Cùng với “Đời mưa gió”, “Anh phải sống”, tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” là thành quả kết hợp của đôi bạn thân Nhất Linh và Khái Hưng. Tác phẩm thông qua đề tài tình yêu đặt trên lòng cao thượng và nỗi tuyệt vọng đậm chất lãng mạn, ca tụng những nét đẹp bình dân của phụ nữ nông thôn Việt Nam, đồng thời thể hiện quan niệm về cải cách văn chương.
Tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” ra mắt độc giả lần đầu trên báo Phong Hóa, nhân dịp kỷ niệm tròn một năm Tự Lực văn đoàn ra số báo đầu tiên, được đăng dài kỳ từ số 66 (29/09/1933) đến số 88 (09/03/1934), có kèm theo tranh minh họa của Đông Sơn – tức bút danh khi vẽ của Nhất Linh.
Cùng với “Dòng nước ngược” – tập thơ trào phúng của Tú Mỡ, “Gánh hàng hoa” trở thành một trong hai cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Đời Nay do Tự Lực văn đoàn chủ trương (06/1934), là bước ngoặt trong tiến trình văn chương của nhóm.
Đọc thêm review tác phẩm của Tự Lực văn đoàn:
- Đoạn tuyệt – Nỗ lực tái thiết xã hội.
- Lạnh lùng – Khát vọng đặt nhân đạo lên trên luân thường!
- Sợi Tóc – Ranh giới mong manh của lương tri.
Chuyện … ba người.
“Thân em như gánh hàng hoa,
Sớm qua chợ sớm, chiều qua chợ chiều.”
(Cao Bá Nhạ)
Liên là một cô gái quê trẻ đẹp, tảo tần, sáng bán hoa, chiều làm vườn, hết lòng hy sinh, hỗ trợ cho con đường học vấn của chồng. Minh là một học trò giỏi. Hai người từ thanh mai trúc mã trở thành vợ chồng. Giữa họ là tình bạn, tình yêu hóa thành tình thân. Minh và Văn là đôi bạn thân cùng lớp.
“Gánh hàng hoa” chính là câu chuyện xoay quanh ba con người ấy.
Nhắc đến chuyện ba người, trí tưởng tượng thường hay vẽ ra một chút gì đó kịch tính, như cuộc tình tay ba đầy lâm ly bi đát chẳng hạn. Nhưng những gì Nhất Linh Khái Hưng dựng nên đã lồng ghép lòng cao thượng và nỗi tuyệt vọng vào trong mối quan hệ tình yêu và tình bạn, tạo ra một cốt truyện đơn giản mà khá thú vị. Và bởi vì đơn giản, nên bài viết này xin phép không nói quá nhiều về tình tiết câu chuyện.
Một cuốn sách khá… hiền lành!
Dùng tính từ “hiền lành” để miêu tả một cuốn sách thì có gì đó nghe sai sai! Nhưng đặt trong chủ trương duy tân, cấp tiến cùng những nỗ lực cải cách xã hội của Nhất Linh – thì “Gánh hàng hoa” bỗng hóa hiền lành khó tả – khi không thách thức thế lực phong kiến hay đả phá đạo Khổng. Xuất hiện đặc tính này có lẽ phần lớn là nhờ sự trung hòa khi văn phong Nhất Linh kết hợp với ngòi bút của Khái Hưng.
“Gánh hàng hoa” là sự đan xen của tinh tế và lãng mạn, của dịu êm nhưng cũng đầy quyết đoán. Cuốn tiểu thuyết khắc họa sự diễm lệ đơn thuần của tình yêu, và mong muốn độc giả tin vào sự tinh khôi ấy. Nhưng rồi, có tin được không?
“Gánh hàng hoa” hiền lành, vì Liên hiền lành. Nhưng Liên không đại diện cho ai cả. Nàng sống cuộc đời của riêng nàng, hiểu chuyện, nhu mì và bao dung.
Có thể nói, Nhất Linh Khái Hưng ca tụng Liên là ca tụng những nét đẹp bình dân của người phụ nữ nông thôn Việt Nam thời kỳ trước, nhưng không thể xây dựng Liên thành một hình tượng áp đặt để làm gương, làm hình mẫu cho những người khác. Bởi vì, một người vợ có thể lựa chọn nhẫn nhịn như Liên, cũng có thể lựa chọn từ bỏ một người chồng phản bội.
Liên tha thiết với tình yêu, đặt tình yêu lên trên hết thảy những dục vọng tầm thường, để rồi đọc chuyện về nàng, thấy lòng người đằm thắm lạ. Nhưng khách quan thì đức tính ấy, có lẽ mang đôi phần “thánh mẫu”, quá lãng mạn và thiếu phần thực tế.
Quan niệm văn chương.
Trong những năm tháng nhiều biến động xã hội, giữa buổi giao thời mưa Âu gió Á, Tự Lực văn đoàn hăng hái tiếp nhận cái mới, sự tươi trẻ, lòng yêu đời và tinh thần khoa học Thái Tây. Khái Hưng từng dịch thơ và diễn xuôi thành truyện ngắn “Tình tuyệt vọng” từ nguyên tác “Sonnet d’Arvers” của Alexis-Félix Arvers (1806–1850), một bước dịch chuyển tư tưởng từ văn học lãng mạn bình dân Pháp nửa đầu thế kỷ 19 vào Việt Nam.
“Gánh hàng hoa” cũng có cảm hứng từ tình tuyệt vọng, nhưng được nâng tầm lên nhờ tình cao thượng, với những nút thắt mở tạo nên một tác phẩm “ăn khách” đương thời. Đôi bạn thân Nhất Linh Khái Hưng hướng đến mục tiêu phổ biến mỹ cảm lãng mạn phương Tây hiện đại, đồng thời gửi gắm quan niệm về sự cần thiết của văn chương và báo chí trong đời sống xã hội:
“Sinh trưởng ở đám bình dân, anh coi như trách nhiệm của anh là phải đem tài văn chương mà nâng cao trình độ của bình dân.”
Mặt khác, thông qua những biến cố cuộc đời của nhân vật Minh – một văn sĩ từng u tối mịt mờ, cũng từng phong quang vô hạn, đã kinh qua tình trường, tình đời… Hai tác giả có ý cảnh tỉnh về những ảo ảnh huy hoàng mà văn chương mang lại để nhắc nhở trách nhiệm của người theo nghiệp cầm bút.
Một tình bạn đẹp.
Khái Hưng hơn Nhất Linh 10 tuổi, nhưng họ hợp nhau đến độ vào những ngày đầu của Tự Lực văn đoàn, bút danh Nhất Nhị Linh là Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) và Trần Khánh Giư (Khái Hưng) ký chung.
Vì yêu mến bạn mà Khái Hưng viết tập truyện dài “Những ngày vui” bằng giọng văn hài hước, kể lại những ngày Nhất Linh cùng các cộng sự làm tờ Phong Hóa, nhưng đặt trại tên đi. Còn Nhất Linh thì hầu như bao thầu việc vẽ tranh minh họa cho truyện của bạn trên Phong Hóa và Ngày Nay.
Vợ chồng Khái Hưng không có con, họ nhận con trai của Nhất Linh làm con nuôi và đặt tên là Trần Khánh Triệu.
Nhất Linh Khái Hưng – Nhất Linh Nhị Linh, hai cái tên rất hay đứng cạnh nhau, trên các tác phẩm hợp sức viết chung, trong nền văn học Việt Nam và cả ở ngoài đời sống. Và có lẽ, hậu thế vẫn sẽ còn nhắc đếm họ theo cặp tên như thế, nhiều lần nữa.