Cửa hiệu tự sát được viết bởi nhà văn người Pháp Jean Teulé. Tác phẩm này từng được chuyển thể thành phim hoạt hình của Pháp mang tên “The Suicide shop” được phát hành vào năm 2013.
Cửa hiệu tự sát kể về một thế giới không có thực, ở đó cuộc sống trở nên phi lý, con người có quyền được lựa chọn cái chết. Tại nơi đó có một cửa hiệu mang tên “Cửa hiệu tự sát”- nơi bán tất cả những vật dụng giúp con người có thể tự kết thúc cuộc sống của mình. Xã hội loài người phải làm thế nào để có thể mang lại ý nghĩ tồn tại? Là tình yêu? Cái gì là Ánh sáng của nguồn sống cho thế giới của họ?
4b28faa1e27c802e4bfc88f47f48f4ab
Một thế giới giả tưởng đầy tăm tối và chết chóc
Là một cuốn sách thuộc thể loại “Phản địa đàng” (Dystopia) – thể loại sách viết về một thế giới được xây dựng từ nền tảng là thế giới mà con người hiện nay đang sống. Tuy nhiên Cửa hiệu tự sát lại là một thế giới đen tối hơn rất nhiều, đó có thể là một thế giới được gây dựng nên sau khi thế giới bị hủy diệt, hậu tận thế, hoặc một chính phủ bị lật đổ. Tuy nhiên, đây cũng là một thể loại sách rất nhân văn. Viết về cái chết để ca ngợi hạnh phúc được sống, là một cách thức để châm biếm và đả kích vào những mặt trái đang tồn tại trong xã hội loài người mà vô tình bị lãng quên hoặc buộc phải chấp nhận.
Phản địa đàng là một thể loại sách khá khó đọc vì nó thường rất đen tối, khiến người đọc dễ rơi vào cảm giác nặng nề và đọng lại nhiều suy ngẫm. Nếu muốn thử trải nghiệm một thể loại sách mới, nếu muốn mở rộng cảm quan đọc của bạn thì Cửa hiệu tự sát là một khởi đầu hợp lý vì sự nhẹ nhàng tương đối của nó. Cửa hiệu tự sát hoàn toàn không phải là một tác phẩm kinh dị như cái tên mà nó gợi ra và nó cũng là một cuốn sách đỡ đen tối hơn rất nhiều so với các tác phẩm cùng thể loại.
Giữa một xã hội mà cái chết được coi là khởi đầu cho mọi hy vọng, việc tự sát hoàn toàn được công nhận, người ta luôn nghĩ đến cái chết đầu tiên khi gặp bất cứ một nỗi buồn hay sự cố nhỏ nào trong cuộc sống. Cửa hiệu tự sát đề cập đến cái chết một cách tự nhiên như con người chúng ta thường nói về sự sống, thế giới được miêu tả bản chất là đen tối nhưng lại được kể một cách hài hước- một kiểu hài hước lấy ra từ những vấn đề chẳng hài hước chút nào- Đó là cách kể chuyện thường thấy của những bộ phim thuộc thể loại “Hài kịch đen” (Black comedy).
Thực trạng của xã hội – “Trào lưu” tự sát
Cuốn sách miêu tả rất ít ỏi về thế giới bên ngoài, tất cả những sự việc xảy ra chỉ gói gọn trong không gian của Cửa hiệu- Nơi sinh sống và buôn bán những vật dụng để giúp con người ta tự sát – của gia đình Tuvache gồm một cặp vợ chồng và ba người con lần lượt tên là Vincent, Marilyn và cậu con trai út khác biệt Alan.
Những vị khách của Cửa hiệu tự sát, họ để những áp lực, sự buồn chán và nỗi cô đơn đeo bám vào cuộc đời mình khiến bản thân họ tàn tạ, thảm hại tới mức chính họ cũng phải cảm thấy nực cười và ghê tởm. Không cần những viên kẹo độc, không cần những lưỡi dao cạo sắc bén hay sợi dây thừng thắt cổ. Chỉ cần đưa cho những vị khách một chiếc mặt nạ bằng nhựa màu trắng phi nhân cách, trên mũi chiếc mặt nạ gắn một cái gương vậy là đủ để họ cười sặc sụa, thấy ghê tởm mà dẫn đến một cơn đột quỵ.
Câu chuyện mà Cửa hiệu tự sát mang đến không phải là thực trạng của một thế giới tưởng tượng. Tự sát là một tình trạng đáng báo động có thực của xã hội con người. Xã hội càng phát triển, con người càng dễ bị cô lập, trầm cảm và tìm đến cái chết.
Điều gì khiến một con người được tạo hóa ban cho sự sống, nhưng lại sợ cảm giác được sống? Con người thường bận tâm về những điều người khác nói về mình, thay vì tự yêu thương và chăm sóc, trân trọng những điều bản thân đang sở hữu.
Marilyn – con gái của cặp vợ chồng chủ Cửa hàng tự sát là “ người thiếu nữ đẹp nhất khu phố! Không một cô gái trẻ nào trong khu phố Những Tôn Giáo Bị Lãng Quên có thể bằng cái mắt cá chân của cô (Vì cô vô cùng xinh đẹp)”. Tuy nhiên suốt nhiều năm, Marilyn luôn tự ti về bản thân, đó là bởi bố mẹ của cô luôn nói rằng cô thật xấu xí và vô dụng. Nếu con người được nghe quá nhiều về cùng một điều, họ sẽ tin điều đó là đúng. Marilyn cũng vậy. Còn anh trai của Marilyn – Vincent, đó là một cậu bé thông minh và có vô vàn những ý tưởng. Nhưng tài năng ấy lại luôn bị định hướng xuôi theo những góc nhìn tiêu cực và thậm tệ nhất. Bởi vậy, con người không trở nên bất hạnh vì xấu xí và ngu dốt. Cuộc sống là thiên đàng hay địa ngục tùy vào góc nhìn của mỗi con người.
Sự cứu rỗi xuất hiện
Thế giới của Cửa hiệu tự sát là một thế giới đen tối và dường như hoàn toàn không còn hy vọng. Sự ra đời của cậu bé Alan – Con trai út của cặp vợ chồng chủ Cửa hiệu tự sát giống như sự cứu rỗi mà Thượng đế đã ban tặng đến một nơi tăm tối như vậy. Cậu bé khác tất cả những người trong gia đình, khác tất cả những người khách mỗi ngày đến cửa hiệu. Cậu luôn vui tươi, lạc quan và hạnh phúc. Cậu bé làm mòn những lưỡi dao cạo, làm đứt những sợi dây thừng để thắt cổ, loại bỏ những viên kẹo độc trong lọ… và nói những điều lạc quan nhất đến với những khách hàng của gia đình – Alan làm trái tất cả những thông điệp kinh doanh của gia đình.
Alan là hiện thân cho tâm hồn thánh thiện và luôn tràn đầy lạc quan của một đứa trẻ hạnh phúc. Thế giới của Cửa hiệu tự sát là một thế giới dễ liên hệ đến thế giới của những người lớn, một thế giới mà con người giành phần nhiều thời gian của mình để làm việc và áp lực từ chính thứ công việc đó. Họ không biết cách để kết nối với người khác và luôn cảm thấy bản thân thật cô đơn, ngu dốt và nhạt nhòa. Bởi vì họ quá bận tâm tới việc làm hài lòng tất cả mọi người thay vì quan tâm tới cảm nhận của bản thân mình. Alan đã nói với một cô gái trẻ muốn được tìm đến cái chết vì “những người đồng nghiệp cho rằng cô là một người ngu ngốc” rằng: “Đó là vì cô thiếu tự tin. Vì thế cô trở nên long ngóng, nói những điều sai thời điểm. Nhưng nếu cô biết chấp nhận hình ảnh của chính mình trong chiếc mặt nạ này và yêu thương hình ảnh đó…”, “Trước tiên cô hãy kết bạn với cô gái ấy và những người khác sẽ làm theo như vậy”.
Không có một cuộc sống hoàn hảo, cũng không bao giờ có được những con người hoàn hảo. Hãy luôn giữ một thái độ tích cực trước những điều bản thân còn thiếu sót và học cách tha thứ cho chính mình, đó cũng là bước đầu để nhìn cuộc sống và những người khác một cách tích cực nhất. “Cuộc đời là như thế. Nó đáng giá của nó. Nó làm những gì có thể, nó cũng có những sai lầm. Không nên đòi hỏi quá nhiều ở cuộc đời. Đến mức phải tự sát.”
Một cuốn truyện rất ngắn với một cái kết dài và khó lý giải
Cửa hiệu tự sát chỉ dài vỏn vẹn 188 trang giấy. Tuy nhiên lại đề cập được một thực trạng rất lớn và được toàn xã hội quan tâm – Vấn nạn của việc tự sát ngày càng gia tăng, con người coi thường cơ hội được sinh ra và tồn tại. Viết về một xã hội tối tăm nhưng không sử dụng những câu từ nặng nề, đáng sợ hay lớn lao. Thông điệp thật sự được ẩn chứa đằng sau những tiếng cười hài hước.
Và một tác phẩm ngắn hoàn toàn không chứng tỏ rằng nó hời hợt, phần lớn tên các nhân vật, từ chính tới phụ rồi tới các địa danh trong truyện đều là những tìm hiểu tỉ mỉ của tác giả Jean Teulé, đằng sau mỗi cái tên ấy là một câu chuyện về những người nổi tiếng đã lựa chọn tự sát để kết thúc cuộc đời mình.
Cửa hiệu tự sát cũng có một kết thúc khá khó hiểu và mang đến nhiều suy ngẫm. Nhất định sẽ có những độc giả cảm thấy, cảm xúc của mình trước đấy giống như bị phản bội.
Điều gì ẩn sau cái kết ám ảnh và khó hiểu đó? Cuối cùng sau tất cả, Là tươi sáng hay tăm tối? Là nụ cười hay nước mắt?
: