Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội như một vở tự truyện bi kịch sống động về chuyện “tình người duyên ma” của chính nhà thơ Nguyễn Bính

Nguyễn Bính nổi danh là nhà thơ của chân quê, tình quê, hồn quê Việt Nam. Nhắc đến Nguyễn Bính là nhắc đến những vần thơ mộc mạc, tình cảm. Nhưng bên cạnh thơ, Nguyễn Bính còn viết truyện. Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội là một trong những truyện ngắn hiếm hoi của ông, xuất bản năm 1940.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

… Còn gì đáng khóc cho bằng ở giữa kinh thành Hà Nội hoa lệ này, con gái đẹp nhiều như rươi, mà có hai thằng thi sĩ phải đi yêu một cái mả lạnh!…” – trích đoạn tiểu thuyết.

Viết vào thời điểm xã hội Việt Nam đang có nhiều chuyển biến về văn hóa, Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội bộc lộ những suy tư, thái độ của Nguyễn Bính trước những quan niệm tình yêu và lối sống đổi mới đương thời. Chuyện mở đầu vào một sáng chủ nhật, khi lỡ mua hoa nhưng chẳng tìm được cô gái nào xứng đáng để tặng, hai chàng thi sĩ Tuấn và Điệp nghĩ ra một trò chơi kì cục: mua hoa xuống nghĩa trang để xem có cô gái chết non nào thì đặt hoa lên mộ người đó – và họ tìm được ngôi mộ của Vương Thị Hoàng Lan, một cô gái chết non ở tuổi 17.

Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội - Nguyễn Bính

Cùng một trải nghiệm đau khổ trên tình trường khiến cho Tuấn và Điệp trở nên ghê sợ đàn bà, ghê sợ tình yêu. Trong mắt hai chàng, con gái tân thời cùng lắm cũng chỉ cảm nhận được cái đẹp của một chuỗi ngọc quý hay một chiếc áo đẹp. Tuấn và Điệp thấy những cô gái xung quanh ai cũng thực dụng, “chỉ biết cố công tô điểm cho vẻ bề ngoài của họ” hay “lấy những ông chồng làm quan” – “lòng họ thấp và nghèo vô cùng”, không xứng để nhận một bó hoa đẹp từ hai chàng.

Tuy ghê sợ đàn bà là vậy, nhưng Tuấn lẫn Điệp đều khao khát được yêu. Họ ao ước về một tình yêu trinh khiết, toàn vẹn. Trong những đêm hút thuốc phiện, ôm cô ả đào, hai chàng buồn vì “lòng mơ toàn những trinh nữ mà trong tay toàn phải ôm gái giang hồ”. Cũng vì khao khát tình yêu toàn vẹn ở người sống bất thành, hai chàng đành kí gửi tình yêu vào một cô gái đã chết là Hoàng Lan, đặt hoa lên mộ nàng. Nàng đã chết, nên nàng sẽ đẹp và cao khiết mãi mãi, cũng sẽ không bao giờ phụ bạc hai chàng. Kể từ yêu nàng, họ đã “sống thật hiền lành chăm chỉ để mà yêu”, bỏ đi thói xấu đi hút, đi đêm trước kia. Tuấn và Điệp lập cả hương án bài vị tại nhà, sắp xếp cả lịch viếng mộ nàng thật chu tất. Họ đã tưởng tượng Hoàng Lan như một trang nữ nhi trinh liệt để mà yêu…

Mâu thuẫn giữa tư tưởng nam quyền với xu hướng bình đẳng giới

Nhân vật Điệp chính là hóa thân của Nguyễn Bính với nhiều nét tương đồng về tính cách lẫn hình tượng: Nguyễn Bính từng lấy bút danh là Điệp Lang, thường tự nhận tiền thân của mình là bướm.

Nguyễn Bính, đồng thời là Điệp, đang sống giữa thời đại của một xã hội Việt Nam Âu hóa: chống lễ giáo, cải cách trang phục, thưởng thức văn chương, đòi hỏi tự do luyến ái, khai phóng tính dục, thực thi cái chết… Đó là những thay đổi quan thiết của quá trình hiện đại hóa, đồng thời cũng cho thấy những mặt trái của một xã hội chạy theo xu hướng: Những ả đào muốn làm tình nhân của thi sĩ để chạy theo “mốt”, một gái đĩ vẫn muốn làm bà chủ sa lông làm đẹp… Lời nói, vẻ ngoài màu mè sáo rỗng lại được coi trọng hơn cả tri thức, phẩm giá bên trong, kết hợp với những định kiến nam quyền vẫn sót lại từ thời phong kiến đã tạo nên một “góc điên” của xã hội giao thời, tạo nên những “kẻ điên” như Tuấn và Điệp.

Hai chàng thi sĩ là đại diện cho mâu thuẫn giữa định kiến nam quyền với xu hướng bình đẳng giới hiện đại: Những người đàn ông tự tin mình tân thời, chạy theo xu hướng tân thời (thuốc phiện, ả đào, cà phê,…) nhưng lại không hài lòng với những cô gái đòi hỏi tự do luyến ái, chạy theo mốt quần áo tân thời. Họ cho phép mình sống buông thả, hút thuốc phiện, tán tỉnh những cô Dung cô Đào mà lại yêu cầu người phụ nữ phải sống trinh khiết suốt đời. Họ đã đánh giá người phụ nữ tân thời “làm vẩn đục tình yêu” trên tiêu chuẩn của tư tưởng nam quyền xưa cũ. Tuấn và Điệp ao ước một thứ tình ái vẹn toàn, cao khiết nhưng chính họ cũng quá tầm thường để có được nó. Đó là bi kịch của tình yêu, của lí tưởng và của cả một xã hội giao thời.

Nhìn chung, Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội là một truyện ngắn đáng để bạn đọc thử. Với dung lượng chỉ 148 trang, một góc kinh thành Hà Nội vào những năm 40 trước cách mạng như sống lại qua những trang sách: lối sống tân thời với món chả cá, li cà phê, vài chén rượu tâm giao giữa các thi nhân, những thú vui khi đi nghe hát, hút thuốc phiện, ả đào,… Đặc biệt là chuyện “tình người duyên ma” với cái kết hết sức éo le, bất ngờ.