Cuốn ký sự nhân vật của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đặt góc nhìn sâu vào tính cách nhân bản của Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, tìm ra một phần nguyên do cho câu hỏi: Nhờ đâu mà một con người lại can trường một cách phi thường đến thế – có thể sống hơn 20 năm trong lòng địch mà vừa có thể trở thành một phóng viên xuất sắc của hãng Reuters và sau đó là tuần báo Time, vừa không bị bại lộ thân phận điệp viên Hà Nội, vừa cung cấp nhiều tin tình báo tối quan trọng cho cách mạng, lại vừa giữ vững vẹn nguyên lòng trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam, với cụ Hồ.

Phạm Xuân Ẩn Tên người như cuộc đời reviewsachonly

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Morley Safer, phóng viên đài truyền hình CBS từ Mỹ, bạn làm báo cũ của Tướng Ẩn đã hỏi ông về những ngày đầu mới giải phóng:

“Ẩn ở trong trại… không phải trại cải tạo nhưng là một trại đặc biệt gần Hà Nội dành cho các “đồng chí” có thể đã bị nhiễm độc vì quá gần gũi với người Mỹ. Ông có phút giây nào hối tiếc không?”

Tướng Ẩn trả lời:

“Không, không hối tiếc. Tôi phải làm như vậy. Hòa bình mà chúng tôi giành được có thể phải trả giá bằng sự khốn khổ của xứ sở này nhưng chiến tranh cũng đã giết chết bao nhiêu sinh linh. Cho dù tôi yêu nước Mỹ đến như thế nào, Mỹ không thể có quyền gì ở đây. Bằng cách này hay cách khác người Mỹ cũng bị đẩy ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi phải tự chọn cách xây dựng xứ sở mình.”

Phạm Xuân Ẩn Tên người như cuộc đời reviewsachonly (1)

Người Việt trầm lặng.

Nguyễn Khải, một nhà văn lớn của Việt Nam đã hết sức ngạc nhiên thấy Phạm Xuân Ẩn mặc quân phục cấp Tá trong Đại hội Đảng lần thứ Tư (12/1976), vì trước đó, nhà văn cứ tưởng ông chỉ là một viên sĩ quan ngụy bị “kẹt lại” không di tản kịp.

Tướng Ẩn đã sống cả một cuộc đời hết sức thầm lặng, khiêm nhường và bình dị. Bởi vậy mà hơn 20 năm sau ngày lịch sử 30/04/1975, đất nước thống nhất, nhân dân vẫn chưa được biết nhiều đến vị Thiếu Tướng trầm lặng ấy.

Ông không viết hồi ký, cũng không quá muốn người khác viết sách về mình. Dẫu vậy vẫn có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà sử học trong và ngoài nước đã tìm cách gặp gỡ, phỏng vấn, thu thập, kiểm chứng, xác minh các thông tin về vị tướng tình báo tài ba này.

Nhà văn Ngọc Hải kể, phải sau nhiều lần thuyết phục Tướng Ẩn mới đồng ý cho phép viết về cuộc đời ông. Nhưng ông không kể về những chiến công hay huân chương, mà chỉ là những cuộc chuyện trò về những kỷ niệm, từ một cậu bé ham chơi đến một thiếu niên hăng hái theo cách mạng từ năm 1945, muốn đi bộ đội nhưng bị trả về vì… thiếu súng, gặp bước ngoặt khi được giao nhiệm vụ tình báo chiến lược, qua Mỹ học báo chí 2 năm, về nước vừa làm phóng viên cho Việt Tấn Xã, Reuters, Time… vừa làm tình báo cho cách mạng.

Theo lời nhà văn Ngọc Hải:

“Tôi không thể đủ điều kiện viết về ông theo cách chuẩn xác của những điệp vụ. Càng không muốn liệt kê theo các bản khai lý lịch đơn thuần. Tôi muốn tìm ra cái chất “Người Việt trầm lặng” mà Morley đã hình dung, hoặc là chất honor trong cuộc đời ông mà Peter Ross Range đề nghị. Nhưng sau hết, tôi muốn mọi người Việt Nam được đón lấy những gì dịu dàng nhất, can đảm nhất, yêu thương con người nhất, từ cuộc đời của một con người cao gầy, mỏng manh như cây sậy. Sức mạnh của con người được lấy từ mỏ năng lượng quý báu và thần diệu nào đã ban cho? Cuốn sách là một phần chân dung để chúng ta tự hiểu hình ảnh người Việt cao quý giống như chúng ta đang vẽ ra bản đồ của một tâm hồn.”

Phải mất hơn 10 năm, bản thảo dài 20 chương mới được hoàn thành sau những khó khăn trong việc tiếp xúc với các loại tài liệu tình báo có liên quan. Chính Tướng Ẩn đã đọc rồi chỉnh sửa địa danh, tên tuổi, lỗi chính tả, nhưng giữ nguyên văn phong người chấp bút.

Tác phẩm “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời” xuất bản năm 2002, đoạt Giải A trong cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” và Giải A do Bộ Quốc phòng trao tặng cùng năm.

Từ đó, tên tuổi của vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn mới được biết đến rộng khắp.

Đọc thêm:

Phạm Xuân Ẩn Tên người như cuộc đời reviewsachonly (2)

Bảo vệ nguồn tin mãn đời.

Đây là nguyên tắc sống của Tướng Ẩn.

“Nghề tôi có hai cái kỵ: Nếu bị bắt, không trốn được (nếu trốn được thì tốt), nhưng nếu không sống được thì phải kể là chết. Cái cần giữ không phải xác anh. Xác anh kể là chết, nhưng không được tiết lộ nguồn tin. Không khai báo đã đành, ngay khi những gì địch đã biết, anh có thể nhận, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ người cung cấp tin. Thứ hai là cái gì lấy được rồi, giấu tuyệt đối.”

Đó là lý do ông từ chối nói cụ thể chiến công của mình là gì và có được nguồn tin tình báo bằng cách nào, từ ai… ngay cả khi chiến tranh đi qua, hòa bình lập lại hơn mấy mươi năm.

“Tôi hứa gì, giữ đúng. Bao nhiêu năm sau cũng vậy.”

Điều dĩ nhiên là tất cả hoạt động của Tướng Ẩn đều báo cáo chi tiết và cụ thể với cấp trên và lưu lại trong tài liệu mật. Nhưng việc đã có một nhà báo được ưu tiên tiếp xúc tài liệu cấp cao và công khai những tài liệu đó, mặc sự can thiệp và ngăn cản của ông, đã làm ông hết sức phiền lòng.

Tai hại ở chỗ nào?

Nó không đơn thuần là tài liệu lịch sử. Tin tức ông có được là từ những mối quan hệ thật lòng mà ông giao thiệp, phải giúp rất nhiều mới tạo được quan hệ tốt, sự tin cậy và giúp đỡ trở lại – lúc giúp ông, người ta tin rằng đang giúp cho một nhà báo có tài liệu để phân tích tình hình hiểu biết thời cuộc, vô tình họ không biết mà mang lỗi với công việc và tổ chức của họ.

“Người ta giúp mình những việc nguy hiểm. Sao lại đưa người ta ra?”

Dù cho chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm, những người cung cấp tin năm đó có lẽ đã qua đời, nhưng đời sau của họ còn sống. Chiến tranh là chủ đề nhạy cảm, tình báo càng là vấn đề nhạy cảm, trong khi hội chứng chiến tranh để lại vẫn luôn âm ỉ, Tướng Ẩn không muốn tồn tại bất kỳ một khả năng nào ảnh hưởng đến cuộc sống người cung cấp tin và hậu thế của họ.

Nguyên tắc sống của ông là nguyên tắc cư xử được giáo dục rất kỹ về nhân văn, không thể xong việc mình rồi thì mặc kệ việc người, là thái độ ứng xử trung thành với con người.

Phạm Xuân Ẩn Tên người như cuộc đời reviewsachonly (3)

Nhà báo và tình báo, hai sự thật… đều thật.

Điều thú vị là, khi cả nước và thế giới biết rõ Tướng Ẩn là tình báo, đa số bạn bè đồng nghiệp Mỹ hoạt động cùng thời vậy mà vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông. Nhiều người trong số họ tự lý giải được nguyên nhân hành động của ông – một người con của đất mẹ Việt Nam, can trường bảo vệ quê hương của mình.

Và vì hơn hết thảy, dù ông sống một cuộc đời hai thân phận, nhưng hai thân phận là hai sự thật. Nhà báo và tình báo, hai sự thật… đều thật. Đơn giản là, ông đã làm cái nghề săn tin theo hai đích khác nhau, một là săn tin để làm một nhà báo thực thụ, hai là săn tin cho đất nước đánh thắng quân xâm lược, giành Độc Lập – Tự Do, hướng đến Hạnh Phúc của nhân dân.

Ông là một phóng viên xuất sắc.

Với ông, nghề báo không phải là đội lốt. Mặc dù bước chân vào nghề báo là chọn bình phong để hoạt động cách mạng, nhưng phải làm sao cho cái bình phong trở thành sự thật thì mới không bị bại lộ thân phận, khi bị nghi kỵ bị kiểm tra cũng không tìm ra gì. Vì ông vốn là một nhà báo giỏi, nắm vững nghiệp vụ và nguyên tắc nghề.

Chắc chắn là tuần báo Time đã kiểm tra toàn bộ những bài viết của ông sau khi Việt Nam thống nhất, Phạm Xuân Ẩn đã được biết tới là một anh hùng, một vị tướng tình báo Cộng sản. Trong suốt quá trình hành nghề báo chí, ông chưa bao giờ đưa tin thất thiệt hay tin đầu độc theo kiểu tình báo. Không có một bài viết nào của Tướng Ẩn làm hại cho tờ báo hoặc viết điều gì không đúng.

Ông chỉ đứng ở vị trí phóng viên để mở rộng quan hệ, thu thập tin tức chứ không dùng tờ báo làm công cụ. Bởi vậy mà đồng nghiệp Mỹ đã không thể nào ghét ông, cả McCulloch – người từng là giám đốc các văn phòng của Time ở châu Á đã phải cảm thán:

“Tôi có căm giận Phạm Xuân Ẩn không sau khi tôi biết qua những hoạt động gián điệp của anh? Hẳn nhiên là không. Tôi nghĩ Việt Nam là quê hương của anh. Nếu tình thế đổi ngược lại, chắc tôi cũng sẽ làm như anh mà thôi. Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ý là những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường.”

Ông cũng là một nhà tình báo vĩ đại.

Nếu phải đương đầu với kẻ thù nào, phải biết rất kỹ về văn hóa của nó.

Chính các nhà nghiên cứu Mỹ đi đến kết luận, nước Mỹ đã thất bại ở cuộc chiến tranh là vì không hiểu đúng con người và văn hóa Việt Nam.

Khi đánh Pháp, quân ta hiểu nhiều về văn hóa Pháp, Pháp bại trận. Sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ (07/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mỹ đang biến thành kẻ thù trực tiếp” của nhân dân Việt Nam. Với sự nhanh nhẹn, thông minh cùng tính hài hước, hòa đồng và quảng giao, Ẩn được cử qua Mỹ học ngành báo, tìm hiểu văn hóa, con người, xã hội Mỹ.

Khi Tướng Ẩn đã là một nhà báo quảng giao trong lòng địch, nhưng việc lấy tin tức cũng hết sức khó khăn. Không phải cứ lấy trực tiếp là được. Như đã nói ở trên, ông phải xây dựng những mối quan hệ chân thành, tin cậy, coi giúp người là giúp mình thì mới có thể được giúp đỡ lại. Khi đã lấy được tài liệu rồi, ông phải kiểm tra, đánh giá, phân tích, tổng hợp và dự đoán. Tin tức đã được thực hiện qua các bước đó mới gọi là tin tình báo.

Tướng Ẩn bởi vậy còn là một nhà nghiên cứu xuất sắc, có thể đưa ra những dấu hiệu tâm lý biểu hiện nền chính trị. Tin tình báo ông gửi về cực kỳ có giá trị, đến nổi có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã reo lên: “Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Hoa Kỳ!”

Ngoài ra phần trung gian, liên lạc, truyền tin cũng thập phần nguy hiểm. Làm tình báo, lúc nào Tướng Ẩn cũng phải sống trong nguy hiểm và luôn sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất xảy ra. Tình báo hoạt động độc lập giữa lòng địch phải luôn lo lắng tự kiểm soát mọi hành vi của mình. Lúc nào cũng gay go.

Sức mạnh nào đã đem đến cho người tình báo sự chịu đựng? – Giá trị số một là tư tưởng, lý tưởng – lý tưởng vì một đất nước thống nhất, độc lập, tự do đã dìu dắt người tình báo ấy vượt qua mọi nghịch cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Phạm Xuân Ẩn Tên người như cuộc đời reviewsachonly (5)

Tưởng nhớ Thiếu Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn.

Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12/09/1927 tại Biên Hòa, mất ngày 20/09/2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.

Theo sách “Người im lặng” của nhà văn Chu Lai qua lời kể của vợ Phạm Xuân Ẩn thì tên thật của ông là Phạm Văn Thành, biệt danh khác là Hai Thành. Trong bản thành tích tóm tắt in ra công khai, ghi bí danh Trần Văn Trung, ngoài ra còn có biệt danh Hai Trung, X6.

Cuộc đời Phạm Xuân Ẩn dùng nhiều cái tên, sống nhiều thân phận, nhưng vẫn luôn giữ lòng trung với Tổ quốc Việt Nam, với hòa bình dân tộc.

Tướng Ẩn đã nói với nhà sử học Larry Berman trong lần gặp cuối cùng:

“Ước nguyện của tôi là như thế này: Chiến đấu cho tới lúc đất nước giành được độc lập rồi sau đó tái lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, lúc bấy giờ thì tôi đã có thể nhắm mắt xuôi tay thật mãn nguyện vào bất cứ lúc nào.”

Ước nguyện của Tướng Ẩn đã trở thành hiện thực. Nói cho cùng thì bài học quan trọng nhất của lịch sử rút ra từ chiến tranh là hạt giống cho hòa bình, công bằng, phát triển và thân thiện nảy mầm. Quá khứ là điều không thể thay đổi, nhưng tương lai là điều có thể kiến tạo.

Tự tận đáy lòng thành, cảm tạ những gì Người và đồng đội đã hy sinh cho hòa bình ngày hôm nay.

Mong hương hồn Người thanh thản.

Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị Tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn. Người sống mãi trong lòng hậu thế.