“Tranh biện” là truyện ngắn được viết theo lối kịch, mỗi nhân vật là một diễn viên đại tài trong vở hài kịch của riêng mình và của chung mọi người. Thông qua tình yêu và tình dục nực cười, Milan Kundera hăm hở châm biếm và mỉa mai thứ đạo đức ảo tưởng và cuộc sống giả dối nhiều mặt của con người.

strangerthanparadise___ Tranh biện reviewsachonly
Ảnh: strangerthanparadise___

Theo nhận định của François Ricard – Giáo sư văn học Pháp, người đã dành sự tập trung đặc biệt (dẫu không độc quyền) trong sự nghiệp của mình vào các tác phẩm của Milan Kundera – thì “Những mối tình nực cười” gồm bảy truyện ngắn mang kết cấu đối xứng, trong đó sáu truyện đối xứng nhau qua tâm điểm truyện thứ Tư, những cặp tương ứng Một – Bảy, Hai – Sáu, Ba – Năm tương đồng cả về độ ngắn dài lẫn các ý tưởng.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Đứng ở vị trí trung tâm – “Tranh biện” là truyện ngắn duy nhất trong tuyển tập được viết theo lối kịch năm màn.

Đọc thêm review tác phẩm của Milan Kundera:

Những diễn viên kịch – hệ không cần sân khấu.

Màn kịch “Tranh biện” diễn ra từ buổi đêm hôm nọ đến sáng hôm sau, trong đó cao trào được đẩy lên ở màn bốn với một cuộc tranh biện bộc lộ rõ bản tính nhân vật. Truyện viết về một nhóm bác sĩ tại khoa bất kỳ của một bệnh viện bất kỳ ở một thành phố bất kỳ, họ là: nam bác sĩ Havel, nữ y tá Elisabeth, ông giám đốc, nữ bác sĩ xinh đẹp, và chàng sinh viên y khoa Fleischman.

Bác sĩ Havel, một người đàn ông không già như giám đốc, không trẻ như Fleischman. Havel đã có không ít chuyện với phụ nữ trong đời, và được xem là Don Juan thời hiện đại – một kiểu nhân vật giống Sở Khanh – vì khi một người phụ nữ nhìn thấy gã, cô ta sẽ chỉ nghĩ đến chuyện đó. Havel lấy điều này làm cớ để thể hiện bản thân coi trọng tình bạn với đàn ông hơn thứ tình yêu bị vấy bẩn bởi sự ngu xuẩn của tình dục. Miệng gã rao giảng về tình bạn giữa gã với giám đốc, nhưng thân thể gã cuồng hoan cùng tình nhân của ông bạn già.

Lão giám đốc, lớn hơn Havel mười lăm tuổi, xám xịt và hói trọc, thường xuyên xuất hiện với câu nói yêu thích:

“Các bạn đồng nghiệp thân mến, bất hạnh lớn nhất của đời người đàn ông là có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Không có chút hy vọng ly dị nào hết.”

Cuộc đời lão đã bước qua thời kỳ huy hoàng của trí tuệ cùng nhan sắc, và đang sống những ngày tháng tự tái tạo quá khứ qua cách vờ vĩnh cẩn thận những cái không còn nữa, bắt chước những cái đã mất đi. Lão muốn chứng tỏ mình có trí tuệ, bằng cách nói những lời vô nghĩa, nói mà chẳng để nói gì, gọi cuộc tán dóc sỗ sàng về điệu thoát y vũ và vũ nữ thoát y là một cuộc hội thảo, bịa ra đủ thứ nghịch lý về nỗi bất hạnh vì có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Lão muốn được coi là một người rộng lượng bằng cách tán dương mọi người, nhưng thực tế lão căm ghét tất cả những ai còn tóc trên đầu. Lão muốn chứng tỏ mình là người không ai cưỡng lại nổi khi có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một cô tình nhân xinh đẹp, thực tế là lão ghen điên cuồng và luôn lo được lo mất.

Nữ bác sĩ xinh đẹp trạc ba mươi tuổi. Cả bệnh viện đều biết cô ngủ với giám đốc. Làm tình nhân của giám đốc, sự nghiệp cô thăng tiến nhanh hơn là tự bản thân nỗ lực. Cô luôn thể hiện rằng cô yêu mến giám đốc vì cô nợ lão, nhưng thâm tâm cô bức bối vì bị phụ thuộc và mất tự do dưới sự kiểm soát của giám đốc, vì vậy cô ra dấu hiệu với Fleischman, cô tán tỉnh Havel. Buổi đêm ấy, cuộc phiêu lưu của nữ bác sĩ và Fleischman bị gián đoạn vì mùi ga trong sự cố của Elisabeth, ngay sau đó nữ bác sĩ xuất hiện ở phòng trực để gạ gẫm Havel. Sau cơn lốc diễm tình trong đêm, sáng hôm sau cô dịu dàng cầm lấy tay giám đốc, lại chọn dịp cười tình với Fleischman.

Chàng sinh viên y khoa Fleischman, là người trẻ nhất, hay thể hiện ra ngoài vẻ châm chọc quỷ quái. Hắn đắc ý khi nhận được dấu hiệu của nữ bác sĩ xinh đẹp, tức tối vì màn vờ vịt bạn bè trong sự ghen tuông của lão giám đốc, lại hài lòng vì vẻ tức giận hiện lên đôi mắt mình dù không thể gạt cái tay đang quàng lên vai kia của giám đốc. Khi cuộc hẹn đêm với nữ bác sĩ bị hoãn nửa chừng, buổi sáng hắn lại tặng một bó hoa hồng và nói vài lời có cánh với cô y tá đáng thương. Fleischman thầm tự trách mình hành động giả dối ấy, rồi thầm tự khen mình đã không làm rối mọi chuyện. Fleischman mỉm cười với nữ bác sĩ, thách thức cái nhìn đầy ghen tuông của giám đốc. Hắn mơ màng hào hứng nghĩ về tương lai, khi bản thân nhiều tuổi hơn và mạnh mẽ hơn, khi đằng sau hắn là một tình yêu lớn bằng cái chết.

Y tá Elisabeth, đây có lẽ là nhân vật mờ nhạt và đáng thương nhất màn kịch. Trong cuộc tán dóc đêm hôm đó, Elisabeth uống nhiều, say rượu nhảy nhót và bắt đầu điệu đà gạ gẫm Havel. Sau đó đã xảy ra chuyện gì mà nàng bị đưa phòng cấp cứu? Vì sao mọi người lại nghĩ là nàng đã cố tự tử? Nàng nói mình đun nước pha cà phê, và đã ngủ thiếp đi. Nhưng sự thật có lẽ có gì đó liên quan đến cuộc phiêu lưu của Fleischman và nữ bác sĩ, khiến hắn phải hành động vờ vịt vào sáng ngày hôm sau.

“Tranh biện” khép lại bằng Happy End – một đoạn kết hạnh phúc, ít nhất là mỗi người đều thể hiện rằng mình hạnh phúc trên trái đất này. Ngay cả Elisabeth cũng mỉm cười, “nụ cười ngơ ngác, nụ cười ngu ngốc, đầy một vẻ hạnh phúc mơ hồ và một vẻ hy vọng mơ hồ.”

Một vở kịch đầy mỉa mai khôi hài.

Dàn nhân vật trong “Tranh biện” diễn trong mọi lúc mọi nơi mọi hoàn cảnh và không cần bất kỳ sân khấu nào, dường như mỗi một khoảnh khắc trong cuộc đời họ đều đấu tranh với bản thân để chải chuốc cho vai diễn của mình thêm phần bóng bẩy, thêm phần đạo đức, thêm phần hạnh phúc. Họ diễn trước mặt mọi người, họ diễn với nhau và diễn với chính bản thân mình. Trong tiểu thuyết “Chậm” sau này của Kundera, kiểu diễn viên đời sống đại tài này có vẻ đã được nâng cấp lên qua hình tượng “người khiêu vũ”.

alexandraszeto Tranh biện reviewsachnet
Ảnh: alexandraszeto

Hài hước kiểu Milan Kundera.

Trong phỏng vấn đăng trên quý san văn học The Paris Review năm 1983 do Christian Salmon thực hiện, Kundera từng chia sẻ:

“Lúc viết câu chuyện của Havel trong cuốn “Những mối tình nực cười”, tôi không hề có ý định miêu tả một Don Juan trong thời đại phiêu lưu kiểu Don Juan không còn tồn tại. Tôi viết một câu chuyện tôi thấy khôi hài. Vậy thôi. Tất cả suy luận về những nghịch lí chung cuộc, vân vân, không phải là cái gì tiểu thuyết tôi tiên nghiệm. Chúng từ tiểu thuyết tôi đi ra.”

Tiếng cười luôn gắn liền với Kundera. Sách của ông làm độc giả bật cười qua sự hài hước một cách mỉa mai. Nhưng đó không phải là tiếng cười vô nghĩa, mà là cười trong sự cảm thán về thân phận con người, về sự thật nhiều mặt của con người, những sự thật đúng đắn và cùng lúc cũng sai lầm.

“Sự hài hước của người Prague chúng tôi thường khó hiểu. Milos Forman bị những nhà phê bình chỉ trích vì trong một bộ phim của ông, ông đã khiến cho khán giả cười ở chỗ họ không nên cười. Cười không đúng chỗ. Nhưng chẳng phải nó chính là ý nghĩa của mọi thứ? Hài kịch ở đây không phải chỉ để đơn giản nằm ngoan ngoãn trong ngăn kéo được dành riêng cho những vở hài kịch, những trò giễu và những màn giải trí, nơi những “tinh thần nghiêm túc” sẽ giam hãm nó. Hài kịch ở mọi nơi, trong mỗi chúng ta, nó đồng hành cùng chúng ta như cái bóng của chúng ta, nó ở ngay cả trong sự bất hạnh, nằm chờ chúng ta như một vực thẳm.” – Milan Kundera, trích Index on Censorship (1977).