chúng ta nhờ họ mang linh hồn người chết lên trời. Khói cây dâu tằm là để dụ đại bàng, kền kền và các loài ăn thịt chết thiêng liêng khác tới, các loài này sống nhờ ăn thi hài. Làm việc này là để bắt chước Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài đã ‘hy sinh thân mình để nuôi loài hổ’.”

Khả Quân đã vướng vào một sự hiểu lầm chết người giữa hai nền văn hóa khác nhau. Sự tuẫn tiết của anh là khát khao hòa bình và hàn gắn bằng chính cách thức khác biệt của tín ngưỡng Tây Tạng.

“Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng.”

Trong bối cảnh chiến tranh, đan xen với những chi tiết trực quan về đất nước, con người, văn hóa và tín ngưỡng Tây Tạng, “Thiên táng” đã khắc họa một nỗ lực hòa giải sâu sắc, đẹp đẽ và rất đáng trân trọng của Khả Quân, nhưng cũng chính vì thế mà vết thương để lại cho người phụ nữ phi thường mang tên Thư Văn là quá đớn đau, dai dẳng.

Ảnh shanghaichicbooks Thiên táng reviewsachonly
Ảnh: shanghaichicbooks

Người phụ nữ phi thường.

Người ta không nói gì nhiều về thời kỳ đó, lại càng không nói về cuộc xung đột đẫm máu giữa người Tây Tạng và người Trung Quốc, về cái gọi là “công cuộc giải phóng” vẻ vang vùng đất Tây Tạng, dường như tham vọng mở mang bờ cõi của những nước lớn chưa bao giờ ngừng bành trướng, và luôn mang những lý do hoa mỹ như thế.

Chiến tranh chẳng cho ai thời gian để nghiên cứu hay thích nghi, Thư Văn ngay tức khắc trải nghiệm chân lý này trên đất Tây Tạng. Khí hậu khắc nghiệt, ngôn ngữ khác biệt, từ những cái chết bất đắc kỳ tử trong chuyến hành quân quãng thời gian đầu, đến súng đạn loạn lạc, và rồi mất liên hệ hoàn toàn với người Trung Quốc, cuối cùng là Zhuoma mất tích.

Trong chuyến hành trình ấy, có lẽ chỉ còn sống cũng đã là chiến thắng.

Thư Văn từ câm lặng đến bập bõm học nói tiếng địa phương, thích nghi với cuộc sống tự cung tự cấp trong gia đình du mục và những phong tục tập quán tín ngưỡng hết sức xa lạ… Điều duy nhất chống đỡ cô là ý chí phi thường khi nghĩ về Khả Quân.

Sau hơn ba mươi năm, từ một thiếu phụ hai mươi sáu tuổi người Trung Quốc chuyển hóa thành một Phật tử có tuổi người Tây Tạng, trở về quê hương với sự xa lạ và thất lạc cả người thân. Phải chăng cuộc đời đã quá khắc khe rồi?

Câu chuyện của Thư Văn để lại nốt vọng trong lòng độc giả về mối quan hệ giữa tự nhiên và tôn giáo, về không gian và im lặng, về chuyện bà đã mất mát bao nhiêu và đã nhận được bao nhiêu.

“Thiên táng” là ý chí phi thường, là sức mạnh phi thường, và là tình yêu phi thường của  một người phụ nữ Trung Quốc, một nạn nhân chiến tranh.

Link mua sách: