Natsume Soseki đã gọi “Gối đầu lên cỏ” là “tiểu thuyết haiku” vì phong vị của thơ ca dàn trải đều trong sáng tác này của ông. Tác phẩm này đánh dấu bước chuyển mình của Soseki từ một giảng viên trở thành một tác giả chuyên nghiệp. Tính lý luận nghệ thuật, sự hòa quyện tinh thần tôn thờ cái đẹp của phương Đông và phương Tây cũng vì thế mà vô cùng đặc trưng.

Chuyến đi mùa xuân của người nghệ sĩ

“Gối đầu lên cỏ” là tiểu thuyết thứ năm của Natsume Soseki, được ông sáng tác năm 1906. Đương thời, ông được biết đến là một trong ba trụ cột của văn học Nhật Bản hiện đại cùng với Akutagawa và Ogai Mori. Soseki từng du học ở Anh nhưng lại chịu ảnh hưởng lớn của thơ Haiku truyền thống Nhật Bản. Vì vậy văn chương của ông là sự trộn lẫn của tinh hoa văn hóa phương Tây lẫn tinh thần cổ điển phương Tây.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Xêm thêm những tác phẩm của Natsume Soseki:

Sanshiro – Tâm hồn người trẻ năm biến động/ Mắt mèo dõi sâu buổi giao thời

Tôi là con mèo – Kiệt tác châm biếm và tự trào

Ngày 210 – Nhật Bản “ngày bão tố”

“Gối đầu lên cỏ” là hành trình đi tìm cảm hứng vẽ tranh của người họa sĩ vô danh đến từ Tokyo. Anh không chỉ là họa sĩ mà còn là một người yêu thơ Haiku, yêu cái đẹp của các loại hình nghệ thuật. Nơi mà người họa sĩ chọn dừng chân là một quán trà nhỏ tại sơn thôn hẻo lánh, đó là nơi mà cảnh vật dường như đều tinh khôi đến trong trẻo lạ thường. Chính cái cảm giác trong trẻo ấy khiến người họa sĩ cảm thấy như tìm được cái đẹp để vẽ nên bức tranh mà mình mong ước.

“Chỉ khi đến một ngôi làng sơn cước xa lạ, khi đắm mình trong sắc màu của trời đất lúc cuối xuân như thế này thì tôi mới nhìn thấy ở bản thân mình hình ảnh một họa sĩ chân chính. Một khi đã bước chân vào thế giới này thì mọi vẻ đẹp trên đời đều trở thành cái đẹp của chính bản thân ta.”

Ngôn từ trong trẻo đậm tính hàn lâm là điểm sáng đặc biệt ở “Gối đầu lên cỏ”. Qua việc khắc họa khí trời vùng núi vào xuân, những rung động nhẹ nhàng của vạn vật, Soseki đã thể hiện góc nhìn rất riêng của mình qua không chỉ lăng kính văn học mà còn là lăng kính hội họa. Chuyến đi tìm kiếm cái đẹp của nhân vật người họa sĩ đã ngoài ba mươi tuổi ấy cũng chính là hành trình tìm kiếm mỹ cảm của chính nhà văn. Ở mỗi nẻo đường, nghe được một câu chuyện hay, bắt gặp mỗi khoảnh khắc đẹp, người họa sĩ lại dùng bút phác họa lại vào trong cuốn sổ tay của mình, anh gọi đó là thứ để lưu giữ cái đẹp mà mình đã tình cờ giao cảm. 

Vùng đất ấy đẹp như tranh nhưng lại đầy rẫy bí hiểm, ở đó anh được nghe câu chuyện xưa về nàng Nagara xinh đẹp nhưng khổ mệnh phải trầm mình xuống dòng sông. Và cả câu chuyện về dòng họ Shihoda luôn phải gánh lấy lời nguyền khi đời trước có người con gái trong nhà nhảy xuống Ao Gương tự sát. Lời nguyền ấy chính là mỗi một đời của dòng họ này đều có một người bị điên. Đó cũng chính là lý do cô gái bí ẩn Nami mà người họa sĩ gặp bị người đời cho là điên loạn. Hình ảnh cô gái Nami khi xuất giá cho đến khi trở thành điên loạn đều vô cùng mờ ảo.

reviewsach.net goi dau len co
Ảnh: @tiemsachdieubong

“- Ừ. Rồi khi ngựa của cô dâu dừng lại dưới cây hoa đào kia thì hoa rơi lả tả, rắc lốm đốm lên cả mái tóc đã được búi công phu.

Tôi lại mở sổ ký họa. Cảnh này có thể đi vào tranh vẽ, mà cũng là một tứ thơ. Tôi thử tưởng tượng hình ảnh cô dâu lúc đó, rồi viết rằng:

“Cô dâu trên lưng ngựa

Lộng lẫy lướt qua

Mùa hoa.””

Những mảnh ghép huyền ảo ấy đã làm cho sự nhạy cảm ở một người nghệ sĩ của anh dâng lên mãnh liệt, anh ngẫu hứng làm những bài thơ haiku như một thói quen xuyên suốt trong chuyến đi lên núi mùa xuân của mình. Soseki từng chịu ảnh hưởng lớn từ người bạn tâm giao là thi sĩ Masaoka Shiki, vì vậy nên dòng thơ đặc biệt này trở thành một chất liệu đặc biệt trong lối kể của ông ở tiểu thuyết này. Những cái đẹp về cảnh sắc, về con người, và nhất là về cô gái huyền ảo Nami không thể dùng lời nói để lột tả hết, Soseki lại dùng đến thơ haiku. Với tính chỉ gợi không tả của dòng thơ này, cái tinh túy nhất của cái đẹp được khắc họa vô cùng sinh động mà trong trẻo.

“Gối đầu lên cỏ” là sự hòa trộn của nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là cách nhìn sự vật của tác giả dưới đôi mắt của một nhà thơ, lúc lại là một họa sĩ. Tác phẩm thể hiện một bề dày hiểu biết của Soseki từ Đông sang Tây qua việc lột tả dòng suy nghĩ của nhân vật người họa sĩ. Từ cái chất Đường thi của Đào Uyên Minh, Bạch Cư Dị cho đến thơ của Lessing, Virgil, thần thoại Hi Lạp. Không chỉ nói về các phạm trù trong thi ca, Soseki còn bàn về nghệ thuật trà đạo, về nghệ thuật bày trí trong ẩm thực Nhật Bản truyền thống, về kịch mặt nạ No, kịch Kabuki, về đàn samisen. 

“Những âm điệu chưa được viết ra giấy đã ngân vang trong tâm hồn. Màu chưa được vẽ trên lụa mà ngũ sắc đã lấp lánh trong tâm tưởng. Chỉ cần quan sát thế giới mình đang sống, thu vào thấu kính tâm hồn những hình ảnh trong trẻo, đẹp tươi được thanh lọc từ cõi đời ô trọc là đã quá đủ rồi.”

Cách dẫn dắt câu chuyện của Soseki thấm đẫm tính hàn lâm mà không quá cầu kì, ông khéo léo đan cài tinh hoa của các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau để tái hiện những khoảnh khắc rực rỡ trước mắt. Cách ông trau chuốt ngôn từ, dùng thơ haiku để lột tả cái đẹp của vạn vật khiến cho ý văn nhẹ nhàng, đây là một đặc điểm nổi bậc của dòng văn học thuần túy Nhật Bản. Cốt truyện vốn đơn giản, nhưng chính lối viết tinh tế của Soseki mới làm cho tác phẩm mang phong vị của cái đẹp toàn bích đến khó quên.

Đời người và dư luận

“Gối đầu lên cỏ” như một sự phản kháng lại mặt trái của dư luận qua cách xây dựng nhân vật cô gái Nami bị thôn dân xem là điên loạn. Cách lột tả hình bóng của cô gái Nami của tác giả lại vô cùng đặc biệt, ông dụng tâm dùng sự mờ ảo giữa hư và thực để khắc họa bóng hình của nhân vật này. Cô xuất hiện lần đầu qua lời kể mà người họa sĩ tình cờ nghe thấy ở quán trà ven đường, qua sự chê trách, gièm pha của thôn dân về sự bất ổn về thần kinh trong cô. Trong miệng của người khác, không biết Nami đã có bao nhiêu phiên bản, đó chính là mặt trái của dư luận đám đông. 

reviewsach.net goi dau len co

“Nhưng số người như thế lại đông kinh khủng! Và họ cảm thấy vô cùng vinh dự khi hiện diện trong cõi phù sinh. Năm này qua năm khác họ say sưa với việc xét nét, tò mò đời sống riêng tư của người khác, và lấy chuyện đó làm lẽ sống của mình. Rồi họ đến trước mặt người ta, dạy bảo những điều vớ vẩn hay thô thiển mà chẳng ai cần nghe cả.”

Soseki đã tạo ra một Nami sống trong chỉ trích là một kẻ tham mê phú quý không màng tình nghĩa những vẫn ngẩng cao đầu mà sống. Cô không quan tâm người khác nghĩ gì về cô, khen chê của người đời. Cô không để trong lòng, chỉ một lòng làm điều mình cho là đúng, không thẹn với lòng. Nami vì làm trái những suy nghĩ cổ hủ truyền thống của người trong thôn mà bị chỉ trích không thương tiếc, cô vẫn ung dung mà sống dẫu luôn nhận lấy sự sỉ vả, cũng vì cái ung dung, an nhiên đó, cô gái lại bị xem là kẻ điên loạn. Hóa ra, khác với muôn người lại bị xem là kẻ điên, cái ung dung tự tại của Nami như muốn nói với người đời là liệu rằng ai điên, ai tỉnh, ai đúng, ai sai. Đó là điều chỉ có trong lòng mỗi người hiểu rõ, cái đúng sai là do mình, không phải định đoạt bằng dư luận, không do miệng của người đời.

“Nếu thế giới mà mình không thể thoát khỏi là khó sống, thì ta hãy cố gắng thích nghi và thư giãn hết mình, và phải làm cho thế giới khó sống này trở thành một nơi dễ chịu hơn để gửi gắm cuộc đời phù du dù chỉ trong phút chốc.”

Cái tính cách đó của Nami khiến người họa sĩ nhận ra đó mới thật sự là cái đẹp mà anh tìm kiếm. Cái đẹp trong cốt cách của cô gái chính là điều đáng trọng mà anh muốn đem vào tác phẩm hội họa của mình. Những chuyến đi làm nên điều đặc biệt ở con người, và chuyến đi mùa xuân của anh cũng vậy, nó đã tạo ra một rung động khó quên trong lòng của người họa sĩ lãng du.

Nghệ thuật chỉ là cái đẹp mà thôi 

“Gối đầu lên cỏ” thể hiện một quan niệm nghệ thuật rất đặc biệt của Natsume Soseki: nghệ thuật chỉ là cái đẹp mà thôi. Nghệ thuật không phải thứ dùng răn dạy người khác, bảo họ nên làm cái này nên làm cái kia. Cái đẹp cứu rỗi con người, khiến con người tự tại thư thái mà thoát khỏi chốn phiền muộn của trần thế. Một khoảnh khắc rung động lòng người trong thi ca nhạc họa chính là nghệ thuật, không phải cái lời khuyên răn khôn nguôi, đó là lý trí, là cái thiện. Còn nghệ thuật, nó chỉ là mỹ cảm thôi, là cái động tâm nhẹ nhàng.

“Như một kẻ đãi cát tìm vàng, tôi phải gạn lọc những cảm xúc tầm thường của nhân gian để chỉ tập trung thưởng thức cái đẹp đúng nghĩa. […] Ðồng thời cũng tự giải thoát mình khỏi những vướng mắc đời thường để trở thành một họa sĩ thuần túy, để chỉ hoạt động trong thế giới của cái đẹp.”

Ông ký thác cái quan niệm nghệ thuật ấy vào nhân vật người họa sĩ vô danh ở tác phẩm này. Người họa sĩ yêu cái đẹp của sự ngẫu hứng, không ràng buộc, đẹp đơn giản chính là sự rung cảm của con người thôi, không có lý do, cũng không thể giải thích. Người họa sĩ đọc sách cũng không giống cách nhà văn đọc sách, vì anh chỉ là người cầm cọ vẽ tranh mà thôi. Anh lật giở ngẫu nhiên đến bất kì trang nào và thưởng thức mẩu truyện ngẫu nhiên mình đã lật đến. Câu chuyện của những nhân vật mà anh cảm thụ không có bắt đầu cũng không có kết thúc, họ chỉ là một khoảnh khắc đẹp đẽ ngắn ngủi như ánh sao băng mà thôi.

“Nó giống như cầu vồng giăng ngang trời, như sương khói mênh mang trên đồng ruộng, như sợi tơ nhện lấp lánh giọt sương. Mong manh dễ mất và tuyệt đẹp trong khoảnh khắc mà chúng ta chiêm ngưỡng.”

Tất nhiên tác giả không có ý hướng mọi người đọc sách theo cách nửa vời như vậy, đó chỉ là một cách để ông thể hiện cách nhìn của mình về cái đẹp trong nghệ thuật mà thôi. Cái đẹp trong văn chương Nhật Bản luôn song hành cùng tính bi cảm.  Đó là cái đẹp luôn ngắn ngủi chóng tàn, pha lẫn cái u buồn và sự tiếc nhớ. Vì càng ngắn ngủi mong manh nên mới càng là khoảnh khắc rung cảm khiến trái tim xao động. Cái đẹp pha lẫn nỗi buồn trong câu chuyện về cô gái Nami chính là cái đẹp của nghệ thuật. Cái đẹp ấy cũng như hoa rơi theo cơn gió thoáng qua, tuy buồn nhưng lại đẹp đến rung động khó phai.

“Gối đầu lên cỏ” của đưa người đọc lạc vào một thế giới đầy ảo mộng, bí ẩn qua lối kể kết hợp với thơ haiku của Soseki. Tuy không phải tác phẩm phức tạp về cốt truyện nhưng cũng đủ để người đọc phải ngẫm nghĩ qua từng trang sách bởi sự hòa trộn nhiều lĩnh vực nghệ thuật của tác giả. Qua đó bộc lộ nỗi niềm về cuộc đời của người nghệ sĩ, về cái đẹp thật sự của nghệ thuật chân chính.

Xem thêm những tác phẩm của Akutagawa:

Cuộc đời một kẻ ngốc – Khi thiên tài bị xem là điên dại

Rashomon- Nhận thức và chấp nhận

Xem thêm những tác phẩm của Akutagawa: