Vẫn là thể loại đồng thoại quen thuộc đã gắn liền với tên tuổi thiên tài kể chuyện người Chile, vẫn là nỗi uất nghẹn bị đánh đuổi và xâm lược của thổ dân da đỏ vùng rừng già Nam Mỹ, nhưng không còn những tình tiết nhẹ nhàng và dí dỏm nữa, “Chuyện con chó tên là Trung Thành” của Luis Sepúlveda là sự cực tả những xao động đầy hoang dã và mãnh liệt từ cơn đau thuộc địa hóa, đồng thời làm bật lên tình yêu thiên nhiên, lòng biết ơn cuộc sống và sự trân quý tình cảm trong truyền thống của dân tộc Mapuche.

Ảnh Nhã Nam Chuyện con chó tên là Trung Thành reviewsachonly
Ảnh: Nhã Nam

Trong thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, nhờ thương mại phát triển và công cuộc thực dân hóa mở rộng, Tây Ban Nha trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh hàng đầu châu Âu. Để hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên dồi dào ở thuộc địa, đế quốc đầu tiên được gọi là “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn” ấy, nói hoa mỹ là thám hiểm và chinh phục nhưng thực chất đã xâm lược nhiều vùng đất, song song với đó là giết chóc, bóc lột và xua đuổi người dân bản địa.

aaf1c777ab52adc5b233ee01fd4467c1.js”>

Vào những năm 40 của thế kỷ XVI, trong cuộc chinh phạt Peru, Tây Ban Nha đã xâm chiếm lãnh thổ người Mapuche – một nhóm cư dân bản địa miền trung nam Chile. Từ đó bắt đầu chiến tranh Arauco –  cuộc xung đột lẻ tẻ kéo dài gần 350 năm giữa thực dân Tây Ban Nha và người da đỏ Mapuche.

Dựa trên bối cảnh lịch sử đó, “Chuyện con chó tên là Trung Thành” đã được dựng nên và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người ta kể lại câu chuyện này trong những ngôi nhà truyền thống vùng Wallmapu, khi màn sương mù phương Nam đang phủ dần lên xứ sở của người Mapuche, những Con người của Đất.

Đọc thêm review tác phẩm của Luis Sepúlveda:

Ảnh Thế giới sách Chuyện con chó tên là Trung Thành reviewsachonly
Ảnh: Thế giới sách

Afmau – Trung thành và thủy chung!

“Chuyện con chó tên là Trung Thành” dài chưa tới 100 trang, được kể theo ngôi thứ nhất, đan xen giữa dòng tự sự và hồi ức của một chú chó tên là Afmau.

Trong những mảng ký ức rời rạc là câu chuyện về một chú chó vừa mới sinh ra đã vô tình bị đánh rơi, may mắn được báo đốm nhặt về, ủ ấm và cho ăn. Đến khi cún con cứng cỏi trên bốn chân của mình, báo đốm ngoạm chú đưa đến nơi ở của người Mapuche, vì chốn núi non hiểm trở quá khắc nghiệt để cho một chú chó con trưởng thành.

“Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được nawel, con báo đốm, đã tìm thấy nó ở đâu, chuyện gì đã xảy ra với mẹ nó, nhưng chúng ta biết rằng con chó nhỏ này đã thoát được cảnh chết đói và chết cóng trên núi. Con chó nhỏ đã chứng tỏ được lòng trung thành đối với monwen, sự sống, nó đã không nhường bước trước lời mời dễ dãi của lakonn, cái chết, và chính vì thế, nó sẽ được đặt tên là Afmau, nghĩa là trung thành, chung thuỷ trong ngôn ngữ của bộ tộc chúng ta.” – Tộc trưởng Wenchulaf.

Afmau lớn lên trong tình yêu thương của người dân da đỏ, là thành viên của bộ tộc, là anh em của Aukamañ – đứa cháu nhỏ của tộc trưởng.

Cho đến ngày bọn thực dân mang những thứ vũ khí chết chóc đến và ra lệnh cho người Mapuche rời bỏ làng mạc, nhà cửa, đất đai, khu rừng, dòng sông, con suối, ao hồ, hoa trái, bột mì, sữa và mật của mình. Tộc trưởng Wenchulaf đã khẳng khái đáp trả và bị bắn chết, ngôi làng bị đốt cháy, dân làng bị đuổi đi nơi khác. Đó là ngày Afmau đánh mất mọi thứ, bị bắt, bị xích lại, bắt đầu những tháng này đau đớn vì đòn roi, và phải trở thành chó săn cho bọn ngoại lai đó.

Tác phẩm bắt đầu bằng tình huống Afmau bị xua đi săn đuổi một người thổ dân da đỏ. Lần theo dấu vết, lần theo mùi của những gì đã mất, lần theo lòng trung thành, Afmau đã tìm thấy Aukamañ, tìm thấy người anh em của mình.

Chương cuối đẩy cao trào lên đỉnh điểm. Một màn đối đầu chính diện. Một vết đạn. Một sự nổ lực cuối cùng vì người anh em.

Ôi Afmau! Bao người vì cậu mà cay xè khóe mắt!

Ảnh Nhã Nam Chuyện con chó tên là Trung Thành reviewsachnet
Ảnh: Nhã Nam

Thiên nhiên, môi trường chính là số phận của loài người!

Sự khác biệt từ truyền thống văn hóa, tôn giáo, kinh tế, cộng thêm tinh thần chiến binh Mapuche đã khiến cả dân tộc này không dễ dàng khuất phục trước những cuộc chinh phạt của bọn thực dân. Cuộc chiến tranh Arauco kéo dài gần 350 năm là minh chứng cho tinh thần không khoan nhượng của người dân da đỏ.

Qua vài nét trần thuật của Afmau, sự đối lập giữa người Mapuche và bọn ngoại lai hiện ra rõ ràng. Đặc biệt là lòng đối đãi với thiên nhiên.

Người Mapuche sống hài hòa với thiên nhiên, và luôn trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng. Họ tin rằng thiên nhiên luôn vui mừng với sự có mặt của họ và tất cả những gì thiên nhiên mong muốn là có người gọi tên những món quà kỳ diệu của mình bằng những từ ngữ đẹp đẽ, đầy tình thương yêu. Vì vậy mà, người Mapuche làm vui tất cả bằng cách gọi tên vạn vật với lòng biết ơn, cơn mưa và ánh nắng, bầu trời và đám mây, những dòng sông con suối, những thác nước, những cánh rừng và con đường mòn, những đàn cá và chim muông… Họ sống trong gan dạ, trong niềm vui và tình yêu thiên nhiên bất tận.

Trái ngược với họ, bọn ngoại lai luôn đổ tội cho nhau, chúng nguyền rủa thời tiết, nguyền rủa những trận mưa, rặng tre, cánh rừng, bầu trời… Chúng chửi thề nhiều đến mức đấng tối cao phải nổi giận và khiến sấm gầm lên, tiếp sau một cơn dông mới. Chúng sống trong bực dọc và mệt mỏi, trong nỗi sợ hãi nên luôn phải phụ thuộc vào những con quái vật bằng kim loại.

“Chuyện con chó tên là Trung Thành” ngoài giá trị nhắc nhở lịch sử và giá trị gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc Mapuche, tác phẩm còn là tiếng chuông cảnh tỉnh đến loài người trong mối quan hệ với thiên nhiên.

Thực dân mang vũ khí đi xâm chiếm những vùng đất khác để làm bước đệm khai thác tài nguyên thiên nhiên, bọn chúng chỉ chăm chăm vào việc hưởng lợi mà không một chút nào quan tâm đến dân bản xứ và môi trường. Có lòng biết ơn và trân trọng thiên nhiên của người Mapuche làm nền, vấn đề đặt ra ở đây là, suốt bao năm qua những quốc gia phát triển và đang phát triển đã và đang đối xử như thế nào với thiên nhiên? Loài người đã và đang đối xử như thế nào với thiên nhiên? Nhân loại đã làm gì để tình hình cháy rừng đang diễn ra tại Amazon vào lúc này là 8 tháng với xấp xỉ 100.000 vụ cháy – một thảm họa tầm cỡ địa cầu, và một loạt hiện tượng bất thường của thiên nhiên như cá chết hàng loạt, băng tan ở Bắc Cực, mưa rơi trên đỉnh băng Greenland, hạn hán, lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều quốc gia…?

Làm ơn hãy nhớ rằng:

“Trái Đất không thuộc về con người, con người mới thuộc về Trái Đất. Tất cả mọi thứ đều kết nối như dòng máu cùng chảy trong huyết quản kết nối con người chúng ta với nhau. Con người không kiến tạo nên chiếc tổ sống này, con người chỉ là sợi tơ trong đó mà thôi. Điều gì con người làm với chiếc tổ này, cũng là đang ảnh hưởng tới chính bản thân.” – Tù trưởng Seattle (trích “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”).

Làm ơn hãy nhớ rằng: Thiên nhiên, môi trường chính là số phận của loài người!

Ảnh Nhã Nam Chuyện con chó tên là Trung Thành reviewsachnet reviewsachonly
Ảnh: Nhã Nam

Như một món nợ cũ của Luis Sepúlveda.

“Đối với bản thân tôi, cuốn sách này như một món nợ cũ. Từ trước tới nay, tôi vẫn luôn khẳng định rằng thiên hướng viết lách của bản thân phần lớn xuất phát từ việc tôi từng được ông bà mình kể cho nghe những truyện cổ ở một vùng xa xôi nơi miền Nam Chile, vùng mà người ta gọi là Araucanía hay Wallmapu, từ việc tôi có một ông trẻ, mang tên Ignacio Kallfukurá, là người Mapuche, ông thường kể chuyện cho lũ trẻ người Mapuche nghe, tối tối, bằng ngôn ngữ riêng của họ, mapudungun. Khi nghe những người Mapuche khác nói, tôi chẳng khác nào vịt nghe sấm, nhưng tôi lại hiểu những gì ông kể.

[…] Và tôi hiểu những gì ông kể bởi dù không được sinh ra trên mảnh đất Araucanía, ở vùng Wallmapu, thì tôi vẫn là người Mapuche. Tôi vẫn thuộc về dòng giống những Con người của Đất.”

Luis Sepúlveda tên đầy đủ là Luis Sepúlveda Calfucura, họ Sepúlveda của cha và họ Calfucura của mẹ. Mẹ ông là một y tá gốc Mapuche. Chính vì vậy mà, Luis Sepúlveda chảy trong mình dòng máu của người Mapuche.

Vào năm 2015, ở tuổi 66, gần đến cái độ tuổi hồi ấy của ông trẻ Ignacio Kallfukurá, Luis Sepúlveda đã thực hiện được nỗi mong mỏi đã ấp ủ bấy lâu nay, giống như một sự tiếp nối truyền thống của thế hệ trước, lại như trả một món nợ cũ, là kể một câu chuyện cho lũ trẻ Mapuche  – qua “Chuyện con chó tên là Trung Thành” – dành tặng các cháu yêu quý của ông, Daniel, Gabriel, Camila, Valentina, Aurora và Samuel; và dành tặng những người anh em dân tộc Mapuche – dân tộc của ông.

/

  • ShsNndKc” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/ShsNndKc
  • pHCsJmw3″ target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/pHCsJmw3