Sâu sắc mà không giáo điều, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của Đặng Hoàng Giang được đánh giá như một liệu pháp tâm lý cho những con người ngỡ như đã lớn nhưng vẫn mang trong bên mình một đứa trẻ bị tổn thương. Cuốn sách dành cho người trẻ, cho những người làm con và cho cả những bậc làm cha mẹ.

Ảnh nhanambooks Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ reviewsachonly
Ảnh: nhanambooks

“And it is only as I start to put it down
To let it go
That I see it for what it is
I have been running for a long time
Now I allow myself to stop and enjoy.”

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

(Let me rest for a while | Thiền sư Pháp Linh)

Hậu tuổi thơ.

Giao mùa, quá độ… ở những thời đoạn mà cái cũ chưa qua cái mới đã tới, thường mang theo những xáo trộn chênh chao. Hậu tuổi thơ cũng mang hàm ý tương quan, nhưng bởi đối tượng là con người nên mở ra tầng nghĩa khác đa chiều hơn.

Đặng Hoàng Giang dùng cụm từ “hậu tuổi thơ” tương ứng với khái niệm “late adolescence” (thiếu niên muộn) trong tiếng Anh, chỉ thời kỳ đã để lại tuổi thơ đằng sau nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới của người lớn, theo nghĩa đã đi làm, lập gia đình, độc lập về tài chính.

Trong “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, tác giả đóng vai trò như một người đệm đàn, không thể thiếu nhưng cũng không bành trướng cái tôi, mà nhường sân khấu cho những màn diễn tấu đơn độc. Bạn đọc sẽ có dịp lắng nghe lời bộc bạch của gần hai mươi người trẻ, của ba người mẹ và một bác sĩ tâm lý.

Trong gần hai năm, tác giả Đặng Hoàng Giang được cho phép đồng hành cùng những bạn trẻ ấy, anh dành hàng trăm giờ đồng hồ lắng nghe và trò chuyện với họ, xem cập nhật mạng xã hội của họ, xem tranh họ vẽ, nghe nhạc họ chơi… Để tìm đáp án sau những phán xét phiến diện rằng người trẻ lười, ích kỷ, vô cảm, anh đi sâu vào những khu vườn bí mật của họ, hiểu thế giới họ như thế nào, yêu gì và ghét gì, khao khát và hy vọng gì, đau buồn và hoang mang vì đâu.

“Tôi cảm nhận được gánh nặng làm người trên vai họ. Đây là thời điểm họ bước vào đường đời. Hành trình làm người độc lập của họ mới bắt đầu.” – Đặng Hoàng Giang.

“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” có kết cấu gồm ba phần chính với những cái tên nói lên nhiều điều: Thế giới vắng bóng người lớn, Những đứa trẻ nhầm vai, Trong ngục tù của tình yêu; xen kẽ là những khúc chuyển giao bằng lời tác giả qua các phân tích dưới góc độ chuyên môn ở khía cạnh tâm lý và khoa học; và khép lại trong khúc vĩ thanh trên Hành trình chữa lành.

Đôi lúc trên quãng đường đời, điều may mắn là có duyên gặp gỡ một người hay một vật đúng thời điểm, “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” sẽ là một món quà hạnh ngộ bất ngờ đối với một bộ phận người trẻ và cha mẹ họ – những người đã trải qua bao đau khổ do người thân mình đem tới.

Xem thêm review các tác phẩm khác của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang:

Ảnh nhanambooks Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ reviewsachnet
Ảnh: nhanambooks

Gánh nặng làm người và hành trình đi tìm “mình” đích thực.

Nói gánh nặng nghe có vẻ nặng nề thật! Cảm giác như phải hít thật sâu, phải chuẩn bị trạng thái thật vững vàng, phải xây dựng tâm lý thật mạnh mẽ thì mới dám đọc cuốn sách này vậy. Thực ra thì sách không hề đáng sợ đến thế, những trường hợp có thật trong sách sẽ khiến người đọc thấy quen thuộc, hình như đã bắt gặp trong cuộc sống xung quanh rồi, có khi lại soi được cả bóng hình mình trong đấy. Nó không đáng sợ, nhưng nỗi đau của họ là có thật, đau dầm dề như bóng đêm lặng lẽ cắn nuốt.

Những người trẻ ấy… Có người là thủ khoa đầu ra một trường đại học thuộc hàng top. Có người được bố mẹ chu cấp tiền đầy đủ. Có người được mẹ chăm lo từng li từng tí, vạch sẵn con đường sự nghiệp thẳng tắp chỉ việc thong thả sống. Có người tự kiếm được học bổng du học…

Thế mà cuộc đời họ vẫn đầy đau đớn, mà nguyên nhân phần lớn là từ gia đình. Tại sao chứ?

Dĩ nhiên không bàn đến những trường hợp hiếm hoi hy hữu, thì cha mẹ thương con là chân lý, đó là tình cảm thiêng liêng bậc nhất thế gian, đến hổ dữ còn không ăn thịt con cơ mà? Vậy vì đâu mà những đứa trẻ lại bị tổn thương từ chính cha mẹ chúng?

Dường như câu trả lời nằm ở sự thiếu thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái.

Những phụ huynh trong cuốn sách này điên cuồng cung cấp cho con họ tất cả những thứ mà họ-tưởng-là chắc chắn sẽ làm con hạnh phúc: một mái nhà đủ bố và mẹ, tiền, tham vọng kiếm tiền, trải đường những mong đời con được “ổn định” – việc của con là học thôi. Xuất phát điểm từ yêu thương và lo lắng, nhưng đồng thời những yêu cầu và kỳ vọng cũng đè trên vai con những gánh nặng vô hình, các bậc phụ huynh ấy chưa kịp cân nhắc đến cảm xúc, thái độ, đam mê và khát khao của con.

Trong khi tất cả những gì một đứa trẻ cần chỉ là được yêu thương, được lắng nghe, được tôn trọng, được tin rằng mình có giá trị, được tự do trên bước đường đi tìm danh tính – tìm lối đi thuộc về riêng bản thân – mà không bị phán xét, và khi khó khăn vẫn có tổ ấm để quay về, vẫn có hậu phương ủng hộ vô điều kiện.

Các bậc phụ huynh ấy, họ không hiểu, họ không quan tâm, cho rằng đó đều là thứ vớ vẩn sẽ làm cuộc sống bấp bênh, không ổn định. Bây giờ được chu cấp tất cả, chỉ cần học thôi sau này có cuộc đời ổn định – sướng thế rồi kêu ca gì nữa?

Tại sao cha mẹ không hiểu?

Phần lớn ý kiến cho rằng vì Việt Nam là một nước Á Đông, trải qua thời gian chiến tranh dài đằng đẳng mới có được độc lập, lại thêm những tao đoạn bấp bênh của đói nghèo, nên người Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình và cùng lúc cũng thèm cảm giác ổn định, mong muốn được hưởng sự thoải mái vật chất. Văn hoá phương Đông coi trọng khoa cử, quan niệm muốn sướng thì kiếm cái bằng thật cao. Đời trước chiến tranh loạn lạc không có điều kiện, thì tới đời con mình phải hướng cho nó đi đúng đường, vì lo lắng tương lai con, lấy lý do uốn nắn con mà nhiều phụ huynh đánh đập, chửi mắng, thậm chí là mạt sát chỉ vì trẻ điểm kém, đạt kết quả không cao.

Nghiên cứu chứng minh, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trời Tây vẫn tồn tại sự mất kết nối trong gia đình và hằng hà sa số những vấn đề giữa cha mẹ và con cái.

Tiến sỹ Susan Forward, nhà trị liệu tâm lý, giảng viên, tác giả nổi tiếng thế giới, đã hợp tác với Craig Buck cùng ra mắt cuốn sách “Cha mẹ độc hại – Vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn” được hết sức chào đón tại Mỹ. Susan viết:

“Cha mẹ là những người gieo hạt giống tinh thần và cảm xúc trong ta – những hạt giống sẽ trở thành chính ta sau này. Trong một số gia đình, có những hạt giống yêu thương, tôn trọng và độc lập. Nhưng trong nhiều gia đình khác, có những hạt giống sợ hãi, bổn phận hay tội lỗi.”

Mang gánh nặng vô hình, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ dùng sai phương thức giáo dục, bị đánh đập hay bị bỏ mặc, bị đối xử như một đứa ngốc hay bị bảo vệ thái quá, bị mắng chửi hay bị chê bai thậm tệ… Chúng gần như đều cùng chịu đựng những triệu chứng giống nhau: lòng tự trọng bị tổn thương, chai lì cảm xúc, có những hành vi tự hủy hoại, trầm cảm…

Bằng cách này hay cách khác, chúng gần như đều cảm thấy mình vô dụng, không được yêu thương vì không đủ tốt, tâm hồn chúng đè nặng bởi tội lỗi, tự trách mình vì bản thân đã làm điều gì đó “tồi tệ” nên mới phải chịu đựng cơn giận của người lớn, hơn là nhận ra sự thật rằng mình bị ngược đãi.

Khi những đứa trẻ này trưởng thành, chúng tiếp tục mang gánh nặng tội lỗi và cảm giác tự ti, thiếu tự tin và tự trọng khiến chúng gặp khó khăn lớn trong việc sống tích cực và yêu thương bản thân. Bóng đen này nếu không thoát ra được sẽ ảnh hưởng đến cả đời sau, lặp lại như một vòng tuần hoàn tai hại.

Phương Anh, 20 tuổi, bỏ đại học, chia sẻ:

“Tôi muốn mọi người biết rằng có nhiều đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế.”

Giá mà bậc cha mẹ nào cũng tìm được kết nối với con cái, để đứa con của họ được lớn lên trong ấm áp yêu thương và tràn đầy năng lượng tích cực, đủ thấu hiểu và đủ tâm lý, đủ quan tâm nhưng không áp đặt, đủ tự do nhưng không bị bỏ mặc…

“Mong cho tất cả chúng ta, bất kể tuổi tác, có cơ hội để tìm mình, được sống cuộc sống của mình, trong tình yêu thương vô điều kiện và sự sum vầy với người thân.” – Đặng Hoàng Giang.

Tác giả Đặng Hoàng Giang (Ảnh nhanambooks)Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ reviewsachonly
Tác giả Đặng Hoàng Giang | Ảnh: nhanambooks

Tác giả, tác phẩm, dư luận.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là một nhà hoạt động xã hội, chuyên gia phát triển, đồng thời cũng là một cây bút chính luận chắc tay và sắc cạnh. Nếu hai tác phẩm đầu tay “Bức xúc không làm ta vô can” cùng “Thiện, ác và smartphone” đầy hơi thở thời sự và kích thích tư duy phản biện, thì “Điểm đến của cuộc đời” và cuốn sách thứ tư “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” khai thác những chủ đề mang tính nhân văn chậm rãi và sâu lắng hơn.

Độc giả có thể bắt gặp trong tác phẩm của Đặng Hoàng Giang những điều nhiệt liệt đồng tình và cả những điều vô cùng bất bình. Nhưng tin rằng, với nỗ lực của tác giả trong việc xây dựng văn hóa tranh luận dựa trên tinh thần cầu thị, thì những xung đột ý kiến đó chỉ là sự khác biệt trong quan niệm đúng sai của mỗi cá nhân.

Link mua sách: