“Lặng yên dưới vực sâu” là cuốn tiểu thuyết thứ 5 trong số 17 cuốn sách của Đỗ Bích Thúy tiếp tục khai thác đề tài cuộc sống và văn hóa của người dân tộc sinh sống ở Tây Bắc nhận được rất nhiều lời khen ngợi của độc giả.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Câu chuyện tình trên cao nguyên đá Hà Giang  

“Lặng yên dưới vực sâu” là cuốn tiểu thuyết được ra mắt độc giả vào tháng 4 – 2017. Cuốn tiểu thuyết chỉ gồm hơn 200 trang nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc về tình yêu, về văn hóa của người Mông trên mảnh đất Hà Giang.

Hệ thống nhân vật của “Lặng yên dưới vực sâu” là Súa, Vừ, Phống, Chía, Xí – những cô gái, chàng trai của dân tộc Mông trên mảnh đất U Khố Sủ xa xôi. Họ đều có những cá tính, bản năng và suy nghĩ riêng mình. Sợi dây liên kết giữa các nhân vật với nhau là tình yêu trong sáng, chân thành của người miền núi. Nhưng chính tình yêu cũng là bi kịch của họ, khiến họ rơi vào những vực thẳm của tâm hồn.

lang yen duoi vuc sau do bich thuy
Ảnh: @chuyencuatin

Tác giả đã xây dựng mâu thuẫn của tiểu thuyết bằng tục lệ bắt vợ – một hiện tượng có thật của đồng bào miền núi. Thực chất, chuyện tình giữa các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết mang màu sắc bi kịch. Tất cả các nhân vật đều xoay quanh mối tình không có kết quả tốt đẹp, vì bản thân họ phải chịu những hủ tục của người miền núi. Súa – là nạn nhân của hủ tục “bắt vợ”, cô phải chung sống với người chồng mình không yêu thương, nhưng không có cách gì thoát ra được định kiến “làm vợ người ta rồi”. Hay nhân vật Chía – cô gái chịu nạn tảo hôn, phải lấy người chồng kém ba tuổi, lại không biết nói, biết nghe nhưng cô vẫn chịu đựng, vẫn không tìm cách thoát ra khỏi nó. Nhưng cuốn tiểu thuyết không phải nhằm mục đích phê phán sâu sắc hủ tục này mà thực chất để xoáy sâu vào hình ảnh của cô gái, chàng trai Mông hiện đại, họ đã có nhận thức cho cuộc sống, cho tình yêu của mình. Kết thúc cuốn tiểu thuyết, Súa đã nhận ra cuộc sống bế tắc của mình phải chấm dứt, Phống nhận ra những sai lầm của những năm tháng tuổi trẻ ngông cuồng của mình, Xí nhận ra cuộc hôn nhân không có tình yêu của Vừ sẽ là bi kịch nên can đảm từ bỏ…. Chất hiện đại trong câu chuyện của những thanh niên miền núi ấy mang giá trị nhận thức cao, họ ý thức được quyền sống và quyền hạnh phúc của mình.

Kết thúc của cuốn tiểu thuyết là một kết thúc mở: “Cuộc sống đã dừng lại. Súa chỉ cảm thấy duy nhất điều đó, khi gió từ đáy vực đang cuộn lên như muốn lôi tuột theo cả Súa”. Tác giả không đi sâu miêu tả cuộc sống của Súa sau khi nút thắt của câu chuyện được mở ra mà chỉ gợi mở cho người đọc biết được những bế tắc, quẩn quanh trước kia đã chấm dứt hoàn toàn. Cái dừng lại ở ý thức trong suy nghĩ nhưng chưa phát triển thành hành động của nhân vật khiến nhiều độc giả bị hụt hẫng.

vhvn lang yen duoi vuc sau
Ảnh: @f.nbook

“Lặng yên dưới vực sâu” dưới góc nhìn văn hóa

Mặc dù viết về đề tài tình yêu, nhưng đây hoàn toàn không phải cuốn tiểu thuyết “câu khách”, chạy theo xu hướng của thị trường. Cuốn tiểu thuyết đề cao những giá trị nhân văn của con người: mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu lứa đôi, tình bạn bè, bằng hữu. Những mối quan hệ này được nhìn dưới điểm nhìn trần thuật là đôi mắt của người miền núi nên rất chân thật, bộc trực yêu – ghét rõ ràng. Giữa cuộc sống bộn bề, đôi khi những điều nhỏ bé, chân thành ấy lại khiến người đọc ấn tượng.

Không gian nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết là vùng không gian văn hóa của Hà Giang, đặc biệt là nếp sống, phong tục tập quán của dân tộc Mông. Đọc “Lặng yên dưới vực sâu”, người ta ngỡ như Đỗ Bích Thúy đang sinh sống tại miền núi, cùng băm đay, cùng bẻ bắp, cùng tẽ ngô như những nhân vật của mình. Ban đêm, họ cùng hẹn hò, cùng ngắm trăng nơi miền núi, sương giăng khắp chốn, cùng lắng nghe tiếng đàn, tiếng khèn của vùng cao. Đọc mỗi trang sách, người đọc như đang mơ màng đặt chân lên vùng miền núi xanh thẳm, đặt chân lên những bậc cầu thang, những căn nhà gỗ nhỏ, cùng say sưa nghe câu chuyện của tình yêu.

Ngôn ngữ giữa các nhân vật cũng được nhà văn sáng tạo bằng những câu văn ngắn, có nhịp điệu tựa như lời ăn tiếng nói của người vùng cao. Họ nghĩ gì nói nấy, không vòng vo trong suy nghĩ hay ngôn từ. Tái hiện những đoạn hội thoại giữa các nhân vật bằng những từ ngữ ngắn gọn, súc tích mà không mất đi những đặc trưng vốn có của dân tộc Mông cũng là nét sáng tạo và tiếp thu văn hóa tích cực của tác giả.

lang yen duoi vuc sau
Ảnh: @nhanamthuquan

Không hề nỗ lực đi tìm một cấu trúc viết tiểu thuyết mới lạ hay cố gắng khai thác một đề tài mới mẻ, hấp dẫn nhưng câu chuyện từ cuốn tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy lại khiến người ta khao khát được tìm hiểu những người dân, những cảnh vật của miền núi.

Hiện nay, những cây bút viết về miền núi không nhiều, và viết hay, viết độc đáo càng rất ít ỏi. Thế nhưng, Đỗ Bích Thúy đã khai thác đề tài này ngay từ khi cầm bút viết cho đến hiện tại nhưng vẫn tạo ra nét mới mẻ, cuốn hút. Đỗ Bích Thúy thực sự xứng đáng với danh hiệu “một trong những cây bút quan trọng nhất hiện nay ở mảng văn học viết về miền núi” (Trần Đăng Khoa).

Từ câu chuyện của tiểu thuyết bước sang bộ phim truyền hình

Đỗ Bích Thúy chia sẻ khi bắt tay vào xây dựng kịch bản bộ phim cùng tên “Lặng yên dưới vực sâu” nhà văn mới hoàn thiện cuốn tiểu thuyết cùng tên và ra mắt bạn đọc vào tháng 4 – 2017. Khi viết kịch bản, Đỗ Bích Thúy tâm sự: “Dù kịch bản phim và tiểu thuyết có cùng cốt truyện, nhà văn vẫn phải có cách xử lý khác nhau. Tiểu thuyết mang lại hưng phấn khác rất nhiều so với khi viết kịch bản. Khi viết kịch bản luôn phải “tỉnh táo” để sợi dây mình xuyên suốt không bị đứt, để đạo diễn đọc một cái là nhận ra ngay sợi dây xuyên suốt ấy. Nhưng viết tiểu thuyết mà tỉnh táo quá thì hỏng.” Sự tỉnh táo giữa nhà văn viết tiểu thuyết và nhà biên kịch đã tạo nên thành công cho “Lặng yên dưới vực sâu” trên lĩnh vực văn học và điện ảnh.

nui rung tay bac

Cùng thời điểm ra mắt cuốn sách, bộ phim cùng tên “Lặng yên dưới vực sâu” kéo dài 32 tập được chiếu vào chiều thứ 7 và chủ nhật trên chương trình Rubic 8 của VTV3 cũng thu hút khán giả xem truyền hình. Theo dõi bộ phim kết hợp với đọc tiểu thuyết góp phần giúp độc giả hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như tài năng của Đỗ Bích Thúy trên hành trình sáng tạo văn chương – nghệ thuật.