Nắp biển, cuốn tiểu thuyết được Banana Yoshimoto viết vào năm 2004 đẹp như một bức tranh thủy mặc: đượm buồn, lời ít mà ý nhiều. Tác giả vẫn luôn hướng ngòi bút đến những người phụ nữ mang thân phận bé mọn trong xã hội Nhật Bản, nhưng văn chương cô đã trở nên cô đọng, súc tích và nhất là mỗi lúc lại càng gần gụi, thấm thía hơn.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

“[…] Ai là người cuối cùng bước lên từ biển

trên bãi biển một ngày hạ tàn

Người cuối cùng ấy đã trở về nhà

mà không đóng nắp biển

Vì vậy mà

biển cứ mãi mở toang”

Ca từ bài hát Nắp biển của Hara Masumi, như gợi lên cảm hứng, mở ra không gian tác phẩm cùng tên của nhà văn Banana Yoshimoto. Một tác phẩm chỉ hơn 100 trang nhưng ẩn chứa ở đó là bao nỗi niềm thầm kín về các kiếp người, tìm về lòng biển như tìm đến sự bao bọc, chở che, yêu thương, xoa dịu những đau thương tới từ dòng nước. Nhưng sau bao lầm lũi để thoát khỏi thương đau, họ có thể khép lại vết thương quá khứ hay như chiếc nắp biển còn mở? Điều này, chính bản thân Banana Yoshimoto vẫn để ngỏ, để nhân vật của cô và cả độc giả, tự lựa chọn cho mình một cái kết, một lối đi riêng tới tương lai.

Xem thêm:

Kitchen: Nơi tái sinh những yêu thương & hạnh phúc

Amrita: Nước thánh cho tâm hồn

Nắp biển

Nắp biển – một tiểu thuyết không có cốt truyện

Thật vậy, như bao sáng tác của Banana Yoshimoto, và cũng như nhiều tác phẩm khác nằm chung trong dòng chảy văn học Nhật Bản thời hiện đại; Umi no futa – Nắp biển là một cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, hay có thể nói là mang cốt truyện hết sức đơn giản:

Mari, bôn ba khắp nơi, cuối cùng trở về quê nhà mở một quán đá bào nhỏ.

Hajime, suy nhược nặng, đại gia đình rạn vỡ sau cái chết của người bà, đã được cha mẹ gửi gắm đến gia đình bạn thân của người mẹ, cũng là mẹ của Mari, vào mùa hè cùng năm Mari mở quán.

Hai cô gái, mang hai tâm hồn vụn vỡ đau thương, đã ở bên nhau trong suốt mùa hè, giữa lòng một thị trấn miền biển đang dần lụi tàn.

Nội dung nhẹ nhàng, cốt truyện đơn giản, tình tiết giản dị được viết bằng lối văn trần thuật của một tâm hồn nữ rất đỗi dịu dàng, làm nên bề nôi tiểu thuyết Nắp biển trong trẻo như mặt nước biển ngày lặng gió, sóng xô nhẹ và ít xáo động.

Nhưng biển cả vốn có bao giờ là thật sự tĩnh lặng? Ẩn sâu trong sự tĩnh lặng, vẫn luôn là muôn vàn đợt sóng ngầm cuộn trào báo hiệu bão giông sẽ đến. Cũng như những gì Banana Yoshimoto thể hiện ở trong tác phẩm đẹp như một bức tranh thủy mặc vẽ mặt biển đầy yên bình của mình. Câu chuyện tưởng chừng không có cốt truyện, chỉ là những mảng vụn, mảng cắt nhỏ nhặt của cuộc sống về những cô gái, những kiếp người lặng tìm cách chữa lành vết thương quá khứ. Vậy mà ẩn sâu trong đó là hàng loạt mâu thuẫn giằng xé, cùng khắc khoải nhân sinh trước bao đổi thay thời cuộc.

Nhật Bản bước ra từ Thế chiến thứ Hai với tư cách là nước thua trận, trải qua những đợt phát triển kinh tế nhảy vọt đưa nước Nhật trở thành vị trí một siêu cường kinh tế – tài chính thế giới. Sau giai đoạn phát triển nhảy vọt là những năm tháng thoái trào để rồi lại bước vào thời kỳ kinh tế bong bóng cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tất cả, đã làm nên một nước Nhật với nhiều vụn vỡ, đau thương cùng những hoài nghi trong lòng người.

Vùng biển Mari trở về, như chính hình ảnh thu nhỏ của Nhật Bản thời hiện đại: sau năm tháng phát triển, nay đang dần lụi tàn, bao kỉ niệm xưa cũ, bao giá trị tốt đẹp, nay chỉ còn là ký ức người ở lại. Khoa học kỹ thuật xâm nhập vào từng ngõ ngách, vẻ đẹp tự nhiên đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ. Con người đứng giữa xung đột thực tại – quá khứ, truyền thống – hiện đại trở lên chênh vênh hơn bao giờ hết. Vừa không thể tránh khỏi vòng xoáy của thời cuộc, song vẫn chẳng ngừng hoài niệm, nuối tiếc. Bản thân Mari, trở về quê hương, mở một quán đá bào nhỏ và chỉ trung thành với những vị đá bào truyền thống, thanh đạm, chính như một cách cô gái ấy, gắng níu giữ phần nào tươi đẹp của tuổi thơ, cũng là níu kéo chút gì là hoài niệm trước dòng xoáy thời gian, thời cuộc.

Những biến động thời cuộc kéo theo rạn nứt ở cấp nhỏ nhất của xã hội – gia đình trong cấu trúc tứ đại đồng đường. Mà đại gia đình Hajime chính là đại diện cho sự rạn vỡ đó. Sau cái chết của người bà, gia tài bà để lại đứng trước sự xâu xé của con cháu. Vì tiền mà tình thân trở lên rẻ rúng. Vì tiền mà người ta sẵn sàng quay lưng với người thân, máu mủ. Giá trị tình thân trở lên bèo bọt biết bao trước toan tính, lòng tham của con người. Và một cô bé Hajime, vốn đã yếu đuối, được nuôi dạy bởi người cha, người mẹ trọng tình thân, không màng của cải, đứng trước những xấu xa, ti tiện của lòng người, yêu thương, lòng tin cô bé như rạn vỡ.

Tuy nhiên, trước bao khổ đau, bao nghiệt ngã, và không thể phủ nhận, như nhiều sáng tác của chính Banana Yoshimoto, cái chết cứ mãi quẩn quanh, trở đi trở lại trong Nắp biển; thì đến cuối cùng, đây vẫn là câu chuyện của tương lai, niềm tin, hi vọng. Mùa hè qua đi, Hajime trở về bên gia đình, mang theo kỉ niệm lẫn kỉ vật của Mari. Không thể nói vết thương đã chữa lành nhưng con người, vẫn phải sống tiếp và tiến bước. Biển chứa nhiều đợt sóng ngầm, đứng trước biển con người như bị ngợp bởi sóng, nước, trời cao. Nhưng biển cũng bao dung, ôn hòa vô cùng với dòng nước như lòng mẹ, ôm trọn lấy những thương tổn ta mang. Nắp biển, một câu chuyện không có cốt truyện, bởi thế, cái kết cũng mang tính mở, như chiếc nắp biển mà người cuối cùng đã quên đóng lại. Đau thương có lẽ chẳng thể chữa lành, song con người, đủ mạnh mẽ đối mặt với quá khứ, với thương tổn mà tiến về tương lai, âu cũng chẳng phải là một “happy ending” sao?

Nắp biển của Banana Yoshimoto

Banana Yoshimoto: Nữ tác giả tiên phong của văn học Nhật Bản hiện đại

Nắp biển và cuộc khủng hoảng căn cước của con người Nhật Bản đầu thế kỷ XXI

Từ lâu, nhắc đến văn chương Nhật Bản, người ta thường nhắc tới bốn chữ “khủng hoảng căn cước.” Cuộc khủng hoảng cội rễ, căn tính của những con người trong một quốc gia, một xứ sở; nó diễn ra ở chính nội tâm mỗi cá nhân, “thiếu quê hương” (chữ dùng của Nguyễn Tuân), thiếu luôn một cái tôi, hoài nghi về cuộc sống, về con người và về chính mình.

Khùng hoảng căn cước, xuất phát khi một quốc gia bước ra sau chiến tranh, phải gánh chịu các vết thương chiến trận mà thời gian có qua cũng chẳng thể xóa mờ. Và nó còn xảy đến, khi một đất nước, phải gánh chịu những tổn thất nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế lẫn dòng xoáy của sự phát triển khoa học kỹ thuật. Xung đột trong lòng xã hội, làm nên sự hoài nghi của lòng người cùng những cô đơn, vụn vỡ, mông lung, bất định trong tâm thức con người.

Nắp biển, ra đời vào năm 2004 không nằm ngoài dòng chảy chung đó của văn học Nhật Bản hiện đại. Ở cuốn sách này, có đủ đầy bóng hình con người nước Nhật, dẫu tiếng súng đã lùi xa song thương tổn cuộc chiến mang tới vẫn luôn hiện hữu, đã trở thành vết sẹo, đóng vảy gây nhức nhối tâm can. Như hình ảnh người bạn trai của Hajime, sẵn sàng bỏ lại công việc ở trường luyện thi để đi tình nguyện “dạy tiếng Anh cho trẻ em không được đến do hoàn cảnh khó khăn như chiến tranh, đói nghèo ở nước ngoài.”

Văn chương của Banana Yoshimoto, nhắc nhiều đến cái chết, và đồng thời, văn chương của cô cũng nhắc nhiều tới cõi mơ. Đặt nhân vật của mình vào chênh vênh hai bở hư – thực, sinh – tử, Banana Yoshimoto đã khắc họa đầy rõ nét khủng hoảng cội rễ mà mỗi cá nhân, con người đang mang. Khủng hoảng của một cô gái sống giữa quê hương mà lại như thiếu quê hương bởi những đổi thay trên mảnh đất ký ức cô níu giữ. Khủng hoảng của một gái có nhà mà không thể về bởi những ti tiện, ích kỉ, hẹp hòi của lòng người.

Hai trái tim, hai con người, đã từng hoài nghi, dè dặt với nhau. “Mẹ càng nhắc tôi càng thấy phiền toái, đang lúc bận rộn thế này còn bắt mình quan tâm tới một người xa lạ chẳng thân chẳng thích cho đến hết hè, mẹ không đùa đấy chứ – tôi nhủ thầm trong bụng”. Mà rồi hai trái tim đó lại tìm đến nhau, xoa dịu vết thương lòng nhau vào những đêm nghẹn ngào nước mắt. Họ tìm đến nhau, bởi cá nhân họ, đều mang nặng mất mát, đau thương. Cách họ thân nhau, chính là tiếng gọi đồng cảm từ những tâm hồn chở nhiều thương tổn, vụn vỡ. Họ cần đến nhau, nương tựa vào nhau để khẳng định cái tôi, khẳng định bản thân vẫn đang sống, đang tồn tại và tồn tại có một giá trị, chỗ đứng trong lòng người khác. Thật sự, sự tồn tại của con người, chỉ có ý nghĩa khi người đó là một phần trái tim, ký ức của ai đó. Và, đấy mới thực sự là sống và được sống.

Cuộc khủng hoảng căn cước khiến người ta hoài nghi tất cả. Nhưng chính trong cuộc khủng hoảng tới từ đáy sâu cội rễ đó, mà người ta tìm được nhau, tìm được chân tình giữa muôn vàn cay đắng, nghiệt ngã.

Đã có một Banana Yoshimoto bình dị như thế ở Umi no futa – Nắp biển

Nếu đã đọc Banana Yoshimoto từ Kitchen, Amrita, N.P, Vĩnh biệt Tsugumi…, hẳn độc giả sẽ dễ thấy, Nắp biển có lẽ là cuốn truyện có dung lượng ngắn nhất tính đến thời điểm hiện tại của cô. Không chỉ vậy, đây có lẽ cũng là cuốn… dễ đọc nhất, bởi một thứ văn phong dung dị, trong sáng, thuần khiết, không đan xen quá nhiều cõi mơ, cõi vô thức của con người như nhiều sáng tác khác.

Nắp biển và các tác phẩm khác của Banana Yoshimoto

Nhưng chính sự trong trẻo đó mang cho Nắp biển một phong vị riêng, như làn gió biển tươi mát thổi tới tâm hồn, trái tim người đọc. Các kiếp người trên trang văn Banana Yoshimoto, vẫn là hình ảnh những người phụ nữ, mang thân phận bé mọn, với những vụn vỡ hết sức đời thường. Bóng hình căn bếp, trở đi trở lại xuyên suốt trên văn nghiệp Banana Yoshimoto, như sợi chỉ đỏ kéo dài tới Nắp biển, qua hình ảnh quán đá bào của Mari.

Thực, đã có một Banana Yoshimoto vừa quen, vừa lạ như thế ở Nắp biển. Nhưng, vẫn là một Banana Yoshimoto với tâm hồn nữ đầy quyến rũ trong những miêu tả dung dị về cuộc sống đời thường của người phụ nữ Nhật Bản hiện đại. Nắp biển, còn để ngỏ chưa khép, như chính cuộc đời nhân vật vẫn còn tiếp diễn. Tiếp diễn cuộc sống trên trang văn, và trong lòng độc giả yêu văn chương, yêu cái đẹp.

Mọt Mọt